Mấy tuần nay, dù liên miên bận chuyện “cơm cáo gạo tiền” nhưng tôi vẫn không thể nào bỏ qua những diễn biến cung quanh phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Có lẽ blog của bác Nguyễn Xuân Diện cung cấp thông tin đầy đủ nhất. Đọc blog và xem qua một đoạn phim này, tôi chỉ có thể thốt lên: ôi, lai căng!
Phải tuyên bố ngay cái “conflict of interest” của tôi là: không ưa phim Tàu, không thích phim Hàn. Mấy năm gần đây, chẳng hiểu vì căn cơ nào mà phim truyện Trung Quốc và Hàn Quốc tràn ngập sóng tivi Việt Nam. Có thể nói không một giây phút nào trên VN mà thoát khỏi những phim này. Chao ôi, phim gì mà nó chán ngắt, rẻ tiền, có khi ngu xuẩn không tưởng được! Cái giọng của người chuyển âm nó buồn tẻ và đều đều như cái máy cassette làm tôi muốn ngủ chỉ sau 5 phút xem qua. Những cách nói (hay chuyển ngữ) lai căng, Việt không ra Việt, Tàu chẳng phải Tàu làm cho bất cứ ai có chút tự trọng dân tộc đều phải bực mình. Vậy mà nó được đài truyền hình Nhà nước tiếp tay phổ biến đến từng ngóc ngách trên mọi miền đất nước. Có lẽ đài truyền hình Việt Nam nên đổi tên là đài truyền hình Trung Quốc cho nó thích hợp hơn.
Nhưng điều làm tôi sốc hơn hết là tính lai căng trong phim sắp trình chiếu nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được Chính phủ Việt Nam chính thức phê chuẩn cho trình chiếu trong đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nội dung bộ phim nói về thân thế và sự nghiệp vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), người khai sinh ra kinh thành Thăng Long. Phim còn thuật lại sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long từ 1.000 năm trước. Một phim như thế, chúng ta kì vọng thưởng thức một phim hàm chứa chất sử liệu rất cao, phim sẽ cho chúng ta một cơ hội tìm lại cổ sử, sống lại một thời đại tương đối thanh bình và có thể nói là cực thịnh nhất trong lịch sử nước nhà. Chúng ta cũng kì vọng rằng những người làm phim có kiến thức sử tốt, có thái độ kính trọng tiền nhân, và thể hiện bằng cách phục dựng lại những tình tiết một cách trân trọng. Nhìn qua danh sách người làm phim thấy họ có bằng cấp đầy mình: nào là nhà phê bình nghệ thuật hàng đầu Việt Nam Phan Cẩm Thượng, giáo sư tiến sĩ Đoàn Thị Tình, hoạ sĩ Phạm Xuân Hải. Trung tâm Đào tạo Công Nghệ Thông Tin HBC Việt Nam chịu trách nhiệm về phần thiết kế bối cảnh và chuẩn bị trang phục cho diễn viên. Nhưng những ai kì vọng như thế sẽ rất thất vọng. Thất vọng đến tận cùng, vì không biết ý đồ của người làm phim là gì, không hiểu người làm phim là người Việt hay người Trung Hoa, và sẽ thắc mắc phim này là phim Việt Nam hay phim dã sử Trung Quốc đã và đang được trình chiếu hàng ngày trên hệ thống truyền hình Việt Nam.
Để công bằng, các bạn thử qua blog của Nguyễn Xuân Diện và xem qua một đoạn trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thì sẽ thấy dễ bị cao huyết áp như thế nào. Từ y phục đến áo giáp hoàn toàn rập khuôn theo Tàu. Những pha nhảy nhót, đánh đấm, đấu kiếm, chém giết, v.v… đều là phong cách phim chưởng hay dã sử của Tàu. Ngoài cái áo tứ thân, không có một nét nào có thể xem là mang tính dân tộc Việt Nam. Một kiểu pha trộn cảnh quan và sự kiện một cách vừa sống sượng lại vừa lố bịch. Chỉ có thể nói rằng đây là một bộ phim lai căng.
Tại sao có sự lai căng như thế? Câu trả lời có thể tìm thấy ở đây: theo thông tin tôi thu thập từ nhiều nguồn thì phim này được quay tại phim trường Hoành Điếm (Triết Giang) bên Trung Quốc. Hóa ra toàn bộ phim đều do người Trung Quốc quay. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy bộ phim chẳng có nét gì mang đặc điểm văn hóa Việt Nam cả, chỉ thấy một sự chấp vá nội dung Việt trong bối cảnh Tàu. Bộ phim chẳng những mang tính lai căng, mà còn thể hiện sự xem thường khán giá Việt và người Việt nói chung.
Các bạn thử tìm xem có cái gì Việt Nam trong hình trên? Trang phục? Bộ râu? Màu y phục? Cờ? Và nhất là nhìn thử ngói và nét cong của mái đình xem, có phải đặc điểm mái đình Việt Nam không?
Chưa bao giờ Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc sâu đậm như hiện nay. Có thông tin cho biết 90% dự án xây dựng do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đang xây với chất lượng tồi tệ. Chúng ta còn nhớ những tấm pano với hình lính Trung Quốc dùng làm kỉ niệm ngày quân đội Việt Nam. Và còn nhiều, rất nhiều"sự cố" mà người thờ ơ nhất cũng đặt dấu hỏi: có bàn tay của Trung Quốc? Không phải chỉ kinh tế, phim ảnh, sách báo, mà còn quân phục nữa. Khi Trung Quốc quyết định thay đổi quân phục cho quân đội và công an của họ, thì sau đó Việt Nam cũng có quyết định tương tự. Điều đáng nói là quân phục của Việt Nam rất giống với quân phục Trung Quốc. Nếu chỉ nhìn hình ảnh mà không biết địa điểm, chúng ta sẽ không phân biệt được người công an là Việt Nam hay Trung Quốc. Nhìn quân phục của tướng lãnh Việt Nam đi thăm Trung Quốc, chúng ta không biết ai là tướng của Việt Nam và ai là tướng của Trung Quốc! Tôi nhớ có lần báo chí Trung Quốc mỉa mai rằng họ (Trung Quốc) thậm chí còn may đồ cho lính Việt Nam mặc. Lúc đó tôi chưa hiểu câu đó, nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao họ viết như thế.
Chẳng lẽ 1000 năm ròng rã chưa đủ để chúng ta trưởng thành, để chúng ta thoát khỏi ách thống trị văn hóa của Trung Quốc? Tại sao Nhật và Hàn Quốc thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, còn ta thì không? Thật ra, có lẽ câu hỏi là: chưa thoát hay chưa muốn thoát? Viết đến đây chợt nhớ đến Trịnh Công Sơn:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình
Phải bằng mọi giá tẩy chay bộ phim lai căng này!
Nguyễn Văn Tuấn
http://nguyenvantuan.net/culture/5-culture/1070-mot-bo-phim-lai-cang
Lý Công Uẩn thì tới Thành Thăng Long, còn đám văn hóa thông tin..gì gì đó thì tới Thành Bắc Kinh..
Trả lờiXóa