Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Hội chứng cảng biển biến tiềm năng thành tiềm ẩn

"Tôi đã nói với các anh ở Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ KHĐT) rằng không khéo các anh lại rủ nhau ra phá hết đảo nữa, sau khi đã phá nát đất liền. Rồi con cháu chúng ta biết đi đâu, về đâu?"- Ông Chu Hồi chia sẻ.

LTS: Khoảng hai tuần trước khi diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tại Hà Nội, với sự tham gia của 27 quốc gia, để bàn và tìm giải pháp dàn xếp những vấn đề có nguy cơ gây bất ổn, trong đó có câu chuyện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ở thành phố biển Hải Phòng đã diễn ra một hội nghị thu hút đầu tư vào kinh tế biển. Qui hoạch và an ninh đầu tư là hai vấn đề được các đại biểu trao đổi nhiều nhất, cả trong và ngoài hành lang hội nghị.

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, xung quanh hai chủ đề nổi cộm này.

Ông Nguyễn Chu Hồi nói:

Tại sao thế giới lấy đại dương nuôi đất liền, còn chúng ta tại sao lại phải lấy vùng duyên hải làm động lực tiến ra biển, và tính luôn cả GDP của phần đất liền giáp biển này vào GDP của kinh tế biển? Xin thưa rằng, vì năng lực chinh phục biển, hay sức vươn ra khơi, của chúng ta quá yếu, nên đành phải lấy phần đất liền chưa bị tận khai này làm bàn đạp thôi. Tuy nhiên, vùng đất duyên hải này cũng có tiềm năng vị thế, và nếu biết làm khéo có thể biến thành tài nguyên vị thế.

- Xin ông nói rõ hơn về khái niệm này?

Tất cả những cái như vị trí thuận lợi, cảng nước sâu... chỉ mới là tiềm năng, và chỉ trở thành tài nguyên khi người ta đưa được vào đó một phương án tổ chức lãnh thổ, hay còn gọi là qui hoạch không gian. Ví dụ, 50 mét vuông đất ở trong ngõ hẻm chỉ là tiềm năng vị thế, nhưng trở thành tài nguyên vị thế, khi người ta định qui hoạch một con đường to đi qua đó, giá lên gấp 10 lần.

Chính qui hoạch không gian lãnh thổ ở vùng duyên hải sẽ giúp biến tiềm năng vị thế trở thành tài nguyên vị thế. Còn hội chứng tỉnh duyên hải nào cũng xin làm khu kinh tế hướng biển, tỉnh nào cũng xin làm cảng, thì chắc chắn tiềm năng vị thế mãi là tiềm năng vị thế, bởi không khai thác được. Cách đây 5 năm, khi thảo luận nhóm nhân 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, cựu đại sứ Mỹ đầu tiên Pete Peterson đã nói với tôi và bà Ninh (Tôn Nữ Thị Ninh): "Tôi muốn khuyên Việt Nam một điều là đừng làm kinh tế kiểu bắt chước (copystyle)."

Ông Nguyễn Chu Hồi, Ảnh Huỳnh Phan

- Hiện nay, về qui hoạch, chính phủ dự kiến sẽ xây dựng 15 khu kinh tế hướng biển. Theo quan điểm qui hoạch không gian của ông, liệu số đó có quá nhiều so với số lượng gần gấp đôi số tỉnh duyên hải không? Chúng ta đã từng thất bại với mô hình thí điểm ở khu kinh tế mở Chu Lai, có thời từng được kỳ vọng là Thẩm Quyến của Việt Nam, bởi sau đó chừng vài năm, cả chục khu kinh tế khác được phê duyệt một cách cấp tập?

Về nguyên tắc, nếu được đầu tư, mỗi khu kinh tế hướng biển này sẽ là một cực phát triển, và tạo sự lan tỏa theo bán kính để tác động tới cả một vùng. Nhưng người ta quên rằng trên bình đồ phát triển hiện nay của Việt Nam, những cực phát triển như thế đã hình thành trên 100 năm.

Ví dụ như Hải Phòng. Người Pháp đã phát triển cái bến nhỏ Ninh Hải trở thành cảng Hải Phòng. Nhịp độ đô thị hóa Hải Phòng gắn liền với sự phát triển của cảng. Rất tiếc Việt Nam không tổ chức rút ra bài học từ đây. Bây giờ các chuyên gia mới khuyên Hải Phòng phải phát triển theo công thức đô thị - cảng - biển, chứ, thực ra, Hải Phòng đã thế từ một trăm năm nay rồi.

Chúng ta định xây dựng những khu đô thị kêu gọi xây dựng 15 khu kinh tế biển, trong khi đó những đô thị hơn trăm năm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu... Tại sao ta chỉ lại tập trung đầu tư vào những khu mới như Dung Quất, thay vì tập trung đầu tư thêm vào những cực phát triển cũ để tăng sức lan tỏa với bán kính lớn hơn đến cả những vùng xung quanh?

Tóm lại, công tác qui hoạch lại không gian kinh tế miền duyên hải đã không được tính đến. Chúng ta chỉ thích xây những cái mới, nhưng không biết tận dụng và phát huy những cái đang có, và trên bình đồ phát triển, việc xác định lại những cực cũ sẽ khiến việc bố trí không gian hợp lý hơn.

Hơn nữa, chúng ta mới tính đến việc xây cảng, mà chưa tính tới khả năng cảng sẽ phát huy thế mạnh thế nào. Việt Nam mở hành lang Đông - Tây, và nâng cấp cảng Đà Nẵng. Nhưng chính ông giám đốc cảng Đà Nẵng trong một phát biểu gần đây tại một diễn đàn kinh tế biển ở Dung Quất đã thừa nhận rằng cảng sau khi nâng cấp chẳng nhận được thùng hàng nào từ ASEAN cả. Như vậy, tính hiệu quả kinh tế của việc nâng cấp đầu tư cảng là gì?

Theo tôi, qui trình phải là qui hoạch không gian, rồi mới đến qui hoạch vùng cụ thể, vì có làm như thế mới đảm bảo được tính liên vùng, và biến tiềm năng vị thế thành tài nguyên vị thế.

- Với cách nhìn này, ông đánh giá thế nào về việc Hải Phòng xin xây cảng nước sâu Lạch Huyện, trong khi cách đó không xa, Quảng Ninh đã có Cái Lân, và đang dự định xin đầu tư cảng Hải Hà?

Từ cách đây 20 năm, khi còn là Viện trưởng Viện tài nguyên Môi trường biển Hải phòng tôi đã đưa ra quan điểm phải tiếp cận theo cụm cảng, tức là theo liên kết lãnh thổ, chứ không nên theo quan điểm địa giới hành chính, dễ sinh ra hội chứng xin xây cảng.

Hơn nữa, bản thân, một cái cảng quyết định được xây không phải do nó ở vùng nước sâu, mà vì nó phục vụ nguồn nguyên liệu. Cho nên, theo tôi nên dừng những bến chưa xây ở Cái Lân lại, và phát triển thật đàng hoàng cảng nước sâu ở Lạch Huyện và Hải Hà.

Đại diện UNESCO ở Paris đã nói với tôi rằng các tổ chức quốc tế gắn với bảo tồn thiên nhiên đã chỉ trích Việt Nam rất nhiều về cách khai thác Vịnh Hạ Long. Họ nói thẳng rằng đây là mô hình phát triển rất bất hợp lý. Trong một không gian rất hẹp mà có sự mâu thuẫn rất lớn về mục đích bảo tồn và mục đích phát triển. Họ còn nói rằng Việt Nam vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ Vịnh Hạ Long để phát triển một nền kinh tế sinh thái và kinh tế du lịch.

Tôi đã nói với các anh ở Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ KHĐT) rằng không khéo các anh lại rủ nhau ra phá hết đảo nữa, sau khi đã phá nát đất liền. Rồi con cháu chúng ta biết đi đâu, về đâu?

(còn nữa)

Huỳnh Anh

http://tuanvietnam.net/2010-07-22-hoi-chung-cang-bien-bien-tiem-nang-thanh-tiem-an

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét