Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Việt Nam: từ xuất khẩu lao động đến nạn buôn người

Song Chi phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng
"Ở đây chúng ta thấy vấn đề buôn người tại VN đã ở mức độ nghiêm trọng. Thứ nhất là bởi vì nhà nước VN có chính sách xuất khẩu lao động, mà khi nói đến chữ xuất khẩu lao động thì người ta có cảm tưởng là xuất khẩu những món hàng, không có sự xem trọng nhân phẩm, nhân quyền của người lao động. Vì bị xem là những món hàng để trao đổi nên người lao động rất dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột. Thứ hai là bởi vì chính sách đó nhằm mục đích làm sao đưa được càng nhiều người xuất khẩu lao động càng tốt, thành ra các công ty môi giới lao động tha hồ chạy theo chỉ tiêu."

Phần 1

Từ nhiều năm nay, theo chính sách xuất khẩu lao động nhằm mục đích vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước, vừa thu được ngoại tệ về cho quốc gia, nhà nước Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với nhiều quốc gia khác nhau để đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước đó. Con số người lao động Việt Nam rời nước ra đi làm thuê lên đến hàng chục ngàn người mỗi năm. Theo báo cáo Cục quản lý Lao động nước ngoài của Việt Nam, năm 2008 có trên 500 ngàn người Việt đang lao động tại hơn 30 nước trên thế giới. Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, việc đưa người đi lao động ở nước ngoài trong điều kiện còn những kẽ hở về luật pháp như lâu nay đã dẫn đến tình trạng nô lệ lao động mới và nạn buôn người để bóc lột sức lao động.


Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp hội nhân quyền quốc tế (ISHR), Frankfurt, Đức (hiệp hội này là một thành viên của CAMSA, Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu) về vấn đề này.



+ Trước hết xin anh giới thiệu một chút về tổ chức CAMSA?


- CAMSA tức là tên viết tắt tiếng Anh của Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia).


Được thành lập vào tháng 2.2008, Liên minh CAMSA là một mạng lưới gồm 5 tổ chức -2 tổ chức ở Hoa Kỳ, một tổ chức ở Canada, một ở Đức và một ở Malaysia. Họ là những tổ chức độc lập với nhau, hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, và không phải chỉ là tổ chức của người Việt. Ví dụ như tổ chức của chúng tôi là Hiệp hội nhân quyền quốc tế của Đức (ISHR), là một tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ các nhân quyền dân sự và chính trị. Các tổ chức này đồng ý làm việc với nhau trên một dự án là bài trừ vấn đề buôn người ở Á Châu.

CAMSA được thành lập với chủ trương bài trừ tận gốc nạn buôn bán người lao động Việt Nam, nhưng trong quá trình giúp đỡ cho người lao động Việt Nam mà gặp những người lao động của các nước khác bị nạn thì chúng tôi cũng giúp luôn. Công việc của chúng tôi là can thiệp trực tiếp để cứu giúp cho các công nhân bị nạn, từ đó phăng ra và phá vỡ những đường dây buôn người. Chúng tôi muốn ảnh hưởng đến các chính sách của Việt Nam cũng như của các quốc gia tiếp nhận người lao động để sửa đổi cơ chế, ngăn ngừa tình trạng buôn người lan rộng, mặt khác nâng cao nhận thức của người dân để họ có khả năng tự bảo vệ chính họ.

Khi nói đến vấn đề buôn người, liên minh CAMSA đặt trọng tâm vào vấn đề buôn người lao động vì chúng tôi xem đây là một vấn đề đang phát triển mạnh trong thời đại toàn cầu hóa nhưng quốc tế lại chưa quan tâm đầy đủ. Thông thường lĩnh vực buôn bán phụ nữ hay trẻ em để mãi dâm dễ gây xúc động lòng người hơn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vấn đề buôn phụ nữ và trẻ em để khai thác về tình dục thường do tư nhân hoạt động một cách lén lút ở tầm cỡ nhỏ, trong khi đó đường dây buôn lao động tại VN dựa vào các chính sách phát triển kinh tế của nhà nước và hoạt động công khai, được luật pháp quốc gia hỗ trợ, thành ra nó có thể di chuyển hàng trăm ngàn người mỗi năm và nhiều khi còn có sự bảo hộ của giới chức chính quyền nữa. Nói tóm lại trong số 500 ngàn người lao động Việt Nam hiện nay ở nước ngoài, nếu chúng ta xét theo tiêu chuẩn buôn người của quốc tế thì ít nhất cũng có 100 ngàn người được xem là thành phần nạn nhân của nạn buôn người.

+ Kể từ khi thành lập cho đến nay, CAMSA đã làm được những gì, thưa anh?

- Chỉ trong vòng một năm sau khi thành lập CAMSA đã can thiệp cho 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến 3000 công nhân. Ví dụ như chúng tôi can thiệp và giải cứu cho 176 nữ công nhân người Việt tại Jordani bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập một cách hết sức dã man. Chúng ta biết rằng một trong những người đứng ra tổ chức giúp đỡ các chị em này, là chị Phương Anh vừa mới được đi tị nạn chính trị tại Hoa kỳ vào ngày 7.7 vừa rồi. Chị Phương Anh đứng ra giúp đỡ cho những người công nhân nên bị chính quyền VN xem là người cầm đầu, từ đó họ đã gây khó khăn cho cá nhân cũng như cho gia đình chị. Thành ra trong trường hợp này chúng tôi thấy chị không còn cách nào khác là phải đi tị nạn.

Hoặc trường hợp 1300 công nhân VN làm việc và bị bóc lột trong một hãng may mặc nổi tiếng của quốc tế - hãng Esquel, trụ sở chính đặt tại Hongkong , được chúng tôi giúp vào năm 2008. Chúng tôi can thiệp cho họ đồng thời cũng can thiệp cho 1300 công nhân của các quốc gia khác cũng làm việc trong hãng đó được hưởng những quyền lợi như công nhân Việt. Tổng cộng là 2600 công nhân đó cuối cùng đã được bồi thường gần 1 triệu Mỹ kim.

+ Trước khi tổ chức CAMSA được thành lập, các nước trên thế giới đã ý thức về vấn đề người lao động có thể là nạn nhân của vấn đề buôn người chưa?

- Định nghĩa về hành vi buôn người trong Hiệp định thư Palermo (Palermo Protocol) nêu rất rõ một trong những mục đích của việc buôn người là nhằm bóc lột sức lao động chứ không phải chỉ có bóc lột về tình dục hay mãi dâm. Nguồn gốc sâu xa của nạn buôn người là vấn đề buôn nô lệ. Vấn đề nô lệ xa xưa thực ra là vấn đề bóc lột sức lao động.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế giới, khi mà biên giới giữa các nước được đi lại dễ dàng, khi mà các quốc gia cùng tìm cách phát triển về kinh tế thì thành phần lao động tay nghề kém ở những nước nghèo rất dễ bị bóc lột. Nhiều chính phủ cũng sử dụng yếu tố mức lương thấp để đưa những người lao động sang nước ngoài nên rất dễ xảy ra tình trạng buôn người theo luật quốc tế. Đó là điểm mới mà chúng tôi đóng góp vào, chúng tôi gây ý thức rằng trong việc trao đổi về kinh tế có thể tiềm ẩn vấn đề buôn người lao động.

+ Được biết, vào cuối tháng 6.2010 vừa rồi Hoa Kỳ đã đưa VN vào danh sách những quốc gia cần phải quan tâm theo dõi về nạn buôn người. Tại sao?

- Những hoạt động của chúng tôi đã gây cho Hoa Kỳ chú ý về vấn đề buôn người để bóc lột sức lao động. Trong bản báo cáo thường niên mà họ vừa công bố, họ đã dùng rất nhiều bằng chứng do chúng tôi đưa ra. Chúng tôi đã thuyết phục họ rằng dựa trên những tiêu chuẩn về vấn đề buôn người quốc tế thì rõ ràng những trường hợp này có yếu tố của vấn đề buôn người, trong đó chính phủ Việt Nam đã không hoàn thành đủ trách nhiệm của họ. Chúng ta sẽ thấy trong rất nhiều trường hợp, chính phủ VN còn cố gắng bao che cho thủ phạm, bưng bít vấn đề cũng như đe dọa cả những nạn nhân. Tất cả những lý do đó khiến cho Hoa Kỳ đã phải nâng VN từ hạng hai không bị theo dõi lên hạng hai bị theo dõi. Hoa Kỳ cũng đưa ra 12 biện pháp để yêu cầu VN phải thay đổi và những biện pháp này cũng trở thành những tiêu chuẩn để xét xem VN có tiến bộ hay không. Nếu trong vòng hai năm mà Hoa Kỳ xét thấy VN vẫn không thực hiện những thay đổi đáng kể thì VN sẽ tự động bị rớt xuống hạng ba và lúc đó sẽ tự động bị chế tài theo luật chống buôn người của Hoa Kỳ.

+ Trên thế giới đã có những quốc gia nào bị xếp vào hạng ba về tình trạng buôn người và bị Hoa Kỳ và các nước thực hiện biện pháp chế tài chưa, thưa anh?

- Trước đây Đài Loan cũng có tình trạng buôn người khá nặng và cũng đang ở hạng hai (Tier two), sắp rớt xuống hạng hai cần phải theo dõi chặt chẽ (Tier two watch list). Chúng tôi đã giúp cho chính phủ Đài Loan đối phó với tình trạng buôn người và cải thiện hình ảnh của mình. Từ một số ý kiến đóng góp của chúng tôi chính phủ Đài Loan đã đưa ra được một bộ luật chống buôn người rất là tiến bộ, và nhờ những cố gắng của chính phủ Đài Loan trong thời gian vừa rồi mà trong bản báo cáo thường niên năm nay Đài Loan được đưa lên hạng một. Hoặc là Malaysia hồi năm 2007 cũng nằm ở hạng 3, sau đó đã đưa ra một bộ luật chống buôn người thì được lên hạng 2 cần phải theo dõi chặt chẽ vào năm 2008, nhưng vì chẳng chịu áp dụng đạo luật này nên lại bị rớt xuống hạng 3 vào năm 2009. Năm nay thì Malaysia nằm ở hạng 2 cần được theo dõi chặt chẽ (giống như VN). Ở đây chúng tôi cũng có những cuộc vận động để cho các chính phủ khi đưa ra luật thì họ cũng phải làm việc theo đúng cái luật đó chứ không phải dùng luật chỉ để làm kiểng.

+ Nếu so sánh với các quốc gia khác, cụ thể là so sánh với Đài Loan và Malaysia thôi thì anh thấy mức độ tình trạng buôn người ở VN như thế nào?

- Ở đây chúng ta thấy vấn đề buôn người tại VN đã ở mức độ nghiêm trọng. Thứ nhất là bởi vì nhà nước VN có chính sách xuất khẩu lao động, mà khi nói đến chữ xuất khẩu lao động thì người ta có cảm tưởng là xuất khẩu những món hàng, không có sự xem trọng nhân phẩm, nhân quyền của người lao động. Vì bị xem là những món hàng để trao đổi nên người lao động rất dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột. Thứ hai là bởi vì chính sách đó nhằm mục đích làm sao đưa được càng nhiều người xuất khẩu lao động càng tốt, thành ra các công ty môi giới lao động tha hồ chạy theo chỉ tiêu.

+ Xin lỗi ngắt lời anh nhưng tôi không rõ lắm ở những quốc gia như Đài Loan hay Malaysia chính phủ của họ có những chủ trương, chính sách xuất khẩu lao động như VN hay không và những công ty môi giới lao động của họ có phải cũng do nhà nước đứng phía sau như ở VN không để nói rằng vấn đề buôn người ở VN nghiêm trọng hơn?

