Hôm qua (13/10), 23 cựu cán bộ lãnh đạo Trung Quốc đã cho công bố một bức thư ngỏ gửi Quốc hội kêu gọi tự do ngôn luận vào lúc chính quyền Bắc Kinh đang phải đối phó với việc nhà ly khai Lưu Hiểu Ba vừa được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Các tác giả bức thư vốn là cựu quân nhân, cán bộ lãnh đạo báo chí, hoặc làm công tác nghiên cứu, trong số này có một số nhân vật đáng chú ý như ông Lý Nhuệ, trước đây là thư ký của Mao Trạch Đông, ông Giang Bình, giáo sư Luật, nguyên ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Hồ Cơ Vi, cựu biên tập viên Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông Giang Bình cho Reuters biết là bức thư đã được soạn thảo trước khi nhà ly khai Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình và ông giải thích, « đây chỉ là một đề nghị rất đơn giản ... Chúng tôi chỉ muốn rằng quyền tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp được tôn trọng ».
Điều 35 Hiến pháp 1982 của Trung Quốc quy định là các công dân được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, tuần hành và biểu tình. Thế nhưng, theo các cựu cán bộ lãnh đạo Trung Quốc thì « quyền tự do ngôn luận đã bị hủy bỏ bởi những quy định chi tiết mà đảng và chính phủ thực hiện » và « nền dân chủ giả tạo này, được tôn trọng trên nguyên tắc nhưng bị chối bỏ trên thực tế, là một sự bê bối trong lịch sử của nền dân chủ thế giới ».
Bức thư viết rõ, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, người dân đã vui mừng vì họ được giải phóng và trở thành chủ nhân của đất nước. Nhưng, xin trích, « giờ đây, 61 năm sau khi thành lập nước, sau 30 năm mở cửa và cải cách, chúng ta không có được tự do ngôn luận và tự do báo chí ở mức mà người dân Hồng Kông đã được hưởng dưới thời thuộc địa ».
Các cựu cán bộ lãnh đạo Trung Quốc đưa ra ví dụ cụ thể, như việc kiểm duyệt bài diễn văn của thủ tướng Ôn Gia Bảo hồi tháng tám vừa qua tại khu công nghiệp Thẩm Quyến, kêu gọi mở cửa chính trị mạnh mẽ hơn để bảo đảm những thành quả về kinh tế của Trung Quốc hay những phát biểu của ông Ôn Gia Bảo trên một đài truyền hình vào tháng trước, nói về một đất nước Trung Quốc tự do hơn trong tương lai. Tất cả những thông tin này không được đăng tải lại trên báo chí chính thức tại Trung Quốc. Bức thư tố cáo chính sách kiểm duyệt với «những bàn tay đen bẩn vô hình », từ ngữ trong nguyên văn và chất vấn chính quyền : « Ban Tuyên giáo Trung Ương có quyền gì mà bịt miệng diễn văn của thủ tướng » và « « họ có quyền gì mà tước đoạt của người dân quyền được biết những gì thủ tướng nói ? ».
Do vậy, những người ký thư ngỏ đề nghị hủy bỏ chính sách kiểm duyệt, những điều kiêng cấm trong một số thời kỳ lịch sử của đảng cộng sản Trung Quốc, bởi vì, xin trích, « các công dân Trung Quốc có quyền biết những tội ác và những điều sai trái mà đảng cầm quyền phạm phải ».
Bức thư này được đăng bằng tiếng Hoa, trên các web sites ở ngoài Trung Quốc. Giáo sư Hoàng Tịnh, thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore được báo trên mạng Bloomberg trích dẫn, lưu ý là bức thư được công bố vài ngày trước khi có Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung Ương đảng cộng sản Trung Quốc, họp từ ngày 15 đến 18/10/2010/.
Giới phân tích nhận định, những người ký tên vào bức thư, do đã nghỉ hưu, nên không có nhiều ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc và sáng kiến của họ khó có thể làm suy chuyển thái độ cứng rắn và độc đoán của giới lãnh đạo hiện nay tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, bức thư phản ánh sự bất bình mạnh mẽ của những người xuất thân từ tầng lớp tinh hoa, được chính quyền ưu đãi, trước việc đảng cộng sản cầm quyền kiểm soát đời sống chính trị nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét