Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Phải chăng bản chất của Hà Nội là cái thói baaa hoaaa để "tự xướng"?

Ngô Huy Liễn - Tiền Vệ

Hôm 23.9.2010, tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đã diễn ra một “Hội thảo về Bản sắc Văn hóa Hà Nội trong Văn học Nghệ thuật thế kỷ XX”.

Lẽ dĩ nhiên hội thảo này quy tụ toàn là các “trí thức Hà Nội” với hàng chục bản tham luận. Hội thảo để làm gì? Để xác định cái “bản sắc” của Hà Nội, nhằm lấy trớn cho vụ 1000 năm Thăng Long sắp diễn ra.

Bản sắc của Hà Nội là gì? Thử nghe vài ví dụ:

Họa sĩ kiêm nhà phê bình Nguyễn Quân nói: “Văn hóa Hà Nội sâu sắc, thâm trầm hơn những nơi khác... Hà Nội khéo léo, tế nhị, tinh tế... Văn hóa Hà Nội thâm thúy....”

- Thế thì văn hóa của những nơi khác trên đất nước Việt Nam này và trên toàn thế giới đều kém “sâu sắc, thâm trầm” so với Hà Nội? Đều không được “khéo léo, tế nhị, tinh tế, thâm thúy” như Hà Nội hay sao?

Nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải nói: “Bản sắc Hà Nội là tinh tế, hào hoa.”

- Cái ông “nghiên cứu triết học” này cũng nói giống như kiểu nói của ông Nguyễn Quân. Nghe xong, muốn ngã ngửa. Thì ra trên trần gian này chỉ có Hà Nội là “tinh tế, hào hoa”. Đáng tự hào quá! Chắc là các nước trên thế giới sẽ phải lũ lượt kéo nhau đến Hà Nội để học cái “tinh tế, hào hoa” này để bồi bổ cho bản sắc của họ!

Ông Nguyễn Đình Tấn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nói: “Hà Nội thì lịch lãm, điểm tĩnh, bao dung, hào hoa, kết tinh được truyền thống và hiện đại.”

- Nữa rồi! Cũng y như hai ông Nguyễn Quân và Nguyễn Hào Hải! Nói thế thì Sài Gòn, Paris, Roma, ê-xê-tê-ra... mọi nơi khác trên thế giới đều không “lịch lãm, điềm tĩnh, bao dung, hào hoa, kết tinh được truyền thống và hiện đại” hay sao? Còn nếu như vô số nơi khác người ta cũng “lịch lãm, điềm tĩnh, bao dung, hào hoa, kết tinh được truyền thống và hiện đại”, thì tại sao những điểm đó lại được xem là “bản sắc” của riêng Hà Nội mà thôi?

Trong bài tham luận của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng. còn có câu này nghe mới kinh: “Ngay thẳng, chân thành, thanh bạch, hào hoa, sâu sắc, hóm hỉnh, khiêm nhường, quý trọng người tài, khinh ghét kẻ xu nịnh. Tóm lại, theo ngu ý, đó là những nhân cách rất Hà Nội.”

- Trên trần gian này, ở đâu mà chẳng có những người “ngay thẳng, chân thành, thanh bạch, hào hoa, sâu sắc, hóm hỉnh, khiêm nhường, quý trọng người tài, khinh ghét kẻ xu nịnh”? Phải đâu chỉ riêng Hà Nội mới có những của quý ấy mà ông dám nói là “rất Hà Nội”? Nếu sang xứ Marốc, thấy những người “ngay thẳng, chân thành, thanh bạch, hào hoa, sâu sắc, hóm hỉnh, khiêm nhường, quý trọng người tài, khinh ghét kẻ xu nịnh”, thì ông dám bảo là người ta có “nhân cách rất Hà Nội” chăng?

Chết cười. Hết ba hoa kiểu này thì lại ba hoa kiểu khác. KTS Trần Thanh Vân nói: “Hà Nội đẹp vì Hà Nội có linh hồn.”

- “Linh hồn” ở đây là cái gì thế? Là cái gì mà làm cho Hà Nội đẹp? Những địa phương khác ở Việt Nam và trên thế giới có “linh hồn” không? Nếu những nơi khác cũng có “linh hồn” thì những nơi khác cũng đẹp, vậy thì người ta cũng có quyền thay chữ “Hà Nội” bằng chữ “Nghệ An”, “Cần Thơ”, “Paris”, “New York”, “Bắc Kinh”, “Congo”, v.v. Nói tóm lại, câu “Hà Nội đẹp vì Hà Nội có linh hồn” là một câu màu mè, nghe du dương nhưng rỗng tuếch.

Vân vân và vân vân.

Nói tóm lại, phần lớn các nhà “trí thức Hà Nội” ở cái “Hội thảo về Bản sắc Văn hóa Hà Nội trong Văn học Nghệ thuật thế kỷ XX”đều cong đít lên mà nói những điều như thế.

Khách dự thính nghe xong chỉ có thể kết luận thế này: nếu bản sắc của Hà Nội có thể biểu lộ qua lối suy nghĩ, qua lời ăn tiếng nói của các “trí thức Hà Nội”, thì bản sắc đó chính là cái thói ba hoa, ưa ăn nói sáo rỗng du dương, chỉ để “tự sướng”.


2 nhận xét:

  1. Văn hóa của Hà nội và VN là không có văn hóa

    Trả lờiXóa
  2. a ha ha ...nhận định về bản sắc của Hà Nội (cho thời điểm hiện nay) hoá ra là ...là rất ...rất Hà Nội (hầm bà lằng)

    Trả lờiXóa