The Economist, Hà Nội ngày 10/09/2009
Đàn áp không nương tay tinh thần yêu nước trên mạng
Tại một quốc gia có tinh thần yêu nước nồng nàn như Việt Nam, bạn đương nhiên nghĩ rằng Chính phủ sẽ ủng hộ kế hoạch truyền bá áo thun in các biểu ngữ thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người dân. Ngặt một nỗi, những chiếc áo này lại gửi đi thông điệp phản đối Trung Quốc, đối tác thương mại to tát nhất của Việt Nam. Tệ hơn thế, người truyền bá áo thun lại là các blogger quen thuộc, vài người trong số họ còn bày tỏ thái độ chỉ trích mạnh mẽ.
Hai blogger nổi tiếng và một phóng viên báo mạng vừa bị bắt giam sau khi công an tìm ra bằng chứng rõ ràng về việc in ấn áo thun phản đối đầu tư Trung Quốc vào một dự án khai thác bauxite mới, gây nhiều tranh luận tại Tây Nguyên, đồng thời phản đối Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên các quần đảo còn đang tranh chấp tại Biển Đông.
Tẩt cả các thành viên của bộ ba này đều viết blog chỉ trích quan hệ Việt – Trung. Họ bị bắt giam vì nghi ngờ là đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để xâm phạm lợi ích quốc gia. Đến giữa tuần này thì Bùi Thanh Hiếu, blogger lấy bút danh “Người Buôn Gió”, và Phạm Đoan Trang, phóng viên làm việc cho báo mạng VietnamNet đã được trả tự do mà không bị buộc tội sau khi phải ngồi tù khá nhiều ngày. Nhưng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger “Mẹ Nấm”, vẫn còn bị giam cầm.
Đây là những hành động bắt giam gần đây trong chiến dịch đàn áp liên tục nhắm vào blogger và nhà báo. Hướng về Đại hội Đảng Cộng Sản năm 2011, trong lúc ba vị trí chính trị cao nhất vẫn còn để ngỏ, Chính phủ nhiệt tình kiểm soát nhà bình luận nào dám lên tiếng nói của mình. Từ tháng Mười Hai năm ngoái, Chính phủ áp dụng các giới hạn mới áp dụng cho blogger, họ sẽ bị ghép vào tội có hành động phi pháp nếu dùng bí danh để xuất bản hoặc dám viết về chính trị. Các qui định này sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt.
Theo số liệu từ Chính phủ, hiện nay đã có hơn 21 triệu người, chiếm một phần tư dân số, đang dùng internet. Ước tính số người viết blog sẽ từ 1 triệu đến 4 triệu người. Đại đa số là người viết nhật ký cá nhân chứ không phải hoạt động chính trị xã hội, song tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của blog kèm với khó khăn trong việc quản lý đã làm Chính phủ bối rối, mặc dù Chính phủ đã từng kiểm soát toàn diện giới truyền thông.
Các blogger chợt thấy mình phải đứng trước vành móng ngựa là những người tố cáo tham nhũng trong Chính phủ hoặc có lời bình luận tiêu cực về Liên Xô cũ. Song Chính phủ có vẻ đặc biệt lo âu về tình trạng chỉ trích Trung Quốc.
Sau 1.000 năm dưới ách đô hộ và sau cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1979, nhiều người Việt Nam vẫn còn căm ghét anh hàng xóm phương Bắc. Nhưng Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc và đang cần đầu tư hơn bao giờ hết. Đây là lý do tại sao Chính phủ vẫn hăm hở thúc đẩy dự án khai thác bauxite với Trung Quốc, bất chấp phong trào phản đối rộng rãi từ các nhà khoa học và tướng lãnh (cũng như blogger). Họ chất vấn về “thành tích” bảo vệ môi trường của các công ty Trung quốc đồng thời bày tỏ nhiều quan ngại đến an ninh quốc gia.
Các tổ chức tự do báo chí quốc tế, thường sắp hạng Việt Nam bên cạnh Trung Quốc và Myanmar vào nhóm những quốc gia rủi ro nhất cho giới blogger, đã lên án các hành động bắt giam gần đây. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài e ngại rằng chính sách bắt giam khẩn cấp này sẽ phương hại đến công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Qui định mới có thể khiến blogger sợ hãi, và nhà báo có thể sẽ phải hết sức dè chừng khi viết lên những điều thậm chí chỉ hàm chứa chút ít rủi ro mơ hồ – luật pháp chưa qui định rõ điều gì họ được và không được đưa tin.
Song không phải mọi người đều nản lòng. Một blogger trẻ từ Hà Nội, người từng chỉ trích công khai Trung Quốc nhiều lần, phát biểu, “Họ chỉ đuổi bắt cá lớn thôi mà.” Anh nói thêm rằng Chính phủ có thể đang tự bắn vào chân của mình. Sau khi blogger bị bắt, lượng bạn đọc của blogger đó thường sẽ gia tăng nhanh chóng.
Quê Hương dịch
Nguồn: http://www.economist.com/world/asia/displaystory.cfm?story_id=14419371
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét