Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Khi Trung Quốc "nói vậy mà không làm vậy"

>> Nhà báo và trách nhiệm giữ chủ quyền

>> Biển Đông và kiểu "một mình một lối" của Trung Quốc

Dựng hình tượng

Nhiều năm qua, sự trỗi dậy Trung Quốc đi liền với mối lo ngại về mối đe dọa Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Cho rằng thế giới đang hiểu nhầm mình, Trung Quốc bằng nhiều cách thức, khi lặng lẽ, lúc ồn ào, cố gắng làm an lòng phần còn lại của thế giới về một chiến lược phát triển hòa bình của nước này.

Tranh thủ mọi cơ hội, mọi diễn dàn, khu vực và quốc tế, người Trung Quốc đang tỏ ra muốn "minh bạch hóa" chiến lược phát triển, nhất là các chính sách an ninh gắn với sự đầu tư ngày càng lớn cho quân sự.

Những cụm từ "phát triển hài hòa", "phát triển chung", "an ninh chung", "hợp tác", "đối tác bình đẳng", "tin cậy lẫn nhau", "đối tác có trách nhiệm"... thường xuyên xuất hiện trên cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc.

"50 năm sau này, lãnh thổ Trung Quốc sẽ vẫn là 9.600.000 cây số vuông... Nếu như chúng ta xâm chiếm dù chỉ một phân đất đai của nước khác, chúng ta sẽ biến mình thành kẻ xâm lược" - Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nói 50 năm trước.

Khẩu hiệu hòa bình và chống bá quyền được giới chức Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội phô diễn.

Khi Biển Đông nóng lên, những phát ngôn mang tính trấn an như thế của lãnh đạo Trung Quốc càng xuất hiện với tần suất dày đặc, nhất là tại các diễn đàn khu vực, nơi các nước láng giềng chia sẻ mối lo về an ninh khu vực.

Chỉ trong vòng một tháng, nhân vật thứ 3 của giới quốc phòng Trung Quốc, Trung tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội đã hai lần trấn an đại diện các quốc gia Đông Nam Á và nước lớn, rằng "quân đội Trung Quốc không đe dọa an ninh nước nào".

"Sự phát triển năng lực của quân đội quốc gia Trung Quốc không nhằm thách thức, đe dọa hay xâm lược quốc gia nào mà trước hết và trên hết là để đảm bảo an ninh của Trung Quốc".

"Chỉ phát triển chung mới đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả. Chỉ có an ninh chung mới có thể đảm bảo an ninh bền vững thực sự", ông Mã Hiểu Thiên nói. "Duy trì an ninh trong khu vực là lợi ích và bổn phận của Trung Quốc"... "Trung Quốc không bao giờ nhắm tới bá quyền, ngay cả khi mạnh hơn".

Cho rằng việc tìm kiếm an ninh qua đối đầu và chạy đua vũ trang đã lỗi thời, và việc hợp tác mới là lựa chọn cho an ninh, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, "Chính phủ Trung Quốc cam kết tìm các giải pháp hòa bình cho các điểm nóng khu vực".

Lính Trung Quốc luyện tập bên bờ Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải. Ảnh Reuters/China Daily.

Nói như Phó Giáo sư Peter Dutton, thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải, trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ, Trung Quốc đang xây dựng hình tượng "hòa bình phát triển" với thế giới.

Đáng tiếc, hình tượng đó dựng lên phần nhiều bằng lời nói, chứ không phải việc làm của chính Trung Quốc.

Tự định chuẩn

Cố gắng thuyết phục thế giới hiểu đúng về Trung Quốc và tham vọng phát triển của nước này, nhấn mạnh xây dựng quan hệ đối tác thực sự dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thế nhưng, hành động của Trung Quốc, nhất là liên quan đến Biển Đông lại buộc thế giới đặt những dấu hỏi nghi ngờ.

Những lời trấn an của lãnh đạo Trung Quốc không thể an lòng thế giới, nhất là khu vực, khi những hành động của giới chức nước này lại "một mình một lối".

Từ đường ranh giới chữ U đòi chủ quyền trên Biển Đông tham lam "lờ đi những giới hạn luật pháp được quy định bởi Công ước Luật biển Quốc tế 1982" (nhận xét của PGS Peter A. Dutton) đến những hoạt động thực tế mang tính hiếu chiến trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết "giữ nguyên trạng", "không làm căng thẳng tình hình" mà nước này đã kí năm 2002 với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông DOC.

Trung Quốc liên tục "gây chuyện", với từng nước riêng rẽ liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và gián tiếp, và với cả khu vực. Xây dựng đơn vị hành chính, đơn phương cấm đánh bắt cá, bắt giữ và đòi tiền chuộc với các tàu cá của các quốc gia ĐNA, va chạm với tàu Mỹ, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam, tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp... là những bước leo thang của Trung Quốc trong việc làm căng thẳng tình hình Biển Đông. Quy mô và tần suất của các hoạt động phá vỡ lòng tin này ngày càng gia tăng.

Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu định danh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là "lợi ích chiến lược" của nước này, đặt ngang hàng với các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng vốn được Trung Quốc ưu tiên cao. Và cùng với nó, việc tuyên truyền về khả năng giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng vũ lực cũng xuất hiện ngày càng dày trên truyền thông Trung Quốc.

Có vẻ như, cái gọi là "cam kết", "hợp tác", "không đe dọa"... đã được Trung Quốc tự định chuẩn theo cách hiểu của riêng nước này. "Phương cách đơn phương Trung Quốc" không chỉ được áp dụng trong giải thích luật biển quốc tế, mà trong những thuật ngữ hoa mỹ nước này dùng để dựng hình tượng về mình cũng như mô tả về quan hệ tốt đẹp với láng giềng.

Thay vì dùng lời nói thuyết phục thế giới và khu vực "hiểu đúng" về Trung Quốc với tư cách "cổ đông có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế, có lẽ, đến lúc Trung Quốc dựng hình tượng ấy bằng hành động cụ thể, trước hết và trên hết bằng việc minh bạch hóa vấn đề an ninh Biển Đông với hành động thiện chí và xây dựng thực sự của nước này.

Và thay vì sử dụng phương cách Trung Quốc để rồi trách thế giới hiểu nhầm mình, Trung Quốc cần thực sự áp dụng phương cách và chuẩn mực quốc tế trong hành xử, để làm thế giới tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét