Nguyễn Hoàng Đức
LTS: Thật thiếu hụt nếu ngày nay người ta đặt vấn đề tôn giáo ra bên lề cuộc sống của nhân loại, đơn giản chỉ vì thế giới hàng ngày phải đối mặt với vấn đề tôn giáo gắn với dân tộc. Nhiều chuyên gia chính trị và thần học đã dự đoán thiên niên kỷ thứ ba là thiên niên kỷ của xung đột tôn giáo. Và một sự kiện định mệnh đã xảy ra, ngày 11/09/2000, hai chiếc phi cơ lao vào toà tháp đôi ở New York. Sự kiện chưa từng có gây tột cùng hoảng loạn và như sự “điểm chỉ” cho dự báo trên.
Có bao nhiêu người theo đạo? Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Kitô Giáo…. Hơn 90% dân số thế giới có tín ngưỡng. Chẳng lẽ chúng ta có thể loại bỏ phần đông dân số này ra khỏi cuộc sống chính trị, xã hội, kinh tế và tiến trình tiến bộ của Nhân loại.
Tôn giáo đã và luôn là vấn đề sống còn của nhân loại. Để tìm hiểu vấn đề tôn giáo một cách có hệ thống, VNR500 xin trân trọng giới thiệu cuốn “Hành trình tâm linh nhân loại” của tác giả Nguyễn Hoàng Đức.
>> Hành trình duy niệm của nhân loại
*****
Cuốn sách của tôi, mục đích chính không nhắm đến việc lý giải có Thượng Đế hay không? Mà, giống như thực tại đang diễn ra trên toàn cầu, trước hết, nó đề cập đến, tôn giáo là một thực tại đang có thật ở trần gian. Hiện đang có hàng tỉ tín đồ Ki-tô giáo, hàng tỷ tín đồ Hồi giáo, hàng tỉ tín đồ Phật giáo, rồi tín đồ Hin - đu, Bà - la - môn cũng đông hàng tỷ, còn lại những tín đồ bái vật giáo thờ ma gà, ma xó, ma cây... thì đếm khôn xiết kể.
Liệu chúng ta đếm lại được, còn bao nhiêu người vô thần thuần khiết - những người chẳng hề tin vào bất cứ cái gì siêu hình, siêu nhiên? Đặt câu hỏi như vậy, không có nghĩa là chúng ta quá đề cao tôn giáo, mà là đang tìm cách thừa nhận vấn đề tôn giáo đang tồn tại, để có giải pháp hiện thực cho cuộc đời. Bởi một lẽ, giản dị như trên chúng ta đ• đề cập, dù Mỹ là cường quốc lắm của nhiều tiền, khoa học tiến bộ là vậy, dù Nga hùng mạnh đến thế nếu không có giải pháp thực tiễn, vẫn bị “vấn đề tôn giáo” xỏ mũi như thường.
Trước khi xem xét, tôn giáo là sự cần thiết của tâm linh hay sự bất lực của tâm hồn? chúng ta phải đối mặt trước một hiện thực là nó có tồn tại. Giản dị, như cái đói - cái khát là cái xấu chẳng ai muốn ở đời, dẫu vậy nó vẫn luôn xuất hiện. Và muốn loại bỏ đói - khát, thì trước hết phải thừa nhận nó.
Trong tác phẩm “Anh em nhà Ca - ra - ma - dốp” rất nổi tiếng, đại văn hào Dostoievski đã diễn tả sự tồn tại của linh hồn đại loại như sau. I - van là một trí thức, y là một con người thực chứng, không tin vào cái gì không nhìn thấy, mơ hồ, ảo tưởng. Nhưng sau bi kịch của gia đình, cha bị chết, y rơi vào cuộc khủng hoảng tâm hồn. Trong lúc y đang ăn năn, dằn vặt, chất vấn mình, thì tâm hồn của y nổi lên những chuỗi cười khanh khách, nó dội ra câu hỏi: - I - van, có ta không? (nghĩa là có cơn ác mộng là nội dung sống của tinh thần bên trong không).
I - van đáp: Không, ngươi không có, ngươi chỉ là giấc mơ của ta thôi.
Tâm hồn y nói: Đúng, ta chỉ là giấc mơ của ngươi, nhưng ta luôn luôn tồn tại. Qua phần đối thoại giữa nhân vật và tâm hồn của y, Dostoievski đã bày tỏ một hiện thực rằng: Ngay cả những cơn ác mộng chẳng bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực có thể sờ mó, dẫu vậy trong tình trạng chỉ là ảo ảnh nó vẫn tồn tại. Tôn giáo là gì? Cái căn bản của nó gồm hai phần:
1. Thực tại chủ quan là tâm linh con người, độc lập, riêng rẽ, về mặt bản thể tách khỏi phần xác. Tâm linh là một bản thể được nhiều nhà triết học, nhà khoa học, các tôn giáo, và một bộ phận lớn kinh nghiệm của nhân loại chấp nhận.
2. Đối tượng khách quan: Đó là một Thượng Đế vô thuỷ, vô chung, vô cùng toàn năng, toàn thể, toàn hảo và tuyệt đối. Thượng Đế là lĩnh vực bất lực của mọi nhà thần học, mọi nhà khoa học, và mọi kinh nghiệm nhân loại theo cách đòi chứng tỏ thực chứng về Ngài. Một cách tư duy, Ngài chỉ là sản phẩm của suy lý biện chứng. Một cách tâm linh, Ngài được nhận biết qua cách mơ hồ của siêu trực giác.
Bởi hai phần chính trên, nhiều nhà khoa học, xã hội học chủ trương vô thần khăng khăng phủ quyết rằng: Thượng Đế không có bởi Ngài không hiện diện thực chứng. Do vậy, khi tâm linh đòi thấy Ngài, đời sống từ suối nguồn của Ngài, đòi mọc rễ hút nhựa sống từ Ngài, là ảo tưởng và lạc hậu.
Nhưng có một điều chân thực chứng rằng, dù tôn giáo có lạc hậu hay không thì thế giới đang có hơn 90% tín đồ không theo tôn giáo này thì tôn giáo khác. Và chúng ta không thể chối bỏ thực tại đến mức muốn ảo giác rằng, mình đang sống trong một thế giới không còn tôn giáo. M.A. Bakunin khẳng định: “Không một quốc gia nào từng phi tôn giáo, cũng chẳng có quốc gia nào có thể sống không cần tôn giáo” (No state is ever without religion, or can be without it) (2). Nhỏ hơn cả mức quốc gia , Franz Boas xác định : “Không có bộ lạc nào trên thế giới mà những hoạt động tôn giáo không trở thành một đề tài tư tưởng”.
Chắc hẳn, không có một dân tộc nào không mở màn lịch sử bằng một huyền thoại có mầu sắc tôn giáo. Nghĩa là mở màn khai sinh bởi một thế lực siêu nhiên hơn chính con người. Dân tộc Việt Nam thì được sinh ra từ chiếc bọc 100 trứng của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, sau đó năm mươi người con lên rừng, năm mươi người con xuống biển để dựng xây quốc gia rừng vàng biển bạc. Dân tộc Trung Hoa thì ra đời bởi mẹ Nữ Oa đội đá vá trời. Dân tộc Hy Lạp thì thai nghén trên đỉnh Ô - lanh - pơ từ mối tình thần Dớt sấm chớp với nữ thần Hê - ra, và nhiều tiên nữ, cũng như phụ nữ bình thường khác.
Các vị thần Hy Lạp không chỉ là đề tài tư tưởng mà còn gieo trồng mọi cuội rễ cho đời sống của người Hy Lạp: từ sinh hoạt cộng đồng, đạo đức, thể chế, lập pháp, hành pháp cho đến mọi quy tắc ứng xử xã hội. Cụ thể, trước công nguyên ngót nửa thiên niên kỷ, triết gia Socrate đã lấy các vị thần Hy Lạp là biểu trưng lý tưởng cho những tranh biện tư tưởng nhằm lý giải những chuẩn mực tối cao của con người về cái thiện, sự thông thái, lòng khoan dung... Sau ông, triết gia Platon và triết gia Aristote cũng làm tương tự.
Kết quả là ba triết gia đồ sộ bất hủ này đã tạo ra những lý thuyết làm nền móng cho triết học toàn thế giới. Chưa hết, các vị thần Hy Lạp còn đóng vai cội nguồn tinh thần cho cả đế quốc La Mã ngay sau đó. Để có tiền đề cho tư tưởng và văn hoá, ngay từ trước công nguyên, vào lúc mà quốc gia La Mã manh nha thành lập, nó đã thay tên đổi họ, các vị thần Hy Lạp, để biến thành thần thánh của xứ sở mình. Chẳng hạn, thần Zeus (Dớt) bị đổi thành Jupiter, nữ thần Hera thành Juno, thần chiến tranh Apollo thành Phoebus, nữ thần tình yêu Aphrodite thành Venus, và thần đại dương Poseidon thành Neptune... (3).
Nhưng những vị thần Hy Lạp cũng chẳng ấm chỗ được lâu, sau công nguyên, sau sự kiện Chúa Jesus Christ giáng thế để làm lên “lịch sử cứu độ” đan xen giữa lịch sử văn minh, sau khi Chúa Jesus bị đóng đanh tử nạn, hai tông đồ Pierre và Paul (4) từ mảnh đất thánh đã băng Địa Trung Hải đến La Mã để truyền đạo, cuốn tiểu thuyết “Quo Vadis” nổi danh được giải Nobel của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (5) đã diễn tả, hoàng đế Neron hung bạo, muốn bảo toàn cho “sự bảo trợ vốn có của các vị thần Hy Lạp”, cũng như xoá bỏ mầm mống của một tôn giáo mới, vào năm 64 CN, đã khủng bố đạo Ki-tô giáo bằng cách dồn họ vào một góc đấu trường, rồi thả sư tử bị bỏ đói, xông ra ăn thịt... Sau đó còn nhiều vụ tàn sát của nhiều vị vua kế tiếp xảy ra, nhưng nghịch lý thay, sau nhiều thế kỷ bị vùi dập, “Ki-tô giáo vẫn trở thành tôn giáo độc nhất được đế quốc La Mã chấp nhận” (6). Và hơn cả thế, ngay giữa lòng đế quốc đó, mọc lên một toà thánh nguy nga - là đầu não Ki-tô giáo toàn cầu.
Sự kiện Ki-tô giáo đăng quang ngay trên mảnh đất đầy sức sống của các vị thần La Mã (gốc Hy Lạp), là mở màn một khúc quanh vô cùng hệ trọng của tôn giáo: “Đa thần giáo” bị thay thế bằng “nhất thần giáo”. Sự tàn sát khét tiếng của vua Neron cùng nhiều vua La Mã nhắm vào Ki-tô giáo, không huỷ diệt nổi nó, lại càng thúc đẩy nó đơm hoa kết trái, giống như càng hất gió vào lửa càng làm nó cháy bùng lên, không chỉ là bản mẫu diễn ra ở La Mã, mà diễn ra khắp thời trung cổ ở Châu Âu, và thời tiền hiện đại trên toàn thế giới. Hegel, một triết gia, được giới triết học coi như cha đẻ của “biện chứng lịch sử hiện đại” sau khi nghiên cứu kỹ toàn bộ lịch sử châu Âu đã quả quyết rằng: “Lịch sử đương đại được lãnh trị bằng cuộc đối kháng giữa nhà thờ và quốc gia.
Nhà thờ đó là nội tại tính, là nhận thức chân lý tuyệt đối. Nhà nước, đó là thế giới thực tiễn, lúc đầu nó xa lạ với một nhận thức về chân lý một cách sâu sắc. Tất cả lịch sử châu Âu là kết quả của cuộc đối kháng giữa hai nguyên lý này, và là cuộc hoà giải giữa chúng” (L’histoire le temps moderns est dominée par l’opposition de l’église et de l’état. L’église, c’est l’intériorité, la conscience de la vérité absolue. L’ état, c’est le monde réel, d’abord étranger à la conscience profonde du vrai. Toute l’histoire européene resulte de l’oppostion de ces deux principes et de leur réconciliations” (7).
Quan niệm của Hegel chỉ rõ rằng, không quốc gia nào ở châu Âu có thể phát triển, nếu hoặc xem nhẹ vấn đề Nhà nước, hoặc xem nhẹ vấn đề Nhà thờ. Không có Nhà nước, quốc gia không thể vận hành bộ máy hành chính để dẫn lối và quản lý mọi hành động của mình. Nhưng mọi hành động sẽ nhắm về đâu và đã đạt kết quả nào?
Người ta không thể biết được nếu không quy chiếu vào các chuẩn mực duy niệm thuần ý thức: khát khao khả thi và lý tưởng. Chuẩn mực duy niệm đó chính là Nhà thờ. Về phía mình, những chuẩn mực lý tưởng không phải là thứ viển vông, vô thưởng vô phạt, bởi lẽ, nếu nhà thờ cũng dúng tay vào thực thi mọi chuẩn mực như một tổ chức hành chính, thì họ cũng sẽ gặp thất bại, “lực bất tòng tâm” như những tổ chức hành chính khác, và mất đi cái ánh sáng “nhận thức chân lý tuyệt đối”. Như vậy, cái duy niệm - tức Nhà thờ, và cái duy thực - tức Nhà nước phải cùng liên kết nhau. Bởi cái này không thể làm hộ chức năng cho cái kia và ngược lại.
Một cách tương tự, hoàng đế Napoléon nhà chính trị, quân sự đệ nhất thế giới cũng quan niệm như vậy, ông nói: “Một dân tộc không có tôn giáo thì chỉ có thể cai trị bằng súng”. Dân tộc không có tôn giáo, nghĩa là họ không tư duy, không sinh hoạt, cũng không hoạt động theo ánh sáng “nội tại tính” bên trong của tinh thần, họ chỉ sống theo cơ bắp bên ngoài, bởi thế có thể áp chế họ bằng súng đạn, những vũ khí đe doạ thẳng vào da thịt. Câu nói của Napoléon, ngày nay cũng còn là tấm gương soi chiếu cho các nước Hồi giáo, so với Mỹ và các nước phương Tây, họ rất tụt hậu về sức mạnh quân sự, cũng như tiềm năng kinh tế, ấy vậy mà hàng loạt các nước như Iran, Irắc, Afghanistan... vẫn cả gan đương đầu dấn thân vào cuộc đấu tranh không cân sức nhiều mất - một còn, đặc biệt là Palestin với lực lượng mỏng và vũ khí rất ít trong tay đã dám làm cuộc thánh chiến đánh bom cảm tử chống lại Israel có Mỹ đứng sau thiên vị cả ngoại giao, chính trị lẫn khí tài quân sự.
Tại sao họ dám làm vậy, đơn giản chỉ vì họ tin, vũ khí không dễ gì thắng được linh hồn - tin vào Chúa - và được Chúa bảo trợ, phù trì. Thiên Chúa không có mặt ở đời, có thể không là gì cả, nhưng theo quan niệm của triết gia Hegel lại đóng vai trò “nhận thức chân lý tuyệt đối” giúp tư tưởng hành động. Với Napoléon, thì xem như, chinh phục cơ bắp chỉ cần vũ khí, nhưng chinh phục dân tộc có đời sống tôn giáo phải dùng đến những giá trị nhiều hơn là vũ khí. Cả hai cách nghĩ trên, một của nhà triết học thiên tài, một của nhà chính trị thiên tài đều có sự đồng nhất với văn kiện của Công đồng Vatican II (11/10/1962), về Giáo hội trong thế giới ngày nay : “Con người hãy nhìn nhận Thiên Chúa một cách minh bạch, rõ ràng hơn, phải tìm lại Thiên Chúa bởi vì nhờ Thiên Chúa mà con người có được phẩm giá và hoàn thành được phẩm giá”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét