Vào hôm nay 17/8, một cuộc đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện này diễn ra vào lúc Hoa Kỳ không ngừng thể hiện bằng những hành động cụ thể quyết tâm hiện diện mạnh mẽ trở lại trong vùng Đông Nam Á, sau một thời gian dài lơ là, để yên cho Trung Quốc bành trướng thế lực.
Thái độ quyết đoán hơn của Hoa Kỳ, đặc biệt trên vấn để Biển Đông, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên khoảng 80% diện tích, đã được Việt Nam cùng khối ASEAN tán đồng, cho dù đôi lúc có nước như Philippines cho rằng Hoa Kỳ không nên nhập cuộc.
Trả lời câu hỏi của RFI về chính sách có thể gọi là “mới” của Mỹ về Đông Nam Á, giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại Học George Mason – tiểu bang Virginia – Hoa Kỳ đã cho rằng chính quyền Mỹ hiện đã có quyết tâm “trở lại’’ vùng Đông Nam Á, vấn đề là ASEAN cần phải đoàn kết với nhau và sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ của Mỹ.
Riêng về vùng Biển Đông, giáo sư Hùng nhận thấy là Việt Nam đang trở thành đối tượng chủ yếu bị Trung Quốc chèn ép. Ông không loại trừ nguy cơ Trung Quốc sử dụng võ lực, đánh ‘’một cú nhanh’’ để đặt Việt Nam trước một sự đã rồi. Trong tình hình đó, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng kết luận là sự can dự của Hoa Kỳ bên cạnh Việt Nam có thể giúp Hà Nội giảm bớt nguy cơ đó.
Hoa Kỳ sẽ giúp, nếu Việt Nam chứng tỏ ý muốn và khả năng độc lập
Cái đó tùy thuộc hai yếu tố : Về phía Hoa Kỳ thì rõ rệt chính quyền Obama đã có chính sách nói là “Chúng tôi sẽ trở lại Đông Nam Á”. Kế đến là “Chúng tôi sẽ bảo vệ tự do lưu thông hàng hải”. Và thứ ba là “Trung Quốc mà chống chuyện đó thì chúng tôi không chấp nhận”.
Nhưng chính sách của Mỹ sẽ tùy thuộc vào các phản ứng và sự đóng góp của các quốc gia Đông Nam Á. Nếu Việt Nam chứng tỏ là mình muốn độc lập và mình có khả năng độc lập - như Việt Nam đang cố gắng làm - thì Hoa Kỳ sẽ giúp.
Và điều quan trọng nữa là thái độ của khối Đông Nam Á. Từ lâu nay ASEAN là một khối đồng sàng dị mộng, nhưng gần đây chúng ta đã thấy là từ Hội nghị Shangri-La họ tương đối hợp tác với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn thấy có những “anh” có vẻ muốn xé rào, thì đó là một yếu tố yếu để cho Trung Quốc có thể lợi dụng.
Hoa Kỳ đang chờ xem các quốc gia Đông Nam Á làm như thế nào.
ASEAN: Bất mãn TQ nhưng chờ Hoa Kỳ cứng rắn mới dám lên tiếng
Nó khác hơn là bởi vì trước tháng 05/2009 thì một số quốc gia, thứ nhất là Nam Dương (Indonesia) không có quyền lợi gì (ở Biển Đông) cả. Một số nước như Phi Luật Tân (Philippines) thì muốn ăn mảnh.
Nhưng từ khi Trung Quốc, vì cái deadline (thời hạn) của Liên Hiệp Quốc phải đưa đề nghị về chủ quyền của mình, thì họ tuyên bố lãnh vực chủ quyền của họ lấn đến 80% Biển Đông, do đó ảnh hưởng đến cái khu vực kinh tế, chủ quyền kinh tế của mọi quốc gia. Cho nên các nước Đông Nam Á phải bực mình.
Khi họ bực mình, họ chờ xem Mỹ có phản ứng thế nào. Thì khi trước hội nghị Shangri-la, khi nghe Mỹ nói rằng sẽ có thái độ cứng rắn thì các quốc gia Đông Nam Á mới dám lên tiếng.
Thái độ Philippines: Vẫn muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông
Tôi nghĩ rằng phải chờ xem thái độ đó có phải là ăn mảnh thật hay không. Nhưng mà nhìn chung, ta thấy có hai chuyện xẩy ra. Thứ nhất là một đằng Philippines nói Mỹ không cần can thiệp, nhưng một đằng khác họ muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, muốn biến cái quy tắc ứng xử thành luật lệ ứng xử, tức là biến cái “declaration”, cái tuyên ngôn (DOC : Tuyên bố về các quy tắc ứng xử trên Biền Đông) , thành cái quy tắc ứng xử, “Code of Conduct” (COC). Nếu được điều đó thì vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết ít nhất về phương diện pháp lý, trên căn bản hoà bình.... Tức là Philippines bỏ tay này để lấy tay khác.
Nếu trừng trị được Việt Nam, các nước khác sẽ nghe theo Trung Quốc
Trước chủ trương quốc tế hoá vấn đề Biển Đông mà Hoa Kỳ tuyên bố khá công khai rõ ràng, liệu Trung Quốc có lùi bước hay không ?
Báo chí Trung Quốc đã từng đưa ra những cái gọi là giả thuyết hay là cách đề nghị giải quyết, theo đó thì cái gì có tính chất đa phương thì giải quyết đa phương, ví dụ như vấn đề tự do lưu thông, vấn đề chống hải tặc, cứu nạn v.v., nhưng cái gì có tính cách song phương, thì phải giải quyết song phương. Nói tóm lại thì vấn đề chủ quyền, Trung Quốc muốn giải quyết song phương để có thể “dí” từng nước một.
Chính Trung Quốc cũng đã chỉ ra là Việt Nam là cái nước còn nắm giữ 29 hòn đảo trong khi đó Trung Quốc chỉ có 5 hòn đá thôi, Việt Nam là nước nguy hiểm nhất và phải “trị” trước. Nếu trừng trị được Việt Nam, thì các quốc gia khác sẽ phải xếp hàng theo.
Chính sách Trung Quốc: Ép Việt Nam, nhưng tránh đương đầu với Mỹ
Theo ý tôi tranh chấp bùng lên sẽ không có lớn bởi vì Trung Quốc không có khả năng đối đầu với Mỹ. Và chính các nhà chiến lược gia Trung Quốc cũng khuyên là nên tránh đương đầu với Mỹ, mà chỉ nên ép Việt Nam thôi. Ép Việt Nam thế nào mà đừng phải đương đầu với Mỹ, đó là chính sách của Trung Quốc hiện nay.
Việc tàu chiến Mỹ ra vào giúp Việt Nam tránh được một "cú đánh nhanh" của Trung Quốc
Trong tình hình đó thì Việt Nam phải ứng phó thế nào ?
Việt Nam theo các chuyên gia thì tôi thấy không biết làm sao, nhưng mà theo ý kiến riêng của tôi, thì tôi thấy rằng Việt Nam đã làm được một số việc. Thứ nhất là đã quốc tế hóa vấn đề này, thứ hai là đã tăng cường khả năng để mà nếu Trung Quốc tấn công thì sẽ gây ra tình huống rất ồn ào, sẽ bị những tổn thiệt.
Và điểm thứ ba là nguy cơ lớn nhất mà Việt Nam phải đối phó, theo tôi, đó là Trung Quốc có thể làm một cú nhanh, một cái động thái nào đó đặt Việt Nam trước một sự đã rồi. Vì lý do đó mà trong trường hợp hiện nay, tàu chiến Mỹ cứ đi ra vào Việt Nam cũng là một động thái có thể giúp cho điều đó đỡ xẩy ra nhiều hơn.
Trọng Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét