Thư của LS Lê Công Định gửi cho anh Lê Minh Phiếu tháng 4 năm 2008.
Thân gửi Phiếu,
Cho phép tôi được xưng hô thân tình như vậy để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tấm lòng mà bạn dành cho đất nước và cho tinh thần thượng võ của Thế vận hội.
Thật tình tôi không ngạc nhiên trước cách hành xử của Ban tổ chức lễ rước đuốc đối với Phiếu. Nếu họ vẫn tôn trọng cam kết để bạn rước đuốc bình thường theo kế hoạch ban đầu thì ắt hẳn tôi sẽ ngạc nhiên lắm, bởi lẽ như Phiếu biết, để thay đổi một cá nhân theo chiều hướng văn minh còn khó, huống chi cả một quốc gia, đặc biệt các chế độ thường hành xử không theo những chuẩn mực văn minh tối thiểu.
Tôi và Phiếu, cũng như phần đông người Việt Nam ngày nay, từ bé đã từng đọc và say mê tác phẩm Tâm hồn cao thượng của Edmondo de Amicis. Chúng ta lớn lên trong niềm tin vào tâm hồn cao thượng ở cách đối nhân xử thế của mọi người xung quanh, nhất là những bậc trị quốc, kinh bang tế thế. Tôi biết với tâm hồn cao thượng ấy, thay vì từ chối rước đuốc để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc chính trị hóa Olympics, Phiếu vẫn trở về Việt Nam tiếp tục tham gia rước đuốc bất kể nhiều lời kêu gọi đừng về.
Tôi hiểu rằng đến tận giờ phút quan trọng nhất của buổi lễ Phiếu vẫn tin tưởng vào tâm hồn cao thượng mà những bậc trị quốc nên có, lẽ ra phải có hoặc ít ra giả bộ có. Song tiếc thay quan chức Trung Quốc trong Ban tổ chức lễ rước đuốc lại không thừa hưởng nền giáo dục như chúng ta. Họ mang thứ “tâm hồn” khác, não trạng Đại Hán kệch cỡm và nhỏ mọn.
Họ nghĩ bằng cách loại bỏ Phiếu khỏi danh sách rước đuốc, Nhà nước Trung Quốc đã dạy bạn một bài học, như từng dạy Việt Nam vào năm 1979. Họ tưởng đã “tát” Phiếu một phát trời giáng giữa bàn dân thiên hạ để bạn cảm thấy nhục nhã vì dám chọc giận Thiên triều. Sự thô lỗ đó tuy nhiên lại phô bày hết thực trạng tâm hồn và văn hóa của họ trước bàn dân thiên hạ. Tôi tin rằng mọi người đều nhận ra như vậy và điều đó khiến tôi xấu hổ thay cho họ.
Chắc Phiếu đã xem bức ảnh cổ động viên Trung Quốc phi thân đá người biểu tình chống rước đuốc tại Seoul tuần trước? Một người bạn của tôi đã bình luận rằng hậu duệ của Thiếu Lâm Tung Sơn ngàn năm nay lẽ nào chỉ biết ỷ đông hiếp yếu, và thói hành hung người ngang ngược ở nước khác như vậy phản ánh không sai chân dung chính trị và ngoại giao của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay. Lời bình luận ấy quả tình có đôi chút quá đáng, song tôi hiểu vì sao bạn tôi nghĩ như thế!
Nền văn hóa Trung Hoa thực ra không đến nông nỗi ấy, Phiếu ạ. Nếu từng đọc các tác phẩm văn chương Trung Hoa từ cổ chí kim hẳn bạn cũng như tôi đều ngưỡng mộ nền văn minh vĩ đại của dân tộc Hán. Người dân Trung Hoa đã chia sẻ với chúng ta và các dân tộc khác nhiều giá trị và khát vọng tương đồng về lòng bao dung, tinh thần khiêm tốn và thái độ trọng lễ nghĩa. Họ cũng đòi hỏi và trông mong ở những bậc trị quốc tâm hồn cao thượng và đức độ quảng đại.
Tuy nhiên, nếu lần giở sử sách Trung Hoa từ thời Đông Chu Liệt Quốc đến nay, có lẽ Phiếu cũng đồng ý rằng nền chính trị nước này xưa nay không bao giờ thiếu các chính trị gia thâm trầm với mưu sâu tráo trở khôn lường. Các vị lãnh đạo ngồi ở Trung Nam Hải ngày nay không những thừa hưởng đầy đủ truyền thống thâm sâu ấy, mà còn được đào tạo một cách hệ thống từ các trường chính trị trung và cao cấp về ý thức hệ của giai tầng này nọ trong xã hội (như thường tự xưng), nên sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu họ vẫn duy trì lối hành xử cao ngạo, bất nhân và thô bạo, không chỉ riêng với người dân trong nước mà còn cả các dân tộc láng giềng.
Để bảo vệ biên cương tổ quốc và phẩm giá dân tộc, các triều đại trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay đều phải tìm đối sách thích hợp, lúc cương lúc nhu, nhằm đối phó với những thách thức mà nước lân bang khổng lồ này luôn tạo ra. Hiểu như thế ắt Phiếu không còn phiền lòng, mà trái lại biết cần phải làm gì để cùng thế hệ trẻ Việt Nam rèn luyện bản lĩnh hầu đóng góp cho đất nước khi hữu sự.
Lạm bàn miên man cũng đã dài. Chúc Phiếu nhiều may mắn và thành công trong hành trình học vấn của mình. Tương lai đất nước chỉ còn biết trông cậy vào thế hệ trẻ được học hành tử tế như bạn.
Thân mến,
Luật Sư Lê Công Định
Ngày 4/5/2008
một trí thức!
Trả lờiXóa