Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Tôn vinh người hoạt động cho quyền con người: Nhà ly khai Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel hòa bình

Hôm nay 8/10 tại Oslo, Na Uy, Ủy ban Nobel đã thông báo quyết định trao giải Nobel hòa bình 2010 cho nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) "vì các nỗ lực lâu bền và bất bạo động của ông cho nhân quyền tại Trung Quốc". Ngay sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối lại việc trao giải cho nhà ly khai hiện đang thụ án 11 năm tù vì tội "âm mưu lật đổ nhà nước", đồng thời cho rằng việc này sẽ làm tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy. Cảnh sát và các nhân viên an ninh Trung Quốc đang phong tỏa lối vào nhà của nhà ly khai Lưu Hiểu Ba

Lưu Hiểu Ba là người nhận được phiếu bầu cao sau khi đã vượt qua Sima Samar người Afghanistan và cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl .

Lưu Hiểu Ba là một nhân vật quan trọng trong phong trào dân chủ Thiên An Môn và đang chịu án tù 11 năm tù của nhà nước Trung Quốc…

Chủ tịch Ủy ban Nobel, Thorbjoern Jagland nói rằng: giải thưởng được trao cho "công cuộc đấu tranh của ông cho nhân quyền cơ bản tại Trung Quốc (Tin AP). Ông cũng cho biết trong bài phát biểu của mình rằng cuộc đấu tranh bất đồng chính kiến Trung Quốc là một biểu tượng bảo vệ nhân quyền cho đất nước của mình. "Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và chính trị, và do là nước lớn nên phải chịu những lời chỉ trích về chính trị…

Không giống như bất đồng chính kiến cộng sản khác, Lưu Hiểu Ba luôn luôn là một người chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Ông là đồng tác giả của Hiến Chương 08 (linh bát hiến chương), ông là người luôn ủng hộ và kêu gọi sự cần thiết phải cấp thêm các quyền và tự do cho công dân Trung Quốc, và cần thiết phải hạn chế sự độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông đã bị bắt giữ vài giờ trước khi khởi động của Hiến chương 08, trong tháng mười hai năm 2008.
 
Lưu Hiểu Ba đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay cùng với 236 nhân vật khác trong đó có các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, Tổng giám mục Desmond Tutu, Fidel Castro...
 
Bản tin của Reuter cho biết: Chính quyền Trung Quốc vô cùng tức giận và gọi giải thưởng này là một sự khiêu dâm, tục tĩu (an obscenity). Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tuyên bố: "Đây là một sự khiêu dâm với giải thưởng hòa bình". Người dân tại Bắc Kinh cũng cho Reuter biết chương trình truyền hình của CNN và BBC đã bị cắt khi đề cập đến giải thưởng này.

Ủy ban Nobel Na Uy đã ca ngợi "cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động cho những quyền cơ bản của con người" của ông Lưu Hiểu Ba  trong "mối liên kết chặt chẽ giữa nhân quyền và hòa bình".

Trong khi đó, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu đã đồng loạt gửi lời chúc mừng ông Lưu và nói rằng họ đã vận động để ông được phóng thích khỏi nhà tù. Nhưng lời tuyên bố cũng tránh những lời chỉ trích trực tiếp chính quyền Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết phát huy các giá trị của Lưu Hiểu Ba là "cốt lõi của Liên minh châu Âu".

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết quyết định ấy là "can đảm" và Bộ Ngoại giao Pháp cho biết họ đã gửi "một thông điệp mạnh mẽ đến tất cả mọi người đấu tranh ôn hòa cho việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền".

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA có bài viết:

Nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba đã đoạt giải Nobel hòa bình năm 2010, vì “cuộc tranh đấu lâu dài và bất bạo động cho các quyền cơ bản của con người ở Trung Quốc.” Ủy ban Nobel Thụy Điển tại Oslo đã đưa ra thông báo hôm nay, và nói ủy ban “lâu nay vẫn tin rằng có một sự liên hệ mật thiết giữa nhân quyền và hòa bình.” Ủy ban cũng nói qua hình phạt nghiêm khắc ông phải chịu đựng, ông Lưu đã trở thành “biểu tượng sáng chói nhất” của cuộc tranh đấu nhiều mặt cho nhân quyền ở Trung Quốc. Ông Lưu 54 tuổi, là một nhà văn và một người kỳ cựu trong các chiến dịch tranh đấu cho dân chủ ở Trung Quốc. Ông Lưu đã ra vào nhà tù ở Trung Quốc nhiều lần trong 2 thập niên vừa qua vì đã thẳng thắn ủng hộ nhân quyền và cải cách chính trị.

Nhân vật vừa đoạt giải Nobel hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba, có nhiều phần chắc sẽ không thể đích thân đi nhận giải thưởng – bởi lẽ ông đang thụ một án tù 11 năm trong một nhà tù ở Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc đã buộc ông Lưu can tội lật đổ chính quyền, nhưng không cho biết chi tiết ông đã vi phạm các luật lệ nào của Trung Quốc. Ông bị bắt một năm trước đó, vào tháng 12 năm 2008, ngay trước khi công bố Hiến chương 08 – một bản tuyên ngôn mà ông đã giúp dự thảo kêu gọi cải cách chính trị sâu rộng.

Một trong những người ký tên vào văn bản nguyên thủy của Hiến chương 08 là ông Bào Đồng, 77 tuổi, cho rằng giải Nobel trao tặng cho ông Lưu là một điều tuyệt vời cho Trung Quốc.

Ông Bào nói rằng: "Qua Hiến chương 08, ông Lưu đã kêu gọi chính phủ phải chịu trách nhiệm về Hiến pháp của đất nước và phải có trách nhiệm đối với nhân dân Trung Quốc." Ông Bào mô tả nỗ lực này là một đóng góp cho nền hòa bình thế giới.

Ông Bào là giới chức cấp cao nhất của Trung Quốc đã thụ án tù sau vụ chính phủ đàn áp đẫm máu người biểu tình gần quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ông Lưu cũng đã bị tù vì can dự vào những cuộc biểu tình năm 1989. Về sau, ông lại bị vào tù một lần nữa vì những bài viết nêu nghi vấn về hệ thống chính trị độc đảng của Trung Quốc.

Vợ của ông Lưu, bà Lưu Hà, nói bà rất xúc động về tất cả những sự hỗ trợ bà đã nhận được trong suốt thời gian chồng bà được đề cử trao giải. Kể từ lúc ông bị tù lần này, bà được phép đi thăm ông mỗi tháng một lần.

Bà Lưu Hà cho biết "chồng bà luôn luôn giữ vững tinh thần, nhưng có những vấn đề về sức khoẻ, kể cả bệnh viêm gan."

Không phải toàn thể thế giới đều ủng hộ ông Lưu. Một số nhân vật bất đồng chính kiến sinh sống ở nước ngoài phản đối việc ông được đề cử và đã viết một bức thư ngỏ tố giác ông là bêu xấu các đồng chí hoạt động và không đủ cứng rắn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng rõ ràng chống đối việc ông Lưu được đề cử. Trong một cuộc họp báo mới đây, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du không nêu đích danh ông, nhưng tuyên bố ông không xứng đáng được giải Nobel bởi vì ông là một người vi phạm luật pháp.

Bà Khương Du nói bà tin rằng giải Nobel Hòa bình phải được trao cho những người quảng bá cho sự hòa đồng sắc tộc, tình bằng hữu toàn cầu hay cắt giảm vũ khí.

Trung Quốc gọi ông Lưu là một “tội phạm” và nói Ủy ban Nobel Hoà bình đã vi phạm các nguyên tắc của ủy ban khi trao giải cho ông Lưu.

Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trên trường quốc tế đưa ra cam kết ủng hộ ông Lưu là kịch tác gia và cựu tổng thống Czech Vaclav Havel. Ông Havel ca ngợi hành động “tranh đấu ôn hoà và không mệt mỏi cho cải cách” của ông Lưu. Hiến chương 08 được mô phỏng theo khuôn thức của Hiến chương 77, một bản tuyên ngôn đã từng là văn kiện hợp lực của giới tranh đấu tại nước trước đây là Tiệp Khắc.

Giới lập pháp Mỹ cũng đã kêu gọi Tổng thống Obama nêu trường hợp ông Lưu khi ông gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 11.

Ông Patrick Poon, thuộc Trung tâm Văn bút độc lập của Trung Quốc, một tổ chức các nhà văn, nói rằng ông nghĩ giải Nobel sẽ khiến nâng cao sự chú ý vào các ý tưởng của ông Lưu bên trong Trung Quốc.

Ông Poon nói: "Chúng tôi có cảm tưởng nó sẽ gây ảnh hưởng rất mạnh đến việc thu hút thêm những người mới đi tìm hiểu nội dung của Hiến chương 08, và đọc những bài viết của ông Lưu Hiểu Ba.”

Hiến chương 08 ban đầu nhận được chữ ký của khoảng 300 nhà trí thức, luật sư, nông dân và công nhân. Văn kiện này được phổ biến trên mạng Internet và nay đã có 10 ngàn chữ ký.

Vợ của ông Lưu nói mặc dầu chồng bà đang bị giam giữ, ông vẫn đọc tất cả các loại sách, trừ các sách báo chính trị, và vẫn tiếp tục viết.

Bà Lưu cho biết bà đem tập vở và bút cho ông Lưu để ông có thể tiếp tục viết.

Tuy nhiên, bà nói bà không được phép nói chuyện với ông Lưu về những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài.

Báo Tuổi Trẻ hôm nay đưa tin lại theo TTXVN: "Trung Quốc chỉ trích kịch liệt giải Nobel Hòa bình 2010"

Theo TTXVN, ngày 8-10, nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), 54 tuổi, đã giành được giải Nobel Hòa bình năm 2010 trong một quyết định bị Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt.

Tân hoa xã cho hay ngay sau khi giải thưởng được công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và nói rằng quyết định trao giải cho Lưu Hiểu Ba "sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc với Na Uy".

Còn theo AP, trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng giải Nobel Hòa bình nên là giải khuyến khích tình hữu nghị quốc tế và giải trừ quân bị.

"Lưu Hiểu Ba là một tội phạm đang lãnh án tù vì vi phạm luật pháp Trung Quốc. Giải Nobel Hòa bình trao cho ông ta hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của giải thưởng này", thông cáo viết.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình, trong đó có khoản tiền trị giá 10 triệu crown Thụy Điển (1,5 triệu USD), sẽ được trao tại Olso (Na Uy) vào ngày 10-12 tới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét