Phần II : Bão táp của khát vọng tự do
Bão táp của khát vọng tự do - Biên giới Hungary - Áo 11/09/1989 - Ảnh: Chris Niedenthal/Time & Life Pictures
Vào mùa Thu năm 1989 – “Mùa Thu Của Các Dân Tộc”, một chuỗi biến động nổ ra dồn dập trong tất cả các nước cộng sản Đông Âu.
Phong trào tranh đấu của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan phát triển cao độ, dồn Đảng Cộng sản vào chân tường, buộc phải chấp nhận chia quyền lực qua “Hội nghị Bàn tròn” và bầu cử tự do vào ngày 4/06/1989.
Ở Tiệp Khắc, từ tháng 1/1989, phong trào “Hiến chương 77” do giới trí thức thành lập trong những năm 70, huy động quần chúng xuống đường rầm rộ đòi cải cách chính trị.
Tại Hungary, giữa tháng 6/1989, một cuộc đàm phán mang tên “Bàn Ba Góc” được tiến hành giữa Đảng Cộng sản Hungary, phe đối lập và các tổ chức thân cộng sản.
Ngày 14/08, Tây Đức phải đóng cửa Đại sứ quán ở Hungary vì có 130 người Đông Đức vào xin tị nạn, nhưng vẫn không ngăn được người ta leo tường để vào phía trong. Hai đại sứ quán Tây Đức ở Tiệp Khắc và Ba Lan cũng bị tình cảnh tương tự. Biên phòng Áo thấm mệt vì liên tục đối phó với các nhóm người Đức vượt biên trái phép. Budapest làm ngơ đề nghị của Honecker đòi trục xuất công dân Đông Đức trở lại. Cuối cùng, ngày 10/09, được Vienna và Bonn chấp thuận, Hungary mở cửa biên giới với Áo. Hàng ngàn người tập trung sẵn và giữa đêm 11 qua ngày 12/09 kéo nhau băng qua biên giới. Sâmpanh được mở ra với những tiếng hô: “Cám ơn các bạn Hungary!”. Bên kia nước Áo, dân chúng đứng hai bên đường, những ai qua bằng xe hơi được cấp bản đồ, thực phẩm mang theo; người đi bộ chờ những “con tàu tự do” chở họ về xứ sở của mơ ước.
Con tàu tự do - Ảnh: AP
Ngày 6/10/1989, Michail Gorbachev thăm Berlin. Thanh niên Đông Đức biểu dương lực lượng, hô lớn: “Gorby, hãy cho chúng tôi tự do!”. Gorbachev lúc bấy giờ đưa ra tín hiệu cho Đảng Cộng sản Đông Đức (SED) rằng, họ không thể nhờ cậy quân đội Liên Xô can thiệp để giải quyết công việc nội bộ của mình.
Ngày 7/10, lễ 40 năm quốc khánh Đông Đức, tại Lepzig, hơn 70 ngàn dân chúng tràn ra đường bất chấp lệnh của Honecker đe dọa dùng vũ lực trấn áp. Cuộc biểu tình lan rộng ra nhiều thành phố khác của Đông Đức, dân chúng đòi dân chủ, đa nguyên chính trị và thống nhất đất nước.
Sáng 17/10 Bộ Chính Trị nhóm họp, Honecker bàng hoàng khi các đồng chí của mình buộc từ chức Bí thư thứ nhất và Chủ tịch Hội đồng nhà nước. Honecker không cầu cứu được ai xung quanh, ngay cả người thân cận nhất là tướng Erich Mielke, sếp an ninh Stasi.
Bộ Chính Trị mới với Krenz đứng đầu cũng không kìm hãm được các diễn biến đang như những con đô-mi-nô đổ rạp. Cứ mỗi sáng thứ Hai lại dấy lên đợt sóng biểu tình đòi tự do ngôn luận, tự do đi lại và bầu cử dân chủ. Vào ngày 4/11, trên quảng trường Alexanderplatz có khoảng 1 triệu người tham gia.
Kinh tế của Đông Đức nằm trong đống đổ nát. Thủ tướng Helmut Köhl cam kết cho vay 13 tỷ DM với điều kiện các tổ chức đối lập được hoạt động công khai và thực hiện bầu cử tự do. Bản thân Helmut Köhn cũng chưa muốn mở biên giới hoàn toàn vì trên đất Tây Đức đã có hơn 220 ngàn người Đông Đức tị nạn, không dễ dàng ngay một lúc lo cho họ các điều kiện sống đầy đủ. Sẽ ra sao nếu con số lên đến hàng triệu?
Trước áp lực của tình hình, Bộ Chính Trị Đông Đức quyết định nới lỏng thủ tục cấp giấy phép và cho có hiệu lực từ từ. Cá nhân nào có nguyện vọng sang phía Tây sẽ được đồng ý tức thì nhưng với điều kiện phải có hộ chiếu, chỉ khước từ những trường hợp rất đặc biệt. Bằng cách này lãnh đạo Đông Đức muốn câu giờ, bởi vì thời gian đợi cấp hộ chiếu là sáu tuần lễ.
Thế nhưng số phận của Bức tường Berlin kết thúc nhanh hơn toan tính của nhà cầm quyền, của cả Helmut Köhl, cũng như nhiều người khác. Nó ập đến bất ngờ.
Bí thư Thành ủy Berlin Güenter Schabowski thông báo chương trình nới lỏng thủ tục của chính phủ trong cuộc họp báo quốc tế vào tối ngày 9/11/1989. Mọi thứ đã có thể khác đi, nếu không có người đột ngột đưa ra câu hỏi bao giờ có hiệu lực. Guenter Schabowski lúc ấy rất có thể chưa ý thức thật rõ ràng hoặc cũng có thể vì lúng túng, buột miệng nói: “Ngay lập tức”. Nội dung họp báo theo đúng kế hoạch sẽ phát lên ăng-ten hôm sau, nhưng đài truyền hình Đông Đức MDR “vội vã” xé rào, loan tin ngay: “Biên giới Đông Đức mở cho tất cả mọi người. Đường sang phía Tây tự do!”.
Thế là giữa đêm ấy, ngày 9/11/1989, hàng ngàn người kéo nhau đến sát tường đòi qua phía Tây. Không có lệnh từ thượng cấp, binh lính biên phòng nhìn nhau không biết phải làm gì. Cuối cùng, vào lúc 23 giờ 20 phút, chỉ huy trưởng B. Brücke tuyên bố mở cửa biên giới vì sợ dẫn tới xung đột đổ máu. Tin được truyền đi nhanh như chớp dọc theo tường thành. Tất cả các cửa khẩu cùng mở toang. Người ta tràn qua Tây Đức như sóng trào. Binh lính biên phòng cũng nhập theo dòng chảy. Sức mạnh của khát vọng tự do tạo nên bão táp, xô đổ tất cả mọi chướng ngại. Đông Đức như một núi tuyết, sụt lở ầm ầm. Güenter Schabowski chạy ra quan sát và nói rằng, Đông Đức vỡ vụn….
Mới đó thôi, vào ngày 18/01/1989, trên tờ báo Đảng Neues Deutschland, Erich Honecker hứa hẹn rằng “Bức tường Berlin sẽ còn tồn tại tiếp 50 năm, thậm chí 100 năm nữa”. Mới đó thôi, trong cuộc bầu cử tháng 5, tới 99% cử tri đã “sáng suốt chọn lựa” Đảng Cộng sản Đông Đức tiếp tục lãnh đạo đất nước!
Ngay cả các nhà chính trị và báo chí phương Tây cũng không nghĩ tình hình thay đổi nhanh như vậy. Trên Newsweek của Mỹ ngày 6/03/1989 nhà báo Michael Meyers dự đoán “dường như có một nhóm bảo thủ hơn sẽ lên nắm quyền. Thế nhưng sẽ xuất hiện một nhân tố quan trọng hơn, tác động vào hai nước Đức riêng rẽ, đó là áp lực kinh tế từ việc thiết lập thị trường chung Tây Âu”.
Một tuần tiếp theo sau đêm lịch sử 9/11 đã có hơn 4 triệu người Đông Đức qua Tây Đức. Họ vui mừng và kinh ngạc nhìn cuộc sống thịnh vượng của đồng hương ở phía bên kia bức tường. Họ giương biểu ngữ “Dân tộc chúng ta là một” và đòi thống nhất đất nước. Vài tháng sau, ngày 3/10/1990, với chính sách khôn khéo của Thủ tướng Helmut Köhl, không một hỗn loạn nào xảy ra, cùng với sự đồng ý của các tất cả các cường quốc, Đông Đức sát nhập vào CHLB Đức.
Tất cả bắt đầu từ Ba Lan
Sau 20 năm đã có sự đồng nhận định rằng, cuộc cách mạng dân chủ mùa Thu năm 1989 khởi đầu từ Ba Lan, nhưng Bức tường Berlin sụp đổ là tổng hợp kết quả của nhiều yếu tố.
Arnold Vaatz, cựu thành viên tổ chức đối lập Đông Đức Neue Forum, nghị sĩ quốc hội Đức, thuộc đảng CDU, nói: “Những biến động và thay đổi ở Ba Lan, Moscow, cũng như hoạt động của các tổ chức đối lập Đông Đức có ý nghĩa to lớn nhưng không mang tính quyết định. Công lao trước hết thuộc về 4 triệu người Đức phía Đông đã đệ đơn lên nhà cầm quyền xin ra khỏi nước vĩnh viễn. Lòng khao khát tự do của họ đã quyết định”. Stephan Hilsberg, nghị sĩ của đảng SPD bổ sung: “Không đơn giản như thế. Không có những người đã dám mạo hiểm với tù tội, sẽ chẳng có sự thay đổi nào hết”.
Tháng 06/2009, ông Steimeir, Ngoại trưởng Đức bấy giờ, trong chuyến công du quảng bá cuộc triển lãm “20 năm tự do tại châu Âu. Người Đức cám ơn”, nói tại Cracow, Ba Lan: “20 năm trước đây, lòng dũng cảm vươn tới tự do đã chiến thắng ở Ba Lan, sau đó ở Hungary và Tiệp Khắc. Từ đây đã mở đường cho sự thống nhất nước Đức và châu Âu. Những người Đức chúng tôi không bao giờ quên điều này”. Tham gia cuộc triển lãm này có bức tranh của họa sĩ Ba Lan Truscinski vẽ chiếc xe hơi mang biển số thành phố Gdansk “GDA 1970” và người công nhân cầm chiếc búa đập vào thành lũy cộng sản.
Bức tranh của Truscinski - Ảnh: GW
Cũng trong tháng 6, trước tòa nhà Reichstag, Berlin đã khánh thành bức tường tượng trưng tường Cảng Gdansk, nơi sinh ra Công đoàn Đoàn kết Ba Lan (Solidarność) với dòng chữ: “Để tưởng nhớ cuộc tranh đấu của Công đoàn Đoàn kết vì tự do và dân chủ, cùng với sự đóng góp của Ba Lan vào việc thống nhất nước Đức và châu Âu”.
Vào dịp này, Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit đã tặng cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa huân chương cao nhất, Huân chương mang tên Reuter, hôm 8/06/2009. Nhắc lại cảnh quần chúng mừng vui trong ngày 9/11/1989, ông phát biểu: “Sự kiện này không tách biệt. Nó xảy ra từ vô số sự kiện khác. Và ở đây, chúng ta nhìn sang Ba Lan – tất cả bắt đầu từ Gdansk, tại xưởng đóng tàu mang tên Lenin. Một con người đã đi ra từ bóng đêm lịch sử và đối đầu với nhà nước cộng sản. Không ai lúc ấy nghĩ rằng, con người này, một thợ điện, lại có thể làm thay đổi Ba Lan và châu Âu. Với lòng biết ơn, chúng ta nhắc lại những gì mà những người anh em láng giềng của chúng ta đã làm. Lech Walesa thuộc danh sách những người quan trọng nhất tạo nên thống nhất Berlin và nước Đức. Ông đã góp phần quyết định vào việc xây dựng tương lai hòa bình”.
Tham dự lễ trọng thể năm nay có nguyên thủ của tất cả 27 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Nga, Tổng thư ký NATO Rasmussen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Buzek, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Barroso. Lech Walesa là người sẽ xô đổ tấm panô đầu tiên trong gần một ngàn tấm biểu trưng cho Bức tường Berlin – tạo hiệu ứng đô-mi-nô làm nên ngày 9/11/1989.
Trước buổi lễ, ngày 31/10/2009, ba kiến trúc sư, hay là cha đẻ – theo cách nói của người Đức – của công trình thống nhất nước Đức gồm Helmut Köhl (79 tuổi), Mikhail Gorbachev (78 tuổi) và George W. Bush Senior (85 tuổi), đã đến Berlin tham dự hội thảo “Bức tường sụp đổ, thống nhất nước Đức – Chiến thắng của tự do” tại Nhà hát Berlin Friedrichstadtpalast.
Trong cuộc hội thảo, Helmut Köhl nói: “Người Đức không có nhiều lý do để tự hào về lịch sử của mình. Nhưng các sự kiện cách đây 20 năm đã cho phép họ như vậy. Tôi không có lý do nào tốt hơn là sự thống nhất nước Đức để tự hào. Nước Đức đã giành được thành đạt chung với lòng dũng cảm và phương pháp hòa bình”. Nhìn Gorbachev và W. Bush ngồi bên cạnh, ông nói thêm rằng, ông “đã may mắn được làm việc với họ” và “coi họ là đối tác quan trọng nhất trên thế giới, mặc dù có nhiều bất đồng”. “Các ngài yên tâm rằng, nước Đức sẽ tuân thủ các cam kết của mình cho tương lai” – Ông khẳng định.
George W. Bush Senior cho rằng, niềm vui thống nhất nước Đức không chỉ nằm ở thủ đô Berlin, mà còn trong con trái tim, khối óc của những người từ lâu đã tranh đấu cho quyền lợi mà Thượng Đế ban cho họ” và “không có bức tường nào có thể ngăn chặn được giấc mơ tự do của con người trong khối cộng sản”.
Gorbachev xác nhận ngay từ mùa hè năm 1989 ông đã tin rằng sự thống nhất của Đức mang tầm vóc của thế kỷ 21, “vài tháng sau đó, người ta đã mở đường cho sự thống nhất của Đức”. Rút ra bài học lịch sử từ các sự kiện, ông nói “các dự án châu Âu sẽ không mang lại kết thúc tốt đẹp, nếu nó dựa trên tư tưởng bài Nga và chống Mỹ”.
Ba nhà kiến trúc sư của công trình thống nhất nước Đức, Berlin 31/10/09 - Ảnh: Reuters
20 mươi năm, vết thương chưa lành?
Từ năm 1991 Berlin trở thành thủ đô của nước Đức thống nhất, vô số công trình mới mọc lên ở phía Đông, trên cả những nơi bức tường đã đứng trước đây.
20 năm với nhiều thay đổi lớn lao, nhưng vết cắt nước Đức vẫn chưa lành lặn hết. Dân tộc Đức là một, nhưng đâu đó vẫn còn hai gam màu khác nhau. Nỗi luyến tiếc quá khứ (nostalgia) vẫn hiện hữu.
Thăm dò dư luận ngày 16/09/2009 của tuần báo Đức Stern và đài truyền hình Đức RTL cho thấy, 16% người phía Tây nhớ tới bức tường và muốn đất nước bị phân chia như cũ, trong khi khoảng 10% người phía Đông có ý nghĩ tương tự (phân nửa số này có bằng học nghề và quá khứ liên đới với chế độ cộng sản cũ).
Mặc dù khái niệm mang màu sắc miệt thị “Wessis” và “Ossis” ít ai dùng trong những cuộc gặp gỡ nghiêm túc, danh sách sự khác nhau về tâm lý giữa người bên Đông và bên Tây còn khá dài, căn cước, quyền sở hữu, luật pháp, ngôn ngữ và thậm chí tín ngưỡng. Trong khi đa số người Đức sống theo chuẩn mực giá trị của Cơ đốc giáo, thì sau 40 năm với ý thức hệ cộng sản, toàn bộ phía Đông gần như thế tục và phải hội nhập vào một xã hội đa văn hóa.
Người ta oán trách các nhà chính trị hiểu quá ít về nền kinh tế của Đông Đức, nên đã không báo trước cho dân chúng biết cần bao nhiêu tiền để cân bằng mức sống hai bên. Khi bức tường dựng lên, 167 tuyến giao thông của Berlin bị chặt đứt và nhiều cầu bị phế bỏ. Thu bộn số tiền quá cảnh tới 6 tỷ DM, Đông Đức cho phép các phương tiện công cộng của Tây Đức chạy trên lãnh thổ mình, nhưng không được dừng lại và dưới sự giám sát chặt chẽ của binh lính. Chỉ riêng tái thiết mạng lưới giao thông của Berlin, xây dựng các nhà ga, thay toa tàu, Tây Đức đã chi ra 40 tỷ DM.
Trong khối xã hội chủ nghĩa Cộng hòa Dân chủ Đức có mức sống cao nhất, là niềm mơ ước của cả phần còn lại. Sinh viên miền Bắc Việt Nam đi du học xếp “nhất Đức, nhì Nga, thứ ba Tiệp Khắc” theo giá trị hàng hóa mang về nước. Còn công nhân Việt Nam lao động ở Đông Đức thuộc loại giàu có nhất vì kết thúc hợp đồng, thùng hàng đóng gửi về có thể thu cả chục lạng vàng.
Vậy mà, tính đến cuối năm 2006, tiền rót cho phía Đông khoảng 1100-1250 tỷ Euro, thu nhập đầu người của dân phía Đông hiện nay mới chỉ đạt 67,3% mức phía Tây. Thế mới biết hệ thống cộng sản đã kéo lùi sự tiến hóa với sức mạnh khủng khiếp ra sao.
Người Đức phía Tây cảm thấy thua thiệt, bị mất một phần thu nhập. Họ chẳng ngại khi nói rằng, chính phủ lấy quá nhiều tiền thuế (đoàn kết) nuôi dân phía Đông lười biếng, nhưng hay ca thán và thậm chí vô ơn, vì bỏ phiếu ủng hộ các đảng hậu cộng sản…
Trong khi đó, người phía Đông có lý riêng của mình. Họ thấy bị phía Tây áp đặt. Người Đức phía Đông lẽ ra đã có thể là nhân tố tốt hơn cho sự phát triển nước Đức thống nhất, họ đã từng chống lại nền kinh tế kế hoạch. Sự cởi mở đón nhận cải cách của họ không được khai thác đúng mức. Người phía Tây đã không coi trọng kinh nghiệm của người anh em, không chịu hiểu rằng, di sản kinh tế tồi tệ của Đông Đức không xuất phát từ con người mà từ thể chế. Tất cả mọi thứ, các định chế, luật pháp đều mang từ bên kia sang…
Dân Ba Lan nói rằng, xây dựng cơ cấu dân chủ là tiến trình khó khăn và gian khổ, người Đông Đức thì có sẵn hết. Nhưng người Đông Đức phải ghen với người Ba Lan, vì có thể gặp sai lầm, phải trả giá đắt nhưng người Ba Lan tự do và có thể tự mình lo toan. Người Đông Đức thì không.
Một số người bi quan nhớ lại cuộc sống Đông Đức cũ không có người vô gia cư, với những kỳ nghỉ phép miễn phí, mọi người giúp đỡ nhau, có cái gì đó ấm cúng, của mình. Bây giờ, họ có thể trả tiền nhà ở vài ngàn Euro mỗi tháng so với 150 Mác trước đây, tiện nghi đầy đủ, hiện đại, nhưng nhịp sống quá nhanh, không còn thời gian cho bè bạn, đất nước bị quản trị bởi những người sẵn sàng làm mọi thứ vì lợi nhuận. Thế nhưng nói quay lại thời đó thì ít ai muốn.
Sau 20 năm, đề án xây dựng Tượng đài Thống Nhất, biểu tượng tính liên tục của nước Đức từ cuộc chiến với đế quốc La Mã hai ngàn năm trước tới ngày Bức tường Berlin sụp đổ, vẫn xếp trong ngăn kéo. Đã có tới 536 mẫu nhưng chưa thiết kế nào được chấp nhận vì thiếu đồng thuận.
Dù sao, so với kết quả thăm dò 10 năm trước, tỷ lệ nhỏ số người không hài lòng với nước Đức thống nhất đã giảm đi rõ rệt. Đông Berlin vươn lên sáng sủa hơn, văn minh hơn. Miền đất phía Đông mở ra cơ hội. Người Đức tiếp tục di chuyển nhưng dường như theo hành trình ngược lại, từ Tây qua Đông.
Nước Đức chưa thống nhất hoàn hảo về vật chất cũng như lòng người, nhưng không một chút nghi ngờ gì rằng, nó sẽ tới đích.■
Warsaw 5/11/2009
Chú thích: Toàn bộ số liệu và trích dẫn lời trong bài viết được sử dụng từ các nguồn sau: Pl.Wikipedia; nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 4/11/1999, 5/06/2009; 31/10/2009; PAP 16/09/2009, Tuần báo Polityka số 2710, 20/06/2009; Newsweek Poland số 45, 8/11/2009.
Bài viết cho nhật báo Người Việt – © 2009 by Người Việt.