Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

Báo chí phải im lặng

Thanh Thủy


RFI


Ban Tuyên Huấn Trung ương của chính phủ Bắc Kinh đã ra lệnh ngăn chặn mọi cuộc tìm kiếm trên Internet về vụ việc và đồng thời cũng ra lệnh đóng cửa các mạng xã hội trên Internet như là Facebook, YouTube và Twitter.

 

Báo đài Trung Quốc tuyệt đối giữ im lặng về một vụ tham nhũng xảy ra tại Namibia liên quan đến một công ty quốc doanh của Trung Quốc mà con trai của ông Hồ Cẩm Đào đã từng giữ chức chủ tịch.


Ban Tuyên Huấn Trung ương của chính phủ Bắc Kinh đã ra lệnh ngăn chặn mọi cuộc tìm kiếm trên Internet về vụ việc và đồng thời cũng ra lệnh đóng cửa các mạng xã hội trên Internet như là Facebook, YouTube và Twitter.

Trong tuần trước chính quyền Namibia đã ra lệnh bắt giam hai người Namibia và một người Trung Quốc bị cáo buộc cấu kết với nhau trong một vụ hối lộ để giành được một hợp đồng trị giá hơn 55 triệu đôla hồi tháng 5 năm 2008. Đây là hợp đồng trang bị máy scanner và thiết bị kiểm soát an ninh của Nuctech tại các sân bay và hải cảng trên lãnh thổ Namibia.


Nuctech là công ty công nghệ cao do trường Đại học Thanh Hoa (ở Bắc Kinh ) thành lập và hiện nay là một trong những công ty hàng đầu trên thế giới về kỹ thuật soi điện tử. Cho đến cuối năm ngoái con trai chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Hồ Hải Phong, 38 tuổi, là chủ tịch của Nuctech.


Hiện nay ông đang giữ một vai trò lãnh đạo trong tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Holdings) tập đoàn mẹ của Nuctech. Ông Hồ Hải Phong là cựu sinh viên trường Đại học Thanh Hoa và ông có bằng thạc sĩ vật lý kỹ thuật.


Theo một tài liệu của uỷ ban chống tham nhũng của Namibia, số tiền hơn 55 triệu của hợp đồng, trên nguyên tắc, phải được trả cho Nuctech, lại được chuyển vào tài khoản của công ty tư vấn Teko Trading. Và từ công ty này, số tiền được chia cho hai lãnh đạo của Teko Trading và cho đại diện của Nuctech tại châu Phi là ông Dương Phàm.

Theo báo chí Namibia, ba người này đã bị bắt giữ và bị buộc tội lừa đảo, hối lộ và tham nhũng. Chủ tịch uỷ ban chống tham nhũng của Namibia cho biết muốn thẩm vấn ban giám đốc Nuctech, kể cả ông Hồ Hải Phong. Nhưng vào thời điểm này, con trai của ông Hồ Cẩm Đào không phải là một nghi phạm mà có thể chỉ là một nhân chứng.


Thế nhưng chính quyền Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch kiểm duyệt : mọi cuộc tìm kiếm trên Internet với những từ khoá liên quan đến vụ việc đều được trả lời là  « sai lầm ». Đó là lời tố cáo của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới và của China Digital Times, một trung tâm nghiên cứu về Internet ở Trung Quốc của trường Đại học Mỹ Berkeley.


Còn theo AFP, đại diện của Nuctech tại Bắc Kinh từ chối mọi bình luận và đã trả lời, qua điện thoại, rằng tập đoàn này không bao giờ trao đổi với báo đài.


Hôm qua, vẫn theo AFP, bộ Ngoại giao và bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc cũng trả lời là không muốn phát biểu về vụ Nuctech.


Nếu vụ tham nhũng được xác nhận, thì đây là một hồ sơ có thể gây tai tiếng cho chủ tịch Trung Quốc, vì ông Hồ Cẩm Đào đã từng đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng lên hàng đầu, cho dù hiện nay con trai của ông không còn là lãnh đạo của Nuctech.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét