Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

Chính nghĩa, bạn, thù của người cộng sản Việt Nam

Người CSVN bao giờ cũng biện minh cho mục tiêu làm cách mạng của mình là “giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”, mình có “chính nghĩa sáng ngời”, dẫu họ thừa biết không hoàn toàn đúng vậy.

Có lần đài BBC mở chương trình phỏng vấn 7 phụ nữ Việt Nam tiêu biểu thời hậu chiến. Bà Nguyễn Thị Bình là người được phỏng vấn đầu tiên. Bà cũng nói vậy [1].

Sau khi nghe bà nói, tôi có gửi phản hồi (mà đài BBC không đăng), đại để rằng: Bà nói dối.

Mục tiêu cách mạng của người CSVN thực ra là thực hiện chủ nghĩa cộng sản theo mệnh lệnh của siêu cường cộng sản.

Đọc lại lịch sử thế giới cận đại thì sẽ rõ, trung tâm của mối xung đột “tư bản - cộng sản” nguyên thủy nằm ở châu Âu (trong thời Chiến tranh Lạnh). Đây là vấn đề ý thức hệ giữa các cường quốc tư bản/cộng sản với nhau chứ chẳng ăn nhập gì tới các nước nhược tiểu. Sau một thời gian dài đôi co căng thẳng với khối tư bản, Khrushchev đã quá mệt mỏi, bèn ra lệnh xây Bức tường Bá Linh, chấm dứt trực chiến với phương Tây, di dời trung tâm xung đột về các nước thứ ba [2].

Thế là khi không, những nước nhược tiểu lại lãnh đủ một vấn đề không phải của mình. Nói nôm na là kể từ nay, anh to đầu cộng sản chỉ cần xúi giục: “Bọn mày đánh tư bản đi, giành độc lập đi, nó bóc lột bọn mày đó. Tao viện trợ cho”. Từ đó mới có tiền đồn chống tư bản, v.d. như Việt Nam, chiến tranh Việt Nam.

Dĩ nhiên giành được độc lập rồi thì phải đi theo con đường cộng sản. Và người CSVN đã làm điều này sau khi thống nhất đất nước.

Giả sử đã đánh thắng Mỹ, Việt Nam cũng không có độc lập thực sự nếu khối cộng sản không sụp đổ, nghĩa là vẫn nằm trong tay chỉ huy của thế lực đàn anh cộng sản. Không có một nước chư hầu nào trong Liên bang Xô-viết có độc lập, ngoài những cuộc nổi dậy giành độc lập [3].

Nên nhớ rằng bản thân nước Nga thực chất cũng là một đế quốc thực dân. Trở về lịch sử thời Sa hoàng sẽ thấy, nước Nga thời đó tuy không đúc súng đóng tàu đi xâm lược các nước xa xôi khác như thực dân Pháp, Anh,… đã làm, nhưng các Sa hoàng Nga cũng đã cưỡng chiếm các nước nhược tiểu láng giềng theo chiến lược “vết dầu loang”. Kết quả là một đế quốc Nga đã chào đời với một cái tên gọi mỹ miều: “đất nước đa dân tộc” [4].

Sau Cách mạng tháng Mười, nhận thấy Sa hoàng bất công, Lenin muốn cho các nước được tự trị, nhưng Stalin không chịu. Đối với Stalin: “Chỉ có một nước được tự trị” là đế quốc Nga. Những vị lãnh đạo cộng sản kế vị Stalin sau này cũng theo đường lối đó.

Mặt khác Mạc Tư Khoa bao giờ cũng nuôi tham vọng bá quyền giống như các cường quốc khác, chứ chẳng tốt đẹp gì. Để đối đầu với khối tư bản hùng mạnh, Mạc Tư Khoa cần có đàn em góp sức. Chiêu bài giúp các nước “giải phóng dân tộc” thực chất chỉ là một củ cà rốt đem dụ các nước thuộc địa, nhược tiểu đi theo mình, rồi phục vụ cho sự ích kỷ của mình, giúp mình biến thành một cường quốc như hằng mong ước.

Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Nên nhớ, nước Nga thời xưa -  trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - là một nước nông nghiệp rất nghèo yếu và lạc hậu, không thể sánh với các cường quốc Anh, Pháp, Đức,… Nga chỉ giỏi đi xâm chiếm các nước yếu lân cận chứ không dám đụng tới những nước mạnh.

Bị mặc cảm đè nén vì một nước Nga yếu đuối, Stalin rất ganh tị với các cường quốc Tây phương và đặc biệt rất căm hận một đế chế Đức hùng mạnh thường hay đánh mình. Từ đó Stalin đã quyết tâm xây dựng nước Nga thành một nước mạnh về kỹ nghệ lẫn quân sự bằng mọi giá để cạnh tranh và trả thù. Stalin đã thẳng tay phản bội, dẹp bỏ tổ chức “Cộng sản Quốc tế” và thay vào đó ý tưởng “xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước” âu cũng là vì ông ta chỉ muốn lo cho nước Nga [5].

Cuối cùng Stalin đã thành công và đánh thắng Hittler. Sau khi đã mạnh và muốn bành trướng thế lực Xô-viết, ông ta và những người kế vị mới tìm kiếm thêm đồng minh thế giới thứ ba với chiêu bài giúp họ “giải phóng dân tộc” để thực hiện ý đồ ấy.

Đó là lịch sử. Rất trung thực. Có thể người dân ở Việt Nam không biết nhưng người dân ở phương Tây này thừa biết [6].

Như một định mệnh, lịch sử đã làm người CSVN bám chặt vào ý thức hệ cộng sản, và dĩ nhiên có khuynh hướng chịu ảnh hưởng của thế lực cộng sản (như chúng ta thấy hôm nay, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của cộng sản Trung Quốc như một quán tính vậy).

Giả sử người CSVN dám khẳng định, tôi là người cộng sản thực dụng, chỉ muốn dựa vào thế lực khối cộng sản để giành độc lập dân tộc, thống nước đất nước; sau khi đã đạt mục tiêu, thì sẽ xây dựng đất nước như dân mình muốn, miễn sao dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh như chính mình đề ra chứ không ai, thay vì khư khư áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên đầu người dân, thì không bao giờ có chuyện cãi cọ chính trị, không bao giờ có vấn đề đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền, v.v. triền miên suốt mấy chục năm nay. Quá mất thì giờ, quá vô lý, quá tổn hại cho dân tộc.

Điều nghịch lý là Việt Nam ngày nay, trên danh nghĩa vẫn là cộng sản, nhưng trên thực tế lại chọn con đường tư bản (vì bài bản cộng sản thất bại). Phải chi ngày xưa, sau khi thắng Pháp, Hồ Chí Minh chấp nhận chọn con đường tư bản cho một nước Việt Nam thống nhất như bây giờ thì đâu có chiến tranh Việt Nam, đâu có vấn đề xung đột “cộng sản - quốc gia” vẫn còn dai dẳng.

Nói tóm lại, “giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước” là mục tiêu mà toàn dân Việt Nam đều ủng hộ và đã đổ nhiều xương máu đấu tranh chứ không riêng người CSVN. Không ai chống người cộng sản Việt Nam làm việc đó. Vấn đề xung đột không phải nằm ở đó mà ở chỗ, người CSVN muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên nước Việt Nam, và như kinh nghiệm cho thấy, nó chỉ mang đến tai họa mà thôi.

Người Âu châu biết rõ tai họa của chủ nghĩa cộng sản hơn hơn ai hết, đặc biệt là Đức, bởi họ là cha đẻ ra nó. Thay vì cứng nhắc đi theo nó như người thiếu hiểu biết, họ đi tìm một con đường khác cũng hướng xã hội nhưng thực tế hơn.

Thử nhìn vào các nước Tây Âu, trên danh nghĩa là tư bản nhưng trên thực tế lại mang tính chất xã hội chủ nghĩa mà chính các nước cộng sản phải thèm thuồng. Bài bản họ chọn lựa đã làm cho dân giàu, nước mạnh một cách thuyết phục, chứ không nhất thiết phải giáo điều, phải làm như Karl Marx nói, như Lenin nói, như Mao Trạch Đông nói, v.v.

Xét cho cùng, Việt Nam đã đi theo con đường tư bản và nhờ đó đã khá hơn rõ rệt. Dẫu tính xã hội chưa được tốt, nhưng từ từ cải thiện. Các nước Âu châu cũng phải trải qua giai đoạn này.

Cho nên hãy tiếp tục đi về hướng ấy, đừng để ý thức hệ cộng sản tiếp tục hấp dẫn mình vào thiên đường giáo điều phi thực tế, chẳng giúp ích được gì, ngược lại chỉ sản sinh điều tiêu cực. Đây là vấn đề, người trí thức Việt Nam thường phê phán.

Thay vì bắt bớ, trù dập họ, thiết nghĩ nhà nước nên ôn hòa tỉnh táo lắng nghe ý kiến xây dựng của họ, hợp tác với họ. Tôi không tin họ muốn làm một cuộc đảo chính bằng “diễn biến hòa bình” để nhà nước phải xem họ như kẻ thù. Trung Quốc hiện nay mới chính là kẻ thù. Trung Quốc rất sợ tiếng nói của trí thức Việt Nam. Nói rõ hơn, tiếng nói của trí thức Việt Nam là sức phản kháng mạnh nhất vào lúc này khiến Trung Quốc phải sợ. Tiếng nói này mà bị làm suy yếu thì chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Việt Nam đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa bá quyền, chẳng lẽ bây giờ - một lần nữa - lại (chấp nhận) làm nạn nhân của mộng bá quyền Trung Quốc hay sao?

Stuttgart, 07.2009

© 2009 Dũng Vũ

© 2009 talawas blog

[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081010_nguyen_thi_binh_interview.shtml

[2]  Xem: Bern Stöver - Der Kalte Krieg 1947-1991. Geschichte eines radikalen Zeitalters. Verlag C.H.Beck, München, 2007. Bern Stöver: sử gia, giáo sư đại học Postdam, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử cận đại, Postdam, Đức.

Xem thêm sự kiện Chruschtschow ra lệnh cho Ulbricht, người khai sinh nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức cũ) xây dựng bức tường Bá Linh: “Wir lassen euch jetzt ein, zwei Wochen Zeit” - Spiegel Online: http://einestages.spiegel.de/static/topicalbumbackground/4246/_wir_lassen_euch_jetzt_ein_zwei_wochen_zeit.html. Bản tiếng Việt: “Bây giờ tụi tao cho tụi bay một hai tuần” - Hoàng Thế Huân dịch (sẽ phổ biến).

[3]  Xem: Uwe Klußmann - Russisch denken, sprechen, fühlen. Spiegel Special - Geschichte, Hamburg 2007. Bản tiếng Việt: Nói [tiếng Nga], suy nghĩ, cảm nhận [như Nga] - Hoàng Thế Huân dịch (sẽ phổ biến).

[4]  Xem: Orlando Figes - Die Tragödie eines Volkes. Die Epoche der russischen Revolution 1891 bis 1924. Berlin Verlag, Berlin, 2007. Orlando Figes: sử gia, giáo sư chuyên ngành sử Nga, đại học London, Anh.

Xem thêm: Orlando Figes - Krise und Umsturz. Spiegel Special - Geschichte, Hamburg 2007. Bản tiếng Việt: Khủng hoảng và lật đổ - Dũng Vũ dịch (sẽ phổ biến).

[5]  Xem: Rainer Traub - Vom Triumph zum Debakel. Spiegel Special - Geschichte, Hamburg 2007. Bản tiếng Việt: Từ thắng lợi tới suy vong - Dũng Vũ dịch (sẽ phổ biến).

[6]  Xem sđd [1], [2]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét