Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Báo cô và báo hại



“Trong cái bóng khủng khiếp của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, dường như công luận Việt Nam chưa quan tâm đến một cuộc khủng hoảng khác: khủng hoảng báo chí, đặc biệt là báo in, tại các nước phương Tây mà đi đầu là Hoa Kỳ. Tháng Giêng 2009, một bài viết trên tờ The Atlantic gây chấn động với giả thuyết: Nếu tháng Năm này, tờ nhật báo uy tín nhất thế giới, tờ New York Times, đóng cửa…”

Những dòng chữ (in nghiêng, trong ngoặc kép) thượng dẫn là lời giới thiệu của talawas, cho bài “Buổi cáo chung: Khả năng tồn tại của báo in và ngành báo chí ở Mỹ, Phạm Văn lược dịch, đọc được trên talawas - vào hôm 19 tháng 3 năm 2009 (*). Tôi quen biết rất nhiều người có tính lo xa nhưng bao la (tới cỡ) như Ban điều hành talawas blog thì chưa bao giờ từng thấy. Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt: chuyện “khủng hoảng báo chí, đặc biệt là báo in tại các nước phương Tây” hoàn toàn (và tuyệt đối) không gây chút xíu chấn động nào ráo trọi, trong lòng  người dân Việt.

Tờ New York Times sống dở (chết dở) ở đâu không rõ, chớ ở xứ sở chúng em thì báo Nhân Dân vẫn in ấn đều đều, và vẫn sống hùng sống mạnh như thường lệ. Không tin cứ thử đọc qua “vài nét” về tờ Nhân Dân, qua http://www.nhandan.org.vn/vainet/ coi:

“Hiện nay, báo Nhân Dân có 5 ấn phẩm (sic) gồm: Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Nhân Dân điện tử tiếng Việt, Nhân Dân điện tử tiếng Anh.”

“Báo Nhân Dân hằng ngày có số phát hành khoảng 220.000 nghìn bản/ngày.”

“Báo Nhân Dân cuối tuần 16 trang  ra hằng tuần  khoảng 110.000 bản/kỳ. Báo Nhân Dân cuối tuần in tại Hà Nội, chuyển bằng máy bay, xe lửa, ô-tô đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.”

“Báo Nhân Dân hằng tháng ra hằng tháng, mỗi số 48 trang, số lượng phát hành khoảng 130.000 bản/kỳ. Báo Nhân Dân hằng tháng in ở 2 nhà in : Nhà in báo Nhân Dân tại Hà Nội và Công ty in  Tạp chí Cộng sản, được vận chuyển bằng máy bay, xe lửa, ô-tô đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.”

“Trụ sở chính Bộ Biên tập báo Nhân Dân đóng  tại: Nhà số 71, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ quan thường trực tại TP Hồ Chí Minh, tại TP Đà Nẵng, tại TP Cần Thơ…”

“Ngày 21-8-1997, Thường vụ Bộ Chính trị T.Ư Đảng CS Việt Nam đã đồng ý cho phép báo Nhân Dân đặt cơ quan thường trú nước ngoài tại Paris (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bangkok (Thailand).”

“Báo Nhân Dân in tại 8 điểm in (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Đác Lắc, Điện Biên), phát hành trên phạm vi toàn quốc và một số lượng nhất định được gửi ra nước ngoài.”

“Báo Nhân Dân phát hành theo cả hai kênh: Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPT) và hệ thống bán lẻ. Năm 1996 đạt 57,85 triệu tờ. Năm 2007 đạt 82,74 triệu tờ.”

Tờ báo bề thế và tầm vóc (tới) cỡ đó mà giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, thuở sinh thời, trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFI, dám biểu là thiên hạ không ai thèm đọc báo Nhân Dân. Họ chỉ dùng nó vào những việc gia dụng khác: “I was reminded of the time when there was a severe shortage of paper across the country. People literally lined up daily to buy the inexpensive Nhan Dan for household uses.”(Robert Templer, Shadows And Wind. Penguin Group. New York : 1988, 165). Dùng vô chuyện gì khác thì (dù có bị ra tấn) ổng cũng nhất định không chịu nói.

Người phương Tây thì khác. Họ không có thói quen nói năng úp/mở, hay “bóng và gió” như vậy. Tác giả cuốn sách dẫn thượng, Robert Templer - sau ba năm làm đặc phái viên cho A.F.P. tại Việt Nam, từ 1994 đến 1997 -  đã thản nhiên tuyên bố :

“Dân Việt dùng báo Nhân Dân để đi cầu, chớ còn tin tức thì họ nghe từ chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC, RFI và VOA.” (Vietnamese may have found Nhan Dan useful in the bathroom, but for information they turned to their radios and the Vietnamese language services of BBC, RFI and VOA).

Những ý kiến vừa ghi, tất nhiên, chỉ là cái nhìn phiến diện và chủ quan của những cha nội thuộc loại phản động, hay bá vơ nào đó - kiểu như Nguyễn Ngọc Lan, Robert Templer… mà thôi. Báo Nhân Dân, chắc hẳn, phải có tác dụng và giá trị (đặc biệt) của nó mà “kẻ ngoại đạo” khó lòng nhìn ra được.

Vài ba tuần trước, qua BBC, tôi nghe  nhà văn Đào Hiếu kể một chuyện vui, và chả hiều sao lại nghĩ ngay đến ông Tổng Biên tập của báo Nhân Dân:

“Có thằng nhà báo Pháp gặp tao nó hỏi: ‘Việt Nam hiện nay có mấy tờ báo và tạp chí?’ Tao đáp: ‘ Có chừng 700.’ ‘Ô thế thì báo chí Việt Nam thực là phong phú.’ Tao nói: ‘Coi vậy mà không phải vậy. Vì có 700 tờ báo nhưng chỉ có một ông tổng biên tập.’ Thằng Tây nó cười gần chết.”

Còn “mấy thằng làm báo Việt Nam” thì cũng gần chết (dù không cuời) khi phài làm việc với một ông TBT khổng lồ cỡ đó. Tuy có tên là ND nhưng (thiệt ra) đây là tờ báo của Đảng CSVN. Nó có nhiệm vụ chính là định hướng tư tưởng cho đảng viên và chỉ đạo nhận thức cho cả nước. Ngoài ra, nói một cách hoa mỹ, báo ND cũng là “kim chỉ nam” hay “ngọn hải đăng” cho cả ngàn tờ báo khác.”

Phải mở lại những chồng báo cũ - kể từ năm 1951 đến nay, trải qua những đời TBT Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Tùng …  - mới thấy được hết công dụng của báo Nhân Dân trong công việc xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội ở… nước ta! Khi thì báo Nhân Dân cổ động chính sách Cải cách Ruộng đất hay Cải tạo Công Thương Nghiệp, lúc thì hô phong hoán vũ (”thay trời làm mưa,” “nghiêng đồng cho nước chẩy ra ngoài”) để đẩy mạnh phong trào Hợp tác xã Nông nghiệp …

Báo Nhân Dân còn đảm nhiệm một vai trò quan trọng khác nữa mà cỡ thường dân như ông Nguyễn Ngọc Lan, hay ngoại nhân như ông Robert Templer, còn lâu mới khám phá ra. Ông Bùi Tín, cựu phó Tổng Biên tập của tờ báo này cho biết: “Đây là một nền báo chí quan liêu, chuyên lên lớp, răn dạy, đe nẹt người đọc.” (Hoa Xuyên Tuyết, 2nd ed. Turpin Press. California: 1994, 42).

Nói tóm lại là răn/đe. Xin đơn củ một thí dụ về thứ ngôn ngữ đanh thép, đe doạ và qui chụp - theo tiêu chí “gắp lửa bỏ tay người” - của của báo Nhân Dân đối với những những đồng nghiệp (hay đồng chí) lỡ thò chân ra khỏi… lề bên phải:

“Năm 1956, Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi lập thành một nhóm. Tháng 9-1956, dựa vào tiền bạc của những phần tử tư sản phản động, bọn chúng xuất bản tờ báo Nhân Văn… Báo Nhân Văn là tờ báo chính trị phản động. Mục đích của tờ báo này là nhằm khích động quần chúng chống lại chế độ dân chủ nhân dân… Sau khi báo Nhân Văn bị đóng cửa, bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An vẫn cấu kết chặt chẽ với nhau và tiếp tục hoạt động gián điệp phá hoại.”

(Nguồn: Nhân Dân, Hà Nội, 21/01/1960, tr. 1, 6. Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn).

Nửa thế kỷ sau, vào ngày 27 tháng 4 năm 2009, trên báo Nhân Dân xuất hiện bài viết “Chung quanh vấn đề khai thác bô - xít ở Tây Nguyên” (của một ông hay bà Xuân Quang nào đó) để cổ vũ cho chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên - cũng cùng với cái giọng điệu “ngậm máu phun người” cố hữu:

Cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ.”

Lập trường của báo Nhân Dân không thay đổi nhưng thế thời thì đã đổi thay… tự lâu rồi. Cùng ngày 27 tháng 4 năm 2009, trên Blog Osin xuất hiện một bài viết ““Bauxite & Báo Nhân Dân” (của tác giả Huy Đức) để  đáp lại cái thứ ngôn ngữ lu loa, ngoa ngoắt của  Xuân Quang. Xin được trích dẫn đôi ba phản hồi ngăn ngắn, đọc được sau bài báo này:

TRUNG NGÔN// 27/04/2009 3:03 am

Tôi rất bàng hoàng khi đọc ý kiến của tác giả Xuân Quang. Một tiếng nói lạc lõng cất lên giữa những tiếng lòng đang từng giờ lo lắng cho vận nước.

cù nèo // 27/04/2009 // 3:10 am

Thằng Xuân Quang từ ngày hôm nay sẽ chính thức được gọi là thằng

bán nước cầu vinh.

Hồ Quốc // 27/04// 4:37 am

Đừng tìm cách giữ đặc quyền đặc lợi cho mình và cho một nhóm người. Lòng dân đã không còn tin vào “Nhân dân” từ lâu rồi. Ít ai thích đọc, còn phát hành được chỉ vì không biết xấu hổ.

Cây gậy có tên gọi là báo Nhân Dân của Đảng CSVN, với thời gian, đã trở thành một… cây củi mục! Nó không còn có thể gây sợ hãi hay gây tai hại cho bất cứ  ai nữa.

Chuyện “báo hại” tới đây kể như đã (hoàn toàn) chấm dứt nhưng chuyện “báo cô” hay còn gọi là cách sống ký sinh thì ngó bộ còn lâu. Coi:

“Trụ sở chính Bộ Biên tập báo Nhân Dân đóng  tại: Nhà số 71, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ quan thường trực tại TP Hồ Chí Minh, tại TP Đà Nẵng, tại TP Cần Thơ…”

“Ngày 21-8-1997, Thường vụ Bộ Chính trị T.Ư Đảng CS Việt Nam đã đồng ý cho phép báo Nhân Dân đặt cơ quan thường trú nước ngoài tại Paris (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bangkok (Thailand).”

“Báo Nhân Dân in tại 8 điểm in (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Đác Lắc, Điện Biên), phát hành trên phạm vi toàn quốc và một số lượng nhất định được gửi ra nước ngoài.”

Sản xuất giấy để… chùi thì chỉ cần nhà máy in là đủ. Chớ mắc mớ chi phải có trụ sở trung ương, cơ quan thường trực tại những thành phố lớn, và những cơ quan thường trú ở Paris, Bankok, Bắc Kinh…?  Đã thế, còn khoe rằng báo Nhân Dân có “một số lượng nhất định được gửi ra… nước ngoài” nữa cơ! Nghe mà ớn chè đậu. Nói sợ ông Đinh Thế Huynh (đương kim TBT báo Nhân Dân) buồn lòng chớ ngoài những nước bạn bè thân thiết như Cu Ba,  Bắc Hàn ra, người dân ở bất cứ một quốc gia khác - kể cả dân Tầu -  không ai có đủ can đảm (dám) đụng tay vào tờ báo (thổ tả) này đâu! Riêng dân Việt chỉ thoáng nhìn thấy nó là đã khối người muốn… ói!

Tưởng Năng Tiến

(*) Michael Hirschorn, “End Times - Can America’s paper of record survive the death of newsprint? Can journalism?”, The Atlantic tháng 1 và 2 năm 2009.

1 nhận xét: