Bài viết “Goodbye Vietnam” của ông Ed Oshiro, một người Mỹ gốc Nhật, đăng trên tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa thuộc hạt King (King county Medical Society) tại Seattle tháng 11 năm 1996, tố cáo chính quyền VN tham nhũng, tống tiền mà nạn nhân là ông - một người làm việc thiện nguyện tại đó. Ed Oshiro nguyên là phụ tá giám đốc chương trình Giáo dục Y tế của Group Health Corporatives đã tình nguyện qua Việt Nam làm quản lý cho một bệnh xá, một cô nhị viện với 125 trẻ em do tổ chức “Đông Tây hội ngộ” (East Meets West Organization) bảo trợ tại 4 làng nhỏ vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng.
Tổ chức “Đông Tây hội ngộ” (East Meets West Organization) do Lệ Lý Hayslip là sáng lập viên và giám đốc của tổ chức này. Lệ Lý Hayslip cũng là tác giả quyển tự truyện “When Heaven and Earth Changes Places” (tạm dịch Khi trời đất đổi thay), được đạo diễn Oliver Stone dựng thành phim “Trời và Đất”.
Bài viết “Vĩnh biệt Việt Nam” đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tổ chức “Đông Tây hội ngộ”. Người ta tự hỏi hơn 2 triệu đô-la mỗi tháng mà tổ chức “Đông Tây hội ngộ” thu vào, chẳng lẽ chỉ bảo trợ cho một bệnh xá và một cô nhi viện với 125 em bé mồ côi mà Ed Oshiro đã gọi là “những kẻ nghèo nhất trong đám nghèo”? Sau bài viết này, Lê Lý Hayslip không còn giữ chức giám đốc của tổ chức “Đông Tây hội ngộ” nữa.
Trước khi có bản dịch “Goodbye Vietnam” của Lê Tiếu trên Thông Luận, đã từng có bản dịch của Trần Trúc Lâm. Bạn đọc Dân Luận có thể tìm kiếm trên mạng thông qua công cụ tìm kiếm Google với từ khoá “Goodbye Vietnam” hoặc “Ed Oshiro”.
Ba mươi phút sau khi máy bay hàng không Vietnam Airline cất cánh đưa chúng tôi rời phi trường Tân Sơn Nhất ở TP. Sài Gòn, từ trên không trung chúng tôi nhìn ra những cánh đồng khô màu đỏ sẫm phía dưới, cả hai vợ chồng chúng tôi đểu cảm thấy nhẹ nhõm hơn và tự do hơn. Chúng tôi có cảm giác như được thoát khỏi sự sách nhiễu, nào là hăm doạ và bòn rút hằng ngày của các giới cầm quyền (Cộng Sản) Việt Nam, và chúng tôi có cảm giác là trút bỏ được gánh nặng trên vai của ba tháng vừa qua.
Câu chuyện khởi đầu vào mùa thu năm ngoái, khi tôi nhận một công việc điều hành hải ngoại cho Tổ chức (Thiện nguyện) Đông Tây Hội Ngộ hiện đang trông coi một bệnh xá cung cấp dịch vụ y tế cho “những người nghèo nhất” và cho cô nhi viện với 125 trẻ em ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Nhân cơ hội này tôi xin nghỉ việc do chương trình cho về hưu sớm của công ty Group Health. Tôi nghỉ hưu vào Tháng Giêng với ý định là phục vụ tình nguyện y tế tại Việt Nam trong vòng một –hai năm, bắt đầu vào giữa Tháng Giêng.
Công tác tình nguyện của tôi là giúp cho văn phòng y tế được hoạt động đa năng, hiệu quả và hướng dẫn những chương trình giáo dục y tế công cộng cho 4 làng hẻo lánh. Vợ tôi được giao việc giảng dạy mỹ thuật - thể thao cho cô nhi viện, kèm theo việc dạy Anh ngữ cho nhân viên.
Kinh nghiệm đầu tiên chúng tôi học được về nước Việt Nam là khi chúng tôi đáp chuyến bay đến San Francisco để lấy Visa trên lộ trình bay đến Việt Nam. Khi đến San Francisco chúng tôi được khuyến cáo là viên chức Ngoại giao (Cộng Sản) Việt Nam là người cấp visa cho chúng tôi, muốn chúng tôi phải thuê căn hộ của ông tại Đà Nẵng với giá là 700 đô la một tháng, với điều kiện là phải trả trước 6 tháng tiền thuê mướn. Vì chúng tôi không đồng ý nên cán bộ Ngoại Giao từ chối không cấp visa cho chúng tôi. Do đó chúng tôi đành trở về Seatle để Tổ chức này tiếp tục việc thương lượng. Cuối cùng, vào Tháng Hai chúng tôi đạt được thoả thuận là trả trước cho y 4200 đô la, và ông chỉ cấp visa cho 3 tháng thay vì 12 tháng. Rồi chúng tôi khởi hành đến Việt Nam. Khi đến căn hộ ở Đà Nẵng thì mới biết là căn phòng còn đang sửa sang chưa vào ở được nên chúng tôi đành mướn khách sạn với giá 45 đô la một ngày. Khi vào cửa hải quan Việt Nam, tất cả mọi dĩa CD tài liệu, chương trình điện toán của tôi đều bị tịch thâu giam giữ trong 3 tuần và chúng tôi phải trả 40 đô la cho lệ phí “giao dịch”, hẳn là họ đã có đủ thời gian để sao chép lại các chương trình trong CD điện toán để bán ra ngoài.
Ngày làm việc đầu tỉên, tôi nhắc điện thoại để gọi về con gái tôi ở Seatle, Hoa Kỳ, trong lúc trò chuyện với con gái tôi nghe rõ âm thanh nhạc (phim chưởng) trong đường giây điện thoại. Sau đó tôi hỏi nhân viên người Việt thì được biết là công an và quân đội lúc nào cũng theo dõi nghe lén mọi cuộc điện đàm của chúng tôi. Họ cảnh báo là thư từ của chúng tôi đều bị chính quyền kiểm soát, nên phải cẩn thận cách viết. Có lần công an yêu cầu chúng tôi nộp tờ báo cáo tài chính hàng tháng và công an sẽ toàn quyền quyết định gởi hay không gởi.
Sau vài ngày làm việc, cô kế toán người Việt phải đi Florida để làm lễ thành hôn với anh chàng bác sĩ Mỹ là người đã phục vụ tình nguyện tại Đà Nẵng. Chúng tôi thông báo cần người thay thế, ông Giám Đốc gởi đến cho chúng tôi toàn là những người không có kiến thức kế toán và cũng chẳng có khả năng Anh ngữ. Do đó chúng tôi tuyển một nhân viên có bằng kế toán và thông thạo Anh ngữ. Viên chức Giám Đốc và Sở Công An trì hoãn kéo dài thời gian không phê chuẩn cho vào làm việc. Người ta bảo là cô ấy phải hối lộ cho họ một khoản tiền nào đó hay thoả thuận trích tiền lương hàng tháng của cô để chia cho họ.
Chúng tôi được biết là tất cả nhân viên người Việt đều phải trích một phần tiền lương để chia cho công an, đảng viên, các quan chức nhà nước v.v. Đã mấy lần tên công an đến văn phòng chúng tôi hạch hỏi là tại sao chúng tôi từ chối không mướn người của họ gởi đến?
Tình cờ, có một bác sĩ Việt Nam nộp đơn xin việc kế toán vì anh ta không có việc làm trong 5 năm qua. Hình như có hàng trăm bác sĩ bị thất nghiệp như anh cho dù họ là người được trả lương hạng bét khi hành nghề ở Việt Nam với mức lương là 30 đô la một tháng. Tôi vẫn không hiểu tại sao lại có nhiều bác sĩ bị thất nghiệp như vậy. Tôi được biết là để được thực tập, và tạo kinh nghiệm để hành nghề họ phải nộp vào quỹ chi phí 1500 đô la để được thực tập và lấy thêm kinh nghiệm ở bệnh viện sau khi học xong. Nếu không qua chương trình thực tập thì kể như không có việc làm. Tôi được biết là những người Miền Nam thường bị loại và bị phân biệt đối xử, nhất là những người xuất thân từ gia đình thuộc chế độ VNCH. Hầu hết những bác sĩ người Miền Nam mà chúng tôi gặp đều bị thất nghiệp.
Lúc còn ở Hoa Kỳ, trong buổi họp giới thiệu chương trình, chúng tôi được cảnh báo là các bác sĩ của chương trình Làng Y Tế Hoà Bình đều biếng nhác, không biết cầu tiến, họ chỉ biết viết toa thuốc bổ vitamin mà thôi. Sau vài ngày làm việc chung với họ, tôi nhận thấy họ rất thông minh, rất hăng say học hỏi về y dược và sẵn sàng đón nhận mọi giúp đỡ để được trở thành một bác sĩ giỏi. Nhưng tiếc thay, chương trình đào tạo y khoa mà họ thu nhập được quá thấp kém và quá nhiều thiếu sót nên họ chỉ có khả năng ghi toa cấp thuốc bổ vitamin cho bất cứ bệnh gì.
Mỗi tuần các bác sĩ đi đến các làng lân cận để săn sóc y tế cho dân làng. Có vài lần tôi đi theo họ thì thấy là họ chỉ toàn ghi toa thuốc bổ vitamin cấp cho các loại bệnh như: bệnh sốt rét, bệnh mù lòa, nóng sốt, bệnh sán lãi, bệnh đi tiểu ra máu, bệnh tiêu chảy v.v. Các bác sĩ này đâu biết phải làm sao hơn vì họ hoàn toàn không có thuốc men, ngoài trừ vài chai thuốc trụ sinh Ampicillin. Các bác sĩ lý luận là họ có bổn phận phải cấp toa thuốc cho bệnh nhân để bệnh nhân cầm về; do đó họ đành cấp toa thuốc bổ vitamin. Họ nói cũng có lý. Ở đây, thuốc trụ sinh có thể mua được dễ dàng không cần toa bác sĩ nên nhà nào cũng thủ sẵn vài chai thuốc trụ sinh trong nhà. Ngay cả người thông dịch viên của tôi cũng dùng thuốc trụ sinh để chữa bệnh nhức đầu, cảm cúm, tiêu chảy, đau lưng, hay lúc khó chịu trong người.
Một bác sĩ chuyên về sản phụ khoa cho phụ nữ từ San Diego đã đến bệnh xá địa phương này, ông huấn luyện các bác sĩ cách sử dụng “mỏ vịt” để khám bệnh phụ nữ. Một năm sau, ông trở lại quan sát thì biết là không ai dùng dụng cụ “mỏ vịt” để khám bệnh. Vị bác sĩ này tức giận, báo cáo lên Ban Quản Trị của Chương Trình Đông Tây Hội Ngộ tại San Francisco là các bác sĩ biếng nhác, không biết cầu tiến. Tôi gởi bài tường trinh lên Ban Quản Trị yêu cầu vị bác sĩ đó trưng bằng chứng. Lý do là không ai có thể học nghề khám bệnh phụ khoa trong vài hôm thành công được và nhân viên phòng thí nghiệm chỉ có khả năng để làm vài ba thử nghiệm đơn giản. Cho dù họ có tài năng để chuẩn đúng bệnh lý thì cũng không có thuốc men hay dụng cụ y khoa để chữa trị. Tại sao phải tìm đúng bệnh trong lúc không có phương tiện để trị liệu? Tôi cảm thấy là một vài bác sĩ Hoa Kỳ phục vụ tình nguyện cho chương trình Làng Y tế Hoà Bình không tế nhị và gây tác hại thay vì làm việc hữu ích.
Sau khi ổn định công việc, tôi đến họp với ông Giám Đốc Y Tế và đề nghị với ông chương trình hướng dẫn y tế cộng đồng thí điểm cho 4 làng và ông ấy tỏ vẻ rất hoan nghênh. Ông ta nhận bản hồ sơ dự thảo của tôi và bảo sẽ bàn thảo với Uỷ Ban Nhân Dân. Sau đó ông sẽ cho tôi biết kết quả. Hai tuần sau tôi nhận được thư trả lời là họ đã đồng ý và Ông Giám Đốc sẽ bổ túc thêm văn kiện và họ đòi hỏi tôi phải trả cho họ 20000 đô la. Tôi trả lời là tôi không có tiền, tôi đóng góp bằng trí tuệ, thời gian, và lòng nhiệt thành phục vụ để huấn luyện các chuyên viên y tế. Nhưng họ không thiết tha gì đến công sức đóng góp của tôi – họ chỉ muốn tiền. Và họ chẳng bao giờ mời tôi đến Sở Y Tế thêm lần nào nữa.
Khi tôi đến ngôi làng đầu tiên để khởi đầu việc thực hiện y tế cộng đồng, tìm hiểu nhu cầu y tế của dân làng, tôi gặp ông Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân và ông ta dẫn tôi đi thăm những gia đình nghèo nhất trong làng. Mỗi nhà mà chúng tôi đến, ông bắt chúng tôi phải làm quà cho gia đình đó những gì họ cần, thí dụ như: làm cái nóc nhà mới, đào cái giếng mới, cất cái nhà mới, cho tiền mua gạo, quần áo, xe lăn, v.v. Tôi phải nhắc đi nhắc lại là tôi đến đây không phải để cho tiền, sau đó tên Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân nói với người thông dịch là tôi hãy cút đi khỏi làng.
Ở một làng khác, bọn cầm quyền đòi hỏi chúng tôi phải cung cấp ngân khoản để xây một trường học mới, và khi họ biết ra là tôi không có tiền để đáp ứng cho đòi hỏi của họ, họ liền bắt giam tôi và cấm tôi không được rời trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân. Tôi bị giam giữ qua đêm tại đó. Họ bắt tôi nằm ngủ trên cái sàn gỗ dơ bẩn của trụ sở với cái mền rách nát. Ngoài ra họ cử một tên công an cụt tay vì trúng mìn nằm bên cạnh canh gác tôi. Khổ cho thân tôi là tên công an đó trọn đêm hắn nằm kế bên, hắn gác cánh tay cụt đó lên bụng tôi và ngủ ngon lành. Cả đêm tôi trằn trọc không ngủ được, đầu óc tôi liên tưởng đến việc đang xảy ra. Không ai có thể tưởng tượng là tôi phải nằm ngủ trên sàn nhà của trụ sở của Đảng Cộng Sản và tên công an nằm sát một bên, gát cánh tay cụt lên bụng tôi suốt đêm! Đó là đêm hãi hùng và kinh dị nhất trong đời tôi. Tôi cứ ngỡ là đang bị ác mộng.
Suốt thời gian ở khách sạn chúng tôi phải đi ra ngoài ăn uống. Có một quán ăn ở Đà Nẵng có thức ăn tạm an toàn cho du khách là nhà hàng Christies. Và đêm nào tôi cũng gặp toán Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến ăn. Họ đi công tác đến Việt Nam tìm quân nhân Hoa Kỳ mất tich (MIA/POWS). Họ nói là bất cứ làng nào cũng đều có mánh khoé để gạt họ. Mấy tên Uỷ Viên Nhân Dân đều nói là có 2-3 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ chết ở ruộng trong thời gian chiến tranh. Và chúng tôi phải chi ít nhất 10000 đô la để đào xới ruộng và mướn nhân công địa phương. Các giới chức Hoa Kỳ cho biết là từ năm 1991 cho đến nay không tìm được hài cốt nào, và không tin là sẽ tìm ra vật gì cả. Mấy tên cán bộ đòi hỏi toán tìm hài cốt phải ở tại khách sạn của Quân Đội Nhân Dân với giá là 75 đô la tiền phòng cho mỗi đêm, và phải trả tiền thuê trực thăng quân đội đưa đón là 750 đô la /1 giờ. Có 30 quân nhân Hoa Kỳ đang làm công tác tìm hài cốt MIA’s tại Đà Nẵng và các thành phố lớn cũng có những toán khác cũng đang tìm hài cốt MIA. Hàng triệu đô la Mỹ đã đổ vào đó và giới lãnh đạo Việt Nam cười hả hê khi họ đem tiền đến gởi ngân hàng.
Sau vài tháng, chúng tôi thấy họ lộ rõ thái độ là không cần chúng tôi có mặt tại Việt Nam. Cô Nhi Viện được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ dồi dào, và nhân viên trưởng làm việc rất đắc lực. Tại nơi đây học trò được huấn nghệ ngành thợ mộc, thợ may, điện toán v.v. và có một bác sĩ làm việc toàn thời gian để săn sóc sức khoẻ cho các em. Các em được cung cấp sân chơi bóng rổ, bóng bàn, TV, máy Video, xe đạp, máy điện toán, có vườn rau, nuôi gà, nuôi heo để thu hoạch. Nhiều người Việt Nam nói là bọn trẻ này được sống sung sướng hơn những đứa trẻ Việt Nam khác.
Tôi cố gắng tăng lương cho các bác sĩ Việt Nam, còn các nhân viên khác của bệnh xá được trả lương từ 30-50 đô la /1 tháng. Chính quyền đòi hỏi chúng tôi phải trả lương đồng giá cho tất cả mọi người dù là bác sĩ hay người quét dọn. Tôi cũng giúp triển khai chương trình huấn luyện dài hạn cho các bác sĩ. Một bác sĩ chuyên khoa về tim của Nhật tài trợ cho chương trình tu nghiệp hằng năm, và Bệnh Viện Osaka tại Nhật sẽ nhận 1 bác sĩ Việt Nam của Chương Trình Y Tế Hoà Bình đến làm việc trong 6 tháng, chương trình tu nghiệp này sẽ luân phiên trong vài năm tới. Người bác sĩ Việt Nam đầu tiên đi Osaka, Nhật vào Tháng Sáu. Tôi liên lạc với bệnh viện ở Huế để yêu cầu họ nhận bác sĩ thực tập và chúng tôi sẽ trả cho chi phí huấn luyện. Tôi đã nộp dự án này cho Ban Quản Trị Tổ Chức (Thiện nguyện) Đông Tây Hội Họp trước khi tôi rời Việt Nam. Hy vọng là họ sẽ đồng ý và bỏ phiếu tán đồng. Tôi thấy chi phí đào tạo bác sĩ chỉ tốn 1600 đô là tương đối rẻ.
Sau vài tuần chúng tôi định cư ở Đà Nẵng thì ông Giám Đốc Ngoại Vụ đòi chúng tôi đưa thêm tiền để sửa sang căn hộ và mua bàn ghế. Chúng tôi đều hiểu là một bác sĩ Việt Nam lãnh lương 30 đô la /1 tháng thì chi phí tiền phòng chỉ độ 10-15 đô la, do đó chúng tôi từ chối khéo.Từ đó, ông ta siết chặt gọng kềm và kiểm soát chúng tôi gắt gao. Chúng tôi phải báo cáo chi tiết việc làm mỗi giờ và phải nộp báo cáo này 2 tuần trước khi bắt tay vào việc. Ông ta cũng từ chối không gia hạn thêm visa của chúng tôi, và doạ nạt các nhân viên người Việt đang làm tại bệnh xá.
Sau 3 tháng đến Việt Nam, Ông Giám Đốc Ngoại Vụ thông báo là chúng tôi có thể dọn vào căn hộ ông cho mướn. Chúng tôi dọn vào ở duy nhất chỉ được một đêm. Căn hộ ông cho thuê vẫn chưa sửa xong, giây điện còn treo lủng lẳng trên trần nhà, tường mới sơn phết chỉ một góc, không có bắc hệ thống ống nước, không có bàn ghế, và gián bò lổn nhổn khắp nơi. Chỉ trong vài phút, tôi dùng hết hộp thuốc diệt gián, sau đó cả đàn gián bò ra ngổn ngang che lấp sàn nhà, con gián nào cũng dài 2 inches say thuốc lật ngửa nằm ngo ngoe. Ngày hôm sau, chúng tôi lật đật di chuyển trở về khách sạn. Ông Giám Đốc Ngoại Vụ giận dữ và khuyên chúng tôi nên rời Việt Nam nếu chúng tôi không hài lòng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi kinh nghiệm được cảm giác sợ hãi. Chúng tôi biết là ông Giám Đốc có thể bắt giam chúng tôi, hay dàn xếp tạo tại nạn hại chúng tôi và không ai can thiệp được.
Khi biết được là họ không cần chúng tôi đến đây, sự đóng góp của chúng tôi là không có giá trị đối với họ, và an ninh của cá nhân chúng tôi bị đe doạ một cách lộ liễu, chúng tôi quyết định phải rời Việt Nam. Chúng tôi bị dằn vặt về quyết định ra đi vì chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thiết với nhóm trẻ mồ côi, và các nhân viên của cô nhi viện, nhân viên của Làng Y Tế Hoà Bình. Chúng tôi có nhiều cảm tình với người dân Việt Nam, với đất nước Việt Nam tuyệt đẹp này. Chúng tôi ước ao ngày nào đó sẽ trở lại Việt Nam để hoàn tất chương trình còn dang dở.
Mong sao thế hệ lãnh đạo này thoái lui để cho dân tộc Việt Nam thoát kén, trỗi dậy tung đôi cánh bướm sặc sỡ của vùng trời Đông Nam Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét