Sức Mấy
Đại hội kỳ VIII của Hội nhà văn Việt Nam đã kết thúc, với nhiều phê phán, eo xèo. Nhờ thời đại Internet, thông tin về Đại hội đã đi nhanh, và đa dạng. Nhưng vì đa dạng, nên cần có cái nhìn bao quát từ nhiều nguồn khác nhau, để có một ý niệm đại cương về Đại hội. Từ đó, có thể biết rõ hơn về Hội nhà văn, và các nhà văn Việt Nam hiện nay. Sau một tuần, những phê phán và eo xèo tức thời đã tạm lắng xuống, nhờ đó, cái nhìn tổng quan về Đại hội 8 có thể gần sự thật hơn.
Trước hết, về thời gian và địa điểm Đại Hội. Có người nói Đại hội diễn ra trong ba ngày, từ 4 đến 6 tháng 8, 2010. Thật ra, Đại hội chỉ diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng 8. Ngày 4 dành cho thủ tục và họp nhà văn đảng viên.
Lúc đầu, có tin họp ở Cung Văn hoá Hữu nghị, nhưng Đại hội đã thực sự diễn ra tại Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Có dư luận đã thắc mắc, tại sao đại hội của nhà văn, những người làm nghề tự do, lại họp ở một cơ sở quan trọng chuyên đào tạo cán bộ chính trị và hành chính cho Đảng cai trị.
Thật ra, Hồ Chí Minh cũng là một nhà văn nhớn, bút hiệu Trần Dân Tiên, đã để lại tác phẩm nổi danh ca tụng cuộc đời của … Hồ Chủ Tịch, tức là cuộc đời của chính mình. Họp Đại hội nhà văn tại cơ sở mang danh một nhà văn “tự sướng” đầu đàn, là điều dễ hiểu. Hơn nữa, đối với Đảng, nhà văn cũng cần được đào tạo, sinh hoạt, và theo kỷ luật như cán bộ đảng viên. Theo Điều lệ, “Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng”
Hai hôm trước Đại hội, ngày 3 tháng 8, một “KIẾN NGHỊ TRÌNH ĐẠI HỘI VIII HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM” đã được phổ biến, nguyên văn:
Để bớt đi một gánh nặng chi phí lớn cho Nhà nước (lấy từ tiền dân đóng thuế), chúng tôi, các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ký tên dưới đây khẩn thiết kiến nghị Đại hội VIII của Hội quyết định dứt khoát rời bỏ cơ chế bao cấp, chuyển từ hội xin tiền Nhà nước lâu nay thành hội tự nuôi tự quản.
Kiến nghị có 19 người ký tên, hôm sau thêm mấy người nữa. Tất nhiên không đi đến đâu. Một hội từ trước tới nay sống nhờ tiền ăn xin, nếu hết khoản tiền này thì nó chết. Dù kiến nghị có khẩn thiết đến đâu, người nhận kiến nghị cũng không thể thỏa mãn yêu cầu bằng cách tự kết liễu đời mình. Cách tốt hơn, khỏi cần kiến nghị, là nếu quý vị còn chút liêm sỉ, tự cảm thấy xấu hổ, thì cứ việc rút tên ra khỏi cái hội ăn xin này, rồi lập một hội khác tự nuôi tự quản, hoặc chẳng cần hội hè gì hết, chỉ hành sử cho đứng chức năng của nhà văn. Nếu nhiều người cùng làm như vậy, vừa đỡ tốn công quỹ, mà dân cũng được nhờ.
Nhân Kiến nghị đặt ra vấn đề tốn công quỹ, cũng nên xét xem tiền thuế do dân đóng góp đã bị dùng cho Hội nhà văn như thế nào. Báo chí trong nước cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, từ 2005 đến 2010, ngân sách quốc gia đã chi cho Hội nhà văn trên 86 tỷ đồng. Theo Vietnam Net, chỉ riêng khoản tiền “đầu tư” vào việc hỗ trợ sáng tác trong thời gian này đã lên tới 15 tỷ. Tờ báo điện tử “lề phải” này viết:
Chúng tôi cũng từng nghe dư luận, có những nhà văn đã nhận đầu tư mà không làm gì cả. Tiền đầu tư được coi như một thứ “lộc văn” mà người ta có thể biến báo bằng một đề cương sáng tác rồi nó dần chìm vào quên lãng.
Lại cũng có dư luận rằng, một số người nhận được đầu tư nhờ sự quen biết hoặc “ban phát” nào đó… Nếu có, thì đây là sự lãng phí rất nên xem xét một cách thận trọng và khiêm khắc.
Trong tình trạng xã hội trẻ em không đủ trường tử tế để học, không đủ thầy có khả năng để dậy… và hàng chục triệu dân vẫn không có đủ nhà xí hợp vệ sinh, mà ngân quỹ quốc gia phung phí hàng chục tỷ đồng cho Hội nhà văn, xin mọi người hãy trả lời câu hỏi: Giữa nhà xí hợp vệ sinh và nhà văn không hợp vệ sinh, nhà nào đáng được nhà nước chi tiền hơn?
Xong chuyện tiền, đến chuyện người. Theo những con số được công bố, Hội nhà văn VN có 923 hội viên, 736 đại biểu tham dự Đại hội 8, trong số này 623 là nhà văn đảng viên đảng cộng sản.
Nói tới đảng viên, là phải nói tới trên dưới, và kỷ luật. Không phải các nhà văn hội viên cứ khơi khơi đi họp Đại hội. Trước khi đi, phải họp nhau nghe huấn thị của Bí thư Đảng ở địa phương. Ví dụ, theo báo SGGP, “Chiều 22-7, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp các nhà văn TP đi dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 tại Hà Nội”. Tại cuộc gặp gỡ này, trước 150 nhà văn đại biểu, “Đồng chí Nguyễn Văn Đua đã nhấn mạnh sự quan tâm của Thành ủy đối với văn nghệ sĩ TP và cả nước, mong muốn các văn nghệ sĩ sẽ có những tác phẩm hay, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân hiện nay.”
Nhả văn cần Đảng vỗ về nới có tác phẩm hay, có còn là nhà văn?
Báo Đồng Nai ghi chi tiết hơn: “Ngày 28-7, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có buổi gặp gỡ 8 nhà văn ở Đồng Nai đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII”. Bài báo này cho biết: “Mỗi hội viên nhà văn tại ĐN được hỗ trợ cặp vé máy bay giá rẻ (khoảng 2,5 triệu, muốn đi phương tiện nào thì tùy, lời ăn lỗ chịu!). Tỉnh ủy "tặng" 2 triệu để ra Hà Nội "giao lưu" với các hội viên đồng nghiệp!”
Được Đảng bộ địa phương cho huấn thị và tặng tiền trước khi lên đường, đến Hà Nội, mỗi đoàn lại được “tặng phong bì để phục vụ anh em”, trong khi tiền ăn ở khách sạn đều miễn phí. Di chuyển từ khách sạn tới nơi họp cũng miễn phí, đi bằng xe của hội nhà văn có cảnh sát dẫn đầu với còi hụ ưu tiên vượt đèn đỏ. Giống như đoàn xe đám ma! Những ai sợ xui, không muốn bị so sánh với người chết, cứ coi như nhà văn đã được ưu đãi ngang tầm với Việt kiều yêu nước về họp hội nghị. Nhưng Việt kiều yêu nước vốn bị coi là có nguồn gốc bồi bếp đĩ điếm cặn bã xã hội, chẳng lẽ nhà văn cũng thuộc loại này?
Theo website chính thức của Hội nhà văn Việt Nam: “Sáng ngày 4/8/2010, trước khi chính thức bước vào khai mạc Đại hội Nhà văn khóa VIII, Ban tổ chức Đại hội gồm Hầu hết BCH Khóa VII: các nhà nhà thơ nhà văn Hữu Thỉnh, Nguyễn Tri Huân, Lê Văn Thảo, Trần Đăng Khoa… đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Xin nhắc lại, Chủ tịch HCM cũng là nhà văn Trần Dân Tiên. Các nhà văn hậu thế viếng xác người để xin phù hộ cho địa vị và quyền lợi được vững vàng. Cũng là phải đạo!
Sau màn viếng xác, là “Hội nghị các nhà văn đảng viên tham dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VIII”. Tại hội nghị này, cũng diễn ra ở Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, nhưng chỉ có hơn 600 nhà văn đảng viên tham dự. Dịp này, theo Việt Nam Net, “Ông Phùng Hữu Phú, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu chỉ đạo đại hội.Theo ông Phùng Hữu Phú thì đại hội nhà văn lần thứ VIII được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đã có một Ban chỉ đạo đại hội được thành lập, Ban này không can thiệp vào công việc nội bộ của đại hội mà hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đại hội thành công nhất”.
Tuy nói “không can thiệp vào công việc nội bộ của đại hội”, nhưng ngay sau đó, vẫn theo tường thuật của báo lề phải VnNet, Hội nghị các nhà văn đảng viên đã thảo luận và biểu quyết về các vấn đề then chốt sẽ diễn ra tại Đại hội 8 vào hôm sau, như bầu bao nhiêu người trong BCH mới, bầu như thế nào…
Nhìn tấm ảnh bên trái ghi lại cảnh sân khấu Đại hội chính thức vào ngày 5 tháng 8, có thể đọc được hàng chữ ở băng rôn phía trên: “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM”. Cũng nhìn thấy rõ ở phía trái sân khấu là tượng bán thân HCM với cờ đỏ sao vàng, sau bàn chủ tọa. Chỉ còn thiếu cờ búa liềm, là thành quang cảnh Đại hội Đảng. Đúng là, trong thời chiến, mỗi nhà văn là một chiến sĩ; trong thời bình, mỗi nhà văn là một đảng viên.
Nói đến đại hội, là nói đến thành tích trong nhiệm kỳ trước. Theo VietnamNet,
Trong thời gian 5 năm, giới nhà văn xảy ra khá nhiều vụ việc. Một số vụ từng làm tốn không ít giấy mực của báo giới như vụ kiện bản quyền tác giả giữa nhà văn Đào Thái Tôn và ông Nguyễn Quảng Tuân; vụ nhà văn Đào Thái Tôn kiện nhà văn Mai Quốc Liên về Trung tâm Quốc học; vụ tranh chấp giữa ông Nguyễn Thanh và nhà văn Lê Phương xung quanh tác quyền phim Biệt động Sài Gòn; vụ nhà văn Trần Thanh Giao kiện về bản quyền tác phẩm với ông Đoàn Minh Tuấn; vụ một nhà văn "tung chưởng" với một nhà văn trên xe ô tô sau khi kết thúc Hội nghị lý luận phê bình văn học ở Đồ Sơn; vụ bà Đào Kim Hoa dịch thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Lò Ngân Sủn sang tiếng Anh, nhưng trong sách kỷ yếu ở Festival thơ quốc tế Đài Bắc lại đề tên bà là tác giả, v.v… và v.v…
Vẫn theo VietnamNet:
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiệm kỳ BCH vừa rồi có khoảng gần 70 vụ việc lớn nhỏ liên quan đến hội viên (chỉ tính những đơn thư chính thức của hội viên gửi về Hội, hoặc gửi lên cấp trên rồi cấp trên chuyển về Hội giải quyết), trong đó không ít vụ phải giải quyết ở tòa án. Lại có vụ việc liên quan tới số tiền không lớn (khoảng vài chục triệu đồng) ở một cơ quan Hội, nhưng một số hội viên đã gửi đơn thư tố cáo lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia!
Đó là chuyện trong nhiệm kỳ vừa qua. Còn chuyện tương lai, được gói ghém trong tham luận của các nhà văn. Chủ tịch Hữu Thỉnh báo cáo tại Hội nghị các nhà văn đảng viên rằng đã có hơn 100 nhà văn gửi tham luận, nhiều nhất từ trước tới nay. Được biết, ông mời cả tác giả Trần Mạnh Hảo, người vốn nổi tiếng “ăn to nói xấc” viết tham luận. Nếu cả hơn trăm tham luận đều được đọc, không hiểu Đại hội kéo dài đến bao giờ? Nếu không tính cho đọc, tại sao mời nhiều thế? Bí mật quốc gia!
Xem ra, phần quan trọng nhất của Đại hội là bầu BCH mới. Có nhiều ý kiến về thủ tục bầu cử, nhưng không được chấp nhận. Thủ tục quy định tại Hội nghị nhà văn đảng viên hôm trước gần như đã được thi hành trọn vẹn. Chỉ chấp nhận cho 30 người trong danh sách ứng và đề cử, để bầu 15 người trong số này. Sau khi có 12 người rút lui, các đại biểu chỉ còn quyền chọn 15 trong số 18 người ứng cử. Tuy Đại hội đã quyết định sửa điều lệ, quy định một người chỉ được làm chủ tịch tối đa hai nhiệm kỳ, nhưng ông Hữu Thỉnh vẫn đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.
Tại Việt Nam, hầu như công an có mặt khắp nơi. Tại bàn chủ tọa, có cả một ông Tướng công an. Nhà thơ Bùi Minh Quốc muốn phát biểu về chủ quyền quốc gia, Hoàng Sa, Trường Sa… nhưng gặp nhiều khó khăn. Không phải lỗi ông Hữu Thỉnh, hay ông Tướng công an Hữu Ước, nhưng vì “Trên” không cho phép. Theo ông Nguyễn Hoàng Văn viết trên Talawas, tại “Đại hội Hội Nhà văn khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long” khai mạc sáng 16.06.2010 ở Bến Tre, ông Hữu Thỉnh đã cho Bùi Minh Quốc biết rằng: “Về việc lên tiếng về Hoàng Sa Trường Sa, tôi đã nghe anh Quốc nói nhiều lần, tôi cũng đã báo cáo cấp trên nhưng cấp trên bảo Hội Nhà văn không được lên tiếng”. Ông Quốc đã biết Trên không ưng, mà còn làm khó nhau, cố nói, nên bị ông nhà văn Tướng công an buộc tội là phá như Lý Tống.
Chủ đề của đại hội là “Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người”. Thật là một chủ đề đầy mỉa mai. Nhà văn không được nói về Hoàng Sa Trường Sa về chủ quyền quốc gia, làm sao đất nước cường thịnh? Và nhà văn bị trói buộc trong tình huống ấy, phẩm giá con người có còn không?
Dư luận đã nói nhiều về trường hợp ông Trần Mạnh Hảo bị “bịt miệng”. Theo ông Hảo, ông đã được mời viết tham luận, đã viết một bài dài về sự quan trọng của việc nói thật, đã phổ biến rộng rãi trên mạng trước ngày Đại hội khai mạc, và chỉ muốn nói vài câu tại Đại hội, nhưng giơ tay mãi mà không được nói. Bạn bè ông đã “giành” được micro di động đưa cho ông, nhưng mới nói được vài lời, micro đã mất tiếng. Ông tiến lên bục dùng micro tại diễn đàn, cũng chỉ nói được mấy câu thì micro mất tiếng. Khi ông Hảo trở xuống, micro lai có tiếng ngay. Chủ tịch Hữu Thỉnh và Tướng công an Hữu Ước nói rằng micro mất tiếng vì lý do kỹ thuật, không phải chủ ý của ban tổ chức. Có ai tin được không?
Tin hay không, không thành vấn đề. Chẳng ai thắc mắc. Ai cũng biết chuyện gì đã thực sự sẩy ra. Vậy còn thắc mắc làm gì. Ông Hảo gọi là micro đểu. Nhà văn nhà thơ dùng chữ như thế là sai. Chỉ có người đểu, micro không thể đểu. Ông Hảo còn đáng chê ở chỗ, người ta mời viết tham luận là để đọc tại Đại hội. Nếu không cho đọc, sau đó sẽ phổ biến, cũng chưa muộn. Đàng này, khi cho tham luận của mình phổ biến vung vít trước Đại hội, là cũng có ý “đểu” trong đó.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài RFA ngày 8 tháng 8, nhà văn Vũ Hạnh khẳng định Hội nhà văn VN “là tổ chức của đảng, phải theo sự chỉ đạo của đảng và Ban Tuyên Giáo Trung Ương như các hội khác thuộc về tổ chức của đảng của nhà nước”. Dịp này, ông Vũ Hạnh gọi việc “giành” micro của ông Hảo là “cướp” micro. Ông nhà văn đảng viên này cũng dùng chữ sai. “Giành” là sự giằng co giữa hai lực tương đương. “Cướp” là hành vi của kẻ có ưu thế nhờ cường lực để tước đoạt. Đảng, Hội nhà văn của đảng, hay công an có thể cướp cả mạng ông Hảo. Ông Hảo không thể cướp, dù là một cái lông của đảng hay các cơ sở phụ thuộc.
Ngoài ra, theo ông Vũ Hạnh, “cướp” micro như ông Trần Mạnh Hảo là việc làm “bị người ta đánh giá là côn đồ”. Công an từng ném cứt, ném mắm tôm vào nhà các nhà văn đối kháng và nhà vận động dân chủ, việc làm này cũng bị đánh giá là côn đồ. Sống dưới chế độ côn đồ, nếu phải đối phó bằng hành vi côn đồ, cũng đúng thôi!
Chỉ có 18 trong số hơn 100 bài tham luận được đọc tại Đại hội. Kéo dài cỡ 3 tiếng, mà nhiều người đã chán ngấy. Trừ vài người, tất cả mọi người khác đều bị vỗ tay. Thực sự là “bị”, vì vỗ tay không để biểu lộ hoan nghênh, mà thay cho những lời la ó đuổi xuống. Có người bị vỗ tới 4 lần. Có người vừa bước lên bục đã nói trước: “Nếu quý vị vỗ tay, tôi xuống ngay!”
Những người trong tấm hình của VnN đi kèm là các nhà văn đã tự ý ra sân ngồi tán gẫu, để khỏi phải nghe và vỗ tay trong phòng họp. Một là quý vị đừng đi họp. Hai là đã đi, thì phải họp cho đến nơi đến chốn. Đừng phí phạm tiền thuế của dân. Theo điều 25 Điều lệ Hội: Nguồn tài chính đầu tiên của Hội là “Tiền cấp từ ngân sách Nhà nước”
Ngày họp thứ ba (6-8), là ngày chính thức khai mạc và bế mạc, có quan lớn của Đảng tới dự. Theo Website của Hội nhà văn, “Lễ khai mạc đã diễn ra trọng thể. Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến dự trong sự đón tiếp nồng nhiệt của các nhà văn”.
Đó là cách nhà văn đối với quan chức cao cấp của Đảng, còn giữa hội viên nhà văn với nhau, đại biểu Phạm Viết Đào đã viết trên blog của ông trong khi tham dự Đại hội rằng: “Tám chín trăm hội viên ai người lớn? Sáu bảy chục tuổi đầu vẫn trẻ con!” Sau đây là mấy nhận xét của “nhà văn trong cuộc” Phạm Viết Đào:
Theo dõi không khí đại hội và những chuyện xảy ra tại không gian đại hội thấy Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra gần giống như một “xới vật” làng; một cái làng có nhiều đám trẻ choai choai, ít công ăn việc làm, cứ đụng đến chuyện gì, trái ý nhau một tí, chưa hiểu nhau, thế là chẳng ai chịu ai, chẳng ai nhường nhịn ai lao vào vật nhau…
Người này cướp micro của người kia, người kia mắng người nọ sao lại dám tranh phát biểu trước mình; có đại biểu phát biểu giống như sắp lăn ra chực vạ: Tôi là phụ nữ, tôi là nhà văn thuộc hội trẻ, tại sao các anh là nhà văn cậy thế đàn ông, ăn hiếp tôi không cho tôi nói. Có ông trên tầng hai xin phát biểu, chủ tịch đoàn ngồi xa không nhìn thấy không đưa micro cho ông thế là ông dậm chân, to tiếng với chủ tịch Đoàn là phân biệt đối xử…
Trong khi cả hội trường đang nhao nhao xin tham gia ý kiến về thể thức bầu cử, “ông trẻ” Trần Mạnh Hảo giành được micro không cần Chủ tịch Đoàn cho phép, cứ thế oang oang. Ông phát biểu đại ý ông đã đi nhầm chỗ, ông đi họp là để bàn chuyện văn chương nhưng lại sa vào chuyện bầu bán ỏm tỏi. Lập tức micro của Trần Mạnh Hảo mất tiếng; Trần Mạnh Hảo hầm hầm xông lên bục, ở đây micro mất điện nốt, Trần Mạnh Hảo cáu sườn quay sang quát: Hữu Ước là thằng trẻ con?…
Nghe nhiều ông nhà văn lên bục phát biểu cử tọa có cảm giác những ông này do cao tuổi, quanh năm ở nhà bị vợ quản thúc, không cho ra khỏi nhà, lại không cho nói nên được dịp ra trước đám đông thì như hổ sổ chuồng. Người lên đọc cứ cố đọc, nói lấy điều mình muốn nói, kệ người nghe có muốn nghe, có chịu nghe mình không. Cái hệ thống âm thanh của hội trường quá tốt, quá chuẩn thành ra sự hung hãn trong khẩu khí của các văn nhân nghe như búa, vồ, bổ vào tai…
Nghe khẩu khí của một số nhà văn trên diễn đàn rất nhiều nhà văn thở dài: văn nhân nước mình sao mà tụt hậu với thời thế, ngây ngô trước thời cuộc như vậy thì viết văn làm sao hay được…
Riêng đồng chí Trương Tấn Sang được nhà văn Phạm Viết Đào khen nức nở:
Ông Trương Tấn Sang đã lưu ý đến vai trò quan trọng của văn học trong sự nghiệp bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn và khí phách của nhân dân. Qua ý kiến phát biểu của ông Trương Tấn Sang cho thấy: Cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nâng tầm của văn học, nhà văn bình đẳng và dân chủ với các lực lượng chính trị khác trước trách nhiệm và sứ mệnh hướng về một mẫu số chung: xây dựng và bồi dưỡng Chủ nghĩa yêu nước; Tinh thần dân chủ; Trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước…
Nhờ Đảng nâng tầm mà nhà văn và Đại hội như vậy. Nếu tha cho việc nâng tầm, biết đâu sẽ khá hơn.
Riêng đại biểu Nguyễn Đắc Xuân đã phàn nàn:
Hội Nhà văn chưa thực hiện nghị quyết 36 của Đảng, nhiều người viết ở nước ngoài vẫn hoạt động cho chúng ta nhưng bị bỏ quên, điều lệ cần mở ra để kết nạp người viết đang sống ở nước ngoài.
Nhìn những vòng hoa trên sân khấu vào lễ khai mạc chính thức, lại thấy giống như hoa viếng xác. “Sinh dữ tử lành”, chẳng nên buồn mà nên vui. Mong cho sự lành sớm thành sự thật.
Ngay sau Đại hội, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã loan báo quyết định ra khỏi Hội nhà văn VN, và nói cảm giác của ông về Đại hội vừa qua với BBC rằng:
Rất chán, rất buồn và tiếc là mình đã tham gia, mất thời gian vì trình độ văn hóa của Đại hội quá thấp.
Nó không phải là đại hội của những nhà văn, những người có văn hóa, đại diện cho trí tuệ và tâm hồn dân tộc… mà như một đám rác rưởi, tôi xin lỗi phải nói thật là như thế.
Đảng Cộng sản lập ra hội, thì hội viên phải viết theo đúng định hướng và chỉ thị của Đảng. Đảng nói sao anh viết vậy, đó là mục đích của hội.
Blog Talawas đã có loạt bài viết và phỏng vấn trong thời gian diễn ra Đại hội nhà văn, phản ánh nhận xét của một số nhà văn về tổ chức này. Qua bài “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay”, nhà văn Tạ Duy Anh nói ông “không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy”.
Trong khi ấy, nhà văn Nguyễn Quỳnh nói: “tôi xin fép được nói rõ hơn: “Đại-hội là một trò bịp-bợm của Đảng.” Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ đã thành cái ao làng lâu rồi. Tôi ước: Lấp đi cái ao làng. Cái ao làng phải thật sự bị lấp để thách thức chính những kẻ quen sống trong ao”.
Tóm lại, một cái Hội như vậy, có đáng để chi tiêu vài chục tỷ mỗi năm của ngân sách quốc gia không?
*
Vì mới đây, Thượng Tướng công an Nguyễn Văn Hưởng đã cả quyết Việt Nam hay Á châu nói chung không giống với Tây phương, khiến người viết đã không tìm câu trả lời từ phương Tây, mà tìm ngay từ láng giềng của Việt Nam. Đó là Singapore, một đảo quốc cựu thuộc địa như Việt Nam, và độc lập sau Việt Nam tới 20 năm. Singapore cũng có hội dành cho người viết văn, như Singapore Association of Writers, nhưng không giống như Hội nhà văn VN. Nó không phải là công cụ của đảng cầm quyền và không sống bằng tiền chu cấp từ công quỹ quốc gia.
Thay vì chi tiền để chi phối nhà văn như Việt Nam, Singapore đã đặc biệt chú trọng đến nhà xí. Trong diễn văn quan trọng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh vào tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Lý Hiển Long không tâng bốc nhà văn, nhưng ca tụng công việc lau chùi nhà xí là việc làm đáng hãnh diện. Trước đó 4 năm, Jack Jim là một tư nhân Singapore thành công về tài chính đã lập ra Tổ chức Nhà xí Thế giới (World Toilet Organization – WTO). Từ Tổ chức này, Singapore đã mở trường đại học đầu tiên trên thế giới về nhà xí “World Toilet College – WTC” vào năm 2005. Cũng từ năm 2001, WTO đã tổ chức hàng năm Hội nghị Thượng đỉnh Nhà xí Thế giới (World Toilet Summit). Hội nghị này đã diễn ra đều đặn tại thủ đô các nước như Singapore (2001-2009), Hán Thành (2002), Đài Bắc (2003), Bắc Kinh (2004), New Delhi (2007)…
Ngày 19 tháng 11 năm 2005, WTC đã ký thỏa hiệp hợp tác với Đại học Kỹ thuật danh tiếng của Singapore (Singapore Polytechnic) để mở các lớp học liên hệ tới nhà xí. Khóa học đầu tiên gồm 50 người, sau khi tốt nghiệp đã được nâng cấp chức vụ từ người chùi cầu tiêu (toilet cleaner) thành “chuyên viên nhà xí” (restroom specialist). Lương từ 750 lên 950 đô la Singapore một tháng (cao hơn mức lương cao nhất Việt Nam có thể trả cho giáo sư thần đồng toán học Ngô Bảo Châu). Tổng số người đang sinh sống ở Singapore hiện nay chưa tới 5 triệu, kể cả người nước ngoài. Tổng số chuyên viên đại học nhà xí Singapore đào tạo là 5 ngàn người, tính đổ đồng 1% cư dân. Đây chỉ là số chuyên viên phục vụ các nhà xí công cộng. Tỷ lệ này tương đương với gần 90 ngàn người, nếu áp dụng cho Việt Nam.
Tại sao Singapore chú trọng đến nhà xí hơn nhà văn? Giá trị thưởng ngoạn của văn chương bị giới hạn trong phạm vi ngôn ngữ và trình độ văn hóa. Nhưng nhà xí, cũng như nụ cười, có tính thưởng ngoạn phổ cập hoàn vũ. Người ta không cần “dịch” nụ cười Việt sang nụ cười ngoại quốc, để người ngoại quốc có hể hiểu. Cũng vậy, người từ khắp nơi trên thế giới, bất kể mầu da, phong tục, tập quán, tôn giáo, tuổi tác, ngôn ngữ, nam nữ,… tới Singapore là có thể tức thời thưởng thức ngay được cái tác phẩm nhà xí tuyệt vời ở đây. Ngoài ra, trong tứ khoái, người ta có thể nhịn được ba món đầu, nhưng không ai, dù hiền nhân quân tử, phàm tục hay thánh nhân, có thể nhịn được cái khoản chót. Tại Singapore, người ta không thể tìm được tượng “Sư Tổng” (Mentor Minister) Lý Quang Diệu, nhưng nhà xí hạng nhất thì thấy khắp nơi.
Việt Nam chẳng những có thể làm được, mà còn có thể vượt Singapore. Hiện nay thì chưa, nhưng không khó. Miễn là có ý chí tiến lên. Sau đây là đại cương kế hoạch: Trước hết về ngân sách. Nếu VN có khả năng vay nước ngoài hàng chục tỷ Mỹ kim cho dự án đường sắt cao tốc, thì cũng có thể vay để xây đủ nhà xí cho dân dùng. Đây là việc làm chính đáng và quan trọng hàng đầu, vì tất cả mọi người, dù IQ cao hay thấp, cũng phải dùng nhà xí. Ngoài ra, số tiền mấy chục tỷ mỗi năm chi cho Hội nhà văn, có thể chuyển sang cho nhà xí.
Về nhân sự: Như đã trình bầy, cứ theo tỷ lệ của Singapore, Việt Nam cần tới hàng trăm ngàn chuyên viên nhà xí có bằng cấp. Khi Hội nhà văn không còn trợ cấp, mấy trăm hội viên ngoài đảng nhờ quen tự lập, có thể vẫn sống được. Hơn 600 nhà văn đảng viên, có thể gặp khó khăn, vì không quen tự lập. Họ sẽ được ưu tiên chuyển ngành, được huấn luyện để nhà văn đảng viên thành chuyên viên nhà xí. Thêm vào đó, những nhân viên công an từ trước tới nay chuyên ném phân vào nhà các thành phần đối kháng, cũng được ưu tiên tuyển dụng. Vì họ nhiều kinh nghiệm trong việc vận dụng tài tình đồ phế thải cho mục tiêu bảo vệ Đảng và chế độ. Riêng thành phần công an thường phục chuyên canh gác và theo dõi các nhà vận động dân chủ nhân quyền, sẽ được trao cho nhiệm vụ theo dõi những ai phóng uế ngoài vòng pháp luật.
Cơ sở: Để huấn luyện hàng trăm ngàn chuyên viên, không thể học ké ở một đại học khác như Singapore, mà cần có cơ sở riêng. Nơi Hội nhà văn mới họp
Đại hội là chỗ lý tưởng. Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, sẽ được đổi thành “Học viện Nhà xí Quốc gia Hồ Chí Minh”. Nơi đây sẽ đào tạo các chuyên viên nhà xí. Để vượt Singapore, sẽ không gọi những người tốt nghiệp là “chuyên viên” (specialist), mà cấp cho họ văn bằng tiến sĩ nhà xí “Restroom Doctor”.
Ngoài ra, để chắc chắn qua mặt Singapore, cũng như chắc chắn đạt được sự kính phục của thế giới, cần thực thi di chúc Hồ Chí Minh. Hãy làm theo đúng di chúc của “Bác” từ 41 năm trước, là đốt xác để chia tro cho ba phần đất nước làm kỷ niệm. Lăng Bác sẽ biến thành Nhà xí Quốc gia. Nhưng kiến trúc này quá hoành tráng cho một một nhà xí thường, phải tìm một tên mới thích hợp. Nên gọi là “Điện xí Quốc gia Hồ Chí Minh” (Ho Chi Minh National Palace Restroom), giống như Bắc Kinh và Đài Loan gọi viện bảo tàng chính của họ là Palace Museum, và National Palace Museum. Điện xí Hồ Chí Minh sẽ là tác phẩm hiện đại nhất, hoành tráng nhất, là niềm hãnh diện cho Việt Nam, khiến cả thế giới khâm phục. Biết đâu chả nhận được giải Nobel Hòa Bình. Vào đấy rồi, còn ai nghĩ đến chiến tranh?
Nguồn: DaMau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét