Không nghi ngờ gì nữa, việc bốn học viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân mới đây đưa Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh ra Toà án nhân dân thành phố Hà Nội là sự kiện nổi bật nhất hướng tới kỷ niệm lần thứ 65 Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2010)!
Ngày 14/8/2009 Thiếu tướng Công an Phạm Hồng Cử, Hiệu trưởng Trường Đại học CSND đã ra quyết định về việc kỷ luật buộc thôi học đối với các học viên của Trường là Phan Xuân Biên, Ngô Anh Tuấn, Đinh Công Bằng và Lê Mạnh Dần với lý do: “Ngày 01/8/2009 chơi bài trong ký túc xá mang tính chất sát phạt, không chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng cấp trên gây hậu quả xấu (vi phạm thông báo số 140/TB-T48 ngày 21/4/2006 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND), thức khuya quá giờ quy định”.
Căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo, ngày 14/11/2009, các học viên trên đã gửi Hiệu trưởng Trường Đại học CSND Đơn khiếu nại về Quyết định nói trên vì họ cho rằng việc kỷ luật buộc họ thôi học là trái pháp luật với những căn cứ sau đây:
Thứ nhất - Kỷ luật buộc thôi học không áp dụng cho hành vi “chơi bài mang tính chất sát phạt”. Thực vậy, không có bât kỳ văn bản pháp luật nào, không có bât kỳ văn bản nào của Bộ Giáo dục và Bộ Công an, không có bất kỳ văn bản nội bộ nào của Trường Đại học CSND quy định sinh viên “chơi bài mang tính chất sát phạt” sẽ bị kỷ luật buộc thôi học. Ngược lại, sinh viên nào có hành vi như vậy sẽ bị Trường phân loại sinh viên “kém” theo Điêu 5.14 Quy định phân loại rèn luyện sinh viên và tập thể lớp học hàng tháng (ban hành kèm theo Quyết định số 7/2/QĐ/T48 ngày 18/5/2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND).
Thứ hai - “Chơi bài mang tính chất sát phạt” không phải là hành vi “không chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng cấp trên gây hậu quả xấu” mà chỉ là hành vi vi phạm Quy định phân loại rèn luyện sinh viên và tập thể lớp học hàng tháng (ban hành kèm theo Quyết định số 7/2/QĐ/T48 ngày 18/5/2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND) và Thông báo của Ban giám hiệu V/v chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong sinh viên (số 140/TB-T48 (QLHV) ngày 21/4/2006 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND).
Thứ ba - Kỷ luật buộc thôi học không thể áp dụng cho hành vi “thức khuya quá giờ quy định”. Đơn giản là vì không có bất kỳ văn bản pháp luật nào, không có bất kỳ văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Bộ Công an, không có bất kỳ văn bản nội bộ nào của Trường Đại học CSND quy định sinh viên “thức khuya quá giờ quy định” sẽ bị kỷ luật buộc thôi học.
Do trái pháp luật nên Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND buộc bốn học viên thôi học đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Ngày 24/12/2009, Hiệu trưởng Trường Đại học CSND đã ra Quyết định số 1008/QĐGKKN-T48 về việc giải quyết khiếu nại lần đầu, giữ nguyên Quyết định số 542/QĐ-T48 (QLHV) về việc kỷ luật buộc thôi học đối với bốn học viên này.
Do không đồng ý với Quyết định số 1008/QĐGKKN-T48 về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND, căn cứ Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo (Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiêú nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần thứ hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án), ngày 22/01/2010 bốn học viên cảnh sát đã gửi Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh Đơn khiếu nại về việc Hiệu trưởng Trường Đại học CSND ra Quyết định số 542/QĐ-T48 (QLHV) về việc kỷ luật buộc thôi học đối với họ trái pháp luật với những căn cứ đã nêu trong Đơn khiếu nại ngày 14/11/2009 mà họ đã gửi Hiệu trưởng Trường Đại học CSND.
Ngày 21/6/2010, Bộ trưởng Bộ Công an đã ra quyết định giải quyết Đơn khiếu nại của bốn học viên cảnh sát Phan Xuân Biên, Ngô Anh Tuấn, Đinh Công Bằng và Lê Mạnh Dần, kết luận họ “đánh bài, mang tính sát phạt bằng hình thức ghi điểm, ăn sữa chua” và trên cơ sở đó giữ nguyên hình thức kỷ luật Buộc thôi học đối với họ.
Với nội dung trên của quyết định giải quyết khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Công an đã cố ý làm trái pháp luật với những căn cứ sau:
Trước hết, Bộ trưởng Công an đã vi phạm nghiêm trọng nội dung quyết định giải quyết khiếu nại quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo.
Khoản 2 Điều 45 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây: “…c) Nội dung khiếu nại; …e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; …g) Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ; i) Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”.
Thế nhưng Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Công an đã bất chấp quy định pháp luật trên, cụ thể là:
- Không nêu nội dung khiếu nại;
- Không nêu căn cứ pháp luật để bác bỏ nội dung khiếu nại;
- Không kết luận nội dung khiếu nại là sai mà đã công nhận hình thức kỷ luật “buộc thôi học” đối với bốn học viên cảnh sát.
- Không nêu quyền của người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Tiếp theo, Bộ trưởng Công an đã làm sai lệch bản chất vụ việc bằng cách quy “đánh bài ghi điểm, ăn sữa chua” là hành vi “mang tính sát phạt” gắn với đánh bạc.
Để xác định hành vi “đánh bài ghi điểm, ăn sữa chua” có “mang tính sát phạt” hay không thì bắt buộc định nghĩa “sát phạt” là gì.
Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản khoa học xã hội – Hà Nội 1988: Viện Ngôn ngữ học – Viện Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn): “Sát phạt”: Đánh giết, tranh phần hơn thua một cách quyết liệt, cay cú – Các con bạc sát phạt nhau”.
Đại từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2006): “Sát phạt”: Tranh giành quyết liệt – Các con bạc sát phạt nhau”.
Vậy, “sát phạt” chỉ có thể là hành vi của “con bạc”. Tiếp theo, “con bạc” nghĩa là gì?
Từ điển tiếng Việt: “Con bạc”: Kẻ đánh bạc”; “Đánh bạc”: Chơi các trò chơi ăn thua bằng tiền”.
Đại từ điển tiếng Việt: “Con bạc”: Kẻ chuyên đánh bạc”; “Đánh bạc: Chơi trò may rủi để ăn tiền”.
Tất cả các Từ điển tiếng Việt khác đều định nghĩa tương tự: “Sát phạt” là hành vi của “con bạc”, tức chơi các trò để “ăn tiền”.
Vậy, “ghi điểm, ăn sữa chua” không phải là “ăn tiền” và do đó “đánh bài ghi điểm, ăn sữa chua” dứt khoát không phải là “đánh bài mang tính sát phạt”.
Ngày 12/7/2010, các học viên cảnh sát Phan Xuân Biên, Ngô Anh Tuấn, Đinh Công Bằng và Lê Mạnh Dần đã gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh do đã ra quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Ngày 31/7/2010, một số học viên cảnh sát nói trên nhận được Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với nội dung: “Theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được sửa đổi bổ sung theo các Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 25/12/1998 và ngày 05/4/2006 thì yêu cầu khởi kiện của anh không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng một vụ án hành chính” (Thông báo kèm theo).
Phải khẳng định Thông báo này của TAND thành phố Hà Nội là hoàn toàn trái pháp luật vì cả Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) lẫn Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đều cho phép bốn học viên cảnh sát trên đưa Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh vào vòng tố tụng bằng một vụ kiện hành chính. Cụ thể là:
Ø Mục 22 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án “Các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Ø Mục 3 Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP quy định hành vi hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là “hành vi hành chính bao gồm các hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các việc hoặc các lĩnh vực được quy định tại các khoản từ khoản 3 đến khoản 17 Điều 11 của Pháp lệnh và trong các việc hoặc các lĩnh vực khác mà pháp luật có quy định”.
Ø Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật khiếu nại, tố cáo (giải quyết khiếu nại lần hai) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”.
Do đó việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã không thụ lý Đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh của các học viên cảnh sát Phan Xuân Biên, Ngô Anh Tuấn, Đinh Công Bằng và Lê Mạnh Dần dứt khoát là hành vi cố ý không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân này.
Để nói, Đơn khởi kiện Bộ trưởng Công an Đại tướng Lê Hồng Anh của bốn học viên Trường Đại học cảnh sát nhân dân không thể không được Tòa án thụ lý!
Trừ phi… “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam tại Nghị quyết 49-NQ/TƯ nhằm hướng “Tòa Hành chính không thụ lý đơn khởi kiện quan chức Nhà nước”!!
Trừ phi… Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nắm chức Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương chỉ vì có con trai Nguyễn Minh Thành làm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao!!!
CHHV – 19/8/2010
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét