Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Giới trẻ 'tự thú' chuyện hối lộ, tham nhũng 'vặt'

Nhiều người trẻ tỏ thái độ bất bình trước những vụ án tham nhũng lớn nhưng ít ai biết rằng chính họ cũng đang gian lận. Mua bằng, chạy điểm, quay bài, đi học muộn,…là những kiểu "tham nhũng" của giới trẻ.

Những cái đầu ấm ức

“Khi đài báo ầm ĩ đưa tin vụ Vinashin, mình cũng choáng. Tự nhiên thấy giận dữ khó hiểu, bất chợt chỉ muốn “chửi” to lên một câu” - Duy Tuấn, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội bức xúc.

Tuấn càng bức xúc hơn khi nói đến việc gian lận xăng dầu: “Xăng thì tăng giá vùn vụt mà các cây xăng vẫn tìm mọi cách để ăn bớt. Mỗi người họ chỉ lấy một ít thôi, nhưng hàng trăm hàng nghìn người thì quả là một con số không nhỏ. Đâu đâu cũng thấy bớt xén, gian lận. Thật chả còn biết tin vào cái gì nữa”.

Là người thường xuyên đọc báo, quan tâm theo dõi các vấn đề xã hội xã hội, Tuấn đủ hiểu biết để thấy rằng tham nhũng đang là vấn nạn khó loại trừ của xã hội.

Còn Trịnh Thị Bồng (Lớp Báo mạng điện tử K29, Học viện Báo chí tuyên truyền) rất bất bình trước tình trạng tham nhũng trong bệnh viện: “Các bệnh nhân nghèo khó khăn lắm mới gom đủ tiền đi chữa bệnh. Vậy mà phải “lót tay” cho bác sĩ một khoản mới được chữa trị tử tế. Cứ như thế này thì chẳng biết có bao nhiêu người đủ tiền để đi khám bệnh nữa. Thật không thể hiểu nổi lương tâm của họ để đâu”.

Không chỉ Tuấn và Bồng, rất nhiều bạn trẻ cũng tỏ thái độ bất bình, bức xúc trước hiện tượng tiêu cực ngày càng gia tăng ở nhiều lĩnh vực.

Theo kết quả khảo sát của dự án “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ” do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) thực hiện, cho thấy tham nhũng là một trong 5 vấn đề được giới trẻ quan tâm nhất.
 
Hơn 90% các bạn trẻ nhận biết rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là nhiều và rất nhiều.

Bạn đã minh bạch chưa?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, tham nhũng là cái gì to tát lắm. Chỉ những “ông to bà lớn” có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng. Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm, tham nhũng có rất nhiều mức độ khác nhau: hối lộ, gian lận, dối trá và ngay cả chiếm đoạt, tống tiền, lạm dụng quyền hạn cũng là tham nhũng. Và không chỉ quan chức, ngay cả “dân đen” như giới trẻ cũng có thể tham nhũng.

Theo các bạn trẻ, tham nhũng tồn tại hằng ngày trong cuộc sống, núp dưới cái vỏ của những điều vô cùng nhỏ bé. Mua điểm, chạy trường, hối lộ công an giao thông,…là những hiện tượng tham nhũng dễ nhận biết. Nhưng còn có những việc vô tình làm mà bạn không biết là mình đang tham nhũng.

Đi xe bus không xé vé, phụ xe tham nhũng, bạn là người tiếp tay. Đi học xin về sớm, "câu giờ" thầy cô cho mau hết giờ, ấy là bạn tham nhũng thời gian. Và hàng trăm ngàn tình huống khiến chúng ta tự rơi vào cái bẫy tham nhũng của chính mình.

“Mình đi gia sư. Nhiều hôm muốn nghỉ sớm mình lại nói khéo với em học sinh. Chỉ có hai chị em ở nhà, bố mẹ nó bận rộn cũng không để ý. Thế nên thay vì phải dạy 2h, mình chỉ dạy 1h30 phút. Được về sớm, nhàn hơn mà lương vẫn không giảm. Hôm nào không đi về sớm được, thì mình cũng ngồi nói chuyện để đỡ phải giảng bài” - Hà Thùy Linh (ĐH Thương mại Hà Nội) vô tư kể. Khi biết đó cũng là tham nhũng thì Linh mới giật mình kinh ngạc: “Thật à???”.

Tuấn Đạt (ĐH Phương Đông) chia sẻ: “Giá điện tăng kinh khủng quá. Mấy bạn cùng phòng trọ mách nhau mang laptop đến lớp sạc để tiết kiệm điện ở nhà. Điện ở trường là của “chùa” nên dùng thoải mái”. Đạt đâu biết rằng sử dụng điện của trường cho mục đích cá nhân là một biểu hiện của tham nhũng.

Và còn không ít bạn trẻ vô tình tiếp tay cho tham nhũng khi không lên tiếng làm rõ sự việc nghi ngờ có hành vi gian lận. Minh Tiến (CĐ Y tế cộng đồng Hà Nội) kể: “Vừa rồi, mình có tham gia chương trình tình nguyện hè do một CLB tình nguyện tổ chức.

Theo bản kế hoạch thu chi, cơm sẽ được đặt là 150 ngàn/mâm. Nhưng khi ăn, nhiều bạn phàn nàn đồ ăn quá ít. Mình vào bếp hỏi thì người ta bảo đoàn mình chỉ đặt cơm 90 ngàn/mâm. Mình không hiểu tại sao lại có sự thay đổi đó nhưng cũng không hỏi lại ban tổ chức”.

Bản khảo sát của Trung tâm Live&Learn cho thấy, hơn 50% bạn trẻ sẵn sàng đưa “phong bì” cho ai đó để giải quyết nhanh chóng vấn đề của mình. Phần lớn các bạn trẻ do dự, không phân biệt được đâu là hành vi tham nhũng, điển hình như chỉ có 39% người xác định được việc đưa phong bì cho bác sỹ khi đi khám bệnh là tham nhũng.

Những con số này cho thấy, phần đông giới trẻ chỉ nhận diện được hành vi tham nhũng lớn, còn tham nhũng vặt diễn ra ngay trước mắt lại không nhận ra.

Cứ mải đi phê phán tham nhũng, hối lộ ở đâu xa, nhiều bạn trẻ cũng chính là những đối tượng tham nhũng vặt “nguy hiểm”, những người “đưa hối lộ” tài tình, xét trên một phương diện nào đó.

La Hoàn – Quỳnh Anh

http://vietnamnet.vn/xahoi/201008/Gioi-tre-tu-thu-chuyen-dua-hoi-lo-tham-nhung-vat-930974/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét