http://bauxitevietnam.info/c/4422.html
Mười giờ mười chín phút đêm thứ Năm 23 tháng Bảy năm 2009, trang mạng Vietnamnet vẫn còn thức, và nhờ nó đang thức mà bạn đọc cả nước vốn lo lắng cho vận mệnh nước nhà được đọc một bản tin có tiêu đề “Tiếp tục cấp phép thăm dò các mỏ khai thác bô-xít“. Cầu mong cho bản tin này không bị bóc vào sáng sớm hôm sau! Cầu mong ân đức tổ tiên phù hộ để các tờ báo đang buộc đi trên lề bên phải sẽ cùng đưa tin này, đưa tin khách quan như một cách bày tỏ thái độ của báo mình trước một vấn đề vô cùng nóng bỏng của đất nước.
Riêng Bauxite Việt Nam thì không thể không bày tỏ thái độ – hàng nghìn chữ ký của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước cùng ba triệu rưỡi lượt truy cập trang mạng sau ba tháng hoạt động chắc chắn đang chờ một tiếng nói chung gửi trong bản xã luận số 5 này.
Hãy nhớ lại cách đây đúng 11 ngày, ngày 12-7-2009, ông Quyền Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn đã tuyên bố với báo chí một cách ngon lành, rằng chưa có chuyện cấp phép các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, bởi lẽ các dự án này còn thiếu đánh giá tác động môi trường bổ sung, hoàn nguyên môi trường (phapluattp.vn), đến nỗi trang mạng BBC thấy chuyện lạ, phải trực tiếp phỏng vấn ông ta rồi mới đưa tin chứ không vội tin vào báo chí trong nước (bbc.co.uk). Nhưng dư luận công chúng thì đâu có dễ tin đến thế. Trên mạng Bauxite Việt Nam, khi đưa lại nguồn tin BBC, chúng tôi đã đặt một giả thuyết: “Đã cho phép xây nhà máy tốn hàng trăm triệu đô la rồi lại không cấp phép khai thác? Nghe mà tưởng cái Chính phủ này vốn thích chơi ngông như Công tử Bạc Liêu! Còn nói “chưa” để rồi “sẽ cấp” thì nói làm gì cho thêm rắc rối. Bạn đọc cứ so sánh cách nói lập lờ đoạn trên và đoạn dưới của ông Nguyễn Văn Thuấn thì đoán ra ngay đây chỉ là một cú đánh lừa dư luận… không được ngoạn mục cho lắm. Ông Thuấn nói việc dư luận đông đảo phản đối dự án khai thác bauxite mấy tháng qua là “làm ầm ỹ lên”. Thì chính vì nghĩ quẩn/xuẩn thế nên những kẻ có trách nhiệm mới phải cho một người cỡ ông ra “chữa cháy” (bauxitevietnam.info)
Quả nhiên, đến hôm nay mọi sự đã quá rõ ràng. Chỉ trong vẻn vẹn 11 ngày mà các dự án bauxite đã làm xong đâu đấy việc “đánh giá tác động môi trường bổ sung” cũng như “hoàn nguyên môi trường” (khi đưa ra lời tuyên bố trong ngày 12 hẳn ông Thuấn phải biết rõ những việc ấy chưa được tiến hành, chứ lẽ đâu đang làm sắp xong mà cấp trên lại lệnh cho ông “phát loa” để mọi người chắc mẩm?!)? Thì ra là Nhà nước chúng ta, với các tập đoàn lợi ích châu xung quanh nó, vốn nổi tiếng là trì trệ, tắc trách bậc nhất, nay phút chốc bỗng mang đôi cánh thiên thần!
Nội dung bản tin “Tiếp tục cấp phép thăm dò các mỏ khai thác bô-xít” cho ta thấy lần này ông Hoàng Trung Hải tỏ ra rất dũng cảm, một mình đứng ra làm hết – dĩ nhiên là nấp sau cái mộc che chắn gồm có Kết luận của Thủ tướng (được Vietnamnet cập nhật lúc 23 giờ 12 phút, cũng vào ngày thứ Năm 30/04/2009, trong bản tin có tiêu đề là một lời hứa của Thủ tướng “Sẽ báo cáo Hội nghị Trung ương và Quốc hội về bô-xít“) và Kết luận của Bộ Chính trị về khai thác bô-xít (vietnamnet.vn và toquoc.gov.vn)
Bên cạnh đó, qua cái gọi là những việc đã làm do ông Hoàng Trung Hải kể ra, chúng ta còn thấy những đầu việc được ông Hải nêu lên như những việc đã rồinày dẫu sao cũng giải đáp cho dư luận chân chính hiểu rằng những điều đáng ngờ trong các dự án bauxite Tây Nguyên là có thực.
Dư luận ngờ vực rằng các dự án đó chuẩn bị không kỹ về thăm dò, về giải pháp kỹ thuật khai thác và chế biến, về những bất cập trong bảo vệ môi trường thậm chí là những phá hoại môi trường, về khả năng sinh lợi của các dự án… thì nay, qua các đầu việc chúng ta được thấy bây giờ các ngài mới vội vã nào lập đề cương này, nào điều chỉnh kế hoạch kia. Những đề cương và những kế hoạch điều chỉnh đó xứng đáng được xếp vào hạng mục những chứng cứ của hiện tượng “lạy ông tôi ở bụi này”. Chưa kể là vẫn còn chuyện này phải xét tiếp: các đề cương đó có khả thi không và những kế hoạch điều chỉnh đó có hiện thực không, thì vấn đề vẫn còn bị gác lại đó.
Dư luận ngờ vực rằng trong việc xây dựng các dự án bauxite Tây Nguyên có chuyện lách luật. Thì lần này, qua các “đầu việc” được ông Hoàng Trung Hải báo cáo, ta lại tóm được đủ chứng cứ của hiện tượng đang bị ngờ vực đó. Cái đuôi con cáo già đã thò ra, và phải là người thiếu trung thực lắm, phải là người không còn có chút ý niệm gì nữa về đạo làm người (không nói là người lãnh đạo) thì mới nghĩ rằng các “dự án con” dưới 600 triệu đô-la Hoa Kỳ ở đây không có chút liên hệ gì giữa những bộ phận với một tổng thể.
Dư luận hoàn toàn có lý khi ngờ vực năng lực của Tổng Công ty Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong thời gian qua, báo chí đã chỉ rõ cái năng lực làm liều của TKV trong toàn cảnh môi trường miền than Đông Bắc đất nước bị tàn phá đến cùng cực như thế nào (xin xem: tuoitre.com.vn 1, 2, 3, 4). Tiếc rằng, biết bao nhiêu món hời trong “báo cáo đầu việc” của ông Hoàng Trung Hải lại vẫn tiếp tục được giúi vào tay TKV – hơn thế nữa, lại còn tạo thuận lợi cho TKV móc nối với các nhà thầu nước ngoài – đó là những nhà thầu nào thì dư luận ngay từ khuya đã đoán được: nhà thầu nào mà đến giờ phút này vẫn được TKV giao cho đôn đốc hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật đấu thầu cách xử lý bùn đỏ?
Nhưng qua chuyện “Tiếp tục cấp phép thăm dò các mỏ khai thác bô-xít” lần này, điều đau khổ kéo dài cho những ai còn có ý thức mình là người Việt Nam là ở hai hiện tượng sau:
1) Dư luận dân sự chân chính tiếp tục bị coi khinh;
2) Quốc hội đánh trống bỏ dùi, từ bỏ chức năng làm luật và giám sát thi hành luật của mình.
Dư luận dân sự bị coi thường, thậm chí khinh rẻ, thể hiện ở chỗ không hề có một phản hồi nào của nhà cầm quyền, dù chỉ là để giải thích, giảng giải về công việc của các dự án bauxite Tây Nguyên, chưa nói gì đến những cuộc đối thoại thẳng thắn để đi tìm giải pháp chung gỡ mối lo bauxite cho nhân dân. Mối lo bauxite đâu có nằm một mình? Nó được đặt ra trong bối cảnh “phía đối tác” vẫn tiếp tục cho “tàu lạ” đâm vỡ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam; trong bối cảnh ở ngay sát lưng miền Tây Nguyên nước Việt họ đã thuê được cả một vùng đất mênh mông của nước bạn trong chín mươi chín năm!
Ấy thế nhưng Quốc hội Việt Nam, cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia, vẫn bình chân như vại, chẳng thèm nói có và cũng chẳng thèm nói không, chưa ra ngô ra khoai gì đã tạo dư luận “đồng thuận rồi”, mặc dù cái “đồng thuận” ấy mới chỉ là mấy lời bàn luận qua quít rồi bỏ đó, thử hỏi kỷ cương phép nước như vậy thì còn ra sao nữa?
Vì kỷ cương không ra gì, nên cuộc sống mới nhiễu nhương, mới có tình trạng các dự án quyết định vận mệnh cả dân tộc, lại được ra đời theo lối sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.
Chắc chắn đằng sau vụ việc này phải có một thế lực nào đó đang thao túng tất cả và bảo lãnh cho tất cả. Nếu không, một bàn tay ngắn củn sao dám che cả mặt trời?
24-7-2009
Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét