HÀ NỘI (AP) - Tác phẩm có ảnh hưởng lớn của nhà văn Pháp Alexis de Tocqueville nhan đề “Dân Chủ ở Hoa Kỳ,” không được chính quyền mấy hoan nghênh nên phải chọn xuất hiện dưới một tên khác.
Một độc giả đứng cạnh cuốn sách của tác giả Alexis de Tocqueville xuất bản ở Việt Nam với cái tên 'Nền Dân Trị Mỹ.' (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) |
Khi nhà xuất bản Tri Thức ở Hà Nội cho ấn hành tác phẩm này ba năm về trước, đầu đề của nó không đá động gì đến dân chủ, và nó mang tên “Nền Dân Trị Mỹ.”
Vấn đề kiểm duyệt là một trong nhiều thử thách mà nhà xuất bản ở một quốc gia độc đảng phải đối đầu, phần hành của nhà xuất bản là nhắm vào việc phiên dịch các từ quan trọng trong triết học, tư tưởng chính trị và khoa học xã hội Phương Tây.
Ngành xuất bản còn phải đối đầu với sự thiếu hụt người thông dịch có khả năng chuyển ngữ các tác phẩm lớn của tư tưởng Tây Phương, cũng như thiếu vắng độc giả.
Chu Hảo, 70 tuổi, chủ bút kiêm giám đốc nhà xuất bản nói: “Do chiến tranh cùng những vấn đề tồn đọng của lịch sử, nền giáo dục Việt Nam gần như hoàn toàn thiếu vắng những giá trị phổ quát hàm chứa trong cổ văn.”
“Ðiều học được chỉ giới hạn trong kinh điển Mác-Lê. Ngay cả ngày nay, triết học, đặc biệt là lịch sử triết học có vẻ rất xa lạ đối với sinh viên học sinh Việt Nam.”
Ông Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ, nói rằng triết học là nhu cầu thiết yếu cho phát triển cá nhân, thiếu nó là điều “cực kỳ nguy hại cho sự phát triển của đất nước trong ngắn hạn cũng như về lâu về dài.”
Phạm Toàn, người chuyển ngữ tác phẩm cổ điển viết năm 1835 của Tocqueville cho biết, khi mới bắt đầu từ bốn năm trước, nhà xuất bản tập trung vào nhiều tác giả nổi tiếng.
Những đặc trưng khác gồm tác phẩm của Stuart Mill, triết gia người Anh thế kỷ 19, và thuộc kỷ nguyên hiện đại có phê bình gia người Mỹ Noam Chomsky.
Sau đó là tác phẩm của nhà tư tưởng Pháp thế kỷ thứ 18, Jean Jacques Rousseau và Voltaire, cũng như nhiều văn sĩ khác.
Ông Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images) |
Nói chung, có hơn 100 tác phẩm đã được phiên dịch, mà mỗi thứ bán được chừng 2,000 cuốn. Ông Hảo xót xa công nhận rằng phần lớn người mua chỉ là các nhà khảo cứu hoặc doanh gia hơn là sinh viên học sinh và cán bộ.
Cũng như mọi nhà xuất bản khác ở Việt Nam, nhà xuất bản Tri Thức trực thuộc một cơ quan của nhà nước. Trong trường hợp này đó là Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật (LHCHKHKT).
Ban chỉ đạo nhà xuất bản Tri Thức ngoài việc nhận được trợ giúp tài chánh của LHCHKHKT, họ còn được giúp đỡ từ đóng góp của tư nhân cũng như các tòa đại sứ của các nước.
Ðể thông dịch từ nhiều ngôn ngữ ở Âu Châu sang tiếng Việt, ông Hảo phải cần đến những nhà ngữ học có tuổi đời từ 60 trở lên.
Thế hệ trẻ ở Việt Nam ngày càng ít học thứ ngôn ngữ của nước cựu thuộc địa, đó là tiếng Pháp. Họ thích chọn học tiếng Anh hay nhiều thứ tiếng khác để dễ kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài hơn. Ông Hảo nói rằng ngay cả sự thông thạo tiếng Việt thường vẫn chưa đến đâu.
Ông xót xa cho hay: “Kiến thức tổng quát của giới trẻ quá thấp do nền giáo dục quốc gia quá yếu suốt trong nhiều thập niên.”
Ở Việt Nam hiện nay, tuổi của phân nửa dân số là dưới 30.
Nhiều chuyên gia nhận xét thấy hệ thống giáo dục trong nước còn quá xa với tiêu chuẩn quốc tế, do hậu quả của tham nhũng, và không thích hợp để đào tạo được chủ lực có năng lực cho nhu cầu của đất nước.
Nhiều chỉ trích cho rằng hệ thống giáo dục trong nước vẫn còn tính cách từ chương hơn là tư duy.
Các tác phẩm về tự do hay dân chủ, như của Tocqueville, phải đối chọi với thách thức khác trong nền ý thức hệ cưỡng chế của đất nước.
Ông Hảo nói: “Có những qui tắc bất thành văn, qui định một vùng ‘nhạy cảm’ mà mọi nhà xuất bản không được phép vượt qua.”
Tính cách nhạy cảm này đã vơi đi phần nào kể từ khi Việt Nam bắt đầu chính sách “Ðổi Mới” và năm 1986, theo ông Hảo.
Một khi mà sự kiểm duyệt vẫn muốn xen vào, ông Hảo nói ông kiên nhẫn giải thích về tầm quan trọng của việc chấp nhận sự khác biệt và cãi rằng “những gì khác với quan điểm của Ðảng Cộng Sản không hẳn là phản động.” (TP)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=119154&z=1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét