Nguyễn Ðạt/Người Việt
Bất cứ ai tới Sài Gòn trong vài năm nay, đi lại trong thành phố, hẳn đều có dịp chia sẻ nỗi phiền bực từ những “lô cốt” công trình. Trước sau có khoảng 80 con đường tại Sài Gòn dựng hàng trăm “lô cốt” che chắn cho việc thi công các dự án công trình gọi chung là “công trình nâng cấp đô thị-vệ sinh môi trường thành phố...”
“Lô cốt” choán giữa đường Âu Cơ, quận 11. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) |
Ða số “lô cốt” trên các con đường che chắn nhiều tháng trời, liên tiếp nhau, chỗ này dỡ đi chỗ kia lại che chắn, thường xuyên gây ùn tắc giao thông và trở ngại không ít cho sinh hoạt của người dân ở khu vực. Khá nhiều “lô cốt” án ngữ trọn lòng đường, hai bên lề đường lát gạch bị hư hại nát vỡ do các loại xe giao thông mỗi ngày.
Có những nơi “lô cốt” che chắn sát cạnh nhà phố buôn bán hoặc mở quán tiệm, việc kinh doanh bị trở ngại, nhiều cửa tiệm hàng quán phải ngưng hoạt động. Những chỗ đã tháo dỡ “lô cốt” luôn để lại mặt đường những vũng sâu, hang hố, đã gây nhiều vụ té xe, tai nạn giao thông.
Hàng ngàn người có việc phải đi lại mỗi ngày trên đường Bà Hom - quận 6, nhưng không dám mạo hiểm đi lại khi trời mưa, vì nhiều đoạn đường bị ngập nước cao hàng tấc, đặc biệt ở những chỗ dựng “lô cốt” đã thường xuyên xảy ra tai nạn như xe bị sụp ổ gà, xe đụng phải nắp cống, xe lọt xuống hầm công trình sát bên vách dựng,...
Hầu như ai ai cũng biết, đó là những nỗi phiền bực thường thấy đối với người dân Sài Gòn trước những “lô cốt” công trình. Ở đây chúng tôi muốn nói tới nỗi khổ cực bên trong những “lô cốt,” nỗi khổ cực của những công nhân lao động ở các công trình, nếu không có dịp tiếp xúc với người lao động bên trong “lô cốt,” có thể chúng ta sẽ không biết tới.
Làm nhiều, ngủ ít
Hàng ngàn công nhân là những người lao động chính yếu ở các công trình này với công việc đào đất, lấp đất phục vụ việc lắp đặt hệ thống ống cống thoát nước. Họ làm việc, sinh hoạt nghỉ ngơi hoàn toàn trong hàng rào tôn che chắn của “lô cốt.”
Ðường sá khu vực “lô cốt” ở đường Bà Hom, quận 6. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) |
Một thanh niên 28 tuổi, từ thành phố Mỹ Tho lên Sài Gòn, làm công nhân lao động cho tổng công ty xây dựng số 1, tranh thủ giờ nghỉ trưa cho biết, anh từng làm phụ hồ cho nhiều công trình xây dựng ở Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre nhưng chưa bao giờ vất vả gian lao như công việc hiện nay. Từ ngày đơn vị làm công trình tới nay, anh cùng các công nhân khác làm công việc đào đất, lấp đất nặng nhọc. Vì công việc phải di chuyển hết chỗ này sang chỗ khác, nên không ai tính toán dự liệu chỗ ăn ở thuận tiện, phải ăn ngủ ngay tại chỗ công trình bên trong “lô cốt.”
Anh kể: “Mỗi đội khoảng 20 người, làm việc theo ca. Nếu chọn làm việc ca ngày, thời tiết luôn nóng bức nên năng suất sẽ thấp, khó hoàn thành chỉ tiêu kịp thời hạn, nên anh thường chọn ca đêm, làm được nhiều hơn, ban ngày sẽ ngủ bù. Nhưng ban ngày lại ít ai có thể ngủ được, bởi tiếng xe cộ đủ loại, tiếng máy xe múc đất, ủi đất cứ xoáy vào óc. Lều ngủ ở cuối “lô cốt,” công nhân trải những manh chiếu mà ngủ. Gặp lúc trời mưa thì thật khốn khổ, giăng mắc lều bạt che chắn cách nào cũng không tránh khỏi ướt nước mưa khắp từ trên xuống dưới chỗ nằm.
Anh kể thêm: “Ðặc biệt khốn khổ hơn nữa, như những lúc làm việc ở phần cống bao chính, ở độ sâu từ 10-15 mét, muốn ngất xỉu vì bị ngộp thở và quá nóng bức, lâu lâu phải lên trên nghỉ xả hơi. Nhiệt độ dưới đó có thể từ 50 tới 60 độ C, hầm nóng cộng với hơi nhiệt từ máy móc tỏa ra. Bắc đường ống ở độ sâu này rất vất vả khó khăn vì thường gặp nước mạch ngầm và đá chẻ sâu dưới lòng đường.”
Những “công trình ngàn năm” này chắc còn kéo dài nhiều ngày tháng nữa, anh công nhân này cho biết, đơn vị tổng công ty xây dựng số 1 nhận nhiều gói thầu thuộc 3 dự án lớn: công trình cải thiện môi trường cấp thoát nước, công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc và công trình đại lộ Ðông Tây.
“Vì miếng cơm manh áo, anh em công nhân phải gồng mình mà đi theo công trình. Từ lúc làm việc trong ‘lô cốt’ tới nay, em thấy sức khỏe kém sút hẳn, mới đây cân thử, thấy bị mất đi bốn, năm kí-lô. Nhiều anh em khác còn bị mắc bịnh này bịnh nọ. Mắc bịnh này bịnh nọ cũng đúng thôi, vì phải thường xuyên sống trong môi trường ô nhiễm, đầy bụi bặm đường sá, sặc mùi xú uế từ kênh rạch, ống cống cũ tỏa ra.”
Chúng tôi nghe chuyện, thấy thật éo le khi những công nhân trong “lô cốt” mặc nhiên bị xem là nguyên nhân gây trở ngại giao thông ở thành phố mấy năm nay, trong khi họ chỉ làm công việc được giao, đầy khổ cực để mưu sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét