Cơ chế quản lý mạng Internet tại Trung Quốc là "theo dõi internet" và "sách nhiễu ngoài mạng" đối với ai dính vào chính trị.
Trong tháng 7 vừa qua, công an Trung Quốc tạm bắt sáu blogger vì tin về một vụ án và cũng đang kiểm soát truyền thông ở Tân Cương trước dịp 60 năm Quốc khánh 1/10.
Trong lúc các tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế vẫn đang theo dõi việc bắt và thả một số blogger Việt Nam, cơ chế kiểm soát mạng của nước này có phần giống với Trung Quốc.
Cả hai quốc gia đều nêu ra nhu cầu ngăn ngừa các trang có nội dung "không lành mạnh", như khiêu dâm (pornography) và tất nhiên là các trao đổi, bình luận chính trị "nhạy cảm".
Theo Jeremy Goldkorn, chủ bút trang Danwei.org chuyên về truyền thông Trung Quốc, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp như trình báo thẻ căn cước, và địa chỉ nơi ở để kiểm soát người dùng mạng.
Theo dõi chính trị
Trong bài trên báo Anh Telegraph 26/8 vừa qua, ông Goldkorn nói rằng đa số người dùng mạng ở Trung Quốc chỉ lên internet để giải trí, chat với bạn bè, chơi game, nghe nhạc hoặc xem video.
Nhưng dù vậy, chính quyền vẫn coi lĩnh vực chính trị là cần phải kiểm soát, và các trang quốc tế như Twitter, YouTube và cả Facebook bị ngăn.
Còn theo báo Mỹ, tờ The New York Times (6/9/2009), trong tháng 8 năm nay, các trang Sina, Netease, Sihu và nhiều trang khác tại Trung Quốc đều không báo trước nhưng yêu cầu người dùng trao tên thật và số thẻ căn cước.
Một số chủ bút báo mạng nói yêu cầu này của nhà chức trách không hoàn toàn ngăn được việc ai đó đăng ký bằng tên giả, số điện thoại di động hoặc số chứng minh thư giả.
Các biện pháp của nhà nước sẽ khiến công dân mạng giảm niềm tin vào chính quyền
Hồ Vịnh, Phó Giáo sư Đại học Bắc Kinh
Tuy vậy, việc này áp đặt thêm một tầng quy định mới với các trang mạng ở Trung Quốc vốn đã bị kiểm soát chặt.
Theo tác giả Jonathan Ansfield trong bài trên The New York Times, chính quyền nói đến "trách nhiệm xã hội", và "lối sống văn minh" trên mạng và trong dân dùng web, điều mà một số chủ bút báo mạng nói chỉ là cách để "ảnh hưởng" đến ý kiến quần chúng trên internet.
Họ nói như vậy với điều kiện không nêu tên vì e sợ bị mất việc.
Nếu như trước đây, chủ đề "nhạy cảm" gồm Đài Loan, Đạt Lai Mạt Ma thì trong thời gian gần đây có thêm Tân Cương.
Trước dịp 1/10, chính quyền địa phương kiểm soát báo chí và các trang internet chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Theo BBC Tiếng Trung, nhà chức trách Tân Cương lo sợ các "phần tử phân liệt" quấy rối và làm mất uy tín chính quyền vào dịp Quốc khánh tới.
Có tin một số phóng viên tiếng Trung bị tạm giữ tại Tân Cương.
Đấu nhau trên mạng
Khu vực "nhạy cảm" còn bao gồm cả các nội dung như chỉ trích quan chức, hay tìm các thông tin "vô đạo đức" về cán bộ đảng, nhà nước.
Chính vì đăng lên mạng cáo buộc tội giết người và hiếp dâm của một kẻ nào đó mà sáu blogger ở Hạ Môn bị bắt trong tháng Bảy vừa qua.
Họ cho rằng thủ phạm có quan hệ gần gũi với giới chức chính quyền.
Ngoài ra, cũng không quên rằng có những "dân mạng" tổ chức nhau lại trong các diễn đàn nhằm phê phán báo chí Phương Tây và tìm ra các ví dụ họ cho là "truyền thông Phương Tây thiên vị về Trung Quốc.
Đó là các trang như tiexue.net (Thiết Huyết), hay Anti-CNN.com.
Nội dung các bình luận trên những trang này thường mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, cũng có các đợt săn tin nhằm vào những vi phạm của quan chức nhà nước, các chuyện gây hại cho môi trường và người tiêu dùng và tung nội dung lên internet.
Trong một số vụ, tin từ mạng internet đã đưa tới chỗ chính quyền phải có hành động.
Điều dễ nhận thấy là mọi thông tin trên mạng, kể cả về bắt giữ ai đó cũng nhanh chóng được truyền đi.
Vẫn bài của ông Goldkorn nhắc đến vụ bắt một luật sư là Tô Chí Vĩnh vì các bài viết của ông này trên internet.
Một chiến dịch vận động đòi thả ông đã hình thành nhanh chóng trên internet, và hôm 24/8 năm nay, vị luật sư đã được thả.
Về lâu dài, theo nhận định của Jonathan Ansfield, tác động của việc kiểm soát mạng không có lợi cho chính quyền.
Bài báo trích lời ông Hồ Vịnh, một chuyên gia về truyền thông tại Đại học Bắc Kinh, nói các biện pháp của nhà nước sẽ khiến "công dân mạng giảm niềm tin vào chính quyền".
Đó là chưa kể "sức phát triển của ngành công nghệ thông tin cũng bị kìm hãm".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét