Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Bệnh hưu trí

Hồ Phú Bông

Alzheimer là căn bệnh người già thường mắc phải. Người bị bệnh này quên hẳn mọi sự, kể cả chính mình. Nhưng giới có quyền cao chức lớn tại Việt Nam khi về già thì ngược lại. Họ mắc một loại bệnh lạ, đó là “bệnh hưu trí”.  Căn bệnh này giúp họ trở nên sáng suốt. Họ bỗng nhớ và phát hiện ra ngõ ngách nhiều vấn đề mà lúc còn đương quyền họ không hề biết hoặc thấy, cho dù đó là những vấn đề xảy ra hàng ngày. Và, khá lạ lùng, căn bệnh này còn giúp họ đủ can đảm nói lên sự thật, dù đó chỉ là những sự thật mà người dân bình thường đã biết từ lâu.

Tiêu biểu là cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ khi mắc “bệnh hưu trí”, ông mới nhận ra sự lầm than, ách nước tai trời tại miền Nam sau ngày “giải phóng”. Đó là lý do ông để lại khá nhiều trăn trở về cuộc chiến nồi da xáo thịt vừa qua trong một số bài viết mang tính trả lại sự thật cho gần với thực tế lịch sử mà lúc quyền cao chức trọng chẳng bao giờ nghe ông nhắc đến.

Căn bệnh này cũng lây lan đến một số ông bà có chức, có quyền của chế độ, ở đủ mọi giới, đặc biệt là những người có khả năng viết lại, ghi lại.  Do đó trước khi về cõi, các ông bà ấy mới quay ra “Đi tìm cái tôi đã mất”![1]

Mới đây nhất, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trả lời phỏng vấn trên VietNamNet, bàn về sửa đổi hiến pháp sau khi các đại biểu bấm nút (gồm 208 phiếu chống/185 phiếu thuận cho đại dự án Đường sắt Cao tốc, sau hai tuần tranh cãi tại Quốc hội mà đảng viên Đảng Cộng sản chiếm đến 90%). Ông hùng biện về những sai trật khiến hiến pháp dân chủ năm 1946 đã biến tướng thành một hiến pháp mất dân chủ như hiện tại, khi đặt quyền hành của Đảng “ta” bao trùm lên tất cả. Thời vàng son, là thời ông cầm trịch ở Quốc hội, “Cơ quan quyền lực cao nhất” của chế độ, chẳng bao giờ nghe ông nói bất cứ điều gì về hiến pháp cũ / mới như vậy.

“Bệnh hưu trí” đã giúp ông Nguyễn Văn An phát hiện ra hiến pháp Việt Nam hiện hành là: “không gần với những khuôn mẫu chung của thế giới và có một số quy định cốt lõi lại xa rời với Hiến pháp 1946.”[2] Thực chất Hiến pháp Việt Nam đang có chỉ là loại mẫu mã để trưng bày hơn là để thi hành. Là một loại “hàng nhái” theo kiểu của các nước dân chủ phương Tây. Đây là gốc rễ việc Đảng “ta” đã lãnh đạo đất nước theo kiểu tự tung tự tác. Tự đá bóng và thổi còi!  Giá mà ông Nguyễn Văn An đưa ra lời bình luận trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút đại dự án Đường sắt Cao tốc thì “bệnh hưu trí” của ông càng “hoành tráng” hơn nữa!

Quốc hội Việt Nam hiện tại là một quốc hội trẻ, chỉ có 49/493 vị có năm sinh từ 1950 trở lên. Phải chăng chính nhờ sự trẻ trung này nên họ đã không chờ đến lúc bị “bệnh hưu trí” mới phát hiện ra nan đề? Do đó nội dung tranh cãi đại dự án Đường sắt Cao tốc mới làm dư luận sôi nổi, giúp mọi người hiểu rõ vấn đề. Giờ đây bốn chữ viết tắt ĐSCT đã trở nên quen mắt mọi người. Từ thu nhập bình quân đầu người hiện tại ước tính cho đến năm 2050, chỉ số GDP hiện tại ước tính cho đến 2050 đều được ông Phó Thủ tướng, có học vị Tiến sĩ kinh tế, nêu rõ mồn một bằng những con số rất ấn tượng, cho dù những con số này được trưng dẫn ra chỉ để chứng minh khả năng có thể trả nợ, 56 tỷ đô la Mỹ!  Ấy thế mà lần đầu tiên các đảng viên đại biểu Quốc hội của ông bất tuân lệnh Đảng “ta”!

Căn bệnh mãn tính “gọi dạ bảo vâng” của lịch sử Quốc hội Việt Nam đã bắt đầu một ngày mới, hôm 19 tháng 6 năm 2010!  Dù chưa biết sự trái khuáy này chỉ (1) như một ánh chớp trong cơn giông mưa mùa hạ, (2) thoáng qua cho có vẻ dân chủ trước Đại hội Đảng khóa XI sắp tới, (3) là đòn phép phe phái nội bộ đang chia rẽ, (4) mà Ban Bí thư Trung ương muốn đo lường lòng trung thành của đảng viên với Bộ Chính trị, (5) hay đây là sự giật mình thức tỉnh của lương tâm người Việt Nam trước thảm họa di hại lâu dài cho dân tộc?

Mọi lợi hại về đại dự án ĐSCT đã được phân tích tỉ mỉ từ nhiều giới và phổ biến rộng rãi.

Cứ nghĩ là dự án ĐSCT đã thực hiện xong thì liệu sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian cho một người di chuyển từ làng quê ra Hà Nội để đi Sài Gòn và ngược lại? Người dân đu dây vượt sông Pôkô, từ xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, Kontum[3] về đến miền xuôi để đáp tàu cao tốc, ì ạch từ quê ra tỉnh vì không có cơ sở hạ tầng, có bù lại với thời gian tiết kiệm được khi ngồi trên tàu cao tốc mà phải chịu nợ ngập đầu?

Xin chúc mừng 208 ông bà đại biểu Quốc hội đã bấm nút nói không với ĐSCT!  Quí ông bà nên tự hào với chính mình, là đã vượt qua được nỗi sợ hãi đeo bám bấy lâu nay.  Quí ông bà đã xóa tan cái bóng ma quái ám ảnh và mạnh dạn nói với người dân cả nước là, cơn cuồng vọng đại dự án ĐSCT đã qua rồi!  Đó chỉ là Đặc Sản Cuồng Tham!

Rất mong quốc hội trẻ Việt Nam sử dụng đúng vai trò lịch sử của mình chứ đừng đợi đến khi mắc “bệnh hưu trí”!

2/7/2010

© 2010 Hồ Phú Bông

© 2010 talawas


[1] Nguyễn Khải: http://www.diendan.org/sang-tac/111i-tim-cai-toi-111a-mat/

[2] http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-cuu-chu-tich-quoc-hoi-ban-viec-sua-hien-phap

[3] http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/06/3BA1CAD2/page_2.asp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét