http://viet-studies.info/BuiMinhQuoc_ToChucHoi.htm
(Phát biểu tại đại hội Hội nhà văn khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sáng16.06.2010 họp tại Bến Tre)
Hôm nay tôi rất vui mừng và xúc động được phát biểu ý kiến của mình trên mảnh đất Bến Tre rất đỗi tự hào với truyền thống đồng khởi, truyền thống Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ chiến sĩ, cảm thấy như tâm hồn được tiếp thêm ngọn lửa chiến đấu mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tôi bồi hồi sống lại kỷ niệm lần đầu tiên được đến với Bến Tre trong một chuyến công tác đặc biệt có ý nghĩa vào tháng 9 năm 1988. Tôi, với tư cách là chủ tịch Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, phụ trách một đoàn mấy anh em cán bộ của Hội đi làm việc với Hội Văn Nghệ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và kết hợp đưa nhà thơ Hữu Loan đi thăm đất nước sau 30 năm ông gần như bị giam lỏng tại quê nhà sống bằng nghề thồ đá vừa được đi đây đi đó và trở thành khách quý của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng nhờ chủ trương đổi mới. Tôi không thể nào quên kỷ niệm với họa sĩ Lê Dân, chủ tịch Hội Văn Nghệ Nguyễn Đình Chiểu đã cùng tôi ký bản kiến nghị chung của hai Hội gửi Trung ương yêu cầu thể chế hóa nghị quyết 05 của Bộ chính trị về văn hóa văn nghệ - một nghị quyêt giải phóng sức sản xuất trên lãnh vực tinh thần - để thực hiện được mau chóng và hiệu quả.Tôi cũng không thể nào quên kỷ niệm tuyệt vời trong đời thơ của mình khi bài thơ “Những ngày thường đã cháy lên” vừa mới sáng tác đã được công bố trước tiên trên báo Đồng Khởi, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, tiếp đó là báo Minh Hải, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Minh Hải (gồm Cà Mau và Bạc Liêu), rồi tạp chí Đối thoại của Hội Văn Nghệ Cửu Long (gồm Vĩnh Long, Trà Vinh) với đoạn kết sục sôi tinh thần đồng khởi như sau:
Chính Mẹ chứ không ai, Mẹ phải nắm quyền
Hỏi tội những thằng thẻ-đỏ-tim-đen
Những câu thơ ấy là tiếng lòng tôi tiếp nhận và
nung nấu với ý chí “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” mà nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Đình Chiểu truyền cho từ thuở tôi còn ngồi trên ghế nhà trường.Lần thứ hai tôi được đến với Bến Tre là vào năm 2004.Lần này, tôi được nhà thơ Hồ Trường, chủ tịch Hội Văn Nghệ Nguyễn Đình Chiểu dùng xe máy chở về Ba Tri viếng mộ Cụ Đồ.Tôi thắp hương khấn Cụ và trình Cụ bài thơ mới làm như sau:
KÍNH BÁO CỤ ĐỒ CHIỂU
Bao nghẹn uất Nguyệt Nga xé trời kểu chẳng thấu
Giữa chợ đời biệt dạng Lục Vân Tiên
Hảo hớn bận giang hồ quán nhậu
Thi nhau bốc phét để quên hèn
Tôi châm lửa hóa tờ giấy tôi chép bài thơ và tin rằng Cụ đã nhận. Vâng, tôi cảm thấy hồn thiêng của Cụ Đồ Chiểu đã nghe thấu lòng tôi. Tôi cảm thấy bằng cả tâm hồn và máu thịt, truyền thống chiến sĩ – nghệ sĩ là một truyền thống thiêng liêng, luôn được truyền nối và lan tỏa, và nhất định phải được truyền nối và lan tỏa. Bài thơ tôi gửi báo Văn Nghệ, hồi ấy do nhà thơ Hữu Thỉnh làm tổng biên tập, nhưng báo không đăng. May sao, tạp chí Sông Hương lại đăng, sau đó còn in vào bộ sách tổng tập thơ văn chọn lọc của tạp chí.
(Từ đây trở lên trên là phần phát biểu miệng được diễn giả tự văn bản hóa sau đại hội, tiếp theo dưới đây là phần đã viết sẵn được đọc và sau đó trao cho thư ký đoàn).
Hội nhà văn Việt Nam của chúng ta thoát thai từ Hội Văn hóa Cứu quốc do Đảng chỉ đạo hình thành trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Đó là tổ chức của những chiến sĩ văn hóa chiến đấu để xây dựng một nền văn hóa mới. Tháng 6 năm 1945, hai chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ viết bản báo cáo mang tên “Một nền văn hóa mới” trong đó có đoạn hừng hực hào khí của một dân tộc nô lệ vùng lên giành lấy độc lập và tự do như sau: “Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận chính là cởi mở cho văn hoá dân tộc trở nên sầm uất và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hoá đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.” (“Một nền văn hoá mới”- Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản năm 1945). Các quyền thiêng liêng ấy - tự do tư tưởng và tự do ngôn luận - đã lập tức được hiến định trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và vẫn duy trì tại Hiến pháp hiện hành.
Thế nhưng, nhiều năm qua, các quyền thiêng liêng ấy chỉ tồn tại trên giấy. Đã có biết bao tác phẩm giá trị bị cấm, bị nghiền, biết bao nhà văn phải chịu khổ nạn chỉ vì kiên quyết thực hiện chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật, dân biết dân bàn. Bởi vì có một thế lực sợ sự thật trong tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước đã dùng bạo quyền thay cho lẽ phải để dập vùi đầy đọa những nhà văn trung thực trung kiên nói tiếng nói của sự thật của lẽ phải.
Vụ cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị cho vào máy nghiền là một bằng chứng điển hình khiến tất cả những ai có lương tri không thể không đau lòng và phẫn nộ. Ấy vậy mà Hội nhà văn của chúng ta, Hội của những nhà văn chiến sĩ yêu dân yêu nước yêu tự do lại im lặng trước hành vi man rợ đó. Thật phi lý. Sự im lặng này thật phi lý. Và thật xấu hổ, thật nhục nhã.
Nếu bây giờ tôi hỏi anh Hữu Thỉnh: anh có phải là một nhà văn chiến sĩ yêu dân yêu nước yêu tự do không, chắc chắn anh sẽ trả lời: tôi luôn luôn là một nhà văn như thế. Và vẫn câu hỏi này, tôi đưa ra hỏi anh Lê Văn Thảo, anh Nguyễn Trí Huân, anh Hồ Anh Thái, anh Trần Đăng Khoa, chị Phan Thị Vàng Anh, thì chắc chắn cũng sẽ nhận được câu trả lời tương tự. Vậy tại sao các anh chị lại im lặng trước hành vi ngang ngược của thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Bắc Kinh đối với chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc ta, ngang nhiên cướp bóc hành hạ ngư dân ta? Tại sao các anh chị lại im lặng trước tình cảnh các thanh niên, các nhà báo bị bắt bớ tù đầy, bị hành hạ sách nhiễu khi họ chỉ làm một việc rất bình thường là xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam? Tại sao các anh chị lại im lặng trước việc các công trình nghiên cứu, sáng tác về cải cách ruộng đất, về cuộc chiến đấu chống bọn diệt chủng Pôn-pốt trên biên giới tây nam, trên đất Cam-pu-chia và giặc bành trướng trên biên giới phía bắc, trên biển Đông không được xuất bản và tái bản, thậm chí trong dịp kỷ niệm 30 năm các sự kiện lớn ấy cũng không một mẩu tin, một dòng thơ tưởng niệm các liệt sĩ trên báo Văn Nghệ? Tại sao các anh chị lại im lặng trước việc tác phẩm của đồng nghiệp mình bị cấm, bị nghiền? Các anh chị là chủ tịch, phó chủ tịch, là ủy viên Ban chấp hành Hội, vậy thì Hội ta có còn là Hội yêu nước không, có còn là Hội yêu dân không, có còn là Hội yêu tự do không? Câu trả lời của tôi là: Hội ta đã là và vẫn luôn luôn là Hội của những nhà văn chiến sĩ yêu dân yêu nước yêu tự do, nhưng các anh các chị thì thực chất đã không đại diện cho lòng yêu dân yêu nước yêu tự do của toàn thể hội viên, mà chỉ là những công chức hành chính thực thi mệnh lệnh của một thế lực sợ sự thật dùng bạo quyền bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng tự do ngôn luận của các nhà văn trung thực. Tuy vậy, tôi tin rằng về mặt cá nhân, các anh chị vẫn luôn là nhà văn chiến sĩ yêu dân yêu nước yêu tự do như tất cả mọi hội viên, nhưng về mặt tổ chức, khi ngồi vào chiếc ghế chức quyền thì các anh chị lại phải tự hủy cái tư cách yêu dân yêu nước yêu tự do ấy đi.Nếu không tự hủy thì tại sao lại im lặng?
Vậy là chúng ta thấy hiện ra một sự thật hết sức đau lòng: từ Hội Văn Hóa Cứu Quốc trước 1945 đến Hội nhà văn hiện nay là một quá trình thoái hóa khủng khiếp về tổ chức, càng phát triển số lượng thì chất lượng càng đi xuống thảm hại; sự thoái hóa về tổ chức làm thoái hóa con người, những nhà văn cách mạng tiêu biểu nhất như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải v.v…cuối đời cũng phải tự buộc mình trải lòng lên trang giấy thổ lộ phần nào sự tha hóa của bản thân; Nguyễn Khải viết “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Đình Thi viết “Gió bay”: “Người tôi còn nhiều bùn tanh/Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ/Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ/Nhiều dây nhợ tự buộc mình" (đã in trong Tuyển tập Nguyễn Đình Thi trước khi ông mất ít tháng, NXB Văn Học, 2001). Đau xót quá. Những tài năng trác việt, những tâm hồn trong sáng, những trí tuệ sắc sảo từ tuổi thanh xuân phơi phới đi vào Cách mạng để xây dựng “Một nền văn hóa mới” với một đội ngũ những nhà văn kiểu mới, Nhà văn – Chiến sĩ, lại tha hóa thành những con người như thế, là một thất bại lớn về văn hóa, về xây dựng Hội phải không các anh, chị? Đã đành con người ta không ai toàn vẹn cả, nhưng vấn đề ở đây là sự thoái hóa của tổ chức làm thoái hóa con người, từ tổ chức của các nhà văn - chiến sĩ thành tổ chức của các nhà văn cán bộ, nhà văn công chức, nhà văn quan chức với phần khá đông là các nhà văn yêu thẻ và số ít các nhà văn yêu ghế, số yêu ghế dựa vào số yêu thẻ để giữ ghế và xin tiền nhà nước; tức tiền thuế của dân bồi dưỡng để các nhà văn nâng cao sức chiến đấu cho Tự do nhưng lại biến thành thứ bổng lộc ban phát nhằm đổi lấy sự im lặng trước những sự thật mà cái thế lực sợ sự thật trong giới cầm quyền muốn bưng bít.Chúng ta không thể để kéo dài mãi kiểu tổ chức như thế này nữa. Lâu nay có không ít hội viên, nhất là những hội viên đã trải qua chiến đấu và kiên định theo đuổi con đường giữ vững bản ngã tư duy độc lập, cảm thấy chán Hội, muốn ra khỏi Hội bằng cách lặng lẽ bỏ sinh hoạt.Đấy là một cách lựa chọn, nhưng cách này có một cái gay là tự mình làm ngơ trước tình trạng gương mặt tử tế của mình bị một số quan chức văn chương mượn làm bình phong, làm mặt nạ để thực hiện các mưu đồ vị kỷ của họ.
Rõ ràng Hội ta đang đứng trước một yêu cầu bức bách là phải đổi mới căn bản về tổ chức.Tôi đề nghị vấn đề đổi mới tổ chức Hội phải là nội dung hàng đầu trong nghị trình đại hội 8 của Hội ta. Xin mạn phép nêu ra một gợi ý đổi mới, trước hết là xác định lại tính chất của Hội như sau:
Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà văn Việt Nam yêu dân yêu nước yêu tự do.Các nhà văn trong Hội - là những cá nhân với tư duy độc lập tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và công chúng về tư tưởng và ngôn luận của mình - tự nguyện tập hợp để giúp nhau phấn đấu tạo nên những tác phẩm giá trị nhất trong khả năng mình có, và bảo vệ, bênh vực, cưu mang nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn vì ngòi bút.Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nuôi, tự quản đồng thời hoan nghênh sự hỗ trợ vô tư công khai minh bạch không điều kiện của Nhà nước và công chúng.
(Tiếp theo dưới đây là phần phát biểu miệng được diễn giả tự văn bản hóa sau đai hội)
Hội Nhà văn của chúng ta bấy lâu là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.Nay nếu chúng ta chuyển thành tổ chức xã hội nghề nghệp, không để là tổ chức chính trị nữa thì có mấy cái lợi cho sự phát triển chung:
Thứ nhất, với nhiệm vụ chống thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Bắc Kinh, với tư cách là tổ chức xã hội nghệ nghiệp, một tổ chức bình thường trong xã hội dân sự của các nhà văn chiến sĩ yêu dân yêu nước yêu tự do, chúng ta hoàn toàn chủ động bày tỏ lòng yêu nước mà không ảnh hưởng gì đến ứng xử đối ngoại lúc mềm dẻo lúc cứng rắn của nhà nước.
Thứ hai, khi chúng ta không phải là tổ chức chính trị, chúng ta mới thực sự chủ động thực hiện được chủ trương tôn trọng các chính kiến, các ý kiến khác biệt, thực sự mở rộng mặt trận văn hóa văn nghệ của tất cả mọi nhà văn Việt Nam đoàn kết chiến đấu vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc Việt Nam, vì tự do của mỗi con người Việt Nam, vì sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới.
Thứ ba, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở đây được xác định rành mạch là tổ chức của các nhà văn Việt Nam yêu dân yêu nước yêu tự do, các nhà văn thuộc hội này không đặt hội mình là tổ chức chính trị nhưng cái phẩm chất chính trị KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO, TỔ QUỐC TRÊN HẾT QUYỀN DÂN TRÊN HẾT trong con người từng nhà văn thì không những không mảy may bị xói mòn, mai một (như thường thấy ở các nhà văn cán bộ, nhà văn công chức, nhà văn quan chức), mà ngày càng vững vàng hơn, tích cực hơn, chủ động hơn, bởi đó là phẩm chất chính trị quyện chặt với lý tưởng xã hội lý tưởng thẩm mỹ từ trong máu thịt được thử thách cả một đời.
Hội sẽ hoạt động theo nguyên tắc tự nuôi tự quản.Đây chính là chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng đề ra từ đại hội 6.Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa 6 đã khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể, nghị quyết hội nghị trung ương 8 khóa 6 đã khẳng định nguyên tắc tự quản của các đoàn thể.Khi chuyển sang Hội tự nuôi tự quản, chúng ta sẽ đỡ cho nhà nước một khoản chi phí lấy từ tiền thuế của dân tính cả trụ sở phương tiện là rất lớn.Nếu Hội không chuyển sang hoạt động theo nguyên tắc tự nuôi tự quản mà cứ tiếp tục là tổ chức chính trị xin tiền nhà nước như cũ thì nên tách Hội ra làm hai, một hội là tổ chức chính trị xin tiền nhà nước, một hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nuôi tự quản…
(Nhà văn Đỗ Kim Cuông, vụ trưởng vụ văn học ban Tuyên giáo trung ương từ dưới hàng ghế đầu nói chen một cách thân tình: “Tự nuôi thì chết đói ông Quốc ạ”)
Không chết đói được đâu ông Cuông ơi, mà chết đói tôi cũng sẵn sàng chấp nhận miễn là tôi được như ông Nguyễn Hiến Lê ở Sài Gòn trước năm 1975 tự viết sách tự xuất bản tự đem bán, chi phí thấp thu nhập cao, ông Đốt-xtôi-ép-xki ở Nga dưới chế độ Sa Hoàng cực kỳ hà khắc đi tù về vẫn được ra báo, mở nhà xuất bản, ông viết và in ngay những chuyện đã trải trong tù. Nghị quyết 23 ghi rõ đảm bảo tự do dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, vậy đảm bảo bằng cách nào nếu không phải là thực hiện nguyên tắc tự do sáng tác gắn liền với tự do công bố (nếu không thì chỉ là tự do sáng tác cất vào ngăn kéo à?), tôi đòi tôi phải được như bà con nông dân làm ra cân thóc được tự do đem bán, nếu thóc có chứa độc tố thì phải ra tòa, tôi cũng đòi được tự xuất bản quyển sách mình viết ra và tự đem bán, nếu sách tôi có độc tố thì tôi ra tòa, nếu sách tôi được nhiều người mua thì tôi sống khỏe, đủ để nuôi mình và góp phần nuôi Hội, nếu sách tôi bị người đọc vứt vào sọt rác thì tôi cũng cam chịu.Nhưng tôi tin rằng trong số hơn 900 hội viên của Hội ta hiên nay, ít nhất cũng có 100 nhà văn thích chọn mô hình Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nuôi tự quản, trụ sở Hội chỉ cần 1 ngôi nhà nhỏ, hội viên góp tiền nhau mà thuê hoặc hội viên nào có nhà rộng thì cho Hội mượn.Vâng, nếu thực sự vì dân vì nước thì hãy làm như thế đi, hai Hội nhà văn, một Hội xin tiền nhà nước, một Hội tự nuôi tự quản, hai Hội đối sánh xem Hội nào có thành tựu văn học cao mà chi phí thấp thì tự thân Hội đó có sức sống và phát triển, đây chính là con đường xây dựng phát triển Hội hợp quy luật.
Ý kiến tôi hôm nay có thể chỉ là nói lên tiếng nói của thiểu số nhưng tôi tin chắc rằng nhất định sẽ được nhân dân hoan nghênh và đồng nghiệp đồng tình ngày càng rộng rãi.
(Vào cuối phiên thảo luận buổi sáng, nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch Hội lên diễn đàn có ý kiến lại với nhà thơ hội viên Bùi Minh Quốc, rồi nhà thơ Bùi Minh Quốc lại lên diễn đàn đáp lại các “ý kiến lại” của chủ tịch Hữu Thỉnh.Tôi, Bùi Minh Quốc, xin văn bản hóa phần trao đổi ý kiến qua lại này thành cuộc đối thoại theo từng vấn đề như sau):
HỮU THỈNH: Về việc lên tiếng về Hoàng Sa Trường Sa, tôi đã nghe anh Quốc nói nhiều lần, tôi cũng đã báo cáo cấp trên nhưng cấp trên bảo Hội nhà văn không được lên tiếng.
BÙI MINH QUỐC: À, ra thế…
HỮU THỈNH: Cái vụ “Chuyện kể năm 2000”, tôi là người bênh vực anh Bùi Ngọc Tấn, nghe tin tôi vội chạy lên thì người ta đã ký lệnh nghiền mất rồi, tôi xuống ngay Hải Phòng gặp anh Tấn, anh Tấn bảo cho tớ đi thăm Trung Quốc, tôi giải quyết ngay mặc dù về thủ tục rất khó vì danh sách đoàn đi đã xong xuôi rồi chỉ còn 6 ngày nữa là đi, nhưng tôi đã cố gắng giải quyết tốt. Cũng như với anh Hữu Loan, anh ấy có bị giam lỏng đâu, anh ấy tự ý bỏ biên chế về quê đấy chứ, thế nhưng anh Quốc không biết chứ, tôi và anh Nguyễn Hoa đã phải cố gắng như thế nào để làm lương cho anh Hữu Loan, lương chuyên viên đấy, kết quả là anh ấy được truy lĩnh lớn đấy, rồi việc giải thưởng nhà nước, chính tôi đã đề nghị anh Hữu Loan phải được trao giải cùng với các anh Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán nhưng giải này phải chủ tịch nước ký, ở trên có người nhất định không đồng ý trao giải cho anh Hữu Loan. Cũng như đối với anh Bùi Minh Quốc, khi in kỷ yếu Hội nhà văn, nhiều người, có cả những ủy viên trung ương yêu cầu phải gạch tên Bùi Minh Quốc, Trần Độ, tôi không chịu, sách đã in rồi, anh em bảo lấy giấy dán chỗ ấy lại, tôi bảo cứ để nguyên. Cũng như cái việc anh Quốc bị quản chế, vì những lý do ngoài văn chương, tôi đã xin cho anh giảm được thời hạn mấy chục ngày, anh có biết đâu, nói chung là anh Quốc thiếu thông tin…
BÙI MINH QUỐC: Đúng là tôi thiếu thông tin về các việc ấy vì các anh có thông tin cho tôi đâu, nhưng điều quan trọng nhất, việc quản chế tôi là phi lý, giảm được có 19 ngày, mà cũng vì sắp Tết rồi, hết hạn đúng ngày mùng 1 Tết, tôi đã sẵn sàng chấp nhận đúng ngày mùng 1 Tết lên phường làm thủ tục kết thúc quản chế kia mà, vấn đề tôi yêu cầu là Ban chấp hành Hội phải thực hiện trách nhiệm của mình, phải xông vào tìm hiểu đầu đuôi vì sao tôi bị quản chế, việc này đúng hay sai và Hội phải có tiếng nói.
HỮU THỈNH: Anh Bùi Minh Quốc góp ý thì cứ góp ý nhưng sao lại nặng lời xúc phạm nhau, anh bảo chúng tôi mạo danh hội viên để mưu đồ vị kỷ theo lệnh của một thế lực nào đó, làm gì có thế lực nào, chúng tôi là do hội viên bầu lên, chúng tôi làm việc theo chính danh sao lại bảo là chúng tôi mạo danh mưu đồ vị kỷ, anh Quốc không được xúc phạm chúng tôi như thế.
BÙI MINH QUỐC: Anh Thỉnh nên đọc kỹ lại câu tôi viết trong bài phát biểu tôi vừa trao cho thư ký đoàn đại hội, đây là tôi nói về việc có tình hình nhiều hội viên, nhất là những hội viên đã trải qua chiến đấu và kiên định con đường giữ vững bản ngã tư duy độc lập cảm thấy chán Hội muốn ra khỏi Hội bằng cách lặng lẽ bỏ sinh hoạt, đấy, ra khỏi Hội mà không tuyên bố công khai dứt khoát , chỉ lẳng lặng bỏ sinh hoạt Hội thì tất nhiên các quan chức làm việc Hội nhân danh Hội là nhân danh cả những hội viên bỏ sinh hoạt một cách lặng lẽ đó, và lấy gì đảm bảo trong các quan chức ấy không có người nào không mưu đồ vị kỷ, bản kiểm điểm của Ban chấp hành chẳng đã nêu có ủy viên Ban chấp hành mấy năm không làm việc Hội đó sao, vậy tôi nói thế thì có gì là xúc phạm?
HỮU THỈNH: Anh Bùi Minh Quốc từng tham gia chiến đấu thì tôi cũng có quá trình chiến đấu vào sinh ra tử, mà anh Quốc lại cứ cố ý ráo riết đòi bỏ cái tổ chức chính trị, sao lại bỏ chính trị đi, chính trị của chúng ta là chính trị yêu thương con người, anh Quốc hãy yêu thương các hội viên đang ngồi đây, hãy yêu thương 920 hội viên trong Hội ta…
BÙI MINH QUỐC: Chính trị yêu thương con người thì trước hết phải yêu thương những người bị áp bức, yêu thương các ngư dân của ta, và với các nhà văn chiến sĩ yêu thương con người thì trước hết phải chiến đấu cho tự do, tự do là giá trị cao quý nhất của mỗi con người.
Tôi yêu cầu các ý kiến của anh Hữu Thỉnh và của tôi phải đăng lên báo Văn Nghệ để chúng ta cùng tiếp tục thảo luận, các ý kiến của chúng ta chẳng có gì là bí mật cả, nên tôi yêu cầu báo Văn Nghệ có trách nhiệm phải đăng.
MẤY GHI CHÚ CỦA BÙI MINH QUỐC
1/ - Tôi hỏi nhà văn Lê Văn Thảo phó chủ tịch Hội:
- Tại sao trong các dự thảo văn kiện phát cho hội viên trong đại hội này không có báo cáo tài chính và báo cáo của Ban kiểm tra?
Phó chủ tịch Lê Văn Thảo trả lời:
- Các văn kiện đó đến đại hội toàn thể toàn quốc sẽ phát hành như văn kiện chính thức, còn tại đại hội khu vực bây giờ chỉ phát hành các văn kiện dự thảo thôi.
Tôi nói:
- Hội viên rất cần nghiên cứu trước các báo cáo đó để tìm hiểu và chuẩn bị ý kiến đóng góp, phản biện.
Tài chính của Hội và việc bênh vực hội viên lâm nạn vì ngòi bút là các vấn đề rất quan trọng mà hội viên quan tâm, thế nhưng trong các đại hội trước đây thường báo cáo sơ sài và ít được thảo luận kỹ.Năm ngoái tôi đã được đọc trên mạng thư ngỏ và bài viết của các nhà văn Vũ Đức Phúc, Đào Thái Tôn nêu nghi vấn về tài chính thiếu minh bạch của Trung tâm Quốc học liên quan đến trách nhiệm của giám đốc Mai Quốc Liên và chủ tịch Hữu Thỉnh, mong rằng các nghi vấn đó sẽ được làm rõ đến nơi đến chốn trong đại hội khu vực Hà Nội và đại hội toàn thể toàn quốc.Chủ tịch Hữu Thỉnh trong phát biểu tóm tắt về nội dung báo cáo đã kể về nỗi vất vả công phu của ông khi làm việc với các cơ quan hữu trách để xin tiền cho Hội, nhấn khá mạnh mối liên hệ giữa việc xác định Hội là tổ chức chính trị với số tiền được nhà nước cấp, phải là tổ chức chính trị mới được cấp nhiều tiền, triển vọng sắp tới sẽ được cấp nhiều hơn.Tôi nghĩ khi ông bảo tôi rằng anh Quốc hãy yêu thương các hội viên đang ngồi đây, hãy yêu thương 920 hội viên trong Hội ta, chắc là hàm ý: anh đòi bỏ mấy chữ “tổ chức chính trị” là anh không yêu thương hội viên, bởi vì không còn là tổ chức chính trị nữa thì số tiền được cấp sẽ chẳng là bao.Nếu đúng vậy thì chắc số anh chị em hội viên không ưa tôi sẽ tăng lên ghê lắm, tôi đành chịu, nhưng tôi hy vọng sẽ được bù đắp lại bằng tình yêu thương của những người đóng thuế.
Đà Lạt 20.06.2010
BMQ