- Vấn đề của VN là các công ty môi giới tuyển mộ lao động là công ty quốc doanh hoặc bán quốc doanh nên họ độc quyền và được nhà nước bảo vệ. Còn ở các nước khác những công ty tư nhân một mặt phải cạnh tranh với nhau, mặt khác nếu có công ty nào làm ăn không tốt thì báo chí sẽ lên tiếng, sẽ khai thác chuyện đó. Trong khi đó ở VN có những công ty môi giới làm ăn rất tồi hoặc đưa đến những hậu quả rất tệ hại cho người công nhân, ví dụ như vụ ở Jordani mà chúng tôi nói khi nãy, mà vẫn tồn tại đến bây giờ. Có những tờ báo như báo Tuổi Trẻ muốn tường thuật về vụ này thì cuối cùng chúng tôi biết là có những chỉ thị ở trên không cho báo Tuổi Trẻ được tiếp tục đưa tin vể vụ này nữa.

Hoặc có những kẻ rõ ràng là phạm pháp khi đưa người lao động ra nước ngoài để bóc lột sức lao động, nhưng khi các nạn nhân về nước và tố cáo với chính quyền thì hệ thống tư pháp của VN lại không thụ lý những vụ án đó, là vì trong bộ luật hình sự của VN chỉ có tội buôn phụ nữ và trẻ em, không có tội buôn người để bóc lột sức lao động. Còn nếu các nạn nhân mà tố cáo họ về tội lừa đảo hoặc làm trái hợp đồng lao động thì các cơ quan Viện kiểm sát hay Tòa án VN cũng làm ngơ không thụ lý. Nhiều nạn nhân đã tranh đấu, đã đình công để chống lại sự bóc lột ở Jordani hay ở nước ngoài thì khi về VN họ lại bị “nạn nhân hóa” thêm một lần nữa khi bị chính quyền VN gây khó dễ hoặc dọa dẫm.

+ Tình trạng đó có diễn ra ở các quốc gia khác không, ví dụ như Đài Loan, Malaysia, nhà nước có hăm dọa,làm khó dễ người lao động không?


- Tôi chưa gặp trường hợp nào xảy ra thường xuyên một cách trầm trọng như ở VN. Ví dụ như chúng tôi hoạt động ở Đài Loan thì chúng tôi thấy xã hội dân sự bên Đài Loan rất mạnh, tức là họ có rất nhiều tổ chức đứng ra giúp đỡ các nạn nhân và nhà nước khuyến khích các tổ chức đó, nhiều khi nhà nước làm không xuể việc thì còn cung cấp tiển cho các tổ chức làm giúp. Ví dụ như Hội Cứu viện phụ nữ ở Đài Bắc họ làm việc rất tích cực và họ hợp tác với chúng tôi để giúp đỡ cho các nạn nhân và qua đó khui ra những vụ buôn người, được báo chí mổ xẻ và cuối cùng chính quyền mới thấy đâu là những chỗ yếu, những sơ hở để đưa ra những biện pháp.

+ Nói tóm lại, có thể nói tình trạng buôn người ở VN hiện nay trầm trọng là vì các nguyên nhân sau: 1. Do chủ trương, chính sách xuất khẩu lao động của nhà nước. 2. Không có luật về chống buôn người để bóc lột sức lao động. 3. Không có một hệ thống báo chí độc lập để được quyền lên tiếng đến cùng khi sự việc xảy ra. 4. Cuối cùng là chưa có sự phát triển của một xã hội dân sự để cân bằng, điều tiết, kiểm soát các hoạt động, chính sách của nhà nước. Có phải thế không ạ?

- Vâng.

SONG CHI thực hiện.
(Còn tiếp)
Nguồn: Diễn đàn thế kỷ


Ghi chú hình: Ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp hội nhân quyền quốc tế (ISHR), Frankfurt, Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét