Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Một cái nhìn về Trịnh Công Sơn

Trong chiến tranh và sau chiến tranh Việt Nam, con người nổi tiếng nhất trên lãnh vực nghệ thuật lại là con người gây nhiều tranh cãi trên lãnh vực chính trị, nhất là giữa những người ở hai bên chiến tuyến đối nghịch, đó là Trịnh Công Sơn. Sự tranh cãi đã gia tăng khi mới đây Trịnh Cung và Liên Thànhđưa ra ánh sáng một số bí mật có liên quan đến cuộc đời chính trị của Trịnh Công Sơn. Sự tranh cãi đã lên cao khi có sự can thiệp của nhà cầm quyền Việt Nam.

Ngày 13.8.2009, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định đình chỉ phát hànhcuốn sách Trịnh Công Sơn – Vết chân dã tràng của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thuý, bút hiệu là Ban Mai, vì lý do cuốn sách này vi phạm Luật Xuất Bản.

Tin tức cho biết, theo sự đánh giá của hội đồng thẩm định địa phương, tác phẩm này “có nội dung thiếu khách quan; xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm những trí thức, nhạc sĩ khác..”. UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị xem xét, xử lý vi phạm của NXB Lao Động, Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông-Tây về việc ấn hành tác phẩm này.

Được biết, cuốn sách Trịnh Công Sơn – Vết chân dã tràng đã được Nhà xuất bản Lao Động và Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông-Tây xuất bản từ tháng 8/2008, nhưng đến nay mới được nhà cầm quyền nêu lên. Sự phê phán được tập trung vào Chương IV của cuốn sách dưới đề tựa “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam”, trong đó trích lại hầu hết những lời ca của Trịnh Công Sơn liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, chẳng hạn như:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu,
Một trăm năm nô lệ giặc Tây,
Hai mươi năm nội chiến từng ngày…

hay:

Với da vàng Việt Nam vỡ nát,
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng

với những câu nhận định của tác giả Ban Mai như: “Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi”, “Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt”… Tác giả còn đi xa hơn khi đặt câu hỏi: “Thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?”…

Một bài báo đăng trên nhật báo Nhân Dân của đảng CSVN đã viết rằng cuốn sách “phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hoà bình của đất Việt”.

Trước khi bàn về tác phẩm của tác giải Ban Mai, chúng tôi xin trình bày lại rõ ràng hơn tiểu sử của Trịnh Công Sơn và những bí mật về sự dính líu của ông vào cả hai bên đối đầu trong cuộc chiến Việt Nam, vì đây là những điểm then chốt đã đưa tới những tranh cãi.

Vài nét về Trịnh Công Sơn

Vì tiểu sử Trịnh Công Sơn không có gì “oanh liệt” và dính líu quá nhiều đến VNCH nên các bài và sách trong nước khi viết về tiểu sử Trịnh Công Sơn thường cố gắng đơn giản hoá, “huyền thoại hoá” và bịa đặt thêm để tô điểm cho Trịnh Công Sơn. Đa số đã mô tả về tiểu sử Trịnh Công Sơn giống hệt nhau như sau:

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Lạc Giao, tỉnh Dak Lak. Ông lớn lên ở Huế, tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm (khoa Triết học) tại Qui Nhơn. Sau đó ông trốn lính, vào Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng và làm nghề dạy học.

Chỉ một đoạn ngắn này thôi cũng đã sai quá nhiều chỗ: Trịnh Công Sơn không hề học trường Chasseloup Laubat, không hề tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn, vì lúc đó Quy Nhơn chưa có trường đại học, mà dù Quy Nhơn có trường đại học đi nữa, Trịnh Công Sơn cũng không vào được vì Trịnh Công Sơn chưa hề có Tú Tài Toàn Phần. Trịnh Công Sơn cũng không hề trốn lính lên Bảo Lộc dạy học.

Trịnh Công Sơn sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Mão, tức ngày 28.2.1939, tại xã Lạc Giao (nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột), tỉnh Dak Lak.

Năm 1943 Trịnh Công Sơn theo gia đình chuyển về Huế. Ông học trường tiểu học Nam Giao (nay là Trường An), sau đó vào học trường Pellerin của các Sư Huynh dòng La San (Institut des Frères des écoles chrétiennes do Saint Jean-Baptiste de La Salle lập), rồi qua học trường Thiên Hựu (Institut de la Providence) của Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) ở Huế. Đây là hai trường nổi tiếng ở Huế, dạy chương trình Pháp, nhưng Trịnh Công Sơn chỉ mới lấy được bằng Tú Tài I (tức Tú Tài Bán Phần) rồi ngưng học.

Năm 1962, Trường Sư Phạm Qui Nhơn được thành lập để đào tạo hàng loạt những Giáo Học Bổ Túc, cung ứng cho các tỉnh thuộc Vùng II. Tiêu chuẩn tối thiểu để nộp đơn là bằng Trung Học đệ nhất cấp. Có hai loại khoá học: “Khoá Thường Xuyên” học hai năm và “Khóa Cấp Tốc”, học một năm. Khi ra trường, đa số được bổ đi dạy tại các trường tiểu học ở các vùng quê. Trịnh Công Sơn đã thi đậu vào khoá đầu tiên (khoá 1) của trường này. Sĩ số giáo sinh là ba trăm người. Đa số là người Huế, chiếm khoảng 60%. Số còn lại thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Lạt, Lâm Đồng, PleiKu, KonTum. Khoá 1 khai giảng ngày 22.4.1962. Ông Bùi Khương, cùng học khoá 1 với Trịnh Công Sơn, cho biết khóa 1 đã ra trường cấp tốc chỉ sau một năm thụ huấn.

Những người cùng học khoá 1 với Trịnh Công Sơn ở Trường Sư Phạm Qui Nhơn có kể lại một số sinh hoạt của Trịnh Công Sơn tại trường nầy như sau:

Lúc đó, Trịnh Công Sơn say mê sáng tác và lưu tâm nhiều đến phối khí hoà âm. Chính trong thời gian này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác bài “Biển nhớ” và trường ca “Dã tràng xe cát”.

Mùa Giáng Sinh 1962, Trịnh Công Sơn đã cùng với một số bạn bè thành lập một ban Kích Động Nhạc để vui chơi và thử nghiệm. Trong thời gian học ở trường Pellerin và Thiên Hựu, Trịnh Công Sơn đã chịu ảnh hưởng khá nhiều của loại nhạc plain chant (bình ca) và chorale (hợp xướng) của Công Giáo. Do đó, theo yêu cầu của nhà trường và cũng vì muốn thử sức mình trong lãnh vực này, Trịnh Công Sơn đã phối hợp với các sinh viên trường Sư Phạm Ghềnh Ráng thành lập một Ban Hợp Xướng trình diễn trong dịp lễ Giáng Sinh.

Tốt nghiệp khoá 1 Trường Sư Phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn được bổ nhiệm đi dạy học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau đó Trịnh Công Sơn làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bảo Lộc.

Trước 30.4.1975, tại Quy Nhơn không hề có trường đại học nào. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Quy Nhơn mới được nhà cầm quyền CSVN thành lập năm 1977 với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông cho các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Như vậy không thể có chuyện Trịnh Công Sơn học Trường Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn ban Triết.

Ngày 5.12.2003, Trường Cao Đẳng Sư Phạm Quy Nhơn được đổi thành Trường Đại Học Quy Nhơn.

Dính líu vào chính trị

Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, phong trào đấu tranh của Phật Giáo để tiến tới nắm chính quyền ngày càng lên mạnh, trong đó các bạn bè của Trịnh Công Sơn ở Huế đang đóng vai trò then chốt trong chiến dịch này, dưới quyền lãnh đạo của hai Thượng Toạ Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh. Do đó, năm 1965 Trịnh Công Sơn đã tự ý bỏ dạy học, trở về Huế hoạt động.

Đám bạn bè chính của Trịnh Công Sơn đang hoạt động chống chính phủ VNCH lúc đó gồm có Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San, Chu Sơn, Đỗ Long Vân, Nguyễn Văn, Lê Tử Thành, Bửu Ý, Nguyễn Tuấn Khanh, Phan Duy Nhân, Lê Hiếu Đằng… Trong đám bạn bè và “chiến hữu” này có hai người thân nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Trịnh Công Sơn nhất là Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đầu tháng 4/1966, khi nghe tin chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đưa quân ra Đà Nẵng dẹp loạn, theo lệnh của Thượng Tọa Thích Trí Quang, ngày 5.4.1966 “Đoàn Thanh Niên Quyết Tử” được thành lập, lúc đầu gồm 66 sinh viên, do Nguyễn Đắc Xuân, sinh viên Đại Học Sư Phạm Huế làm Đoàn Trưởng. Ngày 8.4.1966, một bộ phận của đoàn này được gởi vào chi viện cho Đà Nẵng. Theo Thiếu Tá Liên Thành, cựu Trưởng Ty Cảnh Sát Huế, chính Đoàn Thanh Niên Quyết Tử này đã phá kho súng của 2 Ty Cảnh Sát Quảng Trị và Huế, lấy khoảng 4000 ngàn súng gồm tiểu liên, Shotgun, và súng lục, 120 thùng lựu đạn M 26, khoảng 100 xe Jeep Cảnh Sát và toàn bộ máy móc truyền tin rồi dùng xe, máy móc truyền tin và súng của Cảnh Sát tuần tiểu và canh gác trong thành phố. Cũng chính đoàn này về sau, đã theo lệnh Thích Trí Quang, đưa hàng trăm bàn thờ xuống đường.

Theo lời kêu gọi của Thích Trí Quang, gần nửa quân nhân Phật tử thuộc Sư Đoàn I Bô Binh, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đã buông súng trở về thành phố tham gia cuộc nổi loạn. Đầu tháng 5/1966, Ngô Kha đã tập hợp các quân nhân ly khai này lại thành một tổ chức mang tên “Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức” để chống lại chính quyền.

Bị đẩy về phía kẻ thù

Những nỗ lực tạo bạo loạn để cuớp chính quyền của nhóm Thích Trí Quang đã bị Quân Đôi VNCH dẹp tan, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang liền đứng hẳn về phe Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nhiều thành phần chủ chốt trong nhóm tranh đấu của Thích Trí Quang đã bỏ thành phố đi vào chiến khu theo Việt Cộng, chẳng hạn như Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (SV Y Khoa), Nguyễn Đắc Xuân (SV Đại Học Sư Phạm), Trần Quang Long (SV Đại Học Sư Phạm), Lê Minh Trường (Sinh Viên Mỹ Thuật), Huỳnh Sơn Trà (SV Y Khoa), Nguyễn Văn Sơ (SV Đại Học Sư Phạm), Ngô Yên Thi (SV Văn Khoa), Trần Bá Chữ (SV Đại Học Sư Phạm) v.v. Đa số còn lại bị cơ quan an ninh VNCH bắt giữ, một số ẩn trốn trong quần chúng.

Theo cựu Thiếu Tá Liên Thành, Cảnh Sát Huế đã khám phá ra Trịnh Công Sơn là một trong những người đã giúp đưa hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư trường Quốc Học) và Hoàng Phủ Ngọc Phan (SV Y Khoa) vào chiến khu. Hai tên này đã từ nhà sách Khánh Quỳnh đến nhà tên Nguyễn Chính, một cán bộ cộng sản, ở đường Nguyễn Trường Tộ, bên này cầu Phủ Cam, rồi sau đó qua nhà Trịnh Công Sơn ở bên kia cầu Phủ Cam. Lê Cảnh Đạm, lúc đó đang làm Tổng Thư Ký Đại Học Y Khoa Huế, với sự hộ tống của Tôn Thất Dương Tiềm, đã lái chiếc xe màu trắng của bà Tuần Chi (nguyên hiệu trưởng trường Đồng Khánh) đến đón Tường và Phan lên chùa Thiên Mụ rồi từ đó, đi bộ vượt Long Hồ, Ngọc Hồ, vượt nguồn tả sông Huơng đến mật khu sau núi Kim Phụng.

Lệ thuộc vào đàn anh

Như chúng tôi đã nói ở trên, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngô Kha là hai người thân nhất và có ảnh hưởng nhất đối với Trịnh Công Sơn, cả hai đã trở thành cán bộ cộng sản, một tên hoạt động trong chiến khu còn một tên hoạt động nội thành.

1.- Hoàng Phủ Ngọc Tường: Quê xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị, sinh ngày 9.9.1937 tại thành phố Huế. Ông học hết bậc trung học ở Huế rồi vào Sài Gòn học khóa I Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Việt Hán, và tốt nghiệp năm 1960. Trở về Huế, ông dạy triết ở trường Quốc Học và học Đại Học Văn Khoa Huế. Năm 1964, ông đậu cử nhân triết.

Sau khi cuộc nổi loạn của nhóm Thích Trí Quang bị dẹp tan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi vào chiến khu và được giao nhiệm vụ viết báo ở Ban Tuyến Huấn Thành Uỷ Huế.

Trong biến cố Tết Mậu Thân, Hà Nội cho thành lập Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hoà Bình do giáo sư Lê Văn Hảo làm chủ tịch, Hoà Thượng Thích Đôn Hậu và bà Tuần Chi làm phó chủ tịch, Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký. Những người này được đưa tới Chỉ Huy Sở Tiền Phương của Mặt Trận Huế ở núi Kim Phụng, phía tây Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường được giao phụ trách viết “Lời hiệu triệu” của Liên Minh, thu băng và đem phát thanh trên các đường phố Huế. “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy.

Nhiều nhân chứng cho biết Hoàng Phủ Ngọc Tường là người chủ trì các phiên xử tại trường tiểu học Gia Hội, tuyên án tử hình rất nhiều người. Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường phủ nhận điều này và nói rằng lúc đó ông đang ở núi Kim Phụng với các thành viên trong Liên Minh. Dù sự thật như thế nào đi nữa, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là kẻ đồng loã với những người phạm tội ác chống lại nhân loại.

Sau vụ Mậu Thân thất bại, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở lại chiến khu ở vùng A Lưới, phía tây nam Huế, nhưng không được giao nhiệm vụ gì. Năm 1972, khi Cộng quân chiếm được một phần tỉnh Quảng Trị, Hoàng Phủ Ngọc Tường được cử làm Trưởng Ty Văn hoá tỉnh Quảng Trị. Nhưng chức vụ này chỉ có trên danh nghĩa.

Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã về lại Huế và được giao cho giữ chức Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Trịnh Công Sơn đã từ Sài Gòn ra Huế với hy vọng sẽ núp bóng Hoàng Phủ Ngọc Tường và bạn bè cũ để nối tiếp sự nghiệp của mình. Nhưng, theo Trịnh Cung, bỗng dưng cả thành phố Huế lên cơn sốt đả đảo Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Các biểu ngữ được giăng ở các trường đại học và Trịnh Công Sơn phải lên Đài truyền hình Huế đọc bài tự kiểm điểm. Sau đó, Trịnh Công Sơn phải đi vùng kinh tế mới cuốc đất làm rẫy. Khoảng năm 1978, Trịnh Công Sơn mới có thể trở về Sài Gòn. Sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết cuốn Cây đàn lia và hoàng tử bé để nói về Trịnh Công Sơn.

Có tài liệu nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường là đảng viên đảng CSVN, nhưng chúng tôi không tin, vì đảng CSVN không bao giờ thu nhận một trí thức thường có những triết lý vụn vặt như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông chỉ được phụ trách một số công tác lặt vặt như Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Cửa Việt, v.v.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bị tai biến mạch máu não và bị liệt nữa người cách đây khoảng 10 năm và hiện đang sống với vợ là Lâm Thị Mỹ Dạ ở 280/8 Phan Bội Châu, thành phố Huế.

2.- Ngô Kha: Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của Ngô Kha nhiều hơn Hoàng Phủ Ngọc Tường vì những lý do sau đây: Mặc dù lớn hơn Trịnh Công Sơn đến 4 tuổi, Ngô Kha là em rể của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn có 2 người em trai và 5 người em gái. Người em gái lớn nhất là Trịnh Vĩnh Thuý đã lấy Ngô Kha. Ngô Kha lại là người có học thức, rất sâu sắc, có đầu óc thực tế và có mưu lược, nên được Trịnh Công Sơn mến phục. Trịnh Công Sơn thường hành động theo sự hướng dẫn hay chỉ đạo của Ngô Kha.

Ngô Kha sinh năm 1935 tại làng Thế Lại, thành phố Huế, tốt nghiêp Đại Học Sư Phạm Huế khoá 1 (1958-1959) về môn Văn, và dạy Việt Văn tại trường Quốc Học, Huế. Năm 1962, Ngô Kha đậu thêm cử nhân luật khoa ở Huế.

Trong cuộc bạo loạn của Phật Giáo năm 1966, Ngô Kha thuộc thành phần chỉ đạo, đúng đàng sau giựt dây anh em hoạt động. Như đã nói ở trên, chính Ngô Kha đã đứng ra lập “Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức” để chống lại Quân Lực VNCH. Sau khi Huế thất thủ, Ngô Kha không đi vào chiến khu như Hoàng Phủ Ngọc Tường mà ở lại nội thành hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành Uỷ Huế. Ngô Kha đã bị bắt và bị đưa đi an trí ở Phú Quốc hai năm rồi bốn năm, đến năm 1970 mới được thả về. Năm 1971, Ngô Kha đã bị bắt lại, nhưng cũng được phóng thich sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, Ngô Kha vẫn tiếp tục hoạt động cho Cộng Sản.

Ngô Kha đã lập nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết gồm Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Thái Ngọc San, Chu Sơn và Trịnh Công Sơn. Năm 1972, Ngô Kha lại lập thêm Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung do chính Ngô Kha làm Chủ Tịch, đặt dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Huế.

Trịnh Cung kể lại: Chúng tôi đi bộ từ ngã tư Phú Nhuận về hướng Cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm.

Theo dõi các hoạt động của Ngô Kha, Cảnh Sát Huế đã quyết định bắt Ngô Kha vào ngày 30.1.1973 và sau đó Ngô Kha bị mất tích luôn. Năm 1981, nhà cầm quyền CSVN ở Huế đã có quyết định công nhận Ngô Kha là liệt sĩ.

Chu Sơn, một thành viên trong nhóm Tự Quyết của Ngô Kha bị cảnh sát bắt năm 1974, có tiết lộ rằng ngày 28.1.1973, trước khi bị bắt 2 ngày, Ngô Kha có viết cho ông một lá thư khá dài nói lên những suy nghĩ của mình trước thời cuộc và cách thế ứng xử của ông trong một giai đoạn quan yếu của chiến tranh. Ngô Kha cũng đã tiết lộ: Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, đồng bào miền Bắc, chính phủ và đảng Cọng sản ở Hà Nội cổ vũ và ủng hộ nhiệt tình phong trào Phật giáo và xem phong trào này như là một đồng minh, một bộ phận của mặt trận chính trị đánh Mỹ.

Cựu Thiếu Tá Liên Thành cho biết cảnh sát đã theo dõi và biết Trịnh Công Sơn thường liên lạc với Lê Khắc Cầm – em ruột của giáo sư Lê Khắc Phò – một cán bộ quan trọng của cơ quan Thành Uỷ Huế. Nhưng chúng tôi tin rằng tầm cỡ như Trịnh Công Sơn không đủ uy tín để được Thành Uỷ Huế giao cho làm bất cứ công tác gì. Trịnh Công Sơn chỉ làm liên lạc giữa Ngô Kha và Lê Khắc Cầm mà thôi, vì lúc đó Ngô Kha đang bị theo dõi rất sát, không dám tiếp xúc với các cán bộ của Thành Uỷ nên phải qua trung gian của Trịnh Công Sơn.

Điệp viên của cảnh sát

Biết được Trịnh Công Sơn thường quan hệ với nhóm bạn bè đi theo Cộng Sản hay thân cộng ở Huế, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên – Huế quyết định dùng Trịnh Công Sơn làm mật báo viên của Cảnh Sát Đặt Biệt trong giới học sinh, sinh viên và trí thức ở Huế. Trịnh Công Sơn đang ở vào tình trạng có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào vì trốn quân dịch và có bằng chứng đang liên lạc với Việt Cộng, nên khi Cảnh Sát yêu cầu, Trịnh Công Sơn đành chấp nhận.

Trịnh Công Sơn được cấp một Sự vụ lệnh đặc biệt trong đó chứng nhận Trịnh Công Sơn là viên chức Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế. Yêu cầu các cơ quan Quân, Dân, Chính giúp đỡ trong khi thừa hành phận sự. Nhiệm vụ của Trịnh Công Sơn là cung cấp cho CSĐB các tin tức về địch mà Cảnh Sát cần biết như danh tánh các tổ chức và cá nhân hoạt động dân vận và trí vận cho Thành Uỷ Huế, các đường dây liên lạc và trạm liên lạc nội thành của Việt Cộng, kế hoạch hành động của địch, v.v.

Vì Trịnh Công Sơn có khi ở Huế, có khi đi nơi khác nên công tác cũng có lúc gián đoạn, nhưng Trịnh Công Sơn đã làm việc cho CSĐB đến ngày Huế mất. Có những tin tức Trịnh Công Sơn đã báo cáo chính xác, nhưng cũng có những tin không báo cáo. Trịnh Công Sơn thường không báo cáo về các trạm liên lạc và nơi hội họp của nhóm Bửu Chỉ, Ngô Kha, Trần Hoài, Hoàng thị Thọ, Phạm thị Xuân Quế, v.v.

Được thuê để làm nhạc phản chiến

Kể từ năm 1968, nhóm tư bản quốc phòng đàng sau hậu trường ở Mỹ quyết định đi tới chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam vì mục tiêu của họ đã đạt. Một chiến dịch phản chiến đã được các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ phát động. Các nhóm phản chiến còn đưa Thượng Toạ Nhất Hạnh từ Pháp qua Mỹ để yểm trợ cho phong trào này.

Ở Việt Nam, cơ quan tình báo Hoa Kỳ cũng đã thuê Trịnh Công Sơn đặt nhạc phản chiến để làm giảm xuống tinh thần chiến đấu của cả hai bên.

Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng.
Khắp đất nước tràn đầy xác người:
Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này.
(Bài ca dành cho những xác người – 1968)

Huế Sài Gòn Hà Nội
Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim
Việt Nam. 
(Huế – Sài Gòn – Hà Nội – 1969)

Những tiếng hát như thế mà cứ vang lên, ai mà còn chiến đấu được?

Ngoài ba tập Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời, Mỹ còn giúp cho Trịnh Công Sơn thực biện một cuốn phim mang tên Đất Khổ, được dịch ra tiếng Anh là Land of Sorrows” để nói lên cảnh bi đát của một gia đình ở Huế trong chiến tranh. Đây là một cuốn phim dài khoảng 20 phút được trình diễn và quay rất “professional.

Nhưng không may cho Trịnh Công Sơn, những chi phiếu được Asia Foundation (một cơ quan tài trợ tình báo văn hoá của Mỹ) trả cho Trịnh Công Sơn vẫn còn găm lại trên các tập nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn được lưu giữ tại trụ sở của tổ chức này ở phía sau Quốc Hội VNCH sau 30.4.1975, và Công An CSVN đã lấy được. Có lẽ vì thế phong trào chống Trịnh Công Sơn đã được phát động ngay sau khi CSVN chiếm miền Nam một thời gian ngắn.

Bị đẩy vào con đường nghiệt ngã

Những sự kiện chúng tôi vừa trình bày trên cho thấy tham vọng thành lập một chính quyền Phật Giáo tại miền Nam và hoàn cảnh đã đưa đất nước, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang và những người theo họ đi vào những con đường nghiệt ngã với những hậu quả nghiêm trọng còn kéo dài theo luật nhân quả chưa biết đến bao giờ mới dứt.

Nếu không có tham vọng nói trên, những tuổi trẻ lúc đó chưa chắc đã đi theo Việt Cộng. Việt Cộng đã đón tiếp và dùng họ nhưng không tin, vì tuy cùng đứng chung một chiến tuyến nhưng mỗi bên đã nhìn về một hướng khác nhau.

Năm 1992, Trịnh Công Sơn đã viết:

“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá… Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường…”. (Trịnh Công Sơn,Những Bài Ca Không Năm Tháng, nxb Âm Nhạc, 1995, trang 271).

Mơ ước trong bài ca “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn cho đến nay vẫn chưa thực hiện được:

Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối laị một vòng Việt-nam.

Nhưng chúng tôi tin rằng khi thế hệ chiến tranh Việt Nam không còn nữa, sẽ không còn sự phân tích hay tranh cãi Trịnh Công Sơn đứng bên này, bên kia hay bên nớ, và nhạc và lời ca của Trịnh Công Sơn chắc chắn sẽ trở thành một loại nhạc và lời ca đứng hàng đầu trong thời đại chúng ta.

Trong bài sau chúng tôi sẽ bàn đến cuốn “Trịnh Công Sơn. Vết chân dã tràng” của Ban Mai.

Lữ Giang
(Ngày 1.9.2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét