Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Tọa đàm "Biển Đông & hải đảo VN" tại CLB Phao Lô Nguyễn Văn Bình

Vào lúc14g30 ngày 24/7/2009, tại 43 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình và Nhà xuất bản Tri Thức đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Biển Đông và hải đảo Việt Nam". Cuộc Tọa đàm khoa học này mong muốn vừa thể hiện mối quan tâm lớn của dư luận xã hội và của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, vừa góp phần cung cấp một số chứng cứ lịch sử và khoa học, góp phần làm sáng tỏ chủ quyền về Biển Đông. 

Đến tham dự buổi tọa đàm có sự tham gia thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu (NNC): LS. Nguyễn Ngọc Bích, Lm. Thiện Cẩm, NNC Đinh Kim Phúc, ThS. Hoàng Việt, TS. Nguyễn Nhã, NNC. Nguyễn Quang Thắng, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, LS Phan Đăng Thanh, nhà văn Nguyên Ngọc, PGS-TS Hoàng Dũng, NNC. Trần Khuê (Tổng thư ký Đảng Dân Chủ XXI), Lm. Nguyễn Thái Hợp... 

Các tham luận tại buổi tọa đàm chiều 24/7 bao gồm: 

- Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây
- Chủ quyền biển Đông và hải đảo
- Đường lưỡi bò trên biển Đông và luật quốc tế
- Vai trò của nhà Nguyễn với biển Đông
- Quan điểm của Việt Nam về Hoàng sa và Trường Sa 

Tại cuộc tạo đàm này còn trưng bày khoảng 40 bản đồ về biển Đông và hải đảo Việt Nam được vẽ từ năm 1529 (thế kỷ XVI). 

Phiên III diễn ra vào lúc 8g, ngày 25/7/2009 tại Hội trường dòng Đa Minh Việt Nam - 43 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM .

Chủ trì: Lm. Nguyễn Thái Hợp, O.P, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình 

- Nhà Sử học Nguyễn Đình Đầu: Sưu tập bản đồ về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam
- LS-TS. Phan Đăng Thanh: Luật pháp Quốc tế về Biển Đông và Hải Đảo
- Nhà văn Nguyên Ngọc: Nỗi niềm Biển Ðông
- Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn: Bế mạc 

Đến phút chót, đã có ba sự vắng mặt đáng chú ý. Trước tiên là tiến sĩ Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, cựu thứ trưởng. Theo thông báo của Ban tổ chức, do tiến sĩ Chu Hảo mới từ Paris về Hà Nội trưa nay, nên không có mặt kịp thời (!?). Đức Hồng Y J.B Phạm Minh Mẫn cũng không thể hiện diện vì có “mục vụ đột xuất”. Sự vắng mặt của nhà sử học Dương Trung Quốc không được đề cập, không thấy Ban tổ chức nhắc tới.

 

Mở đầu buổi Tọa đàm, Linh mục Nguyễn Thái Hợp, Dòng Đa Minh Việt Nam (hiện là Giáo sư – Tiến sĩ, đang hợp tác với ĐH KHXH – VN TP.HCM để thành lập khoa Tôn Giáo học) sơ qua về mục đích của buổi tọa đàm. Ngài nói rằng: buổi tọa đàm chỉ mong cung cấp thông tin cho thính giả để hiểu hơn về tình trạng Biển Đông và Hải đảo Việt Nam, đặc biệt là Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như để chúng ta tin tưởng rằng, Việt Nam có cơ sở vững chắc về chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Cử tọa chăm chú lắng nghe phần khai mạc. Trên 4 bức tường của phòng họp, treo hầu hết các bản đồ dự định sẽ được trưng bày tại Tòa Tổng giám mục TP.HCM trong ngày 25-7-2009. Tuy nhiên, đến giờ phút chót, địa điểm này đã không được lựa chọn như dự kiến, cùng với sự vắng mặt như là tất yếu của Đức Hồng Y J.B Phạm Minh Mẫn.

 

Mở đầu phiên thảo luận thứ nhất, Linh mục, Tiến sĩ Triết học Trần Minh Cẩm (tức linh mục Thiện Cẩm, Dòng Đa Minh Việt Nam), với cương vị là thành viên Mặt trận tổ quốc TP.HCM, là đại diện tôn giáo duy nhất tham gia cuộc thăm viếng quần đảo Trường Sa mới đây được TP.HCM tổ chức, đã đọc tham luận nói về chuyến viếng thăm này. Ngài cũng không quên nói về những khó khăn do việc Ngài tham gia tọa đàm lần này. Chẳng hạn như, Ngài đã nhận được nhiều cuộc điện thoại, thậm chí là giữa đêm 23-7, để hỏi xem Ngài sẽ nói gì vào buổi tọa đàm ngày mai.

Click the image to open in full size.

Sau đó, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đã đọc tham luận, nêu lên những bằng cứ lịch sử cho thấy sự vô lý của Trung Quốc, Phillippin, Malaysia trong vấn đề tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Trước khi đọc tham luận, ông Phúc nói rằng: ông không mong được thính giả hỏi, và cũng không sẵn lòng trả lời. Bởi như ông công nhận trong giờ nghỉ giải lao, ai cũng biết vấn đề này là nhạy cảm, và ông cũng được cảnh báo rằng: đừng nói gì thêm ngoài nội dung tham luận.

 

Thạc sĩ Luật Hoàng Việt đã làm phòng họp nóng lên, hướng cả về màn hình, khi ngay phần mở đầu của tham luận về “lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông bằng những hình ảnh về việc tàu quân sự của Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò của Mỹ tại Biển Đông, và hình ảnh tàu Ngư Chính của Trung Quốc chặn bắt tàu đánh cá của Việt Nam. Thạc sĩ Việt đã chỉ ra những vô lý của “lưỡi bò” cũng như sự biến đổi của nó theo thời gian, và sự “linh hoạt” của Trung Quốc trong vấn đề này.

Kết thúc phiên thảo luận thứ nhất, một số câu hỏi đã được nêu ra… và dù đã khẳng định không mong được hỏi, và không sẵn lòng trả lời, nhưng nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc vẫn phải đăng đàn trả lời những câu hỏi của thính giả bên dưới. Nhưng, người gây ấn tượng nhất trong phần giao lưu với thính giả, có lẽ là Tiến sĩ Nguyễn Nhã…

 

Rất nhiều lần, tiến sĩ Nguyễn Nhã đã phải uất nghẹn, không nói thành lời, và những giọt nước mắt đã lăn dài trên má người đã dành cả đời nghiên cứu, đấu tranh cho Hoàng Sa, Trường Sa. Những luận điểm của tiến sĩ đưa ra, đều nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt của thính giả, trong đó, đáng chú ý, tiến sĩ đã nói: nếu chúng ta không đồng thuận, thì Tân Cương sẽ không phải là hình ảnh xa vời đối với dân tộc Việt Nam.

Kết thúc phần trả lời của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, diễn giả và thính giả nghỉ giải lao. Lúc này, tôi mới quan sát xung quanh và nhận thấy sự hiện diện của nhiều bạn trẻ, trong đó có cả các thành viên của diễn đàn Hoàng Sa.org. Ngoài ra, có rất nhiều người cầm máy chụp hình, quay phim, mà tôi đoán là phóng viên của các báo lớn tại TP.HCM. Hỏi thăm vài phóng viên thì được biết, các báo đã nhận được chỉ thị không được đưa tin về sự kiện này, nên hầu hết các phóng viên đến tọa đàm theo tư cách cá nhân, và ghi nhận sự kiện, chứ không đi theo sự phân công của tòa soạn.

Sau khi giải lao, phiên thảo luận thứ 2 bắt đầu với tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, rồi tiến sĩ Nguyễn Nhã… Những tham luận này đã từng được đưa lên mạng Internet nên tôi không tường thuật ở đây. Nhưng phải nói thật rằng: chưa bao giờ tôi cảm thấy xúc động như hôm nay, khi chứng kiến những tấm lòng đối với Hoàng Sa, Trường Sa của người con đất Việt. Và tôi tin rằng, những anh em Công an, dù ở trong phòng họp, hay phải vì nhiệm vụ mà đứng bên ngoài lề đường Nguyễn Thông, dù ít dù nhiều, cũng được lay động bởi những gì đất mẹ đang phải trải qua… 

 

Trong buổi tọa đàm, người ta còn nhận thấy có sự hiện diện của LM Nguyễn Thể Hiện, Dòng Chúa Cứu Thế, người được công luận biết đến nhiều trong vụ Thái Hà

 

Giáo sư Trần Khuê, hiện là Tổng thư ký Đảng DC XXI cũng tới dự. Trong giờ giải lao, GS có gặp gỡ, trao đổi với LM Thiện Cẩm, PGS - TS Hoàng Dũng

 

GS cũng gặp gỡ và trao đổi với TS Nguyễn Nhã, Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng... những người dành cả đời nghiên cứu tìm ra những chứng cứ lịch sử và khoa học, để đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Trường Sa

 

Một số vị thức giả trong buổi tọa đàm, họ là những người luôn quan tâm đến vận nước, đến tương lai của dân tộc. Trong giờ giải lao, tôi nhận thấy nhiều người trẻ đến vây quanh họ, ôm chầm lấy họ, rồi rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào. Cá nhân tôi không dám đến ôm họ, bởi có thể tôi sẽ giống như trẻ con, khi đụng phải tâm huyết của họ!

Dù đứng xa họ, nhưng lòng tôi vẫn thổn thức. Nỗi đau ùa về! Như cảm nhận được nỗi xót xa của đất mẹ khi bị chia cắt, khi tâm huyết và những nỗ lực của con dân đất Việt đang bị ly tán!

 

15g- 16g30 Phiên I, từ trái sang: ThS. Hoàng Việt, NNC Đinh Kim Phúc, Chủ tọa - LS. Nguyễn Ngọc Bích, Lm. Thiện Cẩm.

 

 

 

 

 

 

ThS. Hoàng Việt đang đọc tham luận: “Đường lưỡi bò” trên biển Đông và luật quốc tế 

 

 

BTC rất chu đáo về việc lo thêm phần lót dạ & nước uống cho khán thính giả trong giờ giải lao.

Nguồn: X-cafe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét