Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

CÂU CHUYỆN BISZKU BÉLA VÀ BÀI HỌC TỪ QUÁ KHỨ

(NCTG) Một cựu chính khách thượng đỉnh Hungary, ông Biszku Béla, có thể sẽ phải đối mặt với bản án tù giam 3 năm vì tội danh công khai phủ nhận những tội ác của CNCS tại đất nước này, chiểu theo một điều luật mới được Chính phủ Hungary thông qua cách đây ít tháng.


Biszku Béla và Tổng bí thư Kádár János



Trên cơ sở đơn tố giác của dân biểu cực hữu Szilágyi György (đảng JOBBIK), ngày 11/8/2010, Sở Cảnh sát Budapest đã mở cuộc điều tra đối với ông Biszku, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hungary thời kỳ 1957-1961, một tuần sau khi vị chính khách này, trong bài trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Duna TV, đã tuyên bố rằng biến cố 1956 là “phản cách mạng”.

Cũng trong dịp đó, ông Biszku còn khẳng định rằng, làn sóng đàn áp của chính quyền Kádár thời gian sau đó - trong đó có những án tử hình, đặc biệt là bản tử hình dành cho vị
thủ tướng Nagy Imre - là “hợp pháp và công minh”.

Dân biểu Szilágyi György, trong một cuộc họp báo, đã cho hay: đơn tố giác của ông dựa trên một điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mới được sửa đổi của Cộng hòa Hungary, theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản - cũng như các tội ác chống nhân loại khác - là “
không đáng kể”.

Sự thắt chặt BLHS nói trên là một trong những quyết định đầu tiên của Quốc hội mới, được thành lập sau cuộc bầu cử mùa xuân 2010 và, theo dân biểu đảng JOBBIK, hành vi của cựu Bộ trưởng Nội vụ Biszku Béla thích hợp để bị khép vào tội đó.


Sự việc kể trên đã khiến công luận Hungary rất quan tâm vì nó hướng sự chú ý của xã hội đến cách nhìn nhận lịch sử đất nước này trong những thập niên dưới thời XHCN, và tới vai trò, trách nhiệm của một số cựu chính khách thượng đỉnh của Đảng Cộng sản Hungary, hiện đang sống những ngày cuối đời.


Câu chuyện ông Biszku càng được để tâm vì sau hơn 5 tuần kể từ khi cuộc điều tra được mở, cảnh sát Hungary cho biết đã hỏi cung vị chính khách trên tư cách nghi can và đang thu thập các dữ liệu cần thiết để buộc tội.


“Nắm đấm cứng nhất của thể chế độc tài mềm”


Đó là biệt hiệu được đặt cho Biszku Béla, một trong những nhân vật trụ cột của làn sóng đàn áp sau cuộc cách mạng 1956. Sinh năm 1921 tại vùng Márok, chuyên nghề thợ nguội, gia nhập Đảng Cộng sản Hungary năm 1944, Biszku đã leo mọi nấc thang của bộ máy đảng, để trở thành Trưởng phòng Cán bộ Thành ủy Budapest (1959), Bí thư Quận ủy Quận X, Budapest (1951), Bí thư thứ nhất Quận ủy Quận XIII, Budapest (1953).


Khi cuộc cách mạng dân chủ 1956 bùng nổ, Biszku đã tổ chức những đơn vị vũ trang, thành viên gồm các đảng viên và công nhân trung thành với đảng, để chống lại quân khởi nghĩa. Vì thành tích đó, sau biến cố 1956, ông được tặng Kỷ niệm chương Vì chính quyền Công-Nông, một trong những phần thưởng lớn nhất của thể chế Kádár.


Trong hơn 20 năm sau đó, Biszku Béla từng là một yếu nhân của chế độ với những cương vị cao cấp như Bí thư thứ nhất Thành ủy Budapest (1956-1957), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng, 1961-1962), Bí thư Trung ương đảng (1962)...


Đặc biệt, bị hậu thế lên án mạnh mẽ nhất là những hành vi trong 4 năm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ sau cách mạng 1956: Biszku được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 án tử hình và 20.000 án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.


Biszku được coi là đã can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan tư pháp: còn lưu lại nhiều bằng cứ văn bản cho thấy trong các phiên họp nội bộ của Trung ương Đảng, Biszku đã lên tiếng đòi tòa các cấp tại Hungary phải đưa ra những bản án “nghiêm khắc” hơn nữa, và rằng con số các bản án tử hình như vậy vẫn còn “
quá nhẹ tay”.

Luôn là người theo chủ trương cứng rắn, năm 1978, Biszku bị cách chức và cho về hưu vì phản đối chính sách hòa dịu của Tổng bí thư Kádár János, người mà ông từng là một thủ hạ tâm phúc sau cuộc chính biến 1956. Tuy nhiên, thời kỳ 1980-1989, Biszku vẫn giữ một trọng trách trong Hội đồng Công đoàn Toàn quốc (SZOT) và chỉ thực sự ngưng hoạt động chính trị khi Hungary kinh qua biến chuyển dân chủ vào năm 1989.


Từ đó, Biszku sống yên ổn và không bị ai quấy rối tại biệt thự tại Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu năm 2010 là 240.000 Ft, tức là gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người dân bình thường.


Bộ phim định mệnh


Hoàn toàn tránh giới báo chí, không hề đưa ra bất cứ tuyên bố hay phát biểu nào với giới truyền thông trong vòng 20 năm, cái tên Biszku Béla dần dần đã trôi vào quên lãng, nhất là đối với giới trẻ trưởng thành trong hai thập niên qua. Tuy nhiên, ông đã gặp “hạn” khi phải đối mặt với hai nhà báo tự do, hai “dân báo” (blogger), đặt mục tiêu “săn lùng” bằng mọi giá những đảng viên cộng sản còn sống để cật vấn họ về những vấn đề trong quá khứ, và cái chính là để họ đối diện với công luận, xem họ có hối hận vì những gì đã làm.


Mục đích ấy được một trong hai nhà “dân báo”, cô Skrabski Fruzsina, đưa ra trong một entry mang tựa đề “Những người cộng sản, hãy run sợ” gây chấn động “thế giới mạng” mùa hè năm 2008: “
Tôi không đe dọa những người cộng sản. Tôi cũng chả có gì để đe dọa, bởi tôi không có ôtô đen, không có bộ máy đàn áp, không có vũ khí và cũng không có chó săn. Tôi chỉ muốn biết về họ.

Giá mà lương tâm họ cắn rứt đôi chút. Nếu đôi khi ai đó hỏi họ, có thể là cháu chắt họ hay một người hàng xóm: Bác ơi, hồi đó thế nào? Sao bác lại làm những gì bác đã làm? Bác cảm thấy sao khi nhìn vào mắt những người quen mà vì lời bác, họ đã bị bắt? Khi đánh đập tù chính trị? (...) Khi tra khảo? Khi hét lên “bọn phản cách mạng hãy run sợ”? Khi cười nhạo giới phú nông bị tước đoạt mọi thứ?
”.

Theo mô hình của các nhóm truy lùng những tên phát-xít còn sống sót đến giờ, ngay lập tức, Skrabski Fruzsina nhận được hàng loạt cái tên từ các blogger và cùng một “dân báo” khác là anh Novák Tamás, mùa thu năm 2008, hai người đã có thể bắt tay vào kế hoạch tiếp cận Biszku Béla, được coi là “cá lớn” cuối cùng trong số các “cá lớn” một thời.


Skrabski Fruzsina và Novák Tamás đã chọn phương thức bị không ít người coi là “bất hợp pháp” để thực hiện ý đồ của họ. Tự xưng là thành viên một tổ chức không tồn tại mang tên Hội Thanh niên vùng Bereg, họ đến gặp ông cụ 89 tuổi Biszku và cho biết muốn quay một phim chân dung về ông, trên cương vị “
người con vĩ đại của vùng Márok”.

Biszku chấp thuận, không hề hay biết là đang bị đưa vào tròng: thực chất, từ đầu chí cuối, hai nhà làm phim chỉ muốn xoáy quanh vai trò của vị cựu Bộ trưởng Nội vụ trong làn sóng đàn áp sau cách mạng 1956.


Thời điểm quan trọng trong quá trình làm phim là vào mùa hạ năm 2009, sau khi đoàn làm phim đã quay xong những cảnh phỏng vấn về thời thơ ấu của Biszku. Khi đó, cặp “dân báo” đã tổ chức một buổi gặp mặt (giả mạo) tại ngôi làng nơi Biszku chào đời, chỉ để đón ông ta về đó, và bố trí những người tham gia đặt câu hỏi.


Biszku về thăm làng, được xem những gì đoàn làm phim đã quay và sau đó, hai nhà dân báo cho biết ý định thực của họ. Cựu chính khách không phản đối và cuộc trao đổi được tiếp tục với những câu hỏi về quá khứ chính trị của ông, đặc biệt là thời kỳ sau biến cố 1956. Khi đó, Biszku đã đưa ra những khẳng định gây nhiều bất bình nhất: ông không hề có gì hối hận và không phải xin lỗi vì bất cứ điều gì.




Thủ tướng Nagy Imre tại phiên tòa ngụy tạo năm 1958, nơi ông bị tuyên án treo cổ



Ngoài ra, trong cuộc trò chuyện, bên cạnh việc giữ vững “lập trường kiên định”, Biszku vẫn rất tỉnh táo khi đổ trách nhiệm sang người khác và tỏ ra rất thờ ơ với số phận những người bị tử hình và tù đày sau năm 1956 với sự tham dự tích cực của ông.

Cuộc đấu giằng co bên lề “Tội ác và bất trừng phạt”


Những “hoạt cảnh” bi hài trên đã được đưa hết vào bộ phim tài liệu mang tựa đề “Tội ác và bất trừng phạt”, dài 70 phút, hoàn tất đầu năm 2010.


Thoạt tiên, Biszku cho phép công chiếu bộ phim về ông, nhưng sau đó, khi thấy những thông tin về phim gây nên làn sóng công phẫn trong dư luận, ông đã ra một tuyên bố báo chí cấm chiếu phim. Lý do được đưa ra là trong phim có những đoạn mà Biszku hiện diện trong với tư cách một “
người của công chúng”, ông chưa được xem những đoạn đó và do đó, ông không chấp thuận công bố bộ phim.

Biszku còn tuyên bố các thành viên gia đình ông cũng không được phép chấp thuận việc công chiếu bộ phim của “
cặp đạo diễn lừa đảo”, vì ngoại trừ những hoạt động trước công chúng, trong mọi trường hợp khác, theo một điều khoản của Luật Dân sự, việc đưa ảnh và âm thanh phải được sự cho phép của đương sự.

Tiếp đó, gia đình Biszku cũng dọa sẽ kiện Rạp phim Quốc gia Uránia, nơi dự định chiếu phim vào 16/6/2010 (nhân ngày thủ tướng Nagy Imre bị treo cổ trong phiên tòa ngụy tạo năm 1958), nếu bộ phim được ra mắt tại đó. Để tránh phiền hà, Ban lãnh đạo Uránia đã thôi ý định liên quan tới bộ phim.


Tuy nhiên, các nhà “dân báo” không chịu thua. Cho rằng vị cựu bổ trưởng không chỉ là “
người của công chúng” trong những cuộc đàn áp sau biến cố 1956, mà vẫn giữ tính chất ấy khi trả lời phòng vấn trước ống kính phóng viên và chấp thuận để làm phim từ những cuộc trao đổi, Novák Tamás và Skrabski Fruzsina sẵn sàng ra tòa nếu bị kiện để chứng tỏ cái lý của họ.

Cuối cùng, phim vẫn được chiếu trong ngày 16/6/2010 nhưng tại địa điểm khác: buổi chiếu đã thu hút sự quan tâm của công luận đến nỗi rất nhiều người (trong đó có cả các chính khách hiện tại) đã tới xem và Ban tổ chức đã phải chiếu đi chiếu tại cả tối để phục vụ nhu cầu cử tọa.


Sau đó, các con gái của Biszku cũng đề nghị được xem bộ phim rồi cho rằng không có vấn đề gì nếu phim được công chiếu tại Uránia. Tuy nhiên, họ cũng thổ lộ ý muốn vai trò chính trị của cha họ được một ủy ban độc lập làm sáng tỏ.


Liên quan tới sự ra đời và công chiếu của bộ phim, đã nổ ra một cuộc tranh luận lớn giữa quyền được biết của công luận và quyền cá nhân của đương sự. Một dự thảo luật đã được đưa ra, để việc công bố những tư liệu lịch sử mang tầm quan trọng nổi bật của lịch sử Hungary không thể bị ngăn cản trong mọi trường hợp bởi sự viện dẫn “
quyền cá nhân”.

Bởi lẽ, như lời nữ dân biểu Menczer Erzsébet - một trong ba Nghị sĩ Quốc hội thuộc Liên minh cầm quyền đã đưa ra đề xuất trước Quốc hội - “
một dân tộc không biết quá khứ, sẽ không có hiện tại và tương lai”. Theo bà Menczer, dự thảo luật đó sẽ làm sáng tỏ vấn đề quyền cá nhân đối với các thủ phạm của những hành vi phạm tội mang tính chính trị, để có thật nhiều phim tài liệu, hồi tưởng, bài viết về quá khứ được ra mắt công luận.

Cơn bão quanh một chương trình truyền hình


Giông tố chưa tan xung quanh bộ phim, thì Biszku lại đổ thêm dầu vào lửa với những tuyên bố gây bất bình trên Kênh truyền hình Duna vào đầu tháng 8/2010.


Một tuần sau khi xem phim, cựu chính khách cảm thấy cần công khai khẳng định quan điểm của mình trên sóng truyền hình, rằng biến cố 1956 là “
phản cách mạng”, là “tấn thảm kịch dân tộc” mà ở đó, “những lãnh tụ trung thành nhất của chế độ” cùng nhiều quân nhân và thành viên các toán bảo an đã bị giết hại.

Biszku cũng cho biết rằng, ông không muốn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, nhưng sau khi Bộ Chính trị đã ra quyết định, “
tôi không có khả năng chối từ” và trong vòng 4 năm làm bộ trưởng, “an ninh trong nước được phục hồi”. Biszku bác bỏ cáo buộc đã can thiệp vào công việc của cơ quan tư pháp và nói rằng, các bản án là do tòa quyết định, ông không can dự gì.

Về sự đàn áp, thanh trừng sau cách mạng 1956, Biszku nói rằng “
chính quyền đề xướng việc quy trách nhiệm những kẻ đã chống nó”, ông không coi những vụ án được tổ chức hàng loạt hồi đó là ngụy tạo, vì “chúng được mở để xử những hành vi phạm tội đã diễn ra”.

Để kết luận, Biszku cho rằng ông không có gì phải hối hận, phải xin lỗi, khi thay đổi thể chế vào năm 1989, ông không hề lo sợ vì đã “
phục vụ lợi ích của nhân dân”. Theo Biszku, cội nguồn và hậu quả của những sự kiện năm 1956, phải được một ủy ban gồm các sử gia xem xét và ông sẵn sàng tham dự vào việc này.

Vụ Biszku và những bài học


Những tuyên bố trên truyền hình của Biszku sau 20 năm ẩn dật đã gây nên một trận cuồng phong trong công luận Hungary.


Kể từ mốc 2/5/1990 - khi Quốc hội mới của Đệ tam Cộng hòa Hungary, trong phiên họp đầu, thông qua Đạo luật số XXVIII (năm 1990) để “
ghi nhớ kỷ niệm của cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập năm 1956” và “tuyên bố ngày 23/10 - khởi điểm của cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập năm 1956, đồng thời là ngày khai sinh Cộng hòa Hungary năm 1989 - là Quốc khánh của dân tộc” - mới có một nhân vật từng giữ trọng trách tại nước này đưa ra nhận định như vậy về biến cố 1956.

Những gì xảy ra sau đó, như chúng ta đã biết: đa số các ý kiến trên mặt báo căm phẫn trước thái độ mà họ coi là trâng tráo của ông già 89 tuổi.


Trước quan điểm cần tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận của bất cứ ai, trong đó có Biszku, nhiều người đã lên tiếng cho rằng, Biszku có quyền giữ chính kiến của ông về một thể chế mà ông từng là một đinh ốc lớn, nhưng không thể, không được phủ nhận những tội lỗi của nó, vốn đã được coi là một thực tế, cũng như những tội ác holocaust của một thể chế toàn trị khác mà người dân Hungary đã phải trải qua trong thế kỷ 20.


Có thể đặt câu hỏi, cặp “dân báo” Novák Tamás - Skrabski Fruzsina có vi phạm đạo đức nhà báo hay không khi dùng những biện pháp “
lừa đảo” vị cựu chính khách già? Những vấn đề tương tự được đặt ra không chỉ ở Hungary, và còn tại nhiều nước trên thế giới.

Theo nhận định thống nhất của nhiều luật gia, để phục vụ những lợi ích của xã hội trong việc làm sáng tỏ những tội lỗi, giới chính khách phải bị đặt dưới sự phát xét gắt gao của công luận hơn hẳn thường dân. Bởi lẽ, hành vi của họ ảnh hưởng đến toàn dân và người dân phải có quyền truy tìm tỏ sự thật.


Ký giả Horkay Hörcher Ferenc của tờ “Heti Válasz” đã có lý khi nhận định rằng trong vụ Biszku, nếu có thể kiểm duyệt bộ phim bằng cách viện lý do “
quyền cá nhân”, thì đó mới là sự lạm dụng pháp luật một cách rõ ràng nhất. Bởi lẽ, các nhà làm phim không quan tâm tới đời tư của Biszku, mà họ chỉ nhằm vào vai trò nhục nhã của vị cựu bộ trưởng này trong một giai đoạn đau khổ của lịch sử đất nước.

Mặt khác, phim bị cấm đồng nghĩa với việc tự do báo chí bị xâm phạm, khiến người dân mất đi một khả năng tìm hiểu đời công và tư của những nhân vật tham gia chính trường, điều mà họ có quyền được hưởng.


Cùng một quan điểm như vậy, TS Sử học Földesi Margit chia sẻ: bà giảng dạy lịch sử Hungary thế kỷ 20, trong đó,
cuộc cách mạng dân chủ 1956 và sự đàn áp nó là một phần của môn học tại trường phổ thông, trong kỳ thi tốt nghiệp và ở trường đại học.

Điều gì sẽ xảy ra khi thân nhân các nhân vật lịch sử viện cớ “
quyền cá nhân” để cấm dạy lịch sử, nếu hành vi của cha ông họ bị phanh phui theo hướng mà họ cho là bất lợi? Và nếu một giáo viên, một nhà sử học, vẫn nghiên cứu dù bị họ “cấm đoán”, thì cứ việc đi hầu tòa do bị họ kiện cáo?

Để chốt lại vấn đề, bà Földesi Margit khẳng định: “
Một sử gia, một nhà sáng tạo, một ký giả... không chỉ có khả năng, mà còn có nhiệm vụ và bổn phận tìm hiểu quá khứ, giới thiệu những nhân vật làm nên thời cuộc. Nếu luôn phải lo ngại, sợ hãi vì bị cấm đoán, kiện cáo, tố giác..., việc nghiên cứu, giảng dạy quá khứ và hiện tại sẽ trở nên bất khả”.

Đa phần các quan điểm ở Hungary đều cho rằng, một vụ án như của Biszku, nếu có được phán quyết mang tính tiền lệ, sẽ tạo tiền đề tốt cho những vụ việc tương tự khi cần trực diện với quá khứ. Còn đối với Biszku và gia đình, nếu họ cảm thấy quyền cá nhân chính trị vị tổn thương trong bộ phim, hãy đừng tìm cách cấm đoán để chứng tỏ cái lý của họ.


Hãy dùng sức mạnh của lý lẽ, bởi lẽ trong một nền dân chủ, các luật chơi đã khác so với một thể chế toàn trị”, như cái nhìn của ký giả Horkay Hörcher Ferenc.

Hoàng Nguyễn tổng hợp

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2562

Ảnh: Tượng Stalin bị dân chúng Budapest giật sập và phỉ nhổ năm 1956 (Autumn of Hope)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét