Ngày 4/1/2010 là sinh nhật thứ 70 của Cao Hành Kiện, nhà văn Pháp gốc Trung Quốc, người đoạt giải Nobel Văn học cách đây 10 năm.
Nhân dịp này, trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc đại học London đã có một hội nghị chuyên đề, thảo luận về các tác phẩm cũng như tư tưởng của Cao Hành Kiện.
Trước khi tham dự hội nghị này, ông Cao đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Vệ Vĩ của ban tiếng Trung BBC Thế giới vụ.
BBC: Hôm nay là sinh nhật thứ 70 của ông, trước hết, xin chúc ông một sinh nhật vui vẻ. Cũng xin chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ông đoạt giải Nobel Văn chương. 70 năm qua đối với ông chắc cũng không khác lắm so với những người Trung Quốc cùng thời, có nghĩa là phải trải qua rất nhiều thay đổi. Nhìn lại thì ông thấy thời điểm nào là ấn tượng nhất trong số những kỷ niệm của ông?
Cao Hành Kiện: Nhìn lại thì tôi thấy có quá nhiều thay đổi, thăng trầm, bước ngoặt, quá nhiều sự kiện. Rất khó để có thể nói thời điểm ấn tượng nhất là gì.
Tôi đã sống tại Paris được 22 năm. Nếu chúng ta hay nói đùa về ba kiếp thì đây là kiếp thứ ba của tôi. Kiếp đầu tiên của tôi là ở Trung Quốc, thứ hai là ở Paris. Sau khi giành giải Nobel, tôi bị một trận ốm nguy kịch, suýt chết, và kể từ đó, tôi hay gọi đây là kiếp thứ ba của tôi.
BBC: Ông là người Trung Quốc duy nhất giành được giải Nobel Văn chương cho đến nay. Lẽ ra chính phủ TQ phải rất tự hào về ông, nhưng họ không tỏ ra như vậy. Có lẽ ông cũng không quan tâm tới các cử chỉ của chính phủ Trung Quốc nữa vì ông đã trở thành công dân Pháp từ lâu rồi. Nhưng ông sinh ra ở Trung Quốc, và suy cho cùng, đã sống tại TQ trong 47 năm, vậy ông có cảm thấy chút nào hụt hẫng khi chứng kiến sự thờ ơ của chính phủ Trung Quốc hay không?
Cao Hành Kiện: Không hẳn. Tôi gặp rất nhiều vấn đề khi sống tại Trung Quốc, chứ không phải từ sau khi tôi đoạt giải Nobel. Các tác phẩm của tôi bị cấm thậm chí từ khi tôi còn ở TQ. Người ta luôn đối xử với tôi như vậy. Trong nhiều thập niên, tôi không thay đổi, và Trung Quốc cũng thế. Thực tế là như vậy, nên tôi cũng không cảm thấy hụt hẫng hay mất mát gì.
Bản sắc dân tộc là một chủ đề được bàn thảo nhiều. Ai cũng nói về nó. Tôi hay nghĩ rằng đó là một chủ đề thuần túy chính trị, chứ không có gì động chạm tới sức sáng tạo trong văn chương.
Tôi thường hay đùa về bản sắc của mình, rằng kể từ khi tôi trở thành công dân Pháp cách đây 17, 18 năm, thời gian cũng đã đủ dài để tôi coi mình là một công dân quốc tế. Trên thực tế thì tôi cũng sống như một công dân quốc tế. Tôi có thể ở bất kỳ nơi đâu vào bất cứ lúc nào. Tôi viết tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Do vậy, quan điểm của chính quyền Trung Quốc chẳng mấy quan trọng đối với tôi.
BBC: Ông rời Trung Quốc với tư cách là người đi tiên phong trong giới văn học nước nhà, và có rất nhiều người hâm mộ. Nhưng cách đây hai tháng, tôi trở về Trung Quốc, khi một số người bạn nói về việc các trường đại học ở Trung Hoa đại lục thiếu giải Nobel, tôi đã trả lời rằng chúng ta chắc chắn đã có một người đoạt giải Nobel tốt nghiệp từ Viện Ngoại ngữ Bắc Kinh, có tên là Cao Hành Kiện. Nhưng không ai trong số 10 người có mặt lúc đó biết tên ông. Ông có thấy buồn là ông giờ không được biết đến nhiều trong giới độc giả tại Trung Hoa đại lục?
Cao Hành Kiện: Chúng ta chẳng làm được gì về chuyện đó cả. Các tác phẩm của tôi bị cấm tại Trung Quốc, ngay cả tên tôi trong chừng mực nào đó cũng bị cấm. Có lần, tôi nhận được một món quà thú vị từ một người bạn. Đó là một cuốn sách do TQ đại lục xuất bản về những người đoạt giải Nobel trong 100 năm qua, nhưng đến năm 2000, năm tôi đoạt giải, thì họ lại bỏ trống. Họ đã cố tình bỏ đi năm đó. Tôi thấy đấy là một chi tiết thú vị, và hay đùa về chuyện đó.
Nhưng tôi không lấy làm ngạc nhiên tí nào, hay cảm thấy hối tiếc gì hết. Đó là vì tôi có rất nhiều độc giả quanh mình, và trước mặt vẫn còn cả thế giới rộng lớn. Như tôi biết, các tác phẩm của tôi đã được dịch ra 36 thứ tiếng, trong khi tôi vẫn còn rất nhiều độc giả tiếng Trung từ Đài Loan, Hong Kong, thậm chí Singapore, nơi các bạn đọc Trung Quốc vẫn tiếp cận được các tác phẩm của tôi.
BBC: Tôi biết ông nghĩ là việc nhà văn tham gia vào các chuyện chính trị sẽ ảnh hưởng tới chất lượng văn. Tuy nhiên, cho dù văn sĩ hay nghệ sĩ có cố gắng đến đâu trong việc tránh né chính trị, thì chính trị vẫn được thể hiện trong tác phẩm của họ. Như vậy, có mâu thuẫn nào không giữa các nhà văn cầm bút với chính trị, và ông xử lý chuyện này thế nào?
Cao Hành Kiện: Đây là một câu hỏi rất khó. Trong thế kỷ 20, có một xu hướng tại những nơi theo chủ nghĩa Marx là nhà văn nên tham gia vào chính trị và có quan điểm rõ rệt về chính trị. Nhưng xu hướng này làm cho các nhà văn khá khốn khổ.
Khi nhìn lại thế kỷ vừa qua, số phận của các nhà văn tham gia vào chính trị là họ hoặc phải hi sinh văn cho tuyên truyền chính trị, hoặc sẽ bị quyền lực bóp nghẹt nếu làm trái đi. Tôi nghĩ đó là một bài học cho các nhà văn ngày nay.
Vậy nhà văn có nên có chính kiến của mình không? Tôi nghĩ nhà văn chắc chắn phải có quan điểm của riêng mình về chính trị, nhưng cũng phải vượt lên trên chính trị. Khi sáng tác đi sâu vào cuộc sống cũng như những nan đề của cuộc sống, nó không thể nào tránh né hiện thực chính trị.
BBC: Các tác phẩm ông viết tại Trung Quốc cũng như những tác phẩm mới đây nhất đều không gần gũi với chính trị, thế nhưng bài diễn văn của ông khi đoạt giải Nobel năm 2000 và vở kịch ‘Lưu vong’ của ông hoàn tất ngay sau biến cố Thiên An Môn năm 1989 là mang tính chính trị, đúng không?
Cao Hành Kiện: Là một người suy nghĩ độc lập, một nhà văn nên có quan điểm về hiện thực, trong đó có chính trị. Tôi không né tránh việc đưa ra ý kiến về chính trị, nhưng tôi không tham gia vào bất cứ dạng chính trị nào.
Như chúng ta đều biết, chính trị có nghĩa là phải cân bằng lợi ích và quyền lực. Nếu chúng ta để văn chương rơi vào trò chơi chính trị, chúng ta sẽ đánh mất đi giá trị của văn chương. Tôi nghĩ giá trị của nhà văn chỉ được chứng tỏ qua những biểu đạt về các hoàn cảnh thực sự của con người. Chỉ những tác phẩm hướng tới đời sống thực sự, bất kể ảnh hưởng nào của chính trị, mới tồn tại được lâu dài.
BBC: Một trong các xu hướng văn hóa phổ biến tại Trung Hoa đại lục ngày nay là giải thích Khổng giáo một cách đơn giản, hiện đại và thực tiễn. Theo quan điểm của chính phủ, đạo Khổng có thể cải thiện hình ảnh của TQ ở quốc tế, do vậy nên các Viện Khổng Tử giờ mọc lên khắp nơi trên thế giới để truyền bá văn hóa Trung Quốc. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Cao Hành Kiện: Tôi có quan điểm riêng về văn hóa Trung Quốc, mà chẳng liên quan gì đến các chính sách của chính phủ cả trước đây cũng như bây giờ.
Tôi tin rằng nếu một nhà văn có thể tự suy nghĩ, anh ta sẽ có quan điểm độc lập và duy nhất của mình về văn hóa và lịch sử, và chỉ có suy nghĩ độc lập thì mới có giá trị về lâu về dài.
Chắc chắn là tôi có suy nghĩ của riêng mình về văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhưng tôi không đồng ý với chuyện chỉ coi đạo Khổng là tư tưởng tuyệt vời nhất. Tôi không phản đối đạo Khổng. Khổng giáo phát triển qua các triều đại, xây dựng lên hệ thống đạo đức trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Thế nên Khổng giáo là để phục vụ cho quyền lực, nó là một hệ thống đạo đức được tận dụng để hậu thuẫn cho quyền lực. Nếu chúng ta vứt bỏ quyền lực này đi, Khổng giáo chẳng còn gì ngoài lý thuyết.
Như chúng ta đều biết, văn hóa Trung Quốc vốn giàu có và sâu sắc. Chúng ta còn có Lão Tử và Trang Tử.
Tôi muốn gợi ý, là có một nhân vật từ lâu bị lãng quên trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc là Huệ Năng. Tôi nghĩ Huệ Năng là một nhà tư tưởng rất quan trọng nhưng bị người đời quên lãng. Tên của ông không được nhắc đến như một nhà tư tưởng trong lịch sử, mà chỉ là một nhà sư Phật giáo. Tôi nghĩ Huệ Năng đã đạt được bước đột phá trong tư tưởng trước thời Tần, và mang lại rất nhiều ý tưởng mới mẻ cho văn hóa Trung Quốc. Những ý tưởng đó là từ Huệ Năng, chứ không phải Khổng Tử.
BBC: Ông có nghĩ là văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa thời internet, có thể ảnh hưởng đến văn hóa thế giới?
Cao Hành Kiện: Internet là một hiện tượng mới, ngày càng phổ biến trong thập niên qua và trở nên rất hữu dụng trong việc truyền bá văn hóa. Nó đã giúp cho Trung Quốc mở rộng tư tưởng để chấp nhận các thông tin mới từ các nước khác nhau; nó còn giúp cải thiện giao lưu văn hóa giữa TQ với thế giới.
Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý rằng nếu chúng ta sử dụng sai internet, chúng ta sẽ biến văn hóa thành đơn giản và đại chúng. Còn một nguy cơ tiềm tàng mà tôi thấy trong văn hóa Trung Quốc ngày nay, là dân tộc chủ nghĩa. Tôi nghĩ giới trí thức TQ nên cảnh giác về nguy cơ này.
Chúng ta không phản đối văn hóa truyền thống TQ, mà chúng ta đang tìm cách đổi mới các truyền thống. Đây là những gì tôi đang làm. Trong các tác phẩm của mình, tôi đang tìm kiếm những chất liệu mới trong văn hóa truyền thống, nhưng lại không bị hạn chế bởi truyền thống. Thực ra, tôi quan tâm đến các nền văn hóa phương Tây nữa, kể cả văn hóa châu Phi và Nam Mỹ, và các vở kịch của tôi cũng được biểu diễn tại Nam Mỹ. Tôi muốn hấp thụ văn hóa của nhiều dân tộc.
Do đó, tôi nghi ngờ nếu thấy có những ầm ỹ về chính trị đằng sau quan điểm của một số trí thức là chỉ có văn hóa dân tộc mới đáng chú trọng.
BBC: Ông rời TQ năm 1987, trong 20 năm qua, đã bao giờ ông quay trở lại quê nhà?
Cao Hành Kiện: Chưa bao giờ. Tôi thậm chí không buồn nghĩ về chuyện đó, vì tôi thấy chẳng có ý nghĩa gì khi quay lại một đất nước vốn cấm cả các tác phẩm lẫn tên tôi. Tôi cũng nhận đủ lời mời từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tôi cho rằng bạn hỏi câu này vì đây là cuộc phỏng vấn của cho chương trình tiếng Trung, nhưng thực tế là trong cuộc đời tôi lẫn trong những gì tôi viết hàng ngày, Trung Quốc đã trở thành quá khứ mất rồi. Do đó, khi qua giai đoạn này, tôi có nhiều đối tượng và kế hoạch mới.
BBC: Hôm nay là sinh nhật thứ 70 của ông, chưa phải là tuổi già nhưng có lẽ cũng là tuổi mà mọi người thường nghĩ về chuyện ‘tìm lại nguồn gốc’ như người TQ chúng ta thường nói. Ông có bao giờ nghĩ sẽ trở về quê nhà hay không?
Cao Hành Kiện: Rất nhiều người TQ ở hải ngoại thường nhớ nhà hay nguồn cội, trong đó có rất nhiều trí thức.
Tôi hay nghĩ là xét về các giao tiếp trong kinh tế, chính trị và văn hóa thì toàn cầu hóa đã ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới cũng như suy nghĩ của mọi người.
Tôi nghĩ đối với những người Trung Quốc sống ở nước ngoài, họ nên tìm nguồn gốc tại chính nơi mình sống, vì bây giờ khái niệm nhà có thể ở bất cứ nơi đâu. Dĩ nhiên là họ không nên cắt đứt các quan hệ với văn hóa TQ, vì đó là cả một mỏ vàng.
Tôi không phản đối truyền thống. Tôi nghĩ, hoặc hi vọng, rằng những người Trung Quốc hải ngoại có thể tìm thấy nguồn gốc tại bất cứ nơi nào họ sống, đồng thời, cũng có thể mang văn hóa truyền thống Trung Hoa tới nơi sinh sống của họ. Đó là cách tốt nhất cho người Trung Hoa ở hải ngoại, kể cả trí thức, để kết hợp truyền thống với môi trường nước ngoài, để họ có thể gặt hái được thành công tốt hơn.
bài phỏng vấn này rất hay và cảm ơn bạn đã đăng tải để mọi người cùng tham khảo
Trả lờiXóaTheo 1 thông tin thì đến nay đã có 11 người gốc Hoa đoạt giải Nobel trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên không ai mang quốc tịch Trung Quốc. Điều này khiến TQ vừa cay cú vừa hết sức mong muốn hưởng 1 Nobel về khoa học và chẳng hề mong 1 Nobel như đã trao cho Lưu Hiểu Ba
Trả lờiXóabài này đã được post lâu òi mừ ? đọc lại vẫn thấy thú vị !
Trả lờiXóa