Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-05-02
IPA đã ra thông cáo báo chí yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho ông Bùi Chát.
Nhà xuất bản tự do Bùi Chát đi nhận giải thưởng Tự do Xuất bản do Hiệp hội Các nhà Xuất bản Quốc tế trao ở thủ đô Buenos Aires trở về Việt Nam hôm ngày 30 tháng 4 và bị cơ quan chức năng tại thành phố HCM kiểm tra ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, đưa về khám xét nhà và bắt đi với mục đích được nói để đìều tra.
Khi nhận được tin đó, vào ngày 1 tháng 5, IPA đã ra thông cáo báo chí yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho ông Bùi Chát.
Gia Minh hỏi chuyện ông Alexis Krikorian, giám đốc Tự do Xuất bản của IPA về những thông tin liên quan.
Tình huống tệ hại nhất
Gia Minh: Cám ơn ông đã dành cho Đài ACTD cuộc phỏng vấn này. Truớc hết xin hỏi IPA có ngạc nhiên khi nhận được tin người vừa nhận giải trở về và bị khám xét, tịch thu bằng của giải, và bị bắt giữ?
Ông Alexis Krikorian: Thực sự đây là một tình huống tệ hại nhất. Chúng tôi đã trao giải Tự do Xuất bản nhiều năm nay rồi, nhưng nay là lần đầu tiên một chính quyền sở tại cho bắt giữ người được trao giải khi trở về lại đất nước của người ấy.
Vì vậy ở một mức độ nào đó, chúng tôi thấy ngạc nhiên. Tuy nhiên không thể nói chúng tôi không hình dung ra một tình huống xấu nhất.
Gia Minh: IPA đã ra thông cáo báo chí kêu gọi trả tự do cho ông Bùi Chát? Ngoài việc đó ra IPA sẽ tiếp tục làm những gì nữa?
Chúng tôi đã trao giải Tự do Xuất bản nhiều năm nay rồi, nhưng nay là lần đầu tiên một chính quyền sở tại cho bắt giữ người được trao giải.
Ô. Alexis Kirkokian
Ông Alexis Krikorian: Chúng tôi cũng tiếp xúc với những nơi liên hệ với IPA tại tất các các quốc gia cũng như lục điạ; không chỉ ,ví dụ những nhân vật ở Argentina nơi mà giải thưởng Tự do Xuất bản năm nay được trao, chúng tôi còn tiếp xúc với các chính phủ, đơn cử chính phủ Na Uy nơi có chủ tịch Ủy ban Xuất bản Tự do, Thuỵ Sĩ là đất nước có Ban thư ký Hiệp hội Các nhà Xuất bản, rồi Liên đoàn Các nhà Xuất bản Quốc gia Châu á mà chúng tôi có thành viên tại các nước ASEAN.
Như thế có thể nói chúng tôi có nhiều kênh để tập trung vào kêu gọi trả tự do cho ông Bùi Chát càng sớm càng tốt.
Tôi xin lặp lại là ông Bùi Chát không làm gì sai trái cả. Ông ta được trao giải thưởng của một tổ chức phi chính phủ quốc tế. Nhiều người đã được trao giải này trước ông Bùi Chát, những người đó sống tại những quốc gia như Zimbabuê, Iran… Và tất cả họ, tôi nhấn mạnh là tất cả những người đó, khi trở về quê nhà sau khi nhận được giải thưởng Tự do Xuất bản không hề bị bắt bớ.
Trường hợp ông Bùi Chát là trường hợp đầu tiên. Chúng tôi lấy làm tiếc đó là trường hợp thứ nhất. Chúng tôi lên án việc bắt giữ đó như đã nêu trong thông cáo báo chí của chúng tôi.
Gia Minh: Còn chính phủ Việt Nam thì sao? IPA có kế hoạch tiếp xúc với cơ quan chức năng Việt Nam thế nào để kêu gọi trả tự do cho ông Bùi Chát?
Ông Alexis Krikorian: Chúng tôi chưa tiếp xúc với họ, nhưng đó là một trong những giải pháp mà hôm nay chúng tôi sẽ bàn tới.
Gia Minh: Việt Nam lâu nay vẫn khăng khăng cho rằng họ có luật và những ai vi phạm luật đều phải bị xét xử, trừng phạt, vậy IPA sẽ lập luận thế nào với phía Việt Nam khi được giải thích như thế?
Ông Alexis Krikorian: Vâng, đơn cử như khối ASEAN có hiến chương nhân quyền theo đó có những nguyên tắc cổ xúy và bảo vệ các quyền con người, và những quyền tự do căn bản. Chúng tôi tin tưởng rằng Nhà xuất bản của Bùi Chát được những quyền tự do căn bản, và một trong những quyền đó là xuất bản sách. Theo chúng tôi việc giam giữ ông ta mà cho đến nay chưa có lý do nào cả, là vi phạm những quyền căn bản đó.
Ủy hội nhân quyền của khối ASEAN họp một ngày sau khi diễn ra lễ trao giải Tự do Xuất bản năm nay. Mục tiêu của cuộc họp nhằm thảo luận biện pháp thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ tại các quốc gia Đông Nam Á, mà Việt Nam là một thành viên. Việc bắt giữ ông Bùi Chát đi ngược lại tinh thần đó.
Gia Minh: Còn các tổ chức quốc tế về nhân quyền khác thế nào?
Ông Alexis Kirkorian: Dĩ nhiên, chúng tôi ở tại Geneva, đó là nơi có nhiều ủy ban của Liên Hiệp Quốc, nên chúng tôi sẽ liên lạc với văn phòng của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, với báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do bày tỏ ý kiến, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đó dĩ nhiên cũng là một kênh khác.
Phong trào tư duy độc lập
Gia Minh: Qua việc ông Bùi Chát bị bắt giam, ông có thấy một yếu tố tích cực nào không?
Ông Alexis Kirkokian: Ngoài việc đưa ra ánh sáng công luận vấn đề quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do xuất bản tại Việt Nam như thế nào, không còn có yếu tố tích cực nào khác.
Chúng ta đang nói đến một nhà xuất bản trẻ, một người trẻ bị giam giữ, một người bị chủ nhà đuổi đi mà tin cho hay chủ nhà cho ông Bùi Chát thuê bị áp lực của an ninh điạ phương buộc phải trục xuất ông Bùi Chát và một người cùng thuê nhà, đồng thời cùng là đồng sáng lập ra Nhà Xuất bản Giấy Vụn. Những diễn biến như thế không có gì tích cực cả.
Gia Minh: Sau khi gặp trực tiếp ông Bùi Chát tại Buenos Aires, ông nhận định thế nào về ông đó?
Ông Bùi Chát đã giúp hình thành nên một phong trào tư duy độc lập, tự do sáng tác, tự do xuất bản ở Việt Nam.
Ô. Alexis Kirkokian
Ông Alexis Krikorian: Chàng thanh niên Bùi Chát thật ‘nhút nhát’, nhưng khi tiếp xúc tôi thấy rất dễ chịu. Đó là một người tốt. Chúng tôi có khó khăn trong giao tiếp với nhau vì bất đồng ngôn ngữ. Vì thế tôi không thể nói gì hơn về ông Bùi Chát ngoài việc thấy ông ta là một người tử tế. Và cá nhân tôi cảm thấy hết sức tiếc vì nay ông ta đang bị giam cầm.
Khi chọn ông Bùi Chát để trao giải Tự do Xuất bản năm nay, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến lòng can đảm của một người trẻ tuổi trong những điều kiện khó khăn như ở Việt Nam. Ông ta thật giỏi trong giới xuất bản. Đó là điểm mà chúng tôi đã nêu rõ tại Buenos Aires hồi đầu tuần rồi.
Gia Minh: Ông có cơ hội gặp những người trẻ Việt Nam khác như ông Bùi Chát chưa? Ông nghĩ sao về những thành phần như Bùi Chát có thể đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam?
Ông Alexis Kirkokian: Chưa ạ, tôi chưa có cơ hội nào đến Việt Nam nên chưa gặp được những thanh niên như Bùi Chát. Tôi từng gặp được nhiều nhà xuất bản trẻ như Bùi Chát từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng những nhà xuất bản trẻ Việt Nam như Bùi Chát thì chưa.
Một trong những lý do là hiệp hội xuất bản chính thức của Việt Nam chưa là thành viên của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế.
Tổ chức của chúng tôi có nhiều giá trị, mà một trong những giá trị đó là quyền tự do xuất bản; vì thế, xét theo tình hình hiện nay, hiệp hội xuất bản của Việt Nam chưa là thành viên của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế.
Theo tôi, ông Bùi Chát đã giúp hình thành nên một phong trào tư duy độc lập, tự do sáng tác, tự do xuất bản ở Việt Nam. Việc bắt giam ông Bùi Chát sẽ không thể ngăn thế hệ trẻ thực hiện những việc làm tiến bộ mà họ thực hiện trong những năm vừa qua.
Cách thức mà họ đang giúp cho đất nước là tiếp tục thực hiện những công việc đang làm, xuất bản những gì họ đang làm, đưa lên blog những việc làm của họ, làm cho tiếng nói của họ được người khác nghe thấy, xuất bản ra những tác phẩm của họ.
Gia Minh: Cám ơn ông đã dành cho Đài chúng tôi cuộc nói chuyện vừa rồi.
Ông Bùi Chát, tên thật là Bùi Quang Viễn, sinh năm 1979. Ông là người sáng lập ra nhà xuất bản tự do mang tên Giấy Vụn, bắt đầu hoạt động từ năm 2002, để xuất bản những tác phẩm của những nhà văn không chấp nhận sự kiểm duyệt của cơ quan nhà nước.
Nhờ vào những nổ lực trong lĩnh vực xuất bản tự do đó, ông được Hiệp hội Các nhà Xuất bản Quốc tế, IPA, trao giải Tự do Xuất bản năm 2011.
Bắt Bùi Chát là một nước cờ hạ sách ngu xuẩn của nhà cầm quyền VN ! Bắt xong được 48 tiếng lại phải thả ra, mà bị mang tiếng xấu, đúng là tự bôi tro vào mặt mình .
Trả lờiXóa