Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

TÁC GIẢ HOÀNG THU VÂN LÀ AI MÀ LÊN LỚP, GIÁO ĐẦU ĐỘC GIẢ ?

PHẠM VIẾT ĐÀO

Báo Hà Nội mới gần đây vừa đăng một bài viết rất chi là hoành tráng, với giọng điệu hết sức kẻ cả, bề trên của tác giả Hoàng Thu Vân ( HTV ), đó là bài: Họ đã xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam…
 
Ô…hô…Vậy  ai là đối tượng mà tác giả HTV xếp vào cái đám “ họ “ để HTV chụp cho cái mũ: “ đang xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam” đây ? Phải chăng chỉ có HTV mới được quyền tự hào mình đích thực là con Rồng cháu Lạc còn lại họ là cái đám người Việt gốc tre, gốc mít cả sao ?
 
Cách viết của HTV làm cho người đọc liên tưởng tới loại Đại Tự Báo thịnh hành trong cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc; khi một nhóm người tự cho rằng mình có quyền trong tay thì sở hữu luôn chân lý và thoải mái chụp mũ cho những ý kiến trái với ý kiến của mình ?
 
Hiện nay, có hàng ngàn trang blog ghi nhật ký các tâm tư, tình cảm cá nhân hiện đã chính thức được pháp luật cho phép trong các Nghị định của Chính phủ ban hành và các quyết định do Bộ Thông tin-Truyền thông thể chế hóa theo Luật Báo chí…Những trang blog cá nhân đã phần nào đề cập tới muôn mặt tâm tư đời sống cá nhân hết sức chân thật , những thứ mà hầu hết các báo lề phải đều tìm cách né tránh giống như hàng quốc cấm…
 
Nếu những nhà quản lý tỉnh táo và hiểu lẽ đời thì: các trang mạng cá nhân sẽ là kênh thông tin quan trọng để chọn lọc, điều chỉnh các chính sách pháp luật, chủ trương quản lý sát hợp với lòng dân, sát hợp với xu thế của số đông dân chúng mà lại không phải chi một đồng ngân sách nào. Thời nhà Lê có trống Đăng Văn, thời nhà Nguyễn có ngọn Bút Tả Thiên Thanh dựng ở hồ Hoàn Kiếm đều nhằm mục đích giúp cho chính quyền nằm được dân chúng đã cần gì, nghĩ gì…Chở  thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân!
 
Một trong những đề tài được nhiều blog bàn đến đó là khoản chi cho Đại lễ ngàn năm mà qua mắt thường cũng thấy là khá tốn tiền, nhưng hiệu quả được vui thì có thể, nhưng để mang lại lợi ích gì thiết thực cho trăm họ, đang phải hàng ngày hàng giờ đánh vật với miếng cơm manh áo hay tăng thêm các cơ sở phúc lợi xã hội thì còn phải bàn.
 
Cha ông có câu: Phú quý sinh lễ nghĩa ? Việt Nam đã giàu chưa ? Vẫn còn nằm trong tốp 20 nước cuối bảng của thế giới đấy ! Còn việc họ “xăm xoi” vào các khoản chi cho lễ hội họ có vi phạm luật pháp không ? Khẳng định là không vì các blogger này phần lớn chưa ai mất quyền công dân cả; khi họ chưa mất quyền công dân thì họ có quyền đặt ra những vấn đề, những điều mà các bộ luật như Luật Ngân sách, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật phòng chống lãng phí đã quy định là được phép…
 
Điều 13 của Luật Ngân sách ban hành ngày 16 Tháng 12 năm 2002 đã quy định:       
 
1. Dự toán, quyết toán, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công bố công khai.
Điều 74 của Luật Ngân sách đã quy định:” Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách. Việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và giải quyết khiếu nại, tố cáo, khới kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật…”
 
Tại Điều 15, Mục  1.2.3 của Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định chế độ Công khai, minh bạch về tài chính và ngân sách nhà nước với các nội dung như sau:
 
- Các cấp ngân sách, đơn vị dự toán ngân sách phải công khai chi tiết số liệu dự toán và quyết toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, kể cả khoản ngân sách bổ sung;

- Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công khai: số liệu dự toán, quyết toán; khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân (nếu có); cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ;
- Dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước phải công khai: việc phân bổ vốn đầu tư trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm cho các dự án; dự toán ngân sách của dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được duyệt, mức vốn đầu tư của dự án được giao trong dự toán ngân sách năm; quyết toán vốn đầu tư của dự án hằng năm; quyết toán vốn đầu tư khi dự án hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Việc phân bổ, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước cho các dự án, chương trình mục tiêu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải công khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan và nhân dân nơi trực tiếp thụ hưởng biết.

Căn cứ vào các quy định pháp luật kể trên, nhiều người dân trong đó có các blogger lên tiếng yêu cầu muốn biết rõ các khoản chi tiêu cho Đại lễ ngàn năm Thăng Long là chính đáng và hợp pháp. Theo quy định của Luật Báo chí thì các cấp các ngành có trách nhiệm cung cấp thông tin theo luật định khi người dân có yêu cầu.
 
Thể chế Luật Báo chí, ngày 28/5/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó yêu cầu từ Văn phòng Chính phủ đến các Bộ, ngành, tỉnh phải có người phát ngôn để cung cấp thông rin cho báo chí khi báo chí, người dân có nhu cầu.Như vậy, theo Luật định, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về dự toán và sau này là quyết toán các khoản đã chi cho lễ hội vì đây không thuộc diện thông tin bí mật nhà nước.
 
Trong khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tránh né hay do bận Đại lễ, hay chưa đọc các quy định luật pháp về chế độ cung cấp thông tin chăng ? Một đồng chí có trách nhiệm của Hà Nội thì đã cung cấp thông tin một cách úp mở, mới giải ngân được 60-70 % nhưng lại không nói là trên tổng số bao nhiêu, thành ra dư luận lại càng bàn tán nhiều hơn ? Trong khi đó thì trên mạng rất nhiều số liệu được đưa ra làm hoang mang người đọc. Và dường như để dập tắt những ý kiến bàn ra tán vào này, báo Hà Nội mới đã đăng bài của tác giả HTV chăng ? Và đây là ý kiến của HTV theo cái giọng quyền thế, cả vú lấp miệng em khi đề cập tới vấn đề này:
 
Họ căn cứ vào đâu mà tự cho mình cái quyền đứng ra phán quyết trịch thượng như vậy? Có thể 94.000 tỷ đồng đã được chi ra, thậm chí là nhiều hơn con số đó. Song, số tiền đó chi cho những việc gì? Sao họ không dám kể ra?”
 
Đây là ý kiến của tác giả HTV viết trong bài: Họ đã xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam… Qua ý kiến này cho thấy, tác giả HTV không phủ nhận cũng không cải chính cái con số 94 ngàn tỷ tương đương với 4,5 tỷ USD mà Hà Nội đã chi được các blogger đưa ra ?
 
Xin thưa, blogger và người dân nếu không có căn cứ mà vẫn nêu ra con số 94 ngàn tỷ này, vậy thì HTV là ai mà có quyền lên lớp át giáo đầu họ, khi HTV không phải là người được UBND TP Hà Nội ủy quyền cho việc phát ngôn viên cung cấp thông tin cho công luận. Và nếu HTV có số liệu xác thực sao không đưa ra để giải độc thông tin này mà lại nói một câu rất chi là lấp lửng “Có thể 94.000 tỷ đồng đã được chi ra, thậm chí là nhiều hơn con số đó’? Xin hỏi HTV: Số tiến 94 ngàn tỷ này hay nhiều hơn hoặc ít hơn này là tiền của ai ? Tiền túi của HTV hay của mấy ông quan chức ở UBND TP Hà Nội ? Việc HTV thách đố: Song, số tiền đó chi cho những việc gì? Sao họ không dám kể ra? Là một thái độ xấc xược…của kẻ tự coi mình là bề trên muốn làm gì thì làm, muốn nói sao thì nói !
 
Đám blogger và người dân thì làm sao mà có điều kiện được ghé mắt đến các khoản chi để mà kể ra được theo sự thách đố của HTV ? Chắc HTV muốn khuyên người dân: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe chăng ?
 
Qua những gì HTV viết ra chứng tỏ tác giả cũng chỉ nắm thông tin về các khoản chi của Hà Nội theo kiểu “ nghe hơi nồi chõ …”; người viết bài này đoán tác giả được ai đó có trách nhiệm trong đường giây chung chi của Hà Nội chỉ đạo cho vài đường và bảo về cứ thế mà viết ra…
 
Xin kể ra đây một đoạn mà tác giả HTV thì chắc biết ít nhiều về các khoản chi của 94 ngàn tỷ này thì để xem đã kể ra được gì, xin trích ra đây một trong những khoản chi: “Mới đây nhất, ngày 3-10, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc chính thức thông xe và được gắn biển Đại lộ Thăng Long là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu họ cố tình không biết thì cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là dự án khởi công từ tháng 3-2005, giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 1-2006, công trình đại lộ được coi hiện đại nhất Việt Nam này có tổng mức đầu tư là trên 7.500 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương là hơn 1.800 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của TP Hà Nội)…”
 
Chính cái số liệu do HTV đưa ra không đến đẫu đến đũa lại càng thêm bất lợi cho chính quyền thành phố Hà Nội. Đa số người dân rất đồng tình với việc Chính phủ nhân ký niệm 1 ngàn năm cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng Hà Nội, để Hà Nội như hiện nay quả là nhếch nhác. Người dân đã nhìn thấy con đường Thăng Long theo như HTV cung cấp tổng số 7500 tỷ, trong đó trung ương cấp 1800 tỷ? Vậy coi như chưa tới 1/10 của 94 ngàn tỷ ? Vậy còn 10 dự án được chi một khoản tiền tương đương với Đại lộ Thăng Long là dự án nào vậy ?
 
Người viết bài này cũng cố gắng để nhớ ghi ra đây những công trình tiền tỷ, tỷ của Hà Nội nhưng không thể bằng Đại lộ Thăng Long; Đó là: Cầu vượt Ngã Tư Sở, Cầu vượt Ngã Tư Vọng, Hầm giao thông Kim Liên -Đại Cồ Việt, Bảo tàng Hà Nội, Đường vành đai 3 Hà Nội, Đường ven Hồ Tây, Cầu Thanh Trì, Cầu Vĩnh Tuy…
 
Những công trình được đầu tư kể trên là cấp thiết và đáng hoan nghênh, còn chất lượng và mỹ thuật thì chưa đề cập tới. Nếu bà con nào nhớ thêm xin bổ sung. Vậy những dự án trên có chiếm khoảng ngân sách là bao nhiêu, bằng mấy Đại lộ Thăng Long ? Trong khi đó thì Hà Nội đang bị quá tải các bệnh viện, có những bệnh viện, những khoa có tới 5-7 bệnh nhân chunh nhau một giường? Có thể coi đây là một thiếu sót của Hà Nội trong chủ trương đầu tư…
 
Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hoan nghênh và ủng hộ đầu tư nâng cấp Hà Nội xứng đáng với Thủ đô ngàn năm tuổi. Để làm được điều đó đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội cần phải có tầm, có tâm và phải tuân thủ luật pháp. Do đó việc nhân dân trong đó nhiều blogger yêu cầu cung cấp thông tin dự toán về các khoản chi cho Hà Nội trong dịp Đại lễ ngàn năm là quang minh chính đại. Điều này phải do người phát ngôn chính thức của chính quyền Hà Nội công bố chứ không nên úy thác cho một ông, bà X,Y.Z… nào đó phát ngôn ba vạ, chẳng đâu vào đâu. Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra phải qua các sự vụ cụ thể chứ không chỉ ở khẩu hiệu.
 
Nếu chính quyền Hà Nội sớm công bố điều này thì càng chứng tỏ được tầm và tâm quản lý điều hành của mình. Cây ngay làm sao phải sợ chết đứng !
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét