Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Tướng Tàu Lưu Á Châu vẫn chỉ là sói đội lốt cừu

Trong vài tuần này, cư dân mạng kháo nhau một loạt bài viết của Lưu Á Châu, một viên tướng đương nhiệm của Trung Quốc, đồng thời lại là một nhà văn, con rể của ông Lý Tiên Niệm, nguyên Chủ Tịch Trung Quốc.

Bài viết của Lưu Á Châu được đăng trên báo Phoenix (Phượng hoàng), tiếng Anh, xuất bản ở Hồng Kông sáng 12-8. Hồng Kông là nơi có chế độ báo chí phóng khoáng hơn là ngay tại Trung Quốc.

Tuy thế, tuần báo Phượng Hoàng lại có chủ nhân là đài Truyền hình Phượng Hoàng, thân Bắc Kinh, do đó, việc chấp nhận đăng các quan điểm của tướng Lưu có thể có nguyên ủy sâu xa hơn.

 Điều lạ hơn nữa, ông Lưu Á Châu, một Trung tướng thuộc quân chủng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc, là một chính ủy, từ phó chính ủy quân chủng Không quân, vừa lên chức Chính ủy Ðại học Quốc phòng, một cơ sở trọng yếu của quốc gia, lò rèn luyện hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp cho toàn quân.

Nhiệm vụ hàng đầu của chính ủy học viện là quán triệt đường lối chính trị hiện hành của đảng. Vậy mà sao ông Lưu lại có thể tự do viết và gửi bài ra ngoài, với nội dung phóng khoáng, với những ý tưởng mạnh mẽ như những phương châm, những khẳng định chân lý đặc sắc đến vậy ?

 Khi bài báo này ra mắt lập tức hàng loạt tờ báo lớn của thế giới đưa tin lại. Đài RFI đã giật tít bài rất chi giật gân: Một viên tướng đương nhiệm kêu gọi cải tổ dân chủ theo mô hình Hoa Kỳ ?

 Lời khuyến cáo của RFI không xuất phát từ một nhân vật ly khai đấu tranh cho dân chủ nào của Trung Quốc mà lại do một viên tướng rất có uy tín đang tại chức ở Trung Quốc công khai đưa ra. Giới phân tích tự hỏi là phải chăng trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh đang diễn ra một cuộc đấu đá nội bộ về đường lối cần phải áp dụng trong tương lai của Trung Quốc ?

Còn ông Bùi Tín một người ghét cay ghét đắng cộng sản bởi từng một thời ông là kẻ “chung chăn” thì buông những lời nghe có vẻ giật gân, sửng sốt:

"Tướng Lưu có những suy nghĩ độc đáo, mạnh dạn, ngoài luồng của tư duy chính thống của đảng CS Trung quốc, đi ngược với đường lối cả đối nội và đối ngoại của Nhà nước Trung Hoa, nói ngược với cơ quan tuyên huấn, với Nhân dân Nhật báo Bắc kinh, với Tân Hoa Xã…”

Một con người hai thứ tóc như ông Bùi Tín còn nhẹ dạ, nín thở chờ nghe một lời cải chính từ dư luận chính thống Trung Quốc ? Thực ra bài viết của Lưu Tướng quân được phát ra từ 2002 và cho đến nay đã 8 năm, mới đây báo Hồng Kông đưa nên thế giới mới biết; nếu là ngoài luồng thì đầu Lưu Tướng quân ta đã lìa khỏi cổ từ lâu rồi.

Duy chỉ có Đài RFA là tỉnh táo nên đọc vị ra tim đen của cái ông tướng này, Đài RFA đã bình luận về ý kiến của Lưu Á Châu :

"Tuy nhiên, đằng sau bài nói chuyện ấy chứa đựng một nội dung khác, chống Việt Nam và ủng hộ cuồng nhiệt sự đàn áp trong biến cố Thiên An Môn"

Đài RFA đã thật sự chọc trúng tim đen, hồn cốt của các ý kiến trong bài phát biểu của Lưu Tướng quân. Qua bài viết rất dài, rất phóng khoáng đôi chỗ còn pha trò, ba lơn nhưng không ngụy trang, che dấu nổi bản chất tư tưởng của Lưu Tướng quân: vẫn là “một con sói đội lốt cừu” cả trong tư tưởng lẫn trong hành động. Nếu ai không tỉnh táo, nhẹ dạ cả tin rất dễ dính bả của Lưu Tướng quân, kể cả người Trung Quốc…

Sở dĩ có những sự ngộ nhận, thiếu cảnh giác về phía người đọc trước những lời ngọt nhạt của Lưu Tướng quân là do thiếu “sự tinh quái về chính trị “, chữ dùng của nhà ngoại giao Dương Danh Dy, nên dịch giả Nguyến Hải Hoành và Thông tấn xã VN đã biên tập, lược đi cái đoạn quan trọng, cái xương sống, cái móng vuốt được ngụy trang rất khéo trong bài viết; chính nó mới cái bản chất sói của ông tướng khoác áo “ hồ cừu “ đã che lấp cái tư tưởng chủ đạo của bài viết nên khiến cho người đọc hiểu nhầm.

Bản dịch của Dịch giả Nguyễn Hải Hoành gửi cho Vietnamnet và đồng thời gửi cho Blog Phamvietdaonv nên cả trên Vietnamnet và Phamvietdaonv đã hiển thị gần như cùng lúc. Do không được đọc nguyên tác và hoàn toàn tin cậy vào dịch giả Nguyễn Hải Hoành nên trên Blog Phamvietdaonv đã cho hiển thị ngay ngày 16/8 và rút tít: Tướng Trung Quốc phê phán văn hóa Trung Hoa-đây là một sự ngộ nhận của Chủ blog Phamvietdaonv; còn Vietnamnet cũng xuất hiện trong ngày 16/8 và giật một tít bài khác.

 Trước đó một ngày, ngày 15/8 Blog của Phamvietdaonv đã đưa câu chuyện của tướng Lưu Á Châu lên Blog của mình trong bài: Những ý kiến đáng suy ngẫm của Tướng Lưu Á Châu Trung Quốc; bài viết sử dụng các ý kiến của ông Bùi Tín đưa trên Blog của ông.

Xin trở lại bài viết của Lưu Á Châu, trong bài viết của mình Lưu Tướng quân đã đề cập tới các vấn đề lớn sau đây:


1/ Vấn đề nội trị của Trung Quốc: lựa chọn mô hình và kết cấu bộ máy chính trị Trung Quốc…

2/ Quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đối với Mỹ-Nga và các nước làng giềng của Trung Quốc trong đó có quan hệ với Việt Nam.

Về vấn đề thứ nhất Lưu Tướng quân đã viết nên những lời có cánh sau đây: -« Nếu một thể chế không cho người dân được hít thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo, nếu hệ thống ấy không lựa chọn được những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy tất yếu phải diệt vong ...

Dân chủ là điều cấp thiết nhất; không có dân chủ không thể có sự trỗi dậy bền vững .… …

Dân chủ là điều cấp thiết nhất; không có dân chủ không thể có sự trỗi dậy bền vững; -Trong 10 năm tới, ở Trung quốc, một sự chuyển đổi từ chính trị của vũ lực, chính trị của cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi…

Về mô hình quản trị xã hội: Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh.

Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng.

Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc. Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì?

Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược. - …

Liên Xô sụp đổ là vì cải cách chính trị tiến hành quá muộn, chứ không phải vì cải cách chính trị quá mức…

-Bí quyết thành công của Hoa Kỳ không nằm ở phố Wall hay ở thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và ở hệ thống chính trị gắn liền với nó … …

Một hệ thống tồi khiến một người tốt cũng hành xử tồi, trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi cũng có thể hành xử rất tốt .  -Một quốc gia chỉ chăm chú nhìn vào sức mạnh của đồng tiền của mình, đó chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt. Điều chúng ta có thể đặt lòng tin là sức mạnh của sự thật. Sự thật là kiến thức. Kiến thức là sức mạnh…

Tất cả những lời lẽ hay ho, có cánh, thơm phưng phức mùi dân chủ Tây phương kể trên làm nức lòng biết bao người, cái thử dân chủ bằng lời đó nếu ai tinh ý sẽ thấy nó bị khóa trái, nó bị nhốt trong một “núi băng”: đó là thái độ chính trị của Lưu Tướng quân trước sự kiện Thiên An Môn.

 Bày tỏ quan điểm của mình về sự kiện này, Lưu Tướng quân viết:

"Con mắt toàn thế giới tập trung nhìn vào quảng trường Thiên An Môn. Chủ tịch nước Dương Thượng Côn lúc đó nói: “Trên quảng trường Thiên An Môn sáng sớm hôm đó nếu có một Trung đội có vấn đề là nguy vô cùng”.

Thế nhưng quân đội của chúng ta là quân đội do Đảng lãnh đạo. Không có Trung đội nào có vấn đề cả. Quân đội đã trải qua thử thách. Quân đội đã trả giá nặng nề cho “6-4”… có người Bắc Kinh đã hạ độc thủ để ngăn cản quân đội vào thành, có một Trung đội trưởng bị đánh bị thương rồi bị đem ra thiêu sống, có hai Tiểu đội trưởng sau khi bị thiêu chết rồi còn bị treo lên…Quân đội Trung Quốc đã phát huy tác dụng quan trọng trong sự kiện “6-4”, ổn định giang sơn, đó là một lần cống hiến của quân đội trong thời kỳ mới".

Có thể diễn giải nôm na: Dân chủ hay lắm, tốt đẹp lắm, các bạn cứ chế biển, xào nấu cái món dân chủ khoái khẩu kia đi như các bạn đừng bao giờ quên rằng: Đằng sau lưng các vị luôn là những cỗ xe tăng 30-40 tấn; nếu  các hạn hăng say dân chủ quá lên, chỉ cần một cú nhấn ga là hàng trăm, hàng ngàn sinh mạng của những thiên sứ dân chủ sẽ nát bét như vụ Thiên An Môn đấy?

Đến đây thì bản chất lang sói trong tư tưởng của Lưu Tướng quân mới thòi ra. Chớ có giàu trí tưởng bở ?! Bởi quân đội Trung Quốc vẫn do Đảng lãnh đạo ?!

Về loại ý kiến thứ 2: Viết về quan hệ với Đài Loan, Lưu Tướng quân viết: -Tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, khi thảo luận vấn đề Đài Loan có một quan điểm được nhiều người tán đồng như sau:

Đài Loan như một cái ổ khoá. Nếu không giải quyết được vấn đề Đài Loan thì ổ khoá ấy sẽ khoá chặt cánh cổng lớn của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không có lối ra biển cả. Đó là sự nguỵ biện.

Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc biển, đâu có thể ngăn cản anh hàng xóm Bồ Đào Nha cũng trở thành cường quốc biển. Eo biển Dover của Pháp cách nước Anh có 28 hải lý, Anh Quốc có thể ngăn cản Pháp trở thành cường quốc biển không?

Trung Quốc mất biển, chủ yếu là do tầng lớp thống trị Trung Quốc nhiều đời chưa có quan điểm Quyền lực biển. Lưu Tướng quân khi nói về cuộc chiến tranh 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam đã sử dụng những ngôn từ thật khác xa khi nói về nước Mỹ:

 "Một lần nữa là cuộc đánh trả tự vệ đối với Việt Nam năm 1979 và sau đó là cuộc chiến đấu tại “Lưỡng Sơn” (tức vùng Cao điểm 1509 tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, hà Giang). Đặc biệt là cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979, rất nhiều đồng chí chúng ta không nhận thức được ý nghĩa của cuộc chiến tranh này.

Đương thời đã có người nói: chúng ta và người Việt Nam đánh nhau, bây giờ hy sinh là liệt sĩ, tương lai một khi quan hệ hai nước tốt, bọn họ sẽ là cái gì? Tôi nói: “vẫn là liệt sĩ”. Vì sao vậy? Chúng ta cần xem xét cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của chiến tranh luôn luôn ở ngoài chiến tranh.

Cuộc chiến tranh này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để cho hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là bọn Mỹ. Năm 1978 đồng chí Tiểu Bình được phục hồi, tháng 1 năm 1979 thăm Mỹ, tháng 2 đánh nhau. Xem xét từ chính trị thấy, trận đánh này không đánh không được. Vì sao vậy?

 Sau khi đồng chí Tiểu Bình phục hồi ý tưởng chiến lược cải cách mở cửa Trung Quốc đã hình thành trong tim gan đồng chí, muốn thực hiện ý tưởng chiến lược đó cần phải xây dựng được quyền uy tuyệt đối trong đảng. Phải đánh một trận. Lúc đó “lũ bốn người” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong đảng chống Đặng càng chống đường lối và chính sách của ông hơn. Muốn cải cách cần phải có quyền uy. Biện pháp nhanh nhất để xây dựng quyền uy là đánh nhau…”

Mặc dù viết rất dài và rất nhiều vấn đề nhưng tựu trung tư tưởng chủ đạo trong bài viết của Lưu Á Châu bộc lộ rõ nét qua 2 phát ngôn trên. Đó chính là hồn, cốt của các tư tưởng chủ đạo trong bài viết của Lưu Á Châu, của một “con sói đội lốt cừu “...

Mô hình, thiết chế dân chủ mà Lưu Á Châu khuyến nghị vẫn là mô hình dân chủ dưới sự chỉ huy, điều tiết, dẫn dắt, kìm kẹp bởi xe tăng, súng đạn và đại bác; những thứ vĩnh viễn nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc; thiết chế dân chủ này được áp dụng cả trong quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẽ là một trong những đối tác “ hưởng lợi “ đầu tiên từ cái thiết chế dân chủ của Lưu Tướng quân…

 Mặc dù Lưu Tướng quân đã buông ra những lời phỉnh phờ, "bánh vẽ " với người Trung Quốc: “Trong 10 năm tới, ở Trung quốc, một sự chuyển đổi từ chính trị của vũ lực, chính trị của cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi…” nhưng cái bánh vẽ đó chỉ trở thành hiện thực khi quyền cầm súng không nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc mà phải nằm trong tay những đại biểu ưu tú của nhân dân.

 Bao giờ có sự thay đổi đó? Đến Tết Công Gô !

Cùng với cái lốt cừu mà Lưu Tướng quân đang khoác đó là cái nhãn mác nhà văn của ông ta, cộng với văn tài văn hay chữ tốt; Lưu Tướng quân lại xuất thân trong gia đình cơ bản, nếu theo cách nói xưa là phò mã của vua, vậy thì đừng ai mong những kẻ như Lưu Á Châu có những ý kiến ngoài luồng, phá cách nhằm tạo sinh khí dân chủ mới cho Trung Quốc và những quốc gia mà lịch sử đã bắt buộc không thể quay mặt lại với Trung Quốc. Đến người Trung Quốc còn bị ông ta mê dụ, phỉnh phờ, huống chi là người Việt Nam chúng ta.

 Đối với Việt Nam thì thái độ chính trị trong tư tưởng của Lưu Á Châu luôn là bất biến: Việt Nam luôn được coi là miếng mồi, là bàn đạp, là miếng giẻ đệm cho các chính giới Trung Quốc sử dụng để phục vụ cho tham vọng bá quyền nước lớn của họ. Sẽ không bao giờ còn có cái gọi là quan hệ đồng chí với Việt Nam, do đó thanh niên Trung Quốc lúc nào cũng sằn sàng đứng ra nhận lãnh danh hiệu hiệu cấp nhà nước, danh hiệu liệt sĩ, một danh hiệu mà Lưu Tướng quân khẳng định không bao giờ thay đổi.

Thanh niên Trung Quốc sẽ được nhận danh hiệu liệt sĩ khi nhà đương cục Bắc Kinh cần khẳng định hay thiết lập quyền uy bá quyền của họ và vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Việt Nam. Cái danh hiệu này vĩnh viễn treo lơ lửng trên đầu thanh niên Trung Quốc như một thứ quà ban của định mệnh ?!

Lịch sử Trung Quốc đã có một Tô Tần tìm cách "hợp tung" 6 nước để chống Tần; nhưng rồi cũng chính Tô Tần xui bạn mình là Trương Nghi tham mưu cho Tần "hợp hoành" 6 nước để chống, phá lại cái liên minh, cái thế hợp tung mà mình là tác giả.

  Tô Tần, Trương Nghi được lịch sử Trung Quốc ghi lại như là những kẻ mượn xui các thế lực lao vào đánh nhau để họ hưởng lợi, để họ có công ăn việc làm, để họ hưởng công và lưu danh sử sách. “Rải thây trăm họ làm công một người”, đó là lý tưởng, lẽ sống còn của giới quân phiệt Trung Quốc…

Hay như Việt Vương Câu Tiễn sẵn ràng rạp mình, thậm chí nếm phân của Ngô Vương để đạt mục đích phục thù, giành lại đất đai, ngôi thứ… Một Gia Cát Lượng khi gặp Lỗ Túc thì nói theo khẩu khí của lỗ Túc, khi gặp Tôn Quyền thì lại lựa Tôn Quyền, gặp Chu Du thì lại tìm cách khích Chu Du, gặp đám Trương Chiêu thì lại a dua, hùa vào theo giọng lưỡi của bọn họ…Thế nhưng cuối cùng thì Gia Cát vẫn là Gia Cát.

Người Trung Quốc ngàn đời nay vẫn là người Trung Quốc; đây không phải là kết luận của Chủ Blog mà là ý kiến của ông Nicolae Ceausescu-một " đại ca " của vùng Bancăng đúc rút ra kết luận đó; cái kết luận sau những giai đoạn nồng ấm và rồi lại đổ vỡ quan hệ giữa Romania và Trung Quốc...

Người Trung Quốc tinh vi, tinh quái hơn nhiều so với những gì thế giới và người Việt Nam hiểu về họ. Hay như Hám Trạch mưu sĩ Đông Ngô, một kẻ gian hùng như Tào Tháo mà còn bị ông ta lỡm như trẻ con…thì hiện tượng Lưu Á Châu không có gì là mới lạ…

Mặt khác giới chính trị gia Trung Quốc về hình thức họ cũng rất chịu khó hiện đại cái lốt cừu  giống như dân chơi Blog: sẵn sàng đổi món, đổi nhà cung cấp nhưng cái ruột, cái mật khẩu để vào cửa, để làm chủ cái blog đó là xe tăng và súng đạn thì Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Lưu Tướng quân là một yếu nhân chẳng bao giờ chịu nhường cho ai.

Ai đó mơ tưởng tới một nước Trung Quốc dân chủ và ổn đinh, một nước Trung Quốc chia sẻ hòa bình, hữu nghị nhũn nhặn với láng giếng thì đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày !

http://phamvietdaonv.blogspot.com/

1 nhận xét:

  1. nòi Hán hem có sống chung hòa bình với các dân tộc khác được, đó là bản chất truyền kiếp òi. dù nòi Hán có phát triển về kinh tế, quân sự, thì vẫn không được coi là dân tộc văn minh bởi tính khát máu

    Trả lờiXóa