Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Dân chúng có thể nói chuyện đồng vai đồng vế với chính phủ


Dân chúng có thể nói chuyện đồng vai đồng vế với chính phủ magnify

Ngô Nhĩ Khải Hy

Hồi năm 1989, Ngô Nhĩ Khải Hy còn là sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh. Ông từng là một trong các lãnh tụ của phong trào sinh viên thiên dân chủ và đã tham gia cuộc tuyệt thực tại Quảng Trường Thiên An Môn.

Cùng với các đại diện sinh viên khác, ông tham dự vào cuộc "đối thoại" nổi tiếng ngày 19 tháng Năm với ông Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc vào lúc đó.

Sau ngày 4 Tháng Sáu, Khải Hy là một trong số 21 lãnh tụ sinh viên bị chính phủ Trung Quốc truy nã như là tội phạm. Ông đã trốn ra nước ngoài, và hiện nay đang sống ở Đài Loan.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Ngô Nhĩ Khải Hy đã thuật lại từ góc độ bản thân những gì đã xảy ra trong cuộc đối thoại ngày 19 tháng Năm:

Phong trào sinh viên lẽ dĩ nhiên muốn đạt tới các mục tiêu chính trị. Nguyện vọng của chúng tôi vào lúc đó thật rõ ràng và dứt khoát.

Chúng tôi muốn có tại Trung Quốc một tổ chức tương tự như là tổ chức Công đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan, có khả năng trở thành một diễn đàn để quảng bá dân chủ tại Trung Quốc, để quảng bá sinh hoạt dân chủ đa đảng và để quảng bá tự do ngôn luận cũng như một loạt các diễn biến dân chủ khác tại Trung Quốc.

Do đó, tôi thiển nghĩ rằng nếu chúng tôi có cơ hội gây áp lực lên chính phủ , có cơ hội gặp gỡ với các viên chức chính phủ, lẽ dĩ nhiên, chúng tôi rất coi trọng cơ hội này.

Vào ngày hôm ấy, vì tôi tuyệt thực , cho nên tôi bị viêm cơ tim và phải nhập viện. Nhưng tôi trốn khỏi bệnh viện và trở lại Quảng Trường Thiên An Môn. và có gặp Vương Siêu Hoa.

Cô ấy nói với tôi " Anh Khải Hy ơi, tôi tìm anh cả ngày. Chính phủ đã bằng lòng gặp chúng ta rồi"

Khỏi nói quí vị cũng có thể tưởng tượng là lòng chúng tôi tràn trề hy vọng khi chúng tôi bước vào Đại Sảnh Đường Nhân Dân. Tôi còn nhớ rất rõ là cái phòng mà chúng tôi tôi bước vào là Tân Cương Sảnh Đường.

Ðối thoại hay độc thoại?

Tôi ngồi cạnh anh Vương Đán và chúng tôi chờ độ 5 phút trước khi ông Lý Bằng đến. Ông ấy bắt tay tất cả chúng tôi. Ông ấy ngồi xuống và bắt đầu ngồi khuyên răn.

Thành thật mà nói, chúng tôi cảm thấy không thoái mái chút nào vì có thể đoán được một cách dễ dàng kết quả của cuộc gặp gỡ này.

Đây không phải là đối thoại và cũng chẳng phải là thương thảo gì cả . Chắc chắn mọi chuyện đã được quyết định trước cả rồi.

Chúng tôi tự nghĩ: "Ừ thì họ có xếp đặt hay không có xếp đặt trước, thì chúng tôi cũng là các đại diện của giới sinh viên và đại diện cho các nhóm vận động để nói chuyện với chính phủ".

" Nếu như ông Thủ tướng có thái độ ngạo mạn như vậy và cố tình gây áp lực lên chúng tôi, thì xem ra mọi chuyện đang diễn biến không tốt chút nào cho dân chúng".

Lẽ dĩ nhiên, ông Lý Bằng xin lỗi vì đã đến trễ năm phút đồng hồ. Ông nói là vì kẹt xe.

Lý Bằng, ra đây!

Lẽ dĩ nhiên ông đang đổ lỗi cho các cuộc biểu tình của sinh viên đang làm cho Bắc Kinh xáo trộn vào rơi vào một tình trạng vô kỷ cương. Thật ra ông đang đổ lỗi lên chúng tôi.

Tôi trao đỗi với anh Vương Đán một vài câu và rồi quyết định ngắt lời ông Thủ tướng.

Tôi nói với ông ấy:" Tôi rất tiếc là phải ngắt lời ông, ông Thủ tướng ạ. Ông có thể nghĩ rằng ông trễ hẹn có 5 phút mà thôi, nhưng tôi xin phép được nói với ông rằng ông đâu có trễ 5 phút, mà thật ra ông đã trễ hẹn đúng một tháng nay rồi. Tôi muốn đề cập tới cuộc họp mà chúng tôi muốn gặp ông ngày 17 tháng Tư tại Trung Nam Hải kia mà"

(Trung Nam Hải hiện nay vẫn còn là nơi sinh sống và làm việc của các nhân vật chóp bu của chính phủ).

"Và rồi đến ngày 22 tháng Tư trước Đại Sảnh Đường Nhân Dân, chúng tôi đã lấy làm tiếc là tại sao ông không đến nói chuyện với chúng tôi".

"Chúng tôi đã gào thét " Lý Bằng, ra đây".Chúng tôi yêu cầu nói chuyện với ông Thủ tướng Hội Đồng Nhà Nước . Nay, mãi đến ngày 19 tháng 5, ông ấy mới chịu gặp chúng tôi".

"Vậy có phải là ông đã trễ hẹn đúng một tháng không?.

Và rồi ông Lý Bằng lúc đó mới nói với chúng tôi rằng ông ấy muốn nói với chúng tôi, nhưng tôi nói với ông ấy rằng: Hôm nay, chúng tôi mời ông đến đây do đó chúng tôi dành quyền quyết định là chúng tôi nói những gì"

Tôi nghĩ rằng một thái độ cứng rắn vào lúc đó giúp cho chúng tôi tạo ra một thế cân bằng giữa phong trào thiên dân chủ và chính phủ.

Chúng tôi cũng nghĩ rằng khi làm như thế, chúng tôi có thể tạo ra và duy trì một lực ép nào đó lên chính phủ.

Lẽ dĩ nhiên, thái độ này chưa từng xảy ra bao giờ tại Trung Quốc. Và đây cũng là một chuyện tốt khi cộng đồng quốc tế thấy được điều này dù là qua ống kính truyền hình mà thôi.

Thực tế mà nói, chúng tôi không có nghĩ ngợi nhiều lúc ấy, nhất là chuyện tạo ấn tượng đối với thế giới.

Dân chúng có thể nói chuyện đồng vai đồng vế với chính phủ

Tuy nhiên, cái ấn tượng mà chúng tôi tạo ra, cái thái độ mà chúng tôi đã tỏ ra khi là đại diện cho một số rất đông sinh viên - là chúng tôi đã quở trách cái thái độ trịch thượng và ngạo mạn của chính phủ, nhưng cùng lúc chúng tôi đã cho thấy tất cả sự nghiêm túc của chúng tôi là chúng tôi không hề kiêu căng nhưng cũng không khiêm nhường.

Mặc dù cuộc họp này không thực sự đem đến kết quả cụ thể nào, mà thật ra cũng không thể nào đạt được, tuy nhiên cuộc họp này cũng mang đến một ý nghĩa, hoặc một ý nghĩa nào đó xuất phát từ cuộc họp này: đó là "dân chúng có thể nói chuyện đồng vai đồng vế với chính phủ".

Chính điều này đã đem lại một ý nghĩa về lâu về dài cho đất nước Trung Quốc.

Còn đối với bản thân tôi, sau khi tham dự vào một diễn biến có tầm cỡ như vậy và đóng góp vai trò nhỏ bé của tôi, tôi cảm thấy thực sự tự hào.

DinhTanLuc Blog

2 nhận xét:

  1. Hào khí thanh niên thật đáng nể

    Trả lờiXóa
  2. "Ngay từ hôm 26 tháng Tư, bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo đã nói rằng cách hành xử của sinh viên đang gây ra rối loạn. Khi đó, các sinh viên Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình rất lớn dự tính vào ngày hôm sau, 27.05 (1989).

    Ngay từ lúc đó, các nguồn thạo tin bên trong cơ quan tôi đã nói rằng quân đội điều nhiều đơn vị về thủ đô Bắc Kinh. Ngoài quân đoàn 38 thì các lực lượng công an và an ninh địa phương cũng được lệnh sẵn sàng.

    Sẵn sàng làm gì đây? Người ta nói binh lính không nhất thiết sẽ được dùng vào việc đàn áp sinh viên mà quan ngại đầu tiên của nhà nước là làm sao ngăn không cho sinh viên ra khỏi các ký túc xá của họ. Lệnh đầu tiên được đưa ra là ngăn không để sinh viên rời các trường đại học. Chúng tôi thấy rất lo lắng về lệnh đó và cách làm của chính quyền.

    Tôi nhớ rất rõ ngày hôm ấy. Tôi ở trong phòng làm việc, mọi người đến và kể với tôi sinh viên tụ tập ở chỗ nào, làm gì. Các sinh viên đã phá được rào chắn và chạy ra khỏi khu nhà ở của đại học Thanh Hoa.

    Rồi các nguồn tin cứ tăng dần, nào là sinh viên đã đến chỗ này, tới chỗ kia…Đến sau bữa trưa thì tôi nghĩ mình không thể cứ ngồi đây được mà cũng nên ra xem. Tôi nhảy lên xe đạp và phóng đi. Càng tới những phố gần quảng trường thì tôi thấy càng nhiều sinh viên. Họ đi thẳng về hướng tôi. Hai bên đường đầy người. Sinh viên đi đầy dưới đường.

    Tôi nhớ rất rõ đó là nhóm sinh viên từ đại học Thanh Hoa. Họ đi đầu, cầm biểu ngữ. Một số giáo sư tóc đã bạc cũng đi trong nhóm đó. Một vị cầm tấm biểu ngữ có câu tôi nhớ rất rõ: ‘Quỳ gối lâu rồi, nay chúng ta phải duỗi chân cho thẳng’..."


    Cao Văn Khiêm - Viện Văn Học Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc

    Trả lờiXóa