Nhã Nam
Hồi năm ngoái, báo Lao Ðộng (ngày 2 Tháng Mười, 2008) có bài đáng chú ý, “Ông chánh án đánh dân, còn... vòi tiền dân” nêu sự việc một ông quan tòa huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, tên Phạm Công Bằng bị tố cáo có hành vi đánh người hàng xóm vì tranh chấp trong xây dựng nhà ở, vụ việc đã được điều tra xác minh rõ ràng. Tuy nhiên mức xử lý cho ông quan tòa côn đồ này chỉ là khiển trách, cảnh cáo và bồi thường cho nạn nhân 1 triệu 500 ngàn đồng VN (chưa tới 100 đô la).
Từ vụ này, người dân tố cáo ông Bằng công khai vòi tiền dân, băng ghi âm đã ghi cuộc đối thoại giữa ông và một người dân trong một vụ tranh chấp “mua bán rừng” ai trả cho ông nhiều hơn thì được ông cho thắng cuộc.
Báo Lao Ðộng trích băng ghi âm như sau: “Bà B, ‘Răng rồi anh, có gì giúp em với chớ.’ Ông Bằng, ‘Giúp thì giúp, có chi đâu có... em chung chi đầy đủ thì anh giúp chứ có gì đâu... ’ ’ (lặp lại). Bà B, ‘Có 5 xe, em chung cho anh 5 triệu, được thì bây giờ em đem tiền dô.’ Ông Bằng, ‘5 triệu giá bèo quá rồi, giá rứa thì tau làm cho thằng G (người mua rừng đã kiện 11 hộ dân trồng rừng - PV)’. Bà B, ‘Rứa thì anh nói mấy, chỉ có 5 xe mà?’ Ông Bằng, ‘Tùy em thôi. Còn không anh làm cho thằng G..., 7 triệu nếu đồng ý, sáng mai dô đây chồng tiền rẹt rẹt là anh alô lên cho!’”
Vụ quan tòa côn đồ này xảy ra cả năm trời, mãi đến gần đây chính quyền địa phương mới có quyết định cách cái chức “quan tòa chánh án” của ông ta.
Trong một xã hội lấy tiền làm đầu (đầu tiên - tiền đâu) những chuyện như thế này xảy ra bất cứ lãnh vực nào từ giáo dục, y tế, giao thông, điện nước... cho đến tòa án là chuyện cơm bữa. Nhưng có một ông quan tòa trắng trợn vòi tiền để xử án thì ta có thể thấy thân phận người dân bèo bọt đến thế nào.
Nhân quyền của đại đa số dân chúng chỉ là quyền “chịu đựng”. Mọi chuyện cứ “chồng tiền rẹt rẹt” là êm xuôi, người nào không tiền chắc chắn hậu quả là vô cùng bi đát. Ðiều đó ngay cả người nước ngoài vào đầu tư hay chỉ liên hệ làm ăn cũng biết, những dư âm của vụ PCI giữa Việt Nam và Nhật Bản, hay vụ in tiền polimer giữa Úc và Việt Nam là bằng chứng.
Ở một đất nước mà ông chủ tịch liên đoàn luật sư toàn quốc lại chưa từng là luật sư và được chuyển từ ngành công an qua, đến khi bị chính các thành viên trong đoàn không cho phép gia nhập thì phải “chạy” qua đoàn luật sư tỉnh khác để được cấp bằng và nghiễm nhiên vẫn cứ là chủ tịch như thường, việc này đã nói lên “kỷ cương phép nước” ra làm sao. Chắc chắn khi đã nắm chức quyền trong tay, các ông tòa án, luật sư ấy sẽ hành xử như ông quan tòa trên.
Tất nhiên không phải ông quan tòa nào cũng như thế. Tôi tin rằng vẫn còn “một bộ phận” quan tòa xét xử công minh, “một bộ phận” công chức còn liêm khiết, họ như vàng giữa cát. Phải khổ công tìm kiếm, sàng lọc để phát hiện ra.
Trong một phiên chất vấn Quốc Hội trước đây, ông Chánh Án Tòa Án Tối Cao Nguyễn Văn Hiện đã từng công khai phát biểu rằng, “ngành tòa án phải vơ vét, đôn cả lái xe, nhân viên đánh máy lên bổ nhiệm thẩm phán rồi cho đi học để hoàn chỉnh trình độ”. Câu phát biểu thẳng thắn, công khai này đã bị báo chí, dư luận trong nước lúc ấy “sốc” và phản ứng mạnh. Họ cho rằng ông chánh án tối cao này hạ uy tín của ngành tòa án!
Thử xem lại phát biểu từ quan chức cao cấp nhất ngành Tư Pháp này ta sẽ thấy rằng ông ta cũng chịu đựng nhiều lắm, bức xúc lắm mới phải lên tiếng giữa bàn dân thiên hạ như thế. Ông không ngu mà nói năng lung tung để lãnh búa rìu dư luận, vì chính ông là người phải chịu trách nhiệm trong ngành của mình. Như vậy, có một sự thật là “phải vơ vét” nhân viên đánh máy, tài xế đôn lên làm quan tòa, thẩm phán rồi mới cho đi học bổ sung thì chất lượng ra sao ai cũng rõ. Sau khi phát biểu của ông chánh án tối cao, không biết tình hình bổ nhiệm các quan tòa Việt Nam ra sao, có con số thống kê nào về số lượng và chất lượng của các quan tòa tài xế, quan tòa gõ máy chữ, quan tòa loong toong ấy thế nào. Nếu sau khi vơ vét người mà không đủ thì sẽ vơ cả gác dan, vơ cả lao công làm quan tòa, làm thẩm phán hay không? Liệu có vơ nhầm xã hội đen, vơ nhầm dân dao búa côn đồ rồi cho ngồi vào ghế phán quan hay không? Xem lại vụ ông quan tòa Phạm Công Bằng ở Quảng
Ðến đây, một số câu hỏi nữa sẽ phải nêu ra, vậy các sinh viên trường Luật tốt nghiệp xong đâu cả rồi? Việc đào tạo công chức ngành Tư Pháp ra sao? Số lượng sinh viên đủ trình độ để tốt nghiệp trường Luật có bao nhiêu ??? Hỏi chỉ để mà hỏi, khi mà luận án tốt nghiệp được “copy & paste” tràn lan khắp nơi, khi mà bằng tiến sĩ mà còn mua được một cách dễ dàng thì câu trả lời đã rõ.
Luận án thì sao chép, bằng tốt nghiệp thì mua và khi leo lên chức quan tòa, họ mà xét xử công minh hoặc biết cách xử án mới là chuyện lạ. Báo chí cũng từng nói mỗi năm án oan sai lên đến con số hàng vạn vụ. Sinh mạng và đời sống người dân thấp cổ bé họng thực sự nằm trong tay một lũ côn đồ, vô học.
Bài đã đăng trên Nguoi Viet Online
Đọc mà thấy chán. Có phải đồng tiền và sự ngu dốt làm thay đổi bản chất con người, hay là ngược lại nhỉ?
Trả lờiXóamua bằng, mua chức xong rồi thì phải kiếm chác lại chứ, không thì lỗ à, thường thì mua với giá nào đi nữa, khi lên ông rồi vẫn lời chán.
Trả lờiXóa