Adam Phillips | New York
Nhà tài chính George Soros và tổ chức phi tài chính của ông hứa đóng góp 100 triệu đôla, để khớp với số tiền mà tổ chức nhân quyền Human Rights Watch có thể huy động trong vòng 10 năm. Tỉ phú Soros nói bảo vệ nhân quyền là một lý tưởng quan trọng của Hoa Kỳ và nhân quyền là trọng tâm của các xã hội cởi mở.
Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay ảnh hưởng nhiều đến các khoản đóng góp nhân đạo ở khắp nơi. Đó là một trong những lý do mà tổ chức Open Society Foundations của ông George Soros hứa tặng 100 triệu đôla cho Human Rights Watch (HRW).
Theo tên gọi của tổ chức, mục đích của món tiền là để phát huy những xã hội cởi mở, chấp nhận những quan điểm dị biệt, tôn trong pháp luật, đối xử công bằng với các nhóm thiểu số.
Ông Aryeh Neier, Quản lý viên của OSF nói rằng có nhiều tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiều công việc tốt về nhân quyền trên khắp thế giới, nhưng HRW được chọn vì tổ chức của ông muốn nới rộng hoạt động cho nhóm này.
Được thành lập vào năm 1978 tại Hoa Kỳ, trong những năm đầu tiên HRW tập trung vào việc gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ để có thể phát huy nhân quyền sang các nước khác. Qua thời gian HRW đã biến thành một tổ chức quốc tế, can dự vào nhân quyền trên khắp thế giới.
HRW có uy tín cao nhờ các phúc trình nghiên cứu những vi phạm nhân quyền tại hơn 90 quốc gia. Các phúc trình được cung cấp cho các cơ quan truyền thông nhằm làm những ai vi phạm nhân quyền phải xấu mặt và chùn tay.
Trong quá khứ, HRW đã cung cấp thông tin cho các nhà lãnh đạo, phần lớn là tại Hoa Kỳ và châu Âu. Họ cũng vận động các chính phủ này dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu các quốc gia vi phạm phải tôn trọng nhân quyền.
Nhưng theo lời ông Kenneth Roth, Giám đốc Chấp hành của HRW, trong những năm gần đây, sức mạnh địa lý chính trị trên thế giới đã thay đổi, và công việc của HRW cũng thay đổi theo:
“Gần đây có nhiều thế lực mới trỗi dậy ở các châu lục. Lấy ví dụ như tại Zimbabwe, mặc dù tại đây Hoa Kỳ và châu Âu cũng có nhiều ảnh hưởng, nhưng diễn viên quan trọng nhất, có thể gây ảnh hưởng nhiều nhất lên Zimbabwe lại là Nam Phi. Tại một số nước châu Á cũng có những thế lực mới trỗi dậy tương tự.”
Ông nói tiếp, một trong những cách hiệu quả nhất là đe dọa kinh tế trực tiếp hay gián tiếp. Ví dụ HRW có thể gợi ý với một chính phủ thân hữu nếu lần tới muốn bán vũ khí cho một chế độ vi phạm nhân quyền thì nên đặt điều kiện với chế độ đó không được hành quyết người một cách tùy tiện.
Một ví dụ khác, HRW có thể tư vấn cho một nước lớn ngưng viện trợ kinh tế cho một quốc gia xấu xa nếu quốc gia này không chịu ngưng thói quen tra tấn.
Món tiền 100 triệu đôla sẽ được đưa dần trong 10 năm với điều kiện HRW cũng vận động gây quỹ được bằng một số tiền tương tự.
Tỉ phú Soros tin tưởng và hy vọng HRW có thể đáp ứng được điều kiện đó. Ông nói bảo vệ nhân quyền là một lý tưởng quan trọng của Hoa Kỳ và nhân quyền là trọng tâm của các xã hội cởi mở.
Ông cho biết đây là tấm lòng của ông đối với HRW, một trong những tổ chức hoạt động hiệu quả nhất mà ông ủng hộ.
Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/news/soros-human-rights-watch-9-9-10-102590659.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét