Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Việt Nam xuất bản tạp chí nhân quyền đầu tiên

Việt Nam xuất bản tạp chí nhân quyền đầu tiên trong lúc một số người ở Mỹ kêu gọi Washington lưu tâm nhiều hơn tới những vụ vi phạm nhân quyền của Hà Nội.


Tạp chí Nhân quyền Việt Nam được in khổ 21 x 29cm, dày 80 trang và được phát hành một tháng một kỳ, do PGS Tiến sĩ Bùi Quảng Bạ làm Tổng biên tập.


Theo tin của Bernama và CNSNews, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, ra mắt số đầu tiên hôm thứ tư (14/7/2010), có mục đích:

1. tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam

2. chính sách pháp luật của nhà nước về lãnh vực quyền con người

3. phản ánh những thành tựu về quyền con người của Việt Nam.



Hãng tin Bernama trích lời Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, người đứng đầu Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của chính phủ, nói rằng tạp chí này còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin về điều mà ông gọi là "những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền" để "chống phá sự nghiệp xây dựng và phát triển" của Việt Nam. Ông Khiêm cho biết Tạp chí Nhân quyền Việt Nam sẽ "đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái thù địch". Ông nói thêm rằng Đảng và Nhà nước ở Việt Nam luôn luôn xem nhân quyền là một yếu tố then chốt trong công cuộc phát triển lâu bền của đất nước.


Trong khi đó, theo tin của CNSNews, tuy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã cải thiện rất nhiều trong 15 năm qua, thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục là một mối lo ngại đối với nhiều người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, cùng với một số thành viên quốc hội Hoa Kỳ.


Các tổ chức tranh đấu nhân quyền và những nhà lập pháp Mỹ ủng hộ họ thường xuyên nêu lên những vụ bắt bớ các nhân vật tranh đấu dân chủ cùng với những sự hạn chế về tự do tôn giáo và tự do internet ở Việt Nam để hối thúc chính phủ ở Washington nâng cao vị trí của vấn đề nhân quyền trong nghị trình của các hoạt động ngoại giao song phương.



Trong lúc ngoại trưởng Hillary Clinton chuẩn bị đến thăm Việt Nam vào tuần sau, một lá thư đang được luân lưu tại trụ sở quốc hội Mỹ để thu thập chữ ký nhằm hối thúc bà Clinton hãy nhân dịp này để nêu lên với giới hữu trách Hà Nội về vấn đề tù nhân chính trị và đặt vấn đề nhân quyền làm trọng tâm của mối quan hệ với Việt Nam. Lá thư này nêu lên những trường hợp cụ thể của các tù nhân chính trị ở Việt Nam, trong đó có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, là người đã bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, bị đánh đập trong lúc cảnh sát chỉ đứng nhìn mà không can thiệp, rồi sau đó chính bà lại bị truy tố về tội đả thương và bị tuyên án 3 năm rưỡi tù hồi tháng hai vừa qua. Lá thư này cũng nêu lên mối quan tâm về điều được mô tả là "một vụ tấn công tinh vi và dai dẳng" nhắm vào những người bày tỏ ý kiến bất đồng trên mạng internet.



Theo ghi nhận của các hãng thông tấn quốc tế, chính phủ Việt Nam thường xuyên sử dụng những luật lệ mơ hồ về an ninh quốc gia để bóp nghẹt những tiếng nói đối lập và trong năm vừa qua có gần 20 nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đã bị cầm tù.


Nguồn: AP, CNSNews.com, Bernama, VietnamNet



Chỉ trích của phương Tây


Các phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo thế giới đều nhận xét rằng tuy có một vài tiến bộ, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa tình hình nhân quyền ở trong nước.


Hồi tháng Ba, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách Á châu Kurt Campbell nói Hà Nội cần cải thiện nhân quyền nếu muốn xích lại gần Mỹ.


Ông Campbell nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ở Washington rằng muốn kiến thiết quan hệ thân chặt với Mỹ, "Việt Nam cần cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình".


Quan chức ngoại giao cao cấp nhất chuyên trách Á châu nói với các dân biểu: "Tôi có thể nói rằng ch́úng ta có một sự phân đôi (trong quan hệ) với Việt Nam".


"Một mặt, đang có quan ngại thực sự về bước lùi trong các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo trong những năm gần đây."


"Mặt khác, chính quyền Việt Nam hiện nay đang muốn một quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ vì lý do chiến lược."


Ông Campbell phát biểu: "Sẽ rất khó có quan hệ như vậy nếu Việt Nam không có bước tiến rõ rệt để cải thiện tình hình trong nước".


Các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế thì nêu quan ngại rằng trong thời gian gần đây, việc bắt bớ, bỏ tù bất đồng chính kiến gia tăng ở Việt Nam.


Chính phủ Việt Nam trong khi đó luôn nói rằng các chỉ trích của các tổ chức này là dựa trên thông tin "bịa đặt", không đúng với thực tế, và tuyên bố Việt Nam luôn cải thiện nhân quyền và tự do tôn giáo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét