Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Jackson Diehl – Castro và Đức Hồng y

Đinh Từ Thức dịch

Vai trò của Hồng y Jaime Ortega như là nhà môi giới về nhân quyền ở Cuba bắt đầu với Bạch Y Nữ (Ladies in White)[1]. Vào tháng Tư vừa qua, Tổng Giám mục Havana đã tức giận khi liền trong hai ngày Chủ nhật, đám côn đồ của chế độ Castro đã bao vây cuộc diễn hành phản đối hàng tuần của các phụ nữ, nhân danh thân nhân của các tù nhân chính trị. Hồng y Ortega cho tôi biết vào cuối tuần trước ông đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Raul Castro, nói rằng “với Giáo hội, việc bỏ qua điều này trong im lặng là một thái độ hèn nhát”.

Hồng y Jaime Ortega

Trong nhiều năm qua, Ortega và nhiều lãnh tụ Giáo hội khác đã từng gửi những lá thư như vậy cho Raul Castro và anh trai của ông là Fidel. Điều khác biệt đối với lá thư này, theo Đức Hồng y, là ông đã nhận được hồi âm. Trong vòng một tuần, Raul cho ông biết rằng các Bạch y Nữ được phép tiếp tục biểu tình mà không bị quấy rầy. Trong vòng một tháng, qua cuộc gặp gỡ lần đầu tiên, Raul Castro nói với Ortega rằng ông định thả hết tù chính trị tại Cuba.

Từ đấy, vị Hồng y 73 tuổi đã gặp ông Chủ tịch 79 tuổi thêm ba lần nữa để thảo luận về vấn đề thả tù chính trị và việc có thể thay đổi tại Cuba. Nên nhớ, không có chuyện “cải cách”, và chắc là không có “dân chủ” – Raul Castro không thích những từ này. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn dành cho tôi, Ortega đã đi đến nhận định rằng “đây là điều mới mẻ”. Ông cho rằng, việc Castro thả tù chính trị “mở ra những sự có thể”.

Có thể cái gì? Điều này đã trở thành một câu hỏi quan trọng khi chủ trương không cải tổ của Raul Castro nhích tới phía trước và khi Quốc hội Hoa Kỳ tính đến việc làm luật để loại bỏ những gì còn lại trong việc “cấm vận” bằng cách bỏ tất cả mọi giới hạn về du lịch tới Cuba và cho thông thoáng hơn về xuất cảng thực phẩm. Từ trước đến nay đã có hơn mấy chục tù nhân đối kháng được thả cho lưu vong tại Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Chile; chế độ đã chính thức cam kết sẽ tha 28 người nữa trong số hơn một trăm còn bị giam. Hôm 1 tháng 8, Raul Castro loan báo rằng chính quyền sẽ cho phép thêm tư nhân kinh doanh và cá nhân tự quản, một phần là cách để sử dụng một triệu công nhân – 20 phần trăm lực lượng lao động toàn quốc – những người mà chính quyền đã lên kế hoạch sa thải.

Một phía cho rằng đây chỉ là sự tái diễn thường tình trong chiến lược của Castro để lôi chế độ ra khỏi chỗ bế tắc. Kinh tế Cuba còn tệ hơn sự tồi tệ bình thường: Mức sản xuất thực phẩm giảm 7,5% trong nửa đầu năm nay, và thu hoạch về đường [mía] trong vụ mùa vừa rồi tệ nhất trong hàng thế kỷ. Khi đảo quốc này phải đối phó với tình rạng nguy kịch như vậy về kinh tế lần chót vào đầu thập niên 1990, Fidel Castro cũng nới lỏng kiểm soát đối với các xí nghiệp tư nhân. Ngay sau khi nền kinh tế phục hồi, ông ta đóng cửa nhiều cơ sở mà chính ông đã cho phép. Thả tù chính trị cũng chẳng có gì mới: Fidel Castro đã làm như vậy trong các năm 1969, 1979, và 1998.

Phía khác, cả trong và ngoài Cuba, cho rằng Raul Castro đang tính chuyện khác. Họ nói, ông ta hiểu rằng chế độ kiểu Stalin không thể tồn tại theo hình thức hiện nay, và ông ta muốn canh tân cùng làm cho nó vững vàng trước khi người anh của ông qua đời. Ông phải đối phó với cản trở mạnh mẽ từ Fidel Castro – người mà sau bốn năm vắng mặt đã bắt đầu đột xuất trước công chúng, chỉ trong vòng vài ngày khi lớp tù nhân đầu tiên được phóng thích. Nhưng người ta nói rằng Raul, dầu sao cũng đã quyết tâm một cách có phương pháp đẩy tới một chương trình cải cách sẽ kéo dài trong nhiều năm, thay vì nhiều tháng.

Hồng y Ortega có vẻ như theo quan điểm hồng tươi hơn. Ông đã tới Washington vào tuần trước để nhận giải thưởng từ hội Hiệp sĩ Columbus; nhưng đó là lần thứ nhì ông tới đây trong vòng hai tháng, và ông đã có những cuộc họp với các giới chức trong chính quyền Obama và Quốc hội Hoa Kỳ. Ông gợi ý rằng phần lớn trong dự định thực hiện của Raul Castro là thúc đẩy liên lạc với Hoa Kỳ để nền kinh tế Cuba có thể phục hồi nhờ giao thương và đầu tư bởi Hoa Kỳ. Ortega nói rằng: “Ông ta (Raul) mong muốn một sự cởi mở với chính quyền Hoa Kỳ. Ông ta nhắc lại với tôi trong nhiều trường hợp là ông ấy sẵn sàng để nói chuyện trực tiếp với chính quyền Hoa Kỳ về mọi vấn đề”.

Được hỏi, phải chăng bao gồm cả vấn đề cải cách dân chủ mà chính quyền Obama đã đòi hỏi như một điều kiện để thúc đẩy liên lạc, Ortega trả lời rằng: “Mọi chuyện nên tiến từng bước một. Bắt đầu ở phía cuối là điều không thực tế. Đây là một tiến trình. Điều quan trọng nhất là cất bước trong tiến trình”.

Tôi không nghi ngờ gì về sự thành thật của Đức Hồng y. Nhưng tôi cũng thấy khó có thể tin rằng Raul Castro là một Mikhail Gorbachev của Cuba. Nếu có gì liên quan, ông ta giống như Yuri Andropov, một trong những tiền nhiệm già nua ốm yếu của Gorbachev, người biết rằng không thể chống đỡ được chế độ Xô-viết, nhưng thiếu ý chí hay yếu tố chính trị để thay đổi nó. Ortega có thể đúng khi cho rằng cuộc đối thoại của ông với Raul Castro là cái gì mới mẻ ở Cuba. Nhưng thời của một thay đổi thực sự – và có sự can dự sâu đậm hơn của Hoa Kỳ – vẫn chưa tới.

Jackson Diehl là phó chủ bút trang bình luận của The Washington Post.

Nguồn: Jackson Diehl: “Can Raul Castro modernize and stabilize Cuba?”, The Washington Post, 9/8/2010. Trên báo in, bài này mang tựa: “Castro and the cardinal”.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] Chú thích của talawas: Damas de Blanco, những người phụ nữ mặc y phục trắng, là một tổ chức tự nguyện của những phụ nữ Cuba có chồng và con trai đang bị tù vì đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chủ nhật hàng tuần, họ mặc y phục trắng, cầm hình của chồng con đi diễn hành tại thủ đô Havana. Mầu trắng tượng trưng cho hòa bình và sự vô tội của chồng con họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét