Tác giả: Phạm Việt Vinh
Cách đây đúng 20 năm, bức tường Berlin sụp đổ kèm theo sự tan biến của chính thể cộng sản Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức, và tiếp theo là sự phá sản của hệ thống XHCN toàn cầu. Sự kiện to lớn này đã và đang được nhiều người Việt Nam lý giải rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng bức tường Berlin vỡ là do các hoạt động chống phá của thế lực thù địch phương Tây, đặc biệt là của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Lại có ý kiến kết luận bức tường sụp là kết quả của nhiều yếu tố bất ngờ, trong đó có sự ra đi ồ ạt của dân chúng Đông Đức qua các ngả biên giới Tiệp Khắc, Hungary, có quyết định „phản bội” của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô do Gorbachev cầm đầu kết hợp với sự „đầu hàng nhanh chóng” của ban lãnh đạo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED), tức là đảng cộng sản cầm quyền tại Đông Đức. Nhiều nghiên cứu tổng kết cuộc nổi dậy chỉ bắt đầu từ các cuộc cầu nguyện, tuần hành, biểu tình trong năm 1989. Cho tới nay, những nhận định trên đều soi xét các sự kiện lịch sử dưới một lăng kính nhất định, nhưng hoặc là vô tình, hoặc là cố ý, người ta đã không chú ý nhiều tới vai trò của các nhân vật đối kháng và các tổ chức đối lập tại CHDC Đức trước đây đối với sự tiêu vong của chế độ. Thậm chí, nhiều người có cảm giác là trong chế độ này đã không hề tồn tại một phong trào đối lập. Có một cái gì đó không ổn khi mỗi lần kỷ niệm ngày thống nhất nước Đức, người ta hầu như chỉ ca ngợi các đoàn tuần hành vào mỗi sáng thứ Hai, các buổi biểu tình hàng trăm ngàn người khi thời cơ đã tới, và vinh danh Gorbachev khi ông ta đã không ra lệnh cho xe tăng Hồng quân lăn xả vào đám đông trên. Sẽ là bất công khi không đặt ra câu hỏi: Ai là người đã vượt qua tù ngục, đọa đầy để khơi dậy lên và tổ chức ra phong trào quần chúng đó? Sẽ là không đầy đủ khi không nhìn kỹ để nhận diện ra những viên than hồng đã âm ỉ hàng chục năm trời trước khi cuộc cách mạng hòa bình cách đây 20 năm bùng phát. Một vài dữ kiện theo trình tự thời gian sau đây có thể sẽ góp phần cho một sự nhìn nhận trọn vẹn hơn trong người Việt.
Khi xem xét phong trào phản kháng tại các nước cộng sản châu Âu trước đây hình như người ta chỉ quan tâm đến cuộc nổi dậy tại Hungary vào năm 1956, „Mùa xuân Praha” tại Tiệp Khắc vào năm 1968 và sự xuất hiện của Công đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan vào 1980. Ít người biết đến phong trào năm 1953 tại CHDC Đức. Bắt đầu từ các buổi hội họp, đình công ở một vài xí nghiệp tại Đông Berlin khi chính quyền quyết định gia tăng định mức lao động, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đã lan tỏa ra nhiều nơi trên Đông Đức với các cuộc biểu tình, đình công đòi hỏi dân chủ và chống lại sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản. Vượt qua yêu sách kinh tế, những cuộc biểu tình rầm rộ với nội dung chính trị trước các cơ quan chính quyền đã buộc toàn bộ ban lãnh đạo đảng SED phải lủi trốn vào trại lính của quân đội Liên Xô và yêu cầu Liên Xô cấp cứu. Cuộc nổi dậy đã bị lực lượng an ninh Đông Đức kết hợp với xe tăng Liên Xô đè bẹp, nhưng nó là một dấu tích đối kháng hầu như sớm nhất trong một quốc gia cộng sản. Từ đó cho đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chế độ CHDC Đức khá ổn vững với bộ máy An ninh Quốc gia Stasi khét tiếng và với sự trợ giúp hào phóng của Liên Xô cho „Tiền đồn phía tây” của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa toàn cầu. Đồng thời, do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, sau cuộc chia cắt Đông - Tây, một bộ phận lớn thuộc thành phần hoặc là chống cộng, hoặc là yêu tự do, đã rời bỏ Đông Đức để sang sinh sống tại CHLB Đức và Tây Berlin. Hầu hết những người yêu dân chủ, tự do còn ở lại Đông Đức đều đã nuôi hy vọng vào chuyển biến tốt đẹp của một xã hội cộng sản. Đó có thể là những lý do quan trọng cho sự im ắng của tiếng nói đối lập tại CHDC Đức từ cuối năm 1953 cho đến đầu những năm 70. Nhưng, sau gần 20 năm, sự ngột ngạt của một thể chế XHCN hiện thực đã ngày càng lộ rõ. Niềm hy vọng vào chủ nghĩa cộng sản cũng như sự mong chờ vào khả năng tiến bộ của hệ thống độc đảng ngày càng phai nhạt. Tiếng nói đối lập lại vùng dậy từ những ai mong muốn xã hội phát triển. Và ngay lập tức, họ đã phải đối đầu với một bộ máy đàn áp không khoan nhượng.
Giữa những năm 70, khoa học gia Robert Havemann và nhạc sĩ Wolf Biermann công khai phê phán nhà nước cộng sản và đòi dân chủ hóa xã hội. Câu trả lời của chính quyền là Robert Havemann bị mất chức giáo sư và bị quản chế, Wolf Biermann bị cấm công diễn và bị tước quốc tịch vào năm 1976.
Mục sư Brüsewitz đã nhiều lần lên án chính quyền cộng sản cấm đoán tự do tín ngưỡng, thủ tiêu tự do ngôn luận. Để biểu hiện sự phẫn uất của mình, tháng 8 năm 1976, ông đã tự thiêu tại sân chợ thành phố Zeitz.
Năm 1977, nam sinh viên Roland Jahn bị đuổi khỏi trường Đại học Jena do phát biểu phản đối việc tước quốc tịch đối với nhạc sĩ Wolf Biermann. Sau khi bị đuổi học, người sinh viên này vẫn không ngừng tố cáo xã hội mất tự do tại CHDC Đức. Năm 1982, anh bị bắt giam. Năm 1983, anh bị tước quốc tịch và bị tống xuất sang Tây Berlin. Tại Tây Berlin, Roland làm biên tập viên cho Đài Phát thanh Tự do Berlin và tạo dựng ra một mạng lưới trợ giúp cho phong trào đối lập tại CHDC Đức.
Cũng vào năm 1977, một cán bộ đảng SED, nhà triết học Rudolf Bahro cho ra mắt tại tạp chí Tấm gương của CHLB Đức tác phẩm „Phê phán Chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Do vậy, năm 1978, ông bị bắt và bị tuyên án 8 năm tù. Một năm sau, nhờ áp lực quốc tế, ông được ra khỏi tù nhưng bị tống xuất ngay sang Tây Đức.
Cuối những năm 70, nhiều nhóm đối lập xuất hiện tại CHDC Đức. Khẩu hiệu của họ là: chống chạy đua vũ trang, chống quân sự hóa xã hội, chống hủy hoại mội trường, chống sự xuống cấp của các cơ sở hạ tầng,… Những nhóm này hoạt động không được sự chấp thuận của chính quyền. Thành viên của họ bị thiệt thòi trong xã hội, bị cấm hành nghề, bị truy lùng, bắt bớ, khám nhà. Mặc dù bị đàn áp như vậy, nhưng ngày càng có nhiều người gia nhập các nhóm này. Cho đến đầu những năm 80, số lượng các nhóm đối lập tiếp tục gia tăng.
Năm 1981, mục sư Wonneberger thành lập „Sáng kiến giúp đỡ những người chống quân dịch” tư vấn và ủng hộ những thanh niên từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự. Từ năm 1986, ông thường xuyên tổ chức những buổi cầu nguyện cho hòa bình trong Nhà thờ Nikolai tại Leipzig, nguồn gốc của các buổi tuần hành thứ Hai nổi tiếng sau này.
Tháng 12 năm 1981, nhà đối kháng Robert Havemann cùng mục sư Eppenmann viết và công bố „Lời kêu gọi Berlin” đòi gìn giữ hòa bình và phản đối chính sách nghĩa vụ quân sự. Mặc cho các hoạt động cản phá và đe dọa của lực lượng an ninh CHDC Đức, hơn 2000 người đã ký tên ủng hộ „Lời kêu gọi”.
Ngày 01.09.1983, thành viên nhóm „Sáng kiến hòa bình” đứng trên hè phố Berlin tạo ra một chuỗi người từ sứ quán Liên Xô tới sứ quán Mỹ đòi các siêu cường phải gìn giữ hòa bình. Công an Đông Đức đã dùng vũ lực giải tán chuỗi người này và bắt giam các thành viên của nhóm.
Đầu năm 1980, „Nhóm Dresden” được hình thành. Thành viên của nhóm thường xuyên tổ chức các buổi hội họp tại nhà riêng để phân tích, phê phán các tệ nạn tại CHDC Đức, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục và đào tạo.
Đối với đảng cộng sản SED, văn nghệ sĩ luôn phải là những thành tố phục vụ thể chế. Để vượt thoát khỏi sự ép buộc của chính quyền, cũng từ đầu năm 1980, nhiều văn nghệ sĩ đã tự ý tổ chức các buổi công diễn tại nhà thờ, sân sau của chung cư hay tại nhà riêng mà không cần sự cho phép của nhà nước. Những buổi công diễn này ngày càng có nhiều khán giả. Trong các buổi biểu diễn, nói chuyện, nhiều văn nghệ sĩ đã công khai phê phán chế độ. Một số đông từ số các văn nghệ sĩ này đã bắt tay hợp tác với các nhóm đối lập. Nhiều người đã bị bắt và tống xuất do đã tham gia các buổi trình diễn trên. Nữ nhạc sĩ Wegner là một nghệ sĩ tích cực tham gia các buổi công diễn. Bà là người cương quyết chống lại việc chính quyền cộng sản muốn điều chỉnh nội dung các bài hát của bà. Sau một thời gian bị cấm công diễn, năm 1983, bà bị bắt phải rời khỏi CHDC Đức. Cơ quan an ninh Đông Đức triệt để cấm đoán các tác phẩm, bài viết của các văn nghệ sĩ có đầu óc phê phán, và truy nã gắt gao những ai truyền bá, tìm đọc các tác phẩm và bài viết đó. Mặc dù vậy, các tác phẩm và bài viết này vẫn không ngừng được chép tay, được đem đọc và phân tích cho bạn bè và công chúng.
Trong những năm 80, hầu như tại khắp các nơi trên CHDC Đức đều xuất hiện các nhóm đối lập. Các nhóm này tìm cách qua mặt bộ máy an ninh để tổ chức hội họp và in ấn sách báo chui. Họ cũng tận dụng mọi khả năng để liên hệ với các tổ chức đối lập của người Đông Đức đang hoạt động tại Tây Berlin và Tây Đức. Năm 1986, nhóm „Sáng kiến Hòa bình và Nhân quyền” được thành lập tại Đông Berlin với sự truyền bá các thông tin về vi phạm nhân quyền cùng với các đòi hỏi những quyền tự do căn bản và đòi dân chủ hóa xã hội. Đây là một trong những tổ chức đối lập quan trọng nhất tại CHDC Đức.
Cũng vào năm 1986, „Thư viện Môi trường” được hình thành tại Đông Berlin. „Thư viện” này là nơi người ta có thể tự do trao đổi thông tin, đọc các ấn phẩm bị cấm đoán và tiếp xúc với các văn nghệ sĩ có tư tưởng phê phán. Sau một thời gian ngắn, các „Thư viện” tương tự như vậy cũng xuất hiện tại nhiều nơi và dần dần trở thành các trung tâm trao đổi thông tin. Với sự trợ giúp của các nhà báo Tây Đức và các nhà đối kháng Đông Đức đã bị tống xuất, từ các trung tâm thông tin này xuất hiện các tờ báo đối lập với số lượng nhỏ đăng tải các ấn phẩm đã bị chính thể CHDC Đức cấm đoán. Từ tháng 9 năm 1986, „Thư viện môi trường” hoạt động mạnh tại nhà thờ Zionkirche ở Đông Berlin. Tại đây, tác phẩm của các văn nghệ sĩ đối kháng được trưng bày trong một căn phòng lớn. Ở các phòng khác, người ta tổ chức chiếu phim, hòa nhạc và hội thảo. Các hoạt động tương tự như trên cũng được tổ chức tại nhiều nơi tại khắp Đông Đức. Sau này, nhiều sử gia Đức gọi những trung tâm thông tin như vậy là „Nơi học tập dân chủ”. Đương nhiên, những địa điểm và hoạt động trên bị cơ quan an ninh truy lùng, canh gác và cản phá gắt gao. Mặc dù vậy, các trung tâm này vẫn không ngừng hoạt động. Kể từ khi thành lập, thành viên của „Thư viện Môi trường” gặp nhau đều đặn vào thứ ba hàng tuần. Lượng phát hành tờ „Báo môi trường” của nhóm „Thư viện Môi trường” ngày càng tăng: nếu như trong năm 1986, số lượng in là 150 tờ mỗi tháng, thì vào tháng 9 năm 1989, số lượng xuất bản là 4000 tờ. Mùa Thu năm 1989, máy in của nhóm làm việc 24 giờ mỗi ngày thông báo sự ra đời và tuyên ngôn của tất cả các đảng phái đối lập và phong trào quần chúng.
Từ năm 1986, số lượng các nhóm đối lập tăng nhanh. Nhiều nhóm liên kết và phối hợp hành động liên vùng tạo thành các mạng lưới. Cho đến đầu năm 1989, tại Đông Đức đã có hơn 10 mạng lưới như vậy kết hợp hàng trăm các nhóm đối lập khác nhau. Ngoài việc trao đổi thông tin và phối hợp hành động, sự liên kết này đặc biệt có hiệu quả khi tạo ra các hoạt động đoàn kết mỗi khi có thành viên của một nhóm nào bị cơ quan an ninh bắt giữ.
Năm 1987, sau khi Chủ tịch Nhà nước CHDC Đức Erich Honecker được Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl đón tiếp tại Bonn, chính quyền Đông Đức cho rằng đây là lúc thuận tiện để họ gia tăng đàn áp đối lập. Cơ quan An ninh Quốc gia đã mở cuộc truy lùng và bắt giữ hàng loạt các nhân vật đối lập. Nhưng ngay lập tức, tại các thành phố lớn đã nổ ra các cuộc biểu tình đòi thả tự do cho các nhà đối lập, và cuối cùng, chính quyền đã phải tạm thời nhượng bộ.
Đêm 25.11.1987, an ninh CHDC Đức bao vây, khám xét và tịch thu các vật dụng của „Thư viện Môi trường” tại khu nhà thờ Zionkirche. Trong đêm, các thành viên của nhóm „Thư viện” cũng bị bắt giữ. Ngay ngày hôm sau, tất cả các mạng lưới đối lập đã đăng tải thư phản đối. Nhiều nơi tại CHDC Đức xuất hiện các hoạt động đoàn kết với những người bị bắt. Trước cửa nhà thờ Zionkirche, các nhà đối lập không bị bắt đã đứng sát nhau tạo thành một „Trạm cảnh báo” trong một thời gian dài. Dưới sức ép dư luận mạnh mẽ, bộ máy an ninh đã phải thả những người bị bắt, đánh dấu một thất bại nặng nề nhất của chính quyền cộng sản Đông Đức đối với phong trào đối lập.
Ngày 17.01.1988, một cuộc biểu tình vinh danh Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht, hai lãnh tụ của phong trào cộng sản Đức hồi đầu thế kỷ 20, được tổ chức tại Đông Berlin. Các nhà đối lập đã tập hợp đi cùng nhau và giương cao biểu ngữ: „Tự do cho những người khác chính kiến!” Khẩu hiệu này được trích từ tuyên bố của Rosa Luxemburg; „Tự do luôn luôn có nghĩa là tự do cho những người khác chính kiến”. Lực lượng an ninh Đông Đức đã xông vào giải tán đoàn người này và bắt đi hàng trăm người. Tiếp theo, chính quyền đã mở một đợt đàn áp mới, bắt giam nhiều nhân vật lãnh đạo phong trào đối lập. Hàng loạt các buổi hoạt động đoàn kết, các „Trạm cảnh báo” do các nhóm đối lập tổ chức sau đó đã vấp phải một thái độ cứng rắn của chính quyền. Các nhân vật đối lập quan trọng phải lựa chọn giữa hai khả năng: hoặc là ngồi tù tới 12 năm, hoặc là phải rời khỏi Đông Đức! Nhiều người trong họ đã sang lánh nạn tại CHLB Đức và để lại cho phong trào đối lập tại CHDC Đức một mất mát nặng nề. Trong số những người này có nữ văn sĩ Bohley và ông Fischer, hai thành viên quan trọng của phong trào „Sáng kiến vì Hòa bình và Nhân quyền”. Ngay sau khi bị bắt buộc phải sang CHLB Đức, hai người này đã tuyên bố nguyện vọng sớm được quay trở về Đông Đức để góp phần làm đổi thay chế độ.
Năm 1988, các mâu thuẫn tại CHDC Đức gia tăng. Ngày càng có nhiều người đòi được quyền rời khỏi Đông Đức. Trong khi đó, những nhà đối lập vẫn nỗ lực đòi cải thiện tình trạng nhân quyền, đòi được thực thi các quyền tự do chính trị như tự do hội họp, tự thành lập hội đoàn, đảng phái. Ngày 10.10.1988, tại Đông Berlin nổ ra cuộc biểu tình đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí. Cũng tại đây, ngày 24.11, các nhà đối lập biểu tình phản đối việc chính quyền cấm lưu hành tạp chí Sputnik, một cơ quan ngôn luận của Liên Xô đăng tải những thông tin về chính sách cải tổ của Gorbachev.
Từ mùa Hè 1989, làn sóng dân chúng rời bỏ đất nước làm rung chuyển toàn bộ CHDC Đức. Nhiều người dân Đông Đức vượt thoát khỏi cơn mê hàng chục năm trời. Qua tác nhân là các nhóm đối lập, những người cùng tư tưởng đã tìm đến và liên kết với nhau. Các tổ chức và đảng phái chính trị được hình thành.
Cuối hè 1989, một đảng và một số tổ chức chính trị mới công khai ra mắt với các đòi hỏi tự do hội họp, tự do báo chí và tự do tư tưởng. Đầu tháng Chín 1989, phong trào Diễn đàn Mới (Neues Forum) được hình thành. Tiếp theo đó là sự ra mắt của đảng Dân chủ Xã hội CHDC Đức (SPD-DDR) và các phong trào quần chúng như Dân chủ Ngay Bây giờ (Demokratie Jetzt), Dân chủ Trỗi dậy (Demokratie Aufbruch). Yêu sách của các đảng phái và tổ chức này là đảng cộng sản cầm quyền SED phải cải tổ triệt để và ngay lập tức phải đối thoại với nhân dân. Câu trả lời là SED vẫn khư khư đòi giữ quyền lãnh đạo; chính quyền tuyên bố việc hình thành các tổ chức và đảng phái trên là bất hợp pháp và huy động lực lượng Stasi tìm mọi cách dập tắt phong trào đối lập đang bùng phát. Mặc cho sự đe dọa, đàn áp, hàng ngàn người dân đã đăng ký gia nhập các đảng phái và phong trào mới.
Hơn một năm sau khi bị đuổi sang CHLB Đức, nữ văn sĩ Bohley trở về Đông Berlin, và ngày 09.09.1989, bà đã cùng bạn bè tuyên bố thành lập phong trào Diễn đàn Mới. Ngày 19 tháng chín 1989, Diễn đàn Mới gửi đơn cho Bộ Nội vụ CHDC Đức xin được hoạt động như một „Tập hợp chính trị”. Ba ngày sau đó, nhật báo Thế giới Trẻ (Junge Welt), cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Tự do Đức (FDJ) công bố trả lời của Bộ Nội vụ coi Diễn đàn Mới là một „diễn đàn chống phá nhà nước” và cấm tổ chức này hoạt động. Mặc dù như vậy, lời kêu gọi thành lập của Diễn đàn Mới đã được đông đảo dân chúng hưởng ứng. Tại tất cả các tỉnh trên CHDC Đức đã có thành viên và địa chỉ liên hệ của phong trào. Đến cuối tháng 10 năm 1989, Diễn đàn Mới đã nhận được 150.000 chữ ký ủng hộ với đầy đủ tên họ và địa chỉ. Khắp nơi trên Đông Đức nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ với biểu ngữ „Diễn đàn Mới!”.
Ngày 3.10.1989, chính quyền CHDC Đức đóng cửa biên giới sang Tiệp Khắc để ngăn dòng người vượt biên.
Ngày 07.10.1989, nhân ngày Quốc khánh CHDC Đức, khắp nơi nổ ra các cuộc biểu tình với các biểu ngữ trương tên các đảng phái và tổ chức đối lập. Nhiều biểu ngữ lớn đòi:
- Tự do bầu cử
- Tự do báo chí
- Tự do đi lại
- Đa nguyên.
Cảnh sát và an ninh quốc gia đã sử dụng một lực lượng khổng lồ dùng vũ lực để đàn áp.
Sau ngày 07.10.1989, thấy rằng bạo lực chỉ làm tăng sự chống đối của quần chúng, ban lãnh đạo đảng cộng sản SED thay đổi sách lược, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với nhân dân. Nhưng làn sóng biểu tình vẫn không dứt. Sự thay đổi ban lãnh đạo của đảng SED sau đó cũng không gây ảnh hưởng tới sức mạnh của phong trào phản kháng. Ngày 12.10.1989, Diễn đàn Mới rải truyền đơn khắp nơi trên CHDC Đức với nội dung:
„Đối thoại thực sự phải là:
1. Cho phép hoạt động đối với Diễn đàn Mới và tất cả các tổ chức, đảng phái và phong trào quần chúng phấn đấu cho nền dân chủ của xã hội
2. Cho các tổ chức đối lập được tiếp cận với giới truyền thông
3. Tự do báo chí và bãi bỏ kiểm duyệt
4. Tự do hội họp và biểu tình”.
Ngày 04.11.1989, Quảng trường Alexanderplatz Đông Berlin chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử CHDC Đức của hàng trăm ngàn người với yêu sách đòi dân chủ và phế bỏ chế độ độc đảng.
Ngày 07.11.1989, chính phủ CHDC Đức từ nhiệm và trao cho ông Modrow, một nhà lãnh đạo cộng sản ôn hòa, thành lập chính phủ mới.
Đêm 09.11.1989, Günter Schabowski, ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản SED, tuyên bố người dân được tự do qua lại bức tường Berlin. Tấm màn thép chia cắt Đông Đức và Tây Đức hoàn toàn sụp đổ.
Mặc dù vậy, những ngày sau đó chính quyền của ban lãnh đạo đảng cộng sản vẫn tìm cách níu léo quyền lực, vẫn liên tục đưa ra những hứa hẹn nhằm duy trì một chế độ thực chất đã cáo chung. Nhưng nước đã tràn bờ, đê đã vỡ. Đầu tháng 12.1989, ban lãnh đạo SED phải chấp nhận đòi hỏi của phong trào đối lập, tham gia Hội nghị Bàn tròn cùng với các đảng phái và tổ chức đối lập chuẩn bị cho cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại CHDC Đức với sự thắng lợi rực rỡ của các đảng phái đối lập.
Đương nhiên là hàng triệu người dân Đông Đức đã làm nên cuộc cách mạng quần chúng hòa bình cách đây 20 năm. Nhưng người ta cũng có lý khi cho rằng cuộc vùng dậy thắng lợi này được bắt đầu bằng những đóng góp từ trước đó rất lâu của hàng trăm, hàng nghìn nhân vật đối lập yêu dân chủ, tự do. Họ đã âm thầm kết hợp với nhau trong các tổ chức đối lập để tố cáo bạo tàn, đòi hỏi tự do. Họ chấp nhận bị ly gián, đàn áp, tù đầy để nuôi ánh sáng đòi tiến bộ. Điều dễ thấy là những tổ chức đối lập này cũng chính là thành tố kêu gọi, tổ chức và dẫn dắt các cuộc biểu tình, tuần hành. Quần chúng Đông Đức đã trở thành một lực lượng cách mạng khi nòng cốt của phong trào là thành viên của những nhóm „Sáng kiến vì Hòa bình và Nhân quyền”, „Thư viện Môi trường”,… Các đoàn biểu tình đã chỉ tiến lên khi dẫn đầu họ là lãnh tụ của các nhóm đối lập như nữ văn sĩ Bohley, mục sư Eppemnann,… Là những người đã hy sinh cho dân chủ, họ cũng đã là những nhân tố quyết định cho một cuộc đổi thay quốc gia trong hòa bình, không tiếng súng.
Nếu coi sự sụp đổ của bức tường Berlin cách đây 20 năm là hoa trái của khát vọng hạnh phúc, tự do, thì phải biết đến thành viên của các nhóm đối lập Đông Đức trước đây như những kẻ trồng cây. Tên tuổi của họ sẽ không bao giờ bị quyên lãng.
Berlin, 06.2009
© 2009 Phạm Việt Vinh
© 2009 talawas blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét