Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: Sự đoàn kết bắt buộc của chuồng cừu

Hoàng Ngọc-Tuấn thực hiện

Dưới đây là những câu hỏi do Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ra để phỏng vấn các nhà văn Việt Nam trong nước và ngoài nước nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Những câu hỏi này được gửi đến rất nhiều người, cả những người đang là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn những người ở bên ngoài Hội. Những bài trả lời sẽ được đăng trên talawas và Tiền Vệ.

_________________

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)…”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

Nguyễn Đăng Thường: Chưa được thấy tận mắt nên phải dè dặt không dám “nói ẩu”. Tuy nhiên chắc nó cũng sẽ như các “lễ hội” khác: bề ngoài trịnh trọng (?), màu mè (?), diêm dúa (?); bề trong khôi hài (?), thô tục (?), bẩn thỉu (?). Hy vọng mình không quá nặng lời. Hội chứng của căn bệnh phô trương (?), khoác lác (?), lên gân (?), tự cao tự đại (?) do mặc cảm tự ti (?). Mà cũng để che giấu một sự sợ hãi ngấm ngầm (?). Chiến thuật biển người, cả vú lấp miệng em để hù dọa (?). Con nhái muốn to bằng con bò (?). Xa xỉ (?). Vô dụng (?). Bẩn mắt (?). Thối (?).

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

Nguyễn Đăng Thường: Rất đồng ý. Rất đồng ý. Không có miếng nhưng có thể sẽ/đã có tiếng. Như Andy Warhol từng tiên tri: “nổi danh mười lăm phút” rồi… chìm xuồng. Trừ vài trường hợp rất hiếm hoi, gọi những người cầm bút trong cái hội này là nhà văn, nhà thơ (?) chẳng khác gì gọi những kẻ cầm quyền trong cái đảng kia là lãnh tụ, chính trị gia, chủ tịch nước, thủ tướng, phó thủ tướng (?).

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam, lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

Nguyễn Đăng Thường: Câu hỏi rất thú vị: Đảng quan tâm vì Đảng muốn có một “Hội nhà văn theo định hướng XHCN” song đôi với “Hội kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Hãy chỉ cho tôi xem một hội nhà văn, tôi sẽ chỉ cho anh thấy một chế độ độc tài. Đảng không quan tâm đến “văn chương độc lập”. Đảng chỉ quan ngại về “văn học định hướng”. Xin hỏi: Danh sách 150 nhà văn này là những ai, đã viết được những gì có giá trị thực sự? Có ai biết tiếng, biết tên tuổi các thành viên trong những hội nhà văn Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc xưa kia? Người ta chỉ còn nhớ tên tuổi các nhà văn nhà thơ có thể đã không ở trong “hội” như Boris Pasternak, Alexander Solzhenitsyn, Joseph Brodsky, Milan Kundera… Nếu thực sự thực tình muốn “hoà hợp hoà giải” trong ngoài thì tại sao lại không nhân cái dịp này mà mời các nhà văn tên tuổi trước và sau 75 hiện sống ở hải ngoại như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Hưng Quốc, vân vân, về tham dự với tư cách là “đồng nghiệp” hay “quý khách”?

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

Nguyễn Đăng Thường: Xin diễn dịch bổ sung: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết bắt buộc của chuồng cừu trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng cá nhân mình, của nhân dân ảo tưởng; vì sự nghiệp văn học sâu xa năm tấc và lâu dài năm phân của dân tộc ảo mộng; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đạo văn đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo cách chép sách mạo danh riêng biệt của mỗi tài năng nổ là công việc hàng đầu vịt và quan trọng nhất ; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng đố kỵ của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà tắm của mình thành ngôi đền rửa lớn của văn học dân tộc khựa. Được chứ hả? Ha ha. Xin thưa: Ai có tật thì giật mình. Ai trong sạch thì mình khoanh tay cúi đầu xin lỗi. Hỏi thì phải nói thiệt mới đã. Tác Dăng nổi giận năm phút mà. Mình vẫn nhớ lời Kinh Thánh: Ai chưa phạm tội hãy ném đá trước.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà”, cái nguồn của “văn học dân tộc”, nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

Nguyễn Đăng Thường: Nó logic quá trời rồi không cần logic thêm nữa đâu anh Hoàng Ngọc-Tuấn ơi: Văn học là Đảng, Đảng là văn học. Đảng nói dân cầm bút nghe. Dân cầm bút nghe Đảng nói. Bô bô cái lỗ miệng “xây dựng/xây đắp” thì dễ ợt ai mà chẳng làm được. Nhưng “dựng đắp” thì phải có công cụ (tài năng) và vật liệu (tác phẩm) và thời gian nữa chứ. Cái “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” kia chắc phải chờ đợi vài trăm cái tết công gô le chưa chằc đã xây xong nổi cái nền. Chỉ nghe đến cái từ “dân tộc” thôi mình cũng đã sởn tóc gáy rồi. Đừng quá lo lắng cho cái văn học dân tộc “rồng tiên”. Nhìn thấy mấy con “rồng lộn” trên cơ thể (áo dài) các “hoa hậu”, “siêu mẫu” mà phát ớn, phát kinh. Xin hỏi: Kafka lúc viết đã nghĩ đến “ngôi đền lớn” nào của “dân tộc” nào (Đức, Tiệp, Do Thái?). Và Beckett? Và Joseph Conrad? Và Vladimir Nabokov? Và Cao Hành Kiện? Và các cây bút trẻ gốc Việt hải ngoại viết tiếng Anh, Pháp, Đức? Họ có/sẽ được cho vào cái “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” không? Tham vọng: Tham thì chắc là không thiếu, vọng thì chắc là chỉ lơ thơ tơ liễu.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn”, đăng trên Trangha’s Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và… tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

Nguyễn Đăng Thường: Mình ở hải ngoại chỉ có thể nhìn trộm qua lỗ khoá nên biết được gì hay được chừng ấy. Chắc chắn sẽ có bổ sung thêm chi tiết ly kỳ trong tương lai… xán lạn, với nhiều cái xì căng đan khác nữa. Thức khuya sẽ thấy đêm dài… tay em mấy thuở mắt xanh xao!

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

Nguyễn Đăng Thường: 1/ bắt hội viên cũ quét dọn sạch sẽ cái hội; 2/ biến nó thành một cái hội từ thiện; 3/ buộc các cựu hội viên phải ở lại đóng góp phục vụ không công không bổng lộc trong một thời gian nào đó. Hi hi. Cám ơn ông tiên… nâu.

http://www.talawas.org/?p=23101

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét