GUY SORMAN
Trần Quốc Việt dịch
Bốn nhà lãnh đạo còn sống của chế độ Khmer Đỏ, trong đó có cựu chủ tịch nước Khieu Samphan, hiện đang bị giam ở Phnom Penh kể từ năm 2007 và sẽ bị đưa ra trước công lý tại nước họ. Vào ngày 16 tháng Chín, toà án Cambodia được Liên Hiệp Quốc bảo trợ đã truy tố họ về tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, và các tội danh khác. Toà án này đã xác lập sự khả tín của mình qua vụ xử đầu tiên: mới ngày 26 tháng Bảy vừa qua, toà đã kết án Kaing Guek Eav (tên thường gọi là Duch), một con vít nhỏ trong guồng máy diệt chủng của Khmer Đỏ. Duch chỉ huy một trung tâm tra tấn từ năm 1975 đến 1979 nơi con số nạn nhân lên đến 15.000 người. Khác với toà án Nuremberg năm 1945 xét xử các nhà lãnh đạo Quốc xã, toà án Phnom Penh không phải do các cường quốc thắng trận lập ra; toà hoạt động trong khuôn khổ hệ thống tư pháp Cambodia, được duy trì nhờ công luận Cambodia, tuy được Liên hiệp Quốc tài trợ. Tính chính danh và mục tiêu của toà án không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, xét theo mức độ tội ác của ông, dân chúng Cambodia nhận thấy bản án của Dutch chưa thoả đáng. Bị cáo rõ ràng đã thuyết phục được toà án rằng ông chỉ vâng lệnh cấp trên của mình- vẫn cùng cái cớ các nhà lãnh đạo Quốc xã đã trình bày trước toà án Nuremberg.
Trên báo chí Tây phương và Châu Á, cũng như qua các lời tuyên bố của nhiều chính phủ, rõ ràng người ta đang cố gắng giảm nhẹ tội ác của Duch và Khieu Samphan xuống thành những vấn đề thuộc về hoàn cảnh địa phương. Làm như thể có một tai ương không may mang tên “Khmer Đỏ” đã vô tình giáng xuống Cambodia trong năm 1975, qua đó cướp đi sinh mạng của 1.5 triệu người Khmer. Nhưng ai hay điều gì ở đằng sau điều mà toà án gọi là nạn diệt chủng người Khmer do những người Khmer khác gây nên? Biết đâu điều này là lỗi tại Hoa Kỳ? Hay phải chăng vì người Mỹ, do dựng nên một chính quyền theo ý muốn của họ, nên đã tạo ra một phong trào cực đoan (reaction) dân tộc? Hay biết đâu cơn diệt chủng này là một di sản văn hoá, là đặc trưng của nền văn minh Khmer? Các nhà khảo cổ đang xới tung cả quá khứ lên để cố tìm ra một cách vô vọng một tiền lệ lịch sử. Ta có thể tìm thấy lời giải thích đúng, tức ý nghĩa của tội ác, trong những tuyên bố của chính Khmer Đỏ: giống như Hitler từng mô tả trước tội ác của mình, Pol Pot (mất năm 1998) đã giải thích từ rất sớm rằng ông sẽ huỷ diệt nhân dân của ông, để tạo ra một nhân dân mới. Pol Pot xem mình là người cộng sản; ông trở thành người cộng sản vào thập niên 1960 khi đang theo học tại Paris, cái nôi của chủ nghĩa Marx thời đó. Vì Pol Pot và những nhà lãnh đạo của chế độ mà ông đã áp đặt lên nhân dân ông tự xem mình là những người cộng sản – chứ không bao giờ tuyên bố là những người kế thừa của triều đại Cambodia nào đấy – nên chúng ta phải công nhận rằng chính họ thật sự là những người cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản Khmer Đỏ mang đến cho Cambodia quả là chủ nghĩa cộng sản đích thực. Xét về mặt khái niệm hay cụ thể, không có sự khác biệt cơ bản nào giữa ách cai trị của Khmer Đỏ với ách cai trị của chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Castro, hay chế độ Bắc Hàn. Tất cả các chế độ cộng sản đều theo một quỹ đạo giống nhau một cách kỳ lạ, hiếm khi chịu ảnh hưởng của truyền thống địa phương. Trong mỗi trường hợp, những chế độ này tìm cách làm lại từ đầu quá khứ và tạo ra con người mới. Trong mỗi trường hợp, người “giàu”, trí thức, và những ai hoài nghi cuối cùng rồi bị tận diệt. Khmer Đỏ lùa dân chúng ở thành phố và miền quê vào các công xã nông nghiệp dựa theo các tiền lệ của cả Nga (nông trường tập thể) và Trung Quốc (công xã nhân dân), và họ hành động vì cùng các lý do ý thức hệ giống nhau, rồi cuối cùng dẫn đến kết cục như nhau: đói kém. Không có những điều như chủ nghĩa cộng sản đích thực nếu không có thảm sát, tra tấn, trại tập trung, quần đảo ngục tù, hay trại lao động cải tạo. Cho nên nếu không bao giờ có chủ nghĩa cộng sản đích thực, thì chúng ta phải kết luận rằng không thể có bất kỳ kết quả nào khác được: ý thức hệ cộng sản tất yếu dẫn đến bạo lực tập thể, vì tập thể không muốn chủ nghĩa cộng sản đích thực. Lời khẳng định này đúng trên đồng ruộng Cambodia cũng như trên đồng bằng Ukrain hay dưới tán cây cọ Cuba.
Như thế, phiên toà xử Duch và rồi cuối cùng phiên toà xử Lũ Bốn Tên là những phiên toà đầu tiên, trên cơ sở nhân quyền, xử những viên chức Mác-xít của chế độ chính thức dù theo chủ nghĩa Marx, Lenin, hay Mao. Phiên toà xử chủ nghĩa Quốc xã diễn ra tại Nuremberg khởi đầu vào cuối năm 1945, và tiếp đến phiên toà xử chủ nghĩa Phát xít tại Tokyo năm sau. Nhưng mãi cho đến bây giờ, chúng ta chưa có phiên toà nào xử chủ nghĩa cộng sản, mặc dù chủ nghĩa cộng sản đích thực đã giết chết hay gây tàn phế cho số nạn nhân còn nhiều hơn tổng số nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Phát xít cộng lại. Phiên toà xử chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ diễn ra, ngoại trừ trên lĩnh vực trí thức, vì hai lý do. Thứ nhất, chủ nghĩa cộng sản ít nhiều hưởng được sự miễn tội ý thức hệ vì nó tuyên bố đứng về phía tiến bộ. Thứ hai, chủ nghĩa cộng sản vẫn còn nắm quyền ở Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Hà Nội, và Havana. Còn tại những nơi họ đã mất hết quyền lực, như ở Liên Xô cũ, những người cộng sản đã tìm được cách thoát tội nhờ hoá thân thành những nhà dân chủ xã hội, những doanh nhân, hay những nhà lãnh đạo dân tộc.
Phiên toà xử chủ nghĩa cộng sản duy nhất hiện nay có thể thực hiện được và mang lại kết quả vì thế phải diễn ra tại Cambodia. Nhưng chúng ta không được nhầm lẫn: đây không đơn thuần là phiên toà giữa người Cambodia với nhau. Trong phiên toà ở Phnom Penh, chủ nghĩa cộng sản đích thực đối mặt với những nạn nhân của nó. Phiên toà không những phơi bày chủ nghĩa Marx thủ đoạn như thế nào để thâu tóm, cướp đoạt, và thực thi quyền lực theo cách tuyệt đối, mà còn phơi bày một đặc trưng kỳ lạ của chủ nghĩa Marx đích thực. Giờ dường như chẳng có ai, ngay cả những cựu lãnh đạo cộng sản, muốn giành tiếp nhận vương trượng truyền lại của chủ nghĩa Marx. Khmer Đỏ giết người nhân danh Marx, nhân danh Lenin, và nhân danh Mao, nhưng họ thích chết như là những kẻ phản bội cho chính sự nghiệp họ từng đeo đuổi hay thích trốn chạy. Sự hèn nhát này chiếu một luồng ánh sáng mới vào chủ nghĩa Marx: chủ nghĩa Marx là thực, nhưng nó không thật, vì không có ai tin nó.
Guy Sormanlà trí thức hàng đầu Pháp, hiện là biên tập viên tạp chí City Journal, tác giả của hơn 20 cuốn sách bàn về các vấn để quốc tế và đương thời. Ông từng là cố vấn cho thủ tướng Pháp (1995-1997). Tác phẩm đáng chú nhất gần đây của ông là Đế quốc nói láo: Sự thật về Trung Quốc trong thế kỷ hai muơi mốt.
Nguồn: Tạp chí City Journal số 26 tháng Chín năm 2010. Bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh của Alexis Cornel. (“Communism’s Nuremberg”).
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
oi thay may' so* nguoi so"* qua'
Trả lờiXóa