Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

TS. Nguyễn Quang A: Tham nhũng quan hệ - lời cảnh báo cấp bách

"Tôi nghĩ là trong các mối quan hệ, kể cả gọi là cánh hẩu, cần tường minh và xác định một cách rõ ràng là phạm vi quyền lực đó trao cho ai, đến mức độ nào, ai giám sát, vi phạm những mối quan hệ về quyền lực như thế thì phải phán xử như thế nào…. Nếu không có những khuôn khổ pháp lý, đạo đức như thế sẽ rất là khó để ngăn chặn mối quan hệ cánh hẩu hiện tại ở Việt Nam."

Quan hệ cánh hẩu ? Nó tốt, cho dù xã hội đánh giá nó thế nào, nếu như ...

 Nhà báo Trần Quốc Hải (NB): Trong kinh doanh và điều hành chính sách, mối quan hệ giữa hai bên, nếu là tích cực, sẽ hỗ trợ nhau như thế nào và sự phối hợp giữa hai nhánh của nhóm người làm công việc khác nhau nên hướng tới mục tiêu chung gì trong môi trường lý tưởng ?

TS. Nguyễn Quang A (TS): Đầu tiên tôi nghĩ là phải nói rõ khái niệm về quan hệ. Quan hệ là từ rất quan trọng, vì bất kỳ hệ thống gì đều là hệ thống quan hệ. Trong toán học có một lý thuyết cao siêu mô tả mối quan hệ, có từ thời xa xưa, ứng dụng vào những chuyện về kinh tế, xã hội và tổ chức. Đó là lý thuyết Graph.

Trong kinh doanh, mối quan hệ lại cực kỳ quan trọng. Một thực thể kinh doanh, giá trị thực sự cốt lõi là quản trị các mối quan hệ liên quan đến nó và nó muốn kết nối. Những người gọi là quản trị quan hệ tốt nhất vẫn là nhà tư bản phương Tây, hiểu theo nghĩa quan hệ là mối tương tác tất yếu của bất kỳ tổ chức nào. Toàn bộ hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp (DN) là quản trị các mối quan hệ, vì thế, mổ xẻ các khía cạnh của họat động quan hệ là rất quan trọng và rất hay.

Trước khi nói sang nghĩa xấu mà người ta sử dụng, tôi rất muốn nhấn mạnh ý nghĩa đẹp, hay của quan hệ mà mình phải phân biệt rất rõ, phải sử dụng mối quan hệ đấy để sinh sống, làm ăn của từng con người cũng như từng DN.

Quay sang chủ đề quan hệ “cánh hẩu”. Quan hệ bản thân nó là tốt nhưng sử dụng như thế nào thì mới nảy ra vấn đề chủ nghĩa tư bản cánh hẩu. Khi chủ doanh nghiệp sử dụng các mối quan hệ sẵn có hoặc xây dựng được để làm lợi cho công việc làm ăn thì đó là chuyện bình thường của DN, bất luận xã hội đánh giá nó là chính đáng hay không chính đáng.

Do vậy, khi nói về chủ nghĩa tư bản cánh hẩu không thể trách các DN tại sao nó vận động, tìm các mối quan hệ với những người để tạo ảnh hưởng có lợi cho bản thân, bất kỳ DN nào cũng thế, bất kỳ ở đâu nếu nó hoạt động đúng Luật Doanh nghiệp. Chính xác hơn, không chỉ ở chủ nghĩa tư bản mà ở đâu cũng thế, ở ta cũng thế.

Nhưng quan hệ hiểu theo nghĩa là các quan hệ cánh hẩu thường là quan hệ của các DN với những người nắm quyền lực để khuynh đảo chính sách, hướng tới kiếm được những khoản lợi bất chính, chủ yếu là trong những khoản mua sắm của Nhà nước, trong những việc phân bổ nguồn lực của đất nước cho các DN.

 

 

 

NB: Mua sắm của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có phải là mua sắm Chính phủ không, thưa ông?

 TS: Không. Mua sắm của DNNN là của DNNN. Mua sắm của Chính phủ là mua bằng tiền ngân sách, ví dụ như sửa chữa công sở, mua máy tính cho cơ quan Nhà nước, xây nhà Quốc hội, làm đường cao tốc, xây cầu.. những khoản mà người mua và sử dụng các sản phẩm đó là Nhà nước và mục tiêu là mang lại lợi ích cho cộng đồng, mọi người có quyền sử dụng chung, không bị lọai trừ.

Có thể Nhà nước lại chỉ định ông thứ ba làm dịch vụ mua cái đó cho mình nhưng thực sự người chủ mua hàng hoá dịch vụ đó là ai? Cũng có thể ông Chính phủ bảo giao cho công ty này thay mặt cho tôi mua vì không thạo trong giao kết hợp đồng thì khi đó công ty không phải mua cho mình mà là mua cho Chính phủ.

NB: Nhưng ví dụ hành vi ông Chủ tịch hay Tổng giám đốc Vinashin đi mua tàu thì đó là hành vi gì, chi tiêu gì?

TS: Cái đấy hoàn toàn là việc kinh doanh của DN, không phải là mua sắm Chính phủ.

NB: Quá trình mua đó cũng không nhất thiết phải được giám sát theo quy trình giám sát của chi tiêu Chính phủ?

TS: Không, đó là của DN. Nhưng DN bán hàng cho Chính phủ, DN nhận được các khoản đầu tư của Chính phủ, DN nhận được các khoản ưu đãi của Chính phủ, về vốn, về tín dụng, về đất, về thương quyền. Tất cả những việc đó do ai là người quyết định? Nếu người có quyền đơn phương ra quyết định đó là Nhà nước thì lúc đó mới là quan hệ giữa DN và NN.

Trong mối quan hệ đó, giữa DN và NN nếu không sòng phẳng, nếu không được minh bạch thì lúc đó, quan hệ ấy mới gọi là quan hệ cánh hẩu.

Đó là quan hệ mà lẽ ra, thí dụ như mua bán công thì phải qua đấu thầu, phải công khai, bất kể ai cũng có quyền bán, thì lúc đó là một quan hệ theo nghĩa tốt. Người bán hàng cho Chính phủ có sản phẩm tốt, có dịch vụ tốt, cạnh tranh với người khác để thắng thầu đấy là việc bình thường.

Còn nếu do mối quan hệ quen biết giữa ông chủ DN này, bất kể là DN tư nhân hay DNNN với một ông quan chức có quyền quyết định việc mua sắm này. Họ có thể hợp thức hoá bằng việc đấu thẩu hình thức: đấu thầu nhưng lập 2-3 DN “quân xanh” để làm cho mình chắc chắn trúng thầu thì là quan hệ cánh hẩu.

NB: Việc mua một con tàu thì ai là người được mua? Xây công trình BOT thu phí thì ai là người được nhảy vào ?. Tất cả những cái đó thì theo các DN, khó mà có thể chỉ quan hệ với nhau, với khách hàng của DN mà nhân được dự án đó mà chắc chắn phải có cuộc vận động, xây dựng một mối quan hệ với những người ra quyết định đó?

TS: Cái đó là chắc chắn. Không chỉ bán hàng và dịch vụ cho NN mà còn là để kiếm kiếm được những ưu ái, những hợp đồng, những thương quyền. Ví dụ, tôi có quyền làm BOT cái đường này, tôi có quyền xây cái cầu 100m trong một quãng đường 300km do NN bỏ tiền xây, còn tôi chỉ bỏ mỗi 100 tỷ để xây 1 cái cầu 50m và tôi đứng ra thu phí.

NB: Có một vài vụ án mà cơ quan chức năng đã làm rõ chuyện sân sau, công ty con, công ty gia đình nhưng sau khi kết luận các vụ án đó thì không ai bị ra tòa vì tội danh tham nhũng cả, vì sao?

TS: Cái đấy là hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước, khuôn khổ pháp lý của Nhà nước như thế nào sẽ tạo ra bức tranh kinh tế, xã hội như thế ấy. Nếu những quan chức cấp cao của Nhà nước, những người có quyền ra chính sách cũng đụng đến chuyện như thế, như vợ con đứng đằng sau vì lợi ích cá nhân của mình, thì những kiểu xã hội như thế đằng nào cũng sụp đổ vì nó mất tính chính danh của nó.

Nhìn gia đình Shuhato từ năm 1965 giữ vị trí tổng thống lâu nhất và đưa Indonesia lên một tầm mà từ IMF và WB ca ngợi hết lời, nhưng khi hủng hoảng xảy ra thì tất cả những xấu xa đó mới “bục” ra.

NB: Tức là nếu không xảy ra khủng hoảng kinh tế, mục ruỗng từ bên trong Nhà nước của ông Shuhato không bộc lộ ra?

TS: Nó đã bộc lộ ra từ lâu rồi nhưng khủng hoảng là một cơ hội, một giọt nước tràn ly để làm cho những chuyện quan hệ như thế phải đến chỗ đổ vỡ, chứ về mặt phát triển chung thì tất cả các mối quan hệ cánh hẩu là có hại cho sự phát triển của một đất nước, của bản thân DN đó.

Tất nhiên, Nhà nước ấy có thể làm lợi cho rất nhiều người nhưng không làm lợi cho tuyệt đại bộ phận dân chúng.

Tham nhũng quan hệ đang cảnh báo cấp bách:

NB: Cứ trước mỗi dịp Tết lại có văn bản của cơ quan Đảng, chính quyền các cấp nói rằng Tết này cấm được mang quà đến nhà riêng lãnh đạo... tại sao lại phải làm như thế vì với văn minh Á Đông, quan hệ như ông nói là hành vi và cách giao tiếp bình thường giữa con người, trong cộng đồng xã hội đã được định hình như một nét văn hóa rồi.

 Liệu nó có thực hiện được không và có thể ngăn chặn hành vi mà người ta định ngăn chặn không?

TS: Mối quan hệ ở đây là giữa cấp trên và cấp dưới, ví dụ như giữa cấp huyện với cơ quan cấp tỉnh… mà như một huyện của Hà Nội mới đây ông Chủ tịch huyện chỉ thị là phải quà cáp thế này thế kia mà thực sự họ lý giải lấy tiền tiết kiệm chi tiêu chứ không phải tiền ngân sách.

Nhưng chuyện đó là chuyện thực sự là thối nát trong một mối quan hệ, vì vậy, cái đó phải cấm ngặt. Đấy là một thứ bệnh đút lót cấp trên mà ở Việt Nam có truyền thống nhiều ngàn đời, cho đến bây giờ càng phát triển.

Cho nên đấy là vấn đề là thể chế, quy chế của Nhà nước: khi quy định không được làm là không được làm. Với danh nghĩa người quen quà cáp khi Tết là chuyện khác, nhưng người ta lạm dụng cái đó để đổi chác lợi ích riêng từ lợi ích của cộng đồng, lẫy cái của chung "đãi nhau" xây dựng cho mối quan hệ của mình để mưu cầu chuyện thăng tiến, lợi lộc thì đấy lại là một phạm trù hoàn toàn khác, cũng có thể gọi là cánh hẩu nhưng là điều mà tất cả các nước văn minh đều cấm, không được làm vì nếu vậy bộ máy hành chính của Nhà nước sẽ thối rữa.

NB: Từ nãy chúng ta đã bàn về mối quan hệ nói chung và những hành vi cần thiết phải điều chỉnh. Bây giờ quay về vấn đề biểu hiện quan hệ nói theo nghĩa chung và quan hệ cánh hẩu trong hoạt động kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở mức độ như thế nào, có ảnh hưởng tác động gì?

TS: Tôi nghĩ là trong các mối quan hệ, kể cả gọi là cánh hẩu, cần tường minh và xác định một cách rõ ràng là phạm vi quyền lực đó trao cho ai, đến mức độ nào, ai giám sát, vi phạm những mối quan hệ về quyền lực như thế thì phải phán xử như thế nào…. Nếu không có những khuôn khổ pháp lý, đạo đức như thế sẽ rất là khó để ngăn chặn mối quan hệ cánh hẩu hiện tại ở Việt Nam.

Không bàn về quan hệ chính trị, mua quan bán chức, chạy chức (cũng là chạy quan hệ) mà quay lại chuyện quan hệ giữa DN và Nhà nước thì tình hình là khá nghiêm trọng và cái gọi là quốc nạn tham nhũng nó cũng là từ mối quan hệ như thế - không được rạch ròi, không được minh bạch - mà không giải quyết tận gốc vấn đề này tình hình sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Đấy là lời cảnh báo cho người lãnh đạo cao nhất của đất nước này và cả nhân dân, các tổ chức đều biết vì điều đó có thể đưa đất nước đến sự lụi bại nhanh nhất, là tự mình giết mình, không thể đổ lỗi cho ai.

 

Một DN mà đằng nào trong đường lối ghi rằng, nó phải là chủ đạo, nó là của tôi, tôi phải ưu ái cho nó, và tạo mọi điều kiện để nó phát huy vai trò đó thì nó càng có cơ hội hơn để thúc đẩy mối quan hệ cánh hẩu ấy. Bởi vì, sự ưu đãi, vị thế ưu tiên của nó đã được ghi trong đường lối của Đảng rồi thì tại sao nó lại không làm?  (TS. Nguyễn Quang A)

NB: Theo ông, sự không chuẩn mực trong quan hệ giữa Nhà nước và DN hiện nay tạo ra bất công nhất trong sự phân bổ nguồn lực hay là hưởng thụ thành quả của nền kinh tế? Bất công ấy thể hiện ở đâu vì mối quan hệ này?

TS: Cả hai thứ đều rất quan trọng. Nếu phân bổ nguồn lực quốc gia một cách minh bạch, sòng phẳng, để cho những người nào có tài năng sử dụng nguồn lực đấy của quốc gia một cách hữu hiệu nhất cho bản thân quốc gia. Nếu được, người ta được phân bổ nguồn lực đấy thì đấy là cách tốt nhất.

Còn hiện nay, rất đáng tiếc là trong đầu người ta, bị một ý thức hệ ràng buộc là khu vực kinh tế NN phải giữ vài trò chủ đạo. Rất đáng tiếc, dự thảo NQ của Đại hội Đảng tới lại còn nhấn mạnh thêm sở hữu NN, sở hữu tập thể, sẽ tiến tới phải đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế. Chỉ một câu đó thôi, một câu đó là một câu sẽ làm cho chủ các doanh nghiệp Nhà nước nói chung và bộ máy điều hành nền kinh tế ấy có “chỗ dựa” để tự đặt ra những quan hệ ưu đãi cho nhau.

NB: Khu vực kinh tế NN và kinh tế tập thể, ông có nghĩ rằng, đó là môi trường tốt nhất để quan hệ cảnh hẩu, hiểu theo nghĩa tiêu cực, nó phát sinh và sống thoải mái nhất so với các thành phần kinh tế khác?

TS: Chắc chắn. Nói vậy không có nghĩa là khu vực kinh tế tư nhân hay các ông chủ tư bản với NN không có quan hệ cánh hẩu. Quan hệ cánh hẩu bất luận, không phụ thuộc vào DN ấy là ai sở hữu mà nó phụ thuộc vào con người, vị thế của DN đó. Một DN mà đằng nào trong đường lối ghi rằng, nó phải là chủ đạo, nó là của tôi, tôi phải ưu ái cho nó, và tạo mọi điều kiện để nó phát huy vai trò đó thì nó càng có cơ hội hơn để thúc đẩy mối quan hệ cánh hẩu ấy. Bởi vì, sự ưu đãi, ưu tiên, vị thế ưu tiên của nó đã đường ghi trong đường lối của Đảng rồi thì tại sao, nó lại không làm?

NB: Vâng, xin mời Tiến sỹ tạm nghỉ, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc đối thoại sau ít phút nữa ...

Nguồn: http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=750

2 nhận xét: