Trong cùng một ngày – ngày 30 tháng 7 năm 2010 – trên hai trang web (Dân Luận & Bauxite Việt Nam) người dân được biết thêm chút đỉnh về học vị, và bằng cấp của ba quan chức sau đây: ông Võ Kim Cự, ông Nguyễn Thế Nhật (Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) và ông Nguyễn Văn Ngọc (Phó Bí thư tỉnh ủy Yên Bái.)
Vài tuần lễ trước, vào hôm 11 tháng 6 năm 2010, trên diễn đàn Người Đưa Tin, thiên hạ cũng đã có điều dị nghị: “Thủ tướng lấy bằng Cử nhân Luật ở đâu ra vậy?”
Đây là bốn đảng viên mới nhất, chứ không phải là duy nhất (của Đảng ĐCSVN) bị có nghi vấn về bằng cấp và học vị ghi (đại) trong tiểu sử. Sau lời tuyên bố của một đảng viên CS khác, ĐB Trần Tiến Cảnh (“Các nước có IQ cao đều làm đường sắt cao tốc”) dân Việt bỗng trở nên bức xúc – thấy rõ – về thương số thông minh của những người lãnh đạo, và đại biểu (phần lớn đều là đảng viên CS) ở xứ sở này.
Nói chung, dư luận đánh giá không cao thương số IQ của giới người này qua bằng cấp (giả) cũng như qua những lời phát biểu (linh tinh) của họ:
- Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ.
- Không phải nhiều đảng thì nhiều dân chủ.
- Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá.
- Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ trả nợ thay.
- Nếu cán bộ chính phủ làm sai mà cách chức ngay thì bầu không kịp.
Trong phần phản hồi dưới bài viết “Nụ cười thiếu muối” của blogger Đào Tuấn, một độc giả đã đặt câu hỏi: “Đố các bạn biết, chỉ số IQ của bác Hùng (Phó Thủ tướng thường trực) và chỉ số IQ của bác Cảnh (Đại biểu quốc hội tỉnh Hà Nam), chỉ số IQ của bác nào cao hơn?”
Blogger Trương Tuần cũng bầy tỏ sự nghi ngại tương tự:
Hà Nam danh giá nhất ông cò
Nay thêm Nghị Cảnh quả là lo
Chỉ số IQ hình như thấp
Ăn ốc hay sao thích nói mò…
Đánh giá tha nhân qua thương số thông minh, dù “cho” điểm thấp – hoặc không cao lắm – là một cách hành sử… rất Tây và cũng rất (ư) là lịch sự. Dân Việt, xem ra, không mấy ai ứng xử lịch sự và ăn nói tế nhị như thế. Ông Kami là một thí dụ điển hình:
“Đọc lời phát biểu… kèm theo tấm hình của ông Trần Tiến Cảnh trong cuộc họp, nếu ai đó có chút hiểu biết về tướng mặt thì cũng được anủi, vì câu phát biểu ấy nó cũng ngu không kém những gì hiện trên bộmặt của ông ta.”
Ông Lê Diễn Đức cũng không khá hơn được bao nhiêu:
“Tôi đã đọc bài viết “Hiểu nhân quyền Việt Nam thế nào cho đúng” của Hưởng trên Tạp chí Nhân quyền mới xuất bản còn thơm mùi mực in, đang được tập đoàn Ba Đình khua chiêng, gõ mõ, điếc cả màng tai thiên hạ. Nói thiệt, chửi y ngu chỉ tổ phí thời gian.”
Và nói đến thế thì kể như là… hết thuốc! Tuy nhiên, không phải vì thế mà giải quyết được hết băn khoăn (chung) của cả nước hiện nay: “Tụi nó ăn cái gì mà ngu dữ vậy, Trời?”
Câu hỏi vừa nêu không có lời giải đáp, trong giới hàn lâm, chỉ được ông nông dân Hai Lúa giải thích – qua câu chuyện kể – như sau:
Một ông nhà giàu nọ bị bệnh nan y sắp chết, bác sĩ Tề nói muốn sống thì phải thay nội tạng. Ông ta lập tức bay ra chợ đen nội tạng bên Trung Quốc. Đầu tiên, ông ta vào tiệm bán tim. Tại đây, tim các loại có đủ cả: tim bác sĩ, tim nông dân, tim công nhân, tim luật sư, tim thầy giáo… nhưng mắc nhất trong cửa hàng là một trái tim cộng sản.
“Sao tim này mắc dữ vậy, bộ nó tốt lắm hả?“
“Cái này hổng phải nó tốt mà là nó hiếm.“
“Sao hiếm?“
“Ây dà, nị hông thấy sao? Cả ngàn thằng cộng sản mới có một thằng có tim đó chớ. Vậy là nó hiếm rồi. Hàng hiếm đó, mua đi.”
Ông nhà giàu mua trái tim cộng sản. Sau đó, qua tiệm bán bao tử. Ởđây cũng có đủ loại: bao tử lính, bao tử dân nghèo, bao tử dân giàu… nhưng mắc nhất là bao tử của quan chức nhà nước cộng sản. Rút kinh nghiệm tiệm bán tim, ông ta hỏi chủ tiệm:
“Cái này nó hiếm nên mắc phải không?“
“Cái này hổng hiếm nhưng mà nó tốt!“
“Tốt ra sao?”
“Tốt lắm chứ! Xi măng, sắt thép, tiền bạc, mỡ thối, mỡ bẩn gì, kể cả sĩ diện và lương tâm bỏ vô nó cũng tiêu hóa hết. Tốt lắm đó, mua đi.“
Ông nhà giàu mua cái bao tử luôn. Cuối cùng, chỉ còn tiệm bán não.Ở đây cũng có đủ loại não nhưng mắc nhất cũng là não của người cộng sản. Lần này, vừa thấy cái não mắc nhất đó, ông ta nói ngay:
“Lấy tôi cái này, cái này mắc vậy chắc vừa hiếm lại vừa tốt?“
“Nị khéo chọn ghê! Cả triệu thằng cộng sản mới có một thằng có não, mà nó ít khi xài tới lắm nên còn mới! Còn tốt ở chỗ là mỗi khi nó động não suy nghĩ tức là nó sắp có tiền!”
Có não mà ít khi động tới thì không riêng gì IQ thấp mà những chỉ số thông minh khác, như EQ (ecologial quotient) chả hạn, cũng rất khó cao. EQ dùng để trắc nghiệm sự thông minh về sinh thái. Khái niệm này được tác giả cuốn Ecological Intelligence diễn giải như sau:
“Ecological refers to an understanding of organisms and their ecosystems, and intelligence connotes the capacity to learn from experience and deal effectively with our environment. Ecological intelligence lets us apply what we learn about how human activity impinges on ecosystems so as to do less harm and once again to live sustain able y in our niche — these days the entire planet.”[1]
Sự thông minh về sinh thái (ecological intelligence) của những người đang cầm quyền ở Việt Nam có thể được đánh giá qua câu chuyện của một dòng sông – sông Thị Vải. Trong bài “Từ sông Thị Vải đến sông Thị Tính…” phóng viên Trần Việt cho biết:
“Trong một cuộc hội thảo trước đây, người ta đưa ra số liệu giật mình, với 154 khu công nghiệp trên cả nước, nhưng chỉ có 39 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là đang xây dựng hoặc có… kế hoạch xây dựng. Thậm chí, có tới 61 KCN còn chưa có cảkế hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm gần 40% tổng số KNC cả nước.”
Ai cho phép, và ai có quyền cho phép, hai phần ba (115) khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải được hoạt động tại Việt Nam? Câu hỏi vừa nêu, tự nó, nói lên được tỉ số EQ của giới lãnh đạo ở đất nước này.
Riêng công ty Vedan, theo tường thuật của hai nhà báo Tường Thắng và Hải Minh “hoạt động tại Việt Nam (1994 – 2009), không biết vô tình hay hữu ý, Vedan làm ‘chết’ gần 20 km sông Thị Vải. Cá tôm không thể sống sót, mùi hôi nồng nặc, nhiều nông dân không còn kế sinh nhai. Khi sự việc chưa được giải quyết rốt ráo thì công ty này đã được đề nghị khen thưởng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng…”
Sau chuyện cấp giấy cho phép công ty Vedan hoạt động, chuyện “đề nghịkhen thưởng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng…” là một minh chứng hùng hồn (khác) về sự thông minh sinh thái của những người cộng sản Việt Nam. Đề nghị này, cuối cùng, không được thực hiện. Đã thế, nó còn khiến cho một nhân viên thư ký đánh máy bị mất việc vì “đánh máy nhầm” tên của công ty Vedan vào giấy khen thưởng đã… ký sẵn!
Câu chuyện dòng sông Thị Vải, công ty Vedan, và thương số EQ… – xem chừng – còn lâu mới tới hồi kết thúc. Ngày 1 tháng 8 năm 2010 vừa qua, trên diễn đàn talawas, vừa có bài viết (“Theo đóm ăn tàn”) của tác giả Lê Quốc Trinh cập nhật nhiều sự kiện liên quan đến những vấn đề thượng dẫn. Xin được ghi lại một đoạn ngắn:
“Sự kiện công ty Vedan thải chất độc ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường kéo dài từ hơn hai năm nay, báo chí trong nước ỳ sèo, hai bên (Nhà nước và tập đoàn lãnh đạo Vedan) giằng co suốt mấy tháng trời, tưởng chừng không có giải pháp khả thi nào để hỗ trợ dân nghèo bịthiệt hại. Mới tháng trước đây, hàng trăm hộ dân nghèo đã muốn tỏ ý rút lui, bãi bỏ khiếu kiện, chỉ vì án phí Nhà nước quá cao, và chẳng thấy ma nào lên tiếng ủng hộ họ, chỉ còn một ông nông dân còn bám trụ (ông Nguyễn Lam Sơn) và hình như chỉ có một vị luật sư quả cảm dám đứng ra hỗ trợ cho ông này!
Thế nhưng, khi Hoa Kỳ tuyên bố nhảy vào vòng chiến trên Biển Đông, siêu hàng không mẫu hạm USS G. Washington vừa mới tham gia tập trận trên vùng Hoàng Hải được mấy hôm, bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa đọc diễn văn hùng hồn ở thủ đô Hà Nội xong thì… đột nhiên ngọn gió tâm lý đã đổi hướng 180 độ ngay. Trong khi Trung Quốc hung hăng thực hành tiếp cuộc tập trận lần thứ hai trên biển Hoàng Hải, thì tại Việt Nam, công ty Vedan bắt đầu xuống giọng và đềnghị tăng tiền bồi thường lên gấp đôi (từ 56 tỷ lên đến 130 tỷ đồng), và… Ôi chao! Cả chục luật sư ào ào xông ra đòi biện hộ cho các gia đình nông dân. Ngoạn mục hơn nữa là chính ông Bộ trưởng Tài nguyên Phạm Khôi Nguyên cũng ‘nóng máu’ làm ngay một buổi họp báo, tuyên bố dứt điểm với Vedan vì nắm chắc phần thắng ‘trăm phần trăm’. Ra là thế đấy, Vedan chịu tăng tiền bồi thường lên gấp đôi, cảtrăm tỷ đồng, đâu có ít, cho nên người ta phải lợi dụng thời cơ nhảy vào ‘đớp hít’ chứ, cơ cấu Xã Hội Chủ Nghĩa chạy theo mô hình kinh tếthị trường mà lỵ!”
Nhận xét chủ quan của Lê Quốc Trinh về cách hành xử (“theo đóm ăn tàn”) của các quan chức Việt Nam, đặc biệt là ông Bộ trưởng Tài nguyên Phạm Khôi Nguyên (chả may) hoàn toàn trùng hợp với kết luận trong câu chuyện (tiếu lâm) của ông nông dân Hai Lúa: “Cả triệu thằng cộng sản mới có một thằng có não, mà nó ít khi xài tới lắm nên còn mới! Còn tốt ở chỗ là mỗi khi nó động não suy nghĩ tức là nó sắp có tiền!”
© 2010 Tưởng Năng Tiến
© 2010 talawas
[1] “Sinh thái học là nhận thức về cơ thể của muôn loài và hệ sinh thái của chúng, còn hiểu biết là khả năng học hỏi từ kinh nghiệm và xử lí môi trường của chúng ta một cách có hiệu quả. Hiểu biết về mặt sinh thái học tạo điều kiện cho chúng ta áp dụng những kiến thức của chúng ta về ảnh hưởng của hoạt động của con người đối với các hệ sinh thái nhằm giảm nhẹ những tác động tiêu cực và để có thể duy trì được đời sống trên toàn bộ hành tinh – tổ ấm của tất cả chúng ta.” Đoạn văn này do Phạm Minh Ngọc chuyển ngữ, và được trích dẫn từ Ecological Intelligence của Daniel Goleman (Broadway Business xuất bản năm 2009). Ông cũng là tác giả của cuốn best seller Emotional Intelligence (Bantam Books xuất bản năm 1995).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét