Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Amnesty ‘hết sức lo ngại’ vụ ông Định


Một tổ chức nhân quyền quốc tế hàng đầu đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc Luật sư có tiếng Lê Công Định bị bắt vì cáo buộc “cấu kết với bên ngoài” chống lại chính quyền Việt Nam.

Ông Định bị bắt hồi cuối tuần qua tại nhà riêng và vụ việc đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam cũng như các giới người Việt hải ngoại.

Tổ chức Ân xá Quốc tế, tên tiếng Anh là Amnesty International trụ sở London, nói với BBC hôm 15/06 rằng họ đã theo dõi sát các diễn biến.

Trước câu hỏi về phản ứng của tổ chức này, bà Janice Beanland, người phụ trách vùng Đông Nam Á của Amnesty international nói:

Bà Janice Beanland: Chúng tôi hết sức lo ngại cho ông ấy. Hiện chúng tôi đang thu thập thêm thông tin nhưng chúng tôi biết ông ấy từng là luật sư bào chữa cho hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, hai người hiện đang trong tù.

Chúng tôi cũng biết ông Định là luật sư có tiếng ở Việt Nam.

Chúng tôi rất lo ngại vì ông ấy có vẻ bị bắt theo điều 88 Luật Hình sự theo truyền thông chính thức.

Từ lâu nay chúng tôi đã vận động để Việt Nam bãi bỏ hay sửa đổi Điều 88 và một số điều khác trong Luật Hình sự, những điều luật hình sự hóa việc phản đối bằng phương thức hòa bình.

Ai cũng có quyền có ý kiến và thể hiện ý kiến trước công chúng một cách hòa bình ngay cả trong trường hợp các ý kiến đó chỉ trích chính quyền.

Janice Beanland – Ban Đông Nam Á – Amnesty International

Nếu đúng là ông Định bị bắt vì đại diện cho những người bất đồng chính kiến và thể hiện quan điểm của mình trên báo chí thì đây là điều rất đáng lo ngại.

BBC: Ông Định bị cáo buộc kêu gọi lật đổ chính phủ, liệu Amnesty International có tiếp tục ủng hộ ông ấy không nếu ông ấy kêu gọi lật đổ chính phủ một cách hòa bình?

Amnesty vận động cho tự do ngôn luận ở Việt Nam và đây là một trong những vấn đề chính đối với chúng tôi hiện nay. Ai cũng có quyền có ý kiến và thể hiện ý kiến trước công chúng một cách hòa bình ngay cả trong trường hợp các ý kiến đó chỉ trích chính quyền.

Chúng tôi sẽ xem xét trường hợp này kỹ hơn nhưng thường chúng tôi không nghĩ rằng những người phản đối một cách hòa bình lại có thể bị buộc tội lật đổ chính phủ.

BBC: Nhưng câu hỏi vẫn là nếu người ta kêu gọi lật đổ chính quyền một cách hòa bình thì Amnesty có ủng hộ họ không?

Tôi nghĩ phải có trường hợp cụ thể thì chúng tôi mới có thể tiếp tục tìm hiểu được.

Tôi cũng lo ngại chính quyền Việt Nam có khuynh hướng dùng những ngôn ngữ kích động đối với các nhà bất đồng chính kiến và trong nhiều trường hợp những điều đó về sau này được chứng minh là không đúng. Chúng ta phải luôn để ý tới điểm này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét