Gần hai năm sau ngày rời Pháp, kết thúc du học để về Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, đã bị bắt tại TP Hồ Chí Minh, vừa đúng thời gian rời khỏi quân đội sau một giai đoạn làm 'nghĩa vụ quân sự'.
Trong khi nhà chức trách, qua báo chí nói Nguyễn Tiến Trung vi phạm điều 88 Luật hình sự vì các hoạt động "chống Nhà nước", bạn gái và người cùng chí hướng dân chủ của anh, cô Hoàng Lan cho BBC biết việc làm của Nguyễn Tiến Trung "hoàn toàn phù hợp với hiến pháp Việt Nam".
Trả lời phỏng hôm 7/07 vấn từ Hoa Kỳ, nơi cô đang làm bằng tiến sĩ luật hiến pháp, Hoàng Lan mô tả câu chuyện và cho biết phản ứng của mình:
Từ hôm qua Lan đã được biết là anh Trung bị loại ngũ và gửi trả về nhà lúc chiều hôm qua, tức ngày 6/07.
Tối ngày hôm qua và sáng sớm hôm nay ngày 7, Lan cũng có được nói chuyện với Trung một chút xíu nhưng mà chỉ là hỏi thăm về tình hình sức khỏe và Trung cảm thấy thế nào khi mà loại ngũ, Trung chỉ bảo là bình thường thôi.
Đến muộn hơn một chút trong ngày Lan có tìm cách liên lạc về nhà nhưng mà Lan không thấy Trung trên mạng, gọi điện về cả ba số máy ở nhà và cũng như số máy của bố mẹ Trung cũng không liên lạc được.
Sau đó có nhận được tin trên mạng, báo Công an Nhân dân có đăng tin Trung bị bắt và có hình ảnh Trung bị bắt. Hiện giờ thì cả hai số điện thoại gia đình và số điện thoại di động đều không liên lạc được.
BBC: Cảm giác của chị khi nghe tin anh Trung bị bắt là như thế nào?
Mới đầu Lan nghĩ có thể hơi bất ngờ vì anh Trung mới rời khỏi quân đội hôm qua và những hoạt động chính trị của anh Trung là những hoạt động ôn hòa và đều đã công khai trước khi anh Trung đi nghĩa vụ quân sự chứ chẳng có gì mới cả.
Cũng đã đoán trước được là sau khi anh Trung ra khỏi quân đội công an sẽ gọi lên làm việc bởi vì có thể nhà nước đã không đạt được gì họ muốn khi gọi anh Trung nhập ngũ.
Trước khi anh Trung rời khỏi quân đội họ có yêu cầu hai việc, thứ nhất là yêu cầu anh Trung cam kết bỏ đảng Dân chủ thì anh Trung không làm.
Thứ hai là vẫn ép anh Trung đọc 10 lời thề của Quân Đội Nhân dân Việt Nam trong đó có 'trung với Đảng Cộng sản Việt Nam' thì anh Trung cũng không có làm.
BBC: Trong những ngày anh Trung còn trong quân ngũ chị có thấy anh Trung tỏ ra lo lắng về tương lai, về các sức ép phải chịu hay không?
Dạ, hoàn toàn không, trong quân đội thì anh Trung đọc sách nhiều, có rèn luyện thể lực, học võ thêm, học tiếng Anh thêm. Lan có một số lần nói chuyện điện thoại nhưng không thấy anh Trung mất tinh thần hay có hối tiếc gì cả.
Lan thấy rằng thời gian trong quân đội là thời gian anh Trung có cơ hội học hỏi thêm, rèn luyện thể lực và bản lĩnh của mình.
BBC: Về phía chị, chị có lo ngại về các hoạt động và mục đích của anh Trung theo đuổi? Vì đáng ra làm một công việc khác, bình thường, đi nước ngoài học tiếp thì lại bị vào quân đội, rồi bây giờ bị tạm giam thì, có chị có lo ngại, có muốn anh ấy đi theo một con đường khác không?
Lan nghĩ những gì Trung làm là hoàn toàn đúng, hoàn toàn phù hợp với hiến pháp Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại bây giờ, với những gì mọi người nói.
Lan đã nghe nhiều người nói, đọc nhiều bài báo trong nước và biết rằng người dân trong nước đòi hỏi một sự đổi mới chính trị, và Lan tin rằng những gì anh Trung làm không có gì sai cả.
Nhất là những gì anh Trung làm là những hoạt động chính trị ôn hòa, và luật pháp Việt Nam không cấm hoạt động chính trị.
Những việc làm của nhà nước hiện nay như là bắt giữ các trí thức trẻ như gần đây là bắt anh Lê Công Định, bắt anh Trung và bác trung tá Trần Anh Kim của đảng Dân chủ, là những hành động không nên xảy ra, khi người dân trong nước đang có mong muốn những thay đổi như thế.
Lan cảm thấy đó là một sự thách thức đối với công luận trong và ngoài nước.
Đó là điều rất là không nên làm.
'Chuyện bình thường'
BBC:Nhưng bây giờ những người trẻ như chị như anh Trung luôn luôn có lựa chọn, bây giờ đã có tấm bằng đại học ở nước ngoài rất uy tín, nếu về nước không tham gia chính trị thì có thể tập trung làm ăn, có cuộc sống khá giả. Theo chị, chẳng hạn như cá nhân chị thì tại sao chị lại có lựa chọn là đánh đổi những cái đó đi và đi vào một con đường mà có thể nhìn thấy trước là nó hết sức khó khăn.
Lan thì nghĩ đơn giản là muốn được sống và làm việc mà được nói ra những suy nghĩ đúng lương tâm của mình nghĩ, ngay cả trong công việc chuyên môn của mình nữa.
Nếu mình muốn cống hiến, mình muốn nói những gì mình cảm thấy hợp lý và đúng đắn về chuyên môn của mình, cái ngành Lan học là luật chẳng hạn thì ít nhiều gì nó cũng dính tới chính trị. Ví dụ Lan nói đơn giản là Lan học về luật hiến pháp đi.
Bây giờ nhà nước đang nói rất là nhiều đến xây dựng nhà nước pháp quyền và làm sao xây dựng được một tòa án hiến pháp, chẳng hạn thế.
Mình đã thấy là có xây dựng được tòa án hiến pháp đi nữa thì cũng không thể độc lập được vì khi chỉ định những thẩm phán vào tòa án đó thì mình cần có cơ quan độc lập để chỉ định vào. Nhưng Quốc hội Việt Nam ngày nay 90% là đảng viên thì có chỉ định thẩm phán vào tòa án hiến pháp thì cũng là người của một đảng mà thôi và những người của đảng đó họ vẫn phải theo kỷ luật đảng của họ.
Với thể chế chính trị như bây giờ thì dù mình có kêu gọi cải cách thế nào đi chăng nữa, những người như Lan có cơ hội đi học ở nước ngoài, có cơ hội nhìn thấy sự tiến bộ ở nước ngoài như thế nào và mình chỉ đơn giản mình mong muốn nước mình cũng có sự thay đổi như thế thôi.
Lan nghĩ tương lai của mình còn dài và mình còn 3/4 cuộc đời mình để mà sống ở Việt Nam thì nếu mà mình không có tiếng nói cho đất nước của mình thì không biết tương lai Việt Nam sẽ là ai gánh, không phải những người trẻ như Lan.
Đây là Lan chưa nói tới vấn đề chính trị cao xa gì cả mà chỉ là mặt chuyên môn thôi, mình chỉ mong muốn đóng góp về mặt chuyên môn của mình thôi đã rất là khó rồi.
Và còn những hoạt động chính trị như thế thì Lan thấy hoàn toàn hợp lý trong một nhà nước mà thượng tôn pháp luật mà bây giờ Việt Nam đang hướng tới. Nhà nước Việt Nam đã nói những điều rất là hay rồi thì bây giờ chỉ là thực hiện những điều như thế thôi.
Công dân phải là những người thực hiện những quyền được có đó. Đấy là những gì đã được ghi trong hiến pháp và công pháp quốc tế thôi.
Lan chỉ thấy đó là những chuyện bình thường thôi khi mình muốn nói và sống ngẩng cao đầu.
'Mỗi người một đường'
BBC:Thực ra ở Việt Nam bây giờ cũng có hai lựa chọn khác, thứ nhất là đứng ở trong bộ máy công quyền để mà cố gắng thay đổi nó như một số người đã làm, họ cũng đã làm được một số việc. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã đứng ở bên trong, cố gắng tạo ra những thay đổi, cũng đưa đến những cái Đổi Mới cho dù muốn có Đổi Mới 2 thì chưa được nhưng mà ít nhất cũng đã thay đổi qũy đạo của Việt Nam. Thứ hai là những người đứng bên ngoài Đảng nhưng làm trong các lĩnh vực kinh doanh. Họ là những nhóm lợi ích và cũng có ảnh hưởng nhất định tới chính sách. Liệu đó có phải là cách mà các bạn trẻ cũng có thể lựa chọn được không.
Lan nghĩ là mỗi người có một con đường thôi. Nhưng mà Lan nghĩ là một sự cạnh tranh ở trong chính trị nó sẽ là có lợi cho người dân thôi, như là chuyện có thêm các đảng phái chính trị đối lập, chẳng hạn thế, đảng này nhắc nhở đảng kia.
Ví dụ như anh muốn thông qua một cái luật mới có lợi hơn cho người dân, chẳng hạn thế, mà cái luật đó anh có góp ý chính sách nhưng vẫn phải đưa ra quốc hội và nếu quốc hội đó vẫn có 90% của một đảng duy nhất nắm thì cái chính sách rất khó có cơ hội thông qua.
Lên tiếng hiện nay ở trong nước đã rất nhiều rồi, các bác trí thức trong nước nói rất là nhiều và rất là đúng rồi. Lan thấy học hỏi được rất nhiều. Ngoài ra Lan thấy làm sao cần sự ủng hộ để quốc hội của mình có nhiều thành phần trong đó hơn và quốc hội của mình thực sự đại diện cho tiếng nói của người dân.
'Ngẩng cao đầu'
BBC:Nhưng bản thân chị đánh giá thì chị có thấy là cái lực lượng ủng hộ dân chủ, đòi có thêm nhiều hơn một đảng ở Việt Nam bây giờ, nói về thực lực, nói về người lãnh đạo thì liệu bây giờ nếu họ được trao trọng trách lãnh đạo thì họ có trèo lái nổi con thuyền vào thời điểm hiện nay không?
Cái chuyện đó là người dân quyết định, Lan nghĩ như thế.
Nếu mà bây giờ đảng phái đối lập không đủ khả năng và bây giờ người dân vẫn tín nhiệm Đảng Cộng sản và bầu lên Đảng Cộng sản qua một cuộc bầu cử tự do công bằng thì Lan thấy đấy là những chuyện hợp lý.
Khi đó Đảng Cộng sản có sự tín nhiệm của người dân rồi thì vẫn cứ làm thôi nhưng mà có sự cạnh tranh, có một cái đảng đối lập để nhắc nhớ chính quyền và để người dân thấy mình có sự lựa chọn thì đó là điều tốt cho người dân, cái tiếng nói của người dân sẽ được lắng nghe hơn, ít nhất là như vậy. Không nhất thiết bây giờ có đảng đối lập cứ phải lên nắm quyền ngay.
BBC:Nếu có thể nhắn gửi với anh Nguyễn Tiến Trung thì liệu chị sẽ nói gì?
Lan sẽ nhắn anh Nguyễn Tiến Trung là những suy nghĩ và việc làm của anh là hoàn toàn đúng và anh Trung có thể thanh thản và tự hào ngẩng cao đầu.
Tất cả những anh em khác trong đảng Dân chủ cũng như trong Tập hợp Thanh niên Dân chủ luôn đứng sau anh Trung, kể cả những người khác ở trong nước nữa.
Cô Hoàng Lan tốt nghiệp thạc sỹ Luật tại đại học Panthéon-Assas, Pháp tháng 06/2008 và hiện đang làm bằng tiến sỹ luật chuyên về hiến pháp dân chủ ở đại học Indiana University - School of Law, Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét