Trong vụ này, ông Tiễn Minh Kỳ và một người nữa đã thiệt mạng. Một số người khác bị thương. Khu công sở, nơi có viện kiểm sát và văn phòng kiểm tra vệ sinh thực phẩm, đã bị hư hại. Vụ việc được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Vi Bác của Trung Quốc và làm dấy lên nhiều xúc động.
Trước khi ra tay hành động, trên mạng Vi Bác, ông Tiễn Minh Kỳ đã giải thích lý do : Ông muốn tố cáo cựu chủ tịch huyện Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây, đã biển thủ một phần tiền đền bù cho những người bị tịch thu nhà cửa và đất đai, trong đó có gia đình ông.
Mặc dù đưa ra nhiều bằng chứng về hành động tham nhũng của các quan chức chính quyền, nhưng các đơn kiện của ông vẫn bị tư pháp không thụ lý. Sau 10 năm trời khiếu kiện, ông Tiễn Minh Kỳ muốn thực hiện « một hành động cụ thể để trả lại công lý cho người dân và trừ khử cái xấu ».
Theo báo Le Monde, từ thứ năm tuần trước đến nay, hơn 2,3 triệu người dùng mạng Vi Bác đã có ý kiến về sự kiện này. Một số người tỏ lòng thán phục ông Tiễn Minh Kỳ : « 10 năm bất công được giải quyết trong một ngày » hay ca ngợi ông là người hùng, bày tỏ sự tức giận đối với tầng lớp quan chức tham nhũng.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng nói đến tình trạng bạo lực gia tăng trong một xã hội không có công lý : Tòa án thì từ chối thụ lý đơn kiện, những người dân kêu oan mang đơn khiếu kiện đi gõ cửa khắp nơi trong nhiều năm trời, mọi việc không hề được giải quyết mà dân oan còn bị trù dập nhiều hơn. Tất cả những vụ việc này càng đẩy xã hội vào vòng xoáy bạo lực.
Theo giới quan sát, trường hợp chủ sở hữu nhà đất bị chính quyền cưỡng bức trưng dụng, đã phản đối bằng cách tự thiêu thường xuyên diễn ra tại Trung Quốc. Các hành động trả thù cũng xẩy ra. Năm 2008, một thanh niên bị công an ngược đãi, đã xông thẳng vào trụ sở công an thành phố Thượng Hải và giết 6 quan chức. Cách nay hai tuần, một nhân viên hợp tác xã nông nghiệp, để trả thù việc bị sa thải, đã đặt bom ngay tại nơi làm việc cũ của mình. Chính quyền Trung Quốc thường ngăn chặn những thông tin này và không bao giờ công bố lý do của các vụ tự tử, hay phạm tội do tuyệt vọng.
Thế nhưng, trong trường hợp ông Tiễn Minh Kỳ, chính quyền không kịp xóa hoặc phong tỏa các thông tin liên quan. Cư dân mạng đã cho phổ biến trên internet 364 bức thư của ông, trong vòng một năm lại đây, viết về những vụ khiếu kiện và tâm trạng của ông. Sự việc quá rõ ràng đến mức một nhà xã hội học có uy tín tại Trung Quốc đã nói thẳng là để bảo vệ quyền của nhân dân, phải áp dụng nguyên tắc công bằng và một nền công lý thực sự thì mới hạn chế được quyền lực. Và cần tiến hành một cuộc cải cách chính trị.
Những vấn đề xã hội nóng bỏng này dường như gây tranh luận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào đúng ngày xẩy ra vụ nổ ở Phúc Châu, Giang Tây, Nhân dân nhật báo có bài xã luận về « những tiếng nói bị nhấn chìm » trong xã hội, ủng hộ quyền ngôn luận, kêu gọi « cứu vớt » những tầng lớp người dân cảm thấy bị bỏ rơi, không được lắng nghe và không có cách nào để bày tỏ những nguyện vọng của mình.
Đây là bài xã luận thứ năm trong vòng chưa đầy một tháng, có cách tiếp cận vấn đề thông thoáng và tiến bộ hơn về điệp khúc mà Bắc Kinh vẫn rao giảng : « Bảo vệ ổn định xã hội ». Trong những tháng vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã viện cớ này để thẳng tay trấn áp mọi đòi hỏi của người dân và hậu quả là càng làm trầm trọng thêm tâm trạng bất bình, cùng quẫn và tuyệt vọng trong xã hội.
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét