Ngô Nhân Dụng
Khi nghe tin ông Osama bin Laden chết, nhiều người nghĩ ngay tới Ernesto “Che” Guevara, một lãnh tụ cộng sản Cuba sinh ở Argentina. Che, cái tên gọi quen thuộc, đã là một thần tượng cho nhiều thanh niên thời 1960, đã bị quân đội Bolivia giết tháng 10 năm 1967, với sự cộng tác của cơ quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA).
Che chết, phong trào cộng sản thế giới mất một thần tượng sống, đặc biệt là khi đó Che đã chống Nga Xô, theo Mao Trạch Ðông để làm cách mạng thế giới!
Nhưng Che chết trong rừng, trong khi đang bệnh tật và thiếu thuốc men, lực lượng tan rã vì bị quân chính phủ Bolivia bao vây. Xác chết của Che và 6 đồng đội được trả cho Cuba năm 1995, và được dựng lăng, lập đài kỷ niệm. Hình ảnh Che vẫn còn được nhiều người tôn thờ, ít nhất cho đến khi đế quốc Liên Xô sụp đổ, khi ai cũng thấy chủ nghĩa cộng sản chỉ là một ảo tưởng hão huyền và đã hoàn toàn thất bại.
Osama bin Laden cũng đã trở thành một thần tượng cho nhiều thanh niên Hồi Giáo trên thế giới kể từ năm 2001, khi các đệ tử của ông ta cướp máy bay đánh sập hai cao ốc ở New York và làm chết gần ba ngàn người Mỹ. Ông ta cũng trốn lánh như Che. Nhưng ông ta chết trong một tòa nhà đủ tiện nghi, với vợ nhỏ, con cái, và người hầu hạ. Hình ảnh của ông sẽ còn được dùng để khích động nhiều thanh niên Hồi Giáo trên thế giới trong nhiều năm tới. Nhưng chắc không được bao lâu sẽ chấm dứt, vì bin Laden không thể so sánh với Che Guevara.
Hình ảnh Che Guevara được cả một guồng máy tuyên truyền của các nước cộng sản sử dụng khi họ muốn xúi giục giới trẻ ở các nước nghèo nổi loạn. Trái lại, không chính phủ nào trong thế giới Hồi Giáo coi Osama bin Laden là một anh hùng. Trong khi đó, xã hội Á Rập đang thay đổi, theo một chiều hướng khác hẳn giấc mơ của Osama bin Laden. Một phong trào đòi tự do dân chủ đang bùng lên ở các quốc gia này cho thấy giới trẻ không đi tìm một xã hội Hồi Giáo lý tưởng thời trung cổ như bin Laden vẫn hô hào. Thanh niên các nước Hồi Giáo và Á Rập cũng có học, cũng dùng Internet, Twitter và Facebook, cũng ước ao được sống tự do, chứ không muốn sống dưới chế độ thần quyền như bin Laden muốn tái lập.
Osama bin Laden đã được nhiều người Á Rập chạy theo vì ông ta chống Mỹ. Nhưng người Á Rập có thể vẫn ghét Mỹ mà không cần đến bin Laden. Câu hỏi chính là bin Laden có cống hiến một lý tưởng nào khác cho giới trẻ các nước Hồi Giáo và Á Rập hay không, ngoài thái độ chống Tây phương và Mỹ? Mặt khác, khi chính phủ Mỹ ủng hộ các phong trào đòi dân chủ trong các nước Trung Ðông, Anh và Pháp giúp người dân Lybia đánh Gadhafi, thì họ đã trở thành đồng minh của các lực lượng dân chủ tại Trung Ðông. Người Á Rập có thể vẫn ghét Mỹ và Âu Châu khi họ nhớ lại thời các nước Tây phương nuôi dưỡng và bảo vệ các chính quyền thủ cựu, độc tài, bóc lột dân. Nhưng sau cùng họ có thể vẫn muốn xây dựng xã hội của họ theo một mô hình tương tự như Tây phương: Tự do, bình đẳng, tôn trọng quyền làm người, và phát triển kinh tế theo lối thị trường. Lý tưởng của bin Laden sẽ chết, như ông ta đã chết. Các nước Á Rập và Hồi Giáo sẽ tiếp tục xáo trộn trong nhiều năm tới. Nhưng đó sẽ là những cuộc tranh chấp giữa các lực lượng tiến bộ trên con đường canh tân, và những lực lượng bảo thủ. Người ta sẽ quan tâm đến việc phát triển xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng dân chủ ngay trong nước mình, hơn là nhắm vào “những thế lực thù địch” ở bên ngoài. Họ sẽ không yêu nước Mỹ nhưng không cần phải đổ tất cả tội lỗi cho người Mỹ khi tự hỏi tại sao đất nước họ chìm đắm trong lạc hậu. Họ không nhất thiết phải coi nước Mỹ là kẻ thù phải tiêu diệt, mà quên đi nhu cầu canh tân của xã hội họ đang sống. Họ sẽ đi trên con đường khác hẳn Osama bin Laden.
Khi tường trình với dân chúng Mỹ về vụ này, Tổng Thống Barack Obama cẩn thận nhấn mạnh, “Tôi muốn nói rõ, giống như Tổng Thống Bush đã tuyên bố ngay sau ngày 11 tháng 9, rằng cuộc chiến của chúng ta không nhằm vào thế giới Hồi Giáo. Bin Laden không phải là thủ lãnh Hồi Giáo; ông ta là kẻ giết người Hồi Giáo.”
Tất nhiên, chỉ dùng lời nói không thôi, không đủ thuyết phục mọi người. Nhưng chính quyền Obama đã cho cả thế giới thấy thêm một điều nữa: Ðừng coi thường nước Mỹ. Khi ông Obama nói với dân Mỹ, ông cũng muốn cho nhiều người khác nghe, “...đêm nay, chúng ta một lần nữa nhắc nhở nhau rằng Hoa Kỳ có thể làm bất cứ điều gì khi đã quyết tâm.”
Người Mỹ cần nghe lại câu này. Có thể nói, trên thế giới ít có chính phủ nào vấp phải nhiều thất bại như chính phủ Mỹ; ít chính phủ nào bị dân chúng coi thường như chính phủ Mỹ. Vì thế họ cũng bị nhiều người khác trên thế giới coi thường. Chính phủ Mỹ đã thất bại trong kế hoạch giải cứu 52 con tin bị bắt ở Iran năm 1980. Chính phủ Mỹ đã phải rút quân ra khỏi Lebanon sau khi quân khủng bố đánh bom chết mấy trăm thủy quân lục chiến. Chính phủ Mỹ lại phải rút quân ra khỏi Somalia sau khi bị quân nổi loạn tấn công. Ông Saddam Hussein đã từng mô tả một “nước Mỹ mệt mỏi” trước khi đem quân đánh Kuwait năm 1990. Khi ông bin Laden muốn thúc đẩy các đồ đệ liều chết chống Mỹ, ông đã đưa ra thí dụ sự thất bại của Mỹ trong chiến dịch Blackhawk Down ở Somalia để chứng tỏ nước Mỹ chỉ là một “con ngựa yếu,” giống như Mao Trạch Ðông từng gọi Mỹ là Cọp Giấy.
Phần lớn người ta không biết rằng hình ảnh nước Mỹ yếu, chính phủ Mỹ thất bại, là hậu quả không thể tránh được của chế độ tự do dân chủ. Chính phủ Mỹ không bưng bít thông tin. Hàng ngày, ngay tại nước Mỹ, có hàng triệu người chăm chú theo dõi để tìm lời chỉ trích chính phủ của họ. Ít người biết rằng đó chính chế độ tự do dân chủ là sức mạnh của quốc gia trẻ trung này.
Nhiều người vẫn tin rằng nước Mỹ không có khả năng theo đuổi những cuộc chiến tranh lâu dài. Nhưng chúng ta cũng biết rằng kể từ năm 1946 đến năm 1989 nước Mỹ đã theo đuổi một cuộc chiến dai dẳng chỉ nhằm “ngăn ngừa” sự bành trướng của Liên Bang Xô Viết. Chiến lược “ngăn ngừa” (containment) đã thành công, sau hơn 40 năm.
Trước Osama bin Laden, người đã hoạch định và chỉ huy cuộc tấn công vào nước Mỹ đầu tiên là Ðô Ðốc Isoroku Yamamoto, với trận không kích quân cảng Pearl Harbor cuối năm 1941. Chính ông là người chủ trương muốn đương đầu với Mỹ thì phải đánh trước, tiêu diệt bớt lực lượng hải quân của họ. Lúc đó, Tổng Thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ra lệnh cho Bộ Trưởng Hải Quân Frank Knox, “Tóm Yamamoto!” (Get Yamamoto). Tình báo Mỹ theo dõi các cuộc di chuyển của Yamamoto trong 16 tháng liền. Ngày 18 tháng 4 năm 1943, họ biết ông đáp máy bay đi gần đảo Bougainville. Một phi đội Mỹ được cử tới đón đầu, họ đã bắn hạ chiếc máy bay chở Ðô Ðốc Yamamoto. Tinh thần dân Mỹ và quân đội Mỹ đã bừng lên ngay sau đó.
Việc giết chết ông bin Laden có thể giúp cho chính người Mỹ lấy lại thêm niềm tự tin, giống như năm 1943. Và có thể khiến người dân các nước khác tin nước Mỹ nếu quyết tâm là có thể thành công. Các nhà lãnh đạo Mỹ nói là có thể tin được. Năm 2007, Nghị Sĩ Barack Obama đã nói rằng nếu bin Laden mà trốn ở Pakistan thì quân Mỹ cứ đến đó mà tìm bắt hoặc giết, không cần Pakistan đồng ý hay không. Lúc đó, các nhà chính trị khác (trong đó có bà Hillary Clinton) đã chỉ trích rằng ông Obama thiếu kinh nghiệm ngoại giao, đã xúc phạm một nước đồng minh. Năm nay, bà Clinton ngồi trong nhóm tham mưu và quyết định việc tấn công vào ngôi nhà ở thị xã Abbottabad. Họ không xin phép chính phủ Pakistan. Bộ tham mưu ở Tòa Bạch Ốc có thể theo dõi cuộc hành quân từng phút, nhờ máy thu hình đeo trên người các biệt kích hải quân, chuyển lên các vệ tinh nhân tạo truyền thông. Chắc từ nay sẽ không có nước nào muốn chứa chấp một kẻ tử thù của nước Mỹ nữa.
Trực thăng chở quân Mỹ từ Afghanistan đã dùng khí cụ đặc biệt vượt qua hàng rào radar của quân đội Pakistan (radar do Mỹ cung cấp), đánh gọn trong 40 phút, rồi rút về. Không ai bị thương, và không quên lấy theo các máy vi tính, hồ sơ và tài liệu mà bin Laden đang giữ, để khai thác thêm tin tức. Trong lúc rút ra một chiến hạm ngoài biển Á Rập, họ vẫn tránh không “đụng độ” với hàng rào phòng không của “nước bạn.” Trong cả chiến dịch hành quân phức tạp và nhiều rủi ro đó, họ không quên chuẩn bị trước để có một giáo sĩ Hồi Giáo trong quân đội làm lễ thủy táng ngay cho ông Osama bin Laden trong 24 giờ, sau khi tắm rửa thi hài của ông và quấn trong khăn tẩm liệm mầu trắng theo đúng nghi thức Hồi Giáo.
Chính quyền Obama giải thích rằng không quốc gia nào chịu nhận thi hài của bin Laden. Chắc họ đã hỏi ý kiến Á Rập Saudi (nơi gia đình cha mẹ ông sống) và Yemen, là quê hương gốc của gia đình này. Nhưng trước khi hỏi, họ đã biết sẵn câu trả lời rồi. Cuộc hành quân được tính toán cho đến chi tiết sau cùng: Sẽ không có một ngôi mồ của Osama bin Laden, như của Che Guevara để cho các người ngưỡng mộ đến chiêm bái. Thảm kịch 11 tháng 9, 2001 có thể coi như đã kết thúc.
Nguồn: Nguoi Viet Online
Bài viết thật tinh tế!
Trả lờiXóa