Trương Vĩnh Khang
“Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: Ngày xưa nhà thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, Nhà chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ, thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
Đọc "Chiếu dời đô" trong Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy vài nội dung sau:
Nội dung thứ nhất: Cái mà lâu nay ta hay gọi là "chiếu" có chính xác là chiếu không?
Nội dung thứ hai: Lâu nay chúng ta đánh giá cao vai trò của một vị vua sáng đã đưa ra quyết định đúng là dời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long mà không đề cập nhiều đến vai trò của nhân dân.
Nội dung thứ ba: Cách làm và quyết định của Lý Thái Tổ chuyển đô từ Hoa Lư ra Thăng Long mang tính trọng dân (ngày nay thường gọi là dân chủ).
Nội dung thứ tư: Bài học kinh nghiệm từ quyết định dời đô của Lý Công Uẩn là gì?
Thiển nghĩ, nếu có một Thiên đô chiếu bản gốc, ta sẽ thấy nó chắc không được trình bày như trong Đại Việt sử ký toàn thư. Chiếu dời đô sẽ khác về hình thức biểu hiện và nôi dung. Nội dung của chiếu thể hiện ý chí và quyết định của nhà vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để cho thần dân thực hiện và tuân thủ nghiêm. Theo theo đó đầu chiếu sẽ là những câu như thế thiên hành đạo … và nội dung sẽ mang tính quyết định rõ ràng là di chuyển, dời đô để người dân phải tuân thủ... Cuối bản chiếu sẽ có những từ như Khâm thử… chứ không thể có câu hỏi: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”.
Về ngôn ngữ biểu hiện của "Chiếu dời đô" chắc hẳn là do sử gia phiên dịch từ tiếng Việt ra chữ Hán rồi ghi vào sách sử. Như vậy thì cái lâu nay ta gọi là "Thiên đô chiếu"(Chiếu dời đô), thực chất chỉ là một văn bản của sử gia chép lại lời Lý Công Uẩn và triều thần bàn bạc với nhau trong một buổi đại triều. Chiếu có được ban hành sau buổi đại triều này không, có tồn tại một chiếu dời đô theo đúng thể thức văn bản tờ chiếu hay không thì đến nay vẫn chưa rõ. Do vậy cái mà chúng ta thường gọi là "chiếu", thực ra nó không phải là một bức "chiếu" hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt của văn bản pháp quy đương thời.
Một ông vua cho dù quyền lực là là tối thượng, những quyết định của nhà vua được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế của nhà nước. Nếu thực thi theo cách sử dụng quyền lực đặc biệt này để quyết định các công việc của một quốc gia thì cũng khó mà thực hiện được trọn vẹn và đi đến kết quả tốt. Vì dân sợ bị trừng phạt mà phải thực hiện chứ không vì lợi ích chung và quyền lợi chung để thực thi. Do vậy đề cao vai trò của Lý Thái Tổ cho việc chuyển Hoa Lư ra Thăng Long mà không nêu được vai trò của dân chúng Đại Việt thì mới chỉ đạt có một nửa yêu cầu. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân dân liệu cũng qua.
Nội dung trong sử ghi chép đấy chính là nội dung của một buổi nghị đình hay còn còn gọi là một buổi đại triều. Nhà vua cùng họp với các quan đại thần bàn với nhau trên cơ sở những tiền đề, lý lẽ của nhà vua về chuyển Hoa Lư ra Thăng Long làm nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Nhà vua nói:“Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”, ý của hoàng đế đã được các triều thần đáp lại với sự nhiệt thành ủng hộ cao: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giầu có, điều lợi như thế ai giám không theo”. Vua đáp lại thể hiện sự đi đến quyết định cuối cùng theo lời của sử gia: “vua cả mừng”.
Như vậy thông qua buổi đại triều ấy phản ảnh được sự sáng suốt của nhà vua trong cách làm về di chuyển kinh đô ra Thăng Long. Nguyện vọng xây dựng một vương triều mạnh đã được Lý Thái Tổ chuyển hóa từ nguyện vọng cá nhân, dòng họ thành nguyện vọng của dân tộc, quốc gia khi đưa ra những lý lẽ của mình để bàn bạc trong buổi đại triều. Quyết định của vua đã được dân chúng và trăm quan ủng hộ nhiệt thành. Nhà vua đã mang việc lớn ra bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân của triều thần Đại Việt. Trên cơ sở sự đồng thuận cao của nhân dân Đại Việt mới đưa ra quyết định cuối cùng đó là chuyển Hoa Lư ra Thăng Long. Từ môt quyết định đúng đắn của Lý Công Uẩn và sự đồng thuận của nhân dân đã làm tiền đề cho Đại Việt phát triển mãi về sau.
Bài học kinh nghiệm của lịch sử thông qua việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long thể hiện ở bài học như: Nhà nước ta hiện nay là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Nhân dân kiến tạo lên nhà nước, quyền lực thuộc về nhân dân do vậy khi các cơ quan hay người lãnh đạo quyết định những vấn đề lớn của đất nước cũng cần học tập tiền nhân về bổn phận của mình là đại diện nhân dân, là công bộc của nhân dân mà thực hiện, vì lợi ích của dân mà thực hiện. Hoạt động của nhà nước đương đại phải thể hiện được bản chất dân chủ của Nhà nước.
Hà Nội, ngày 5/9/2010
* Bài viết do Thạc sĩ Luật học Trương Vĩnh Khang (Viện Khoa học xã hội VN) gửi riêng cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin cảm ơn tác giả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét