Quốc hội Việt Nam vừa chấm dứt xong một phiên họp khá dài và khá sôi nổi về những vấn đề nổi cộm hiện nay trong đó có công trình khai thác quặng bô-xít trên Tây Nguyên.
Trên cương vị một Kỹ sư cơ khí từng có kinh nghiệm trong ngành khai thác tinh luyện khoáng sản tại Canada, tôi xin có vài nhận xét kỹ thuật như sau:
1)- Về lời phát biểu của ông bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Trích từ báo Dân trí ngày 13-06-2009:
..."Đến lượt nữ đại biểu Phạm Thị Loan bày tỏ sự lo ngại thông qua việc đặt vấn đề, alumin vẫn là thô, hiệu quả chưa thấy bao nhiêu, trong khi lại gây ra nhiều lo ngại. Từ đó, bà Loan nêu câu hỏi, khai thác bô-xít như vậy có phải là đi ngược chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô?
“Với hàm lượng ô-xít nhôm 98,2% alumin không thể gọi là quặng thô”, ông Hoàng đáp lại. Theo vị Bộ trưởng Công thương, không có tài liệu nào trên thế giới nói alumin là thô.
Trả lời của Bộ trưởng Hoàng vẫn không thuyết phục được đại biểu Loan. Nữ đại biểu Hà Nội này cho rằng, alumin vẫn là bán thành phẩm và từ alumin đến nhôm còn cần đến một quá trình dài, với nhiều chế phẩm nữa và như thế là thiệt hại cho đất nước"...
Ý kiến chúng tôi: Dĩ nhiên ông Bộ trưởng có quyền tuyên bố rằng Alumina 83,6% Al2O3 (dựa trên báo cáo Chính phủ) không phải là thô, nhưng chắc chắn rằng không có công ty nào trên thế giới đặt mua sản phẩm này, bởi lẽ họ cần Alumina tinh khiết hơn (tối thiểu 99,5%) để chế biến thành kim loại Nhôm thượng hạng, dùng cho kỹ nghệ xe hơi, máy bay, hỏa tiễn. Nồng độ 83,6% có nghĩa rằng 16,4% còn lại là tạp chất, không có hữu dụng gì để chế biến kim loại, mà còn có tác động xấu và tốn kém nữa, chẳng lẽ họ mua về rồi lại xây nhà máy tinh luyện để nâng cấp Alumina lên tới 100% sao?
Tuy vậy, tôi vẫn ngạc nhiên và thán phục ông Bộ trưởng VH Hoàng hết sức, chỉ mới chưa đầy một tháng, cá nhân ông đã tinh luyện sáu trăm ngàn tấn quặng bô-xít để nâng cấp từ 83,6% (dựa trên Báo Cáo Chính phủ lên Quốc hội hồi tháng Năm) lên đến 98,2%, ông loại ra ngoài 14,6% tạp chất mà không cần dùng đến hóa chất độc hại NaOH, không cần đến những thiết bị tối tân hiện đại bậc nhất của các nước tiền tiến. Quặng bô-xít từ sản phẩm thô 83,6% (báo cáo Chính phủ) qua tài chế biến của ông Bộ trưởng VH Hoàng đã trở thành sản phẩm tinh khiết 98,2%. Hoan hô ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Chúng ta hãy chờ vài tháng tới, trong kỳ họp Đại hội Đảng Cộng sản, biết đâu ông Bộ trưởng VH Hoàng còn có khả năng tinh chế quặng đạt chất lượng tuyệt đối tinh khiết 100% (Al2O3) qua mặt Nhà máy Nhân Cơ. Tôi sẽ tự nguyện đem sản phẩm này đi chào hàng với những công ty nổi tiếng về Nhôm như ALCAN RIO TINTO (Canada).
Bà đại biểu Phạm Thị Loan hãy tin tôi đi, đất nước Việt Nam có lắm nhân tài xuất chúng, nên để cho họ có cơ hội thi thố tài năng, trong đó có ông Bộ trướng Vũ Huy Hoàng được tặng danh hiệu "người bị chất vấn nhiều nhất và sửa soạn kỹ lưỡng nhất".
2)- Về lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên
Ông Bộ trưởng này tuyên bố công trình bô-xít Tây Nguyên dự kiến sẽ cho xây dựng hai cái hồ chứa nước mưa, dung tích 17,5 triệu mét khối và 20 triệu mét khối cho hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Ông còn thêm chi tiết rằng bảo đảm không đụng tới mạch nước ngầm, để tránh ảnh hưởng môi trường dân sinh và đồng bằng Đồng Nai dưới hạ lưu.
Ý kiến chúng tôi: Hoan nghênh ông Bộ trưởng hết mình. Tôi thử hình dung hai cái hồ này nhỏ bé cỡ nào, nếu quy về hình khối lập phương, mỗi cái hồ là 1000m x 1000m (một cây số vuông) và độ sâu tôi thiểu là 17,5 đến 20 mét, để đạt dung lượng 17.500.000 m3 và 20.000.000 m3.
Hai cái hồ này chắc hẳn phải được đúc bằng bê tông dày để không đụng đến những mạch nước ngầm. Tuy nhiên, đề nghị ông Bộ trưởng tính dùm số lượng xi măng và cốt sắt để đúc được hai cái hồ vuông vức một cây số vuông mỗi cái, sâu 17,5 m và 20 m và cũng từ đó hạch toán kinh tế xem ngân sách Chính phủ dư thừa được bao nhiêu để tiến hành thi công?
Hai cái hồ này nếu xây dựng , cần phải có địa hình và địa chất thích hợp, để giá thành và diện tích ngập nước của hồ có thể chấp nhận được. Ngoài ra, nếu chỉ hứng nước mưa từ trên trời rơi xuống (không dùng nước ngầm) thì ông Bộ trưởng tính giùm xem chúng ta cần thời gian bao lâu để tích lũy được một khối lượng nước ngọt tổng cộng 37,5 triệu mét khối. Có cần phải huy động nhân dân hứng nước mưa từ máng xối từng nhà đổ vào hồ không? Nếu không, đề nghị Chính phủ xây dựng một đàn cầu mưa (giống như Khổng Minh trong Tam quốc chí), cao 100m, tuyển mộ 49 cặp nam nữ đồng trinh xếp hai hàng dưới chân đàn, chặt đầu 49 con trâu, 49 con bò và 49 con heo, xong ba vị lãnh đạo Nhà nước đứng lên tế lễ Trời Đất ba ngày ba đêm, chắc chắn sẽ có mưa đều liên tục 12 tháng trong suốt 50 năm, Tây Nguyên và Đồng Nai sẽ có nước đầy ăm ắp. Thế nhưng, sẽ xảy ra một nghịch lý là, nếu các hồ này hứng đủ số lượng nước mưa cần thiết, không lấy nước ngầm, nhưng nó sẽ làm hụt mạch nước ngầm và lượng nước xuôi về hạ lưu cần phải có. Không biết ông Bộ trưởng có nghĩ và tính đến thiệt hại khi xây hai cái hồ này chưa? Con đập ở thủy điện ĐăkMi tuy không liên quan nhưng là một ví dụ ngoại lai để cho thấy hậu quả của sự không tính toán trước khi tiến hành, hàng trăm ngàn người dân ở hạ lưu sông Vu Gia đang trong nguy cơ chết khát!
Ông Bộ trưởng TN-MT còn bảo đảm rằng nhà máy sẽ sử dụng nước trong quy trình khép kín để tiết kiệm nhu cầu nước tối đa. Có nghĩa rằng nước ngọt từ trên trời rơi xuống tích trữ trong hai cái hồ vĩ đại 37,5 triệu mét khối, đưa vào sử dụng trong hai nhà máy, xong rồi lại tích trữ trong một cái hồ Bùn Đỏ lớn hơn (hơn 1 tỷ mét khối, cho 50 năm).
WOW! Miền cao nguyên Đắc Lắc sắp sửa trở thành một bể chứa nước khổng lồ, nằm chênh vênh trên đầu người dân Nam Bộ. Nước chỉ có vào, tụ lại và không thoát ra. Coi bộ ông Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường muốn đem sinh mạng hàng chục triệu người dân ra đánh bạc chắc? Trung Quốc hăm he khóa nước sông Mê Kông, dân đồng bằng Cửu Long sắp bị thiếu nước, nay ông lại chơi trò giữ nước trên cao nguyên, ông không cần biết đến quy luật tuần hoàn trong thiên nhiên, ông tham lam tích lũy năng lượng trời đất như vậy không sợ bị thiên tai kinh hoàng như trận động đất Tứ Xuyên bên TQ năm ngoái sao? Tờ báo khoa học nổi tiếng Sciences & Vies tháng Tư 2009 đã gióng lên một tiếng chuông cảnh báo chính quyền Trung Quốc về nguyên nhân động đất, đó là những đập thủy điện khổng lồ có khả năng ảnh hưởng đến long mạch, gây ra chấn động địa chất. Vì thế, hôm qua Trung Quốc đã chính thức chấm dứt hai dự án xây đập trên sông Kim Sa. Ông Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường có nghĩ đến tình huống này chưa?
Ông PK Nguyên lại còn hùng hồn tuyên bố rằng chất lượng kỹ thuật xây cất sẽ bảo đảm toàn hệ thống có khả năng chịu đựng những cơn dư chấn 7 độ Richter. Ông cho phép tôi nghi ngờ. Đặt nghi vấn nhé:
a)- Công trình xây cầu Cần Thơ sụp đổ năm 2007, cướp đi hơn 50 sinh mạng công nhân, Chính phủ đã điều tra và công bố nguyên nhân chưa?
b)- Cầu cao tốc Chợ Đệm (Trung Lương) bị gãy dầm cầu bê tông (dài 40m, nặng 60 tấn) hồi tháng Ba, gây tử thương một công nhân, Chính phủ đổ hết tội lên đầu công nhân (có lẽ tại hai ông công nhân quá nặng cân), đã có ai thấy rõ sự thật chưa?
c)- Biết bao công trình xây cất cao ốc trong thành phố đã gây thiệt hại cho môi trường xung quanh (đất lún, sụp đổ, nhà cửa bị nứt, vv...) ông PK Nguyên có biết không ? Dàn pa-nô quảng cáo nặng hơn 10 tấn bị gió mạnh quật đổ gây thiệt hại nhà dân, có đủ sức chịu đựng cơn dư chấn 7 độ Richter hay không?
Ông Bộ trưởng PK Nguyên cứ tiếp tục nói và hứa hẹn đi, nhưng những chuyện xảy ra hàng ngày trước mắt có cho phép mọi người tin tưởng lời nói của ông hay không?
3)- Về lời tuyên bố của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Ông Phó Thủ Tướng khẳng định với quý vị đại biểu Quốc hội rằng cần nên xé lẻ dự án lớn thành từng mảnh nhỏ thì mới tốt. Tôi vẫn không hiểu ông NS Hùng muốn nói tốt về điều gì, nhưng trên phương diện kỹ thuật thì tôi cảm thấy lạ lùng, có cái gì mờ ám. Tất cả những dự án nhỏ đó hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau, không có cái này thì cái kia không làm được.
- Không có hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ làm sao đào xới đất, vận chuyến đất đá, nghiền nhỏ quặng, tinh lọc quặng thành Alumina?
- Không có đường dây vận chuyển đuờng sắt, hay xa lộ thì làm sao thanh toán được hết sáu trăm ngàn tấn quặng ra khỏi vùng đất cao nguyên, lấy đâu ra chỗ để chứa một đống khối lượng Alumina trắng tinh, đắt đỏ?
- Không có bến cảng Kê Gà cho tàu cập bến thì làm sao xuất cảng được sản phẩm ra nước ngoài lấy ngoại tệ?
- Không có phương tiện vận chuyển (tàu hỏa, xe vận tải) lấy gì chuyên chở quặng từ trên cao nguyên xuống bến cảng?
- Không có nhà máy nhiệt điện (hay thủy điện) lấy đâu ra năng lượng đế vận hành hàng ngàn thiết bị nặng nề? chắc ông NS Hùng chưa bao giờ chứng kiến một cỗ máy nghiền quặng vĩ đại (SAG Mill) nặng 450 tấn, đường kính 10 m, vận hành bằng mô-tơ bảy ngàn mã lực, và một cỗ máy Ball Mill (400 tấn) với mô-tơ sáu ngàn mã lực.
- Và dưới con mắt chuyên nghiệp tôi còn dự kiến rất nhiều vấn đề quan trọng khác mà ông Phó thủ tướng chưa thấy hết;
Tổ chức phân chia thành từng dự án nhỏ để kiếm tra, thi công là chuyện kỹ thuật quản lý, quản trị của dân chuyên nghiệp chúng tôi bên trong công trình, nhưng dùng mưu chước này để qua mặt Quốc hội và nhân dân thì rõ ràng là một trò lừa phỉnh, bởi lẽ ngân sách tối hậu sau cùng là một khoản chi tiêu khổng lồ (gần cả trăm tỷ đô la US) ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai người dân, chưa nói đến những yếu tố cực kỳ nghiêm trọng hơn, đó là hiểm họa môi trường và an ninh quốc phòng liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó, Quốc hội và toàn thể nhân dân Việt Nam phải có quyền được thông tin đầy đủ, chính xác và minh bạch để lấy quyết định tối quan trọng.
Để kết luận, tôi chỉ có vài hàng kính gửi đến quý vị dân biểu có quyết tâm muốn thực sự đại diện cho người dân trong nước, tôi thông cảm quý vị hăng say làm việc trong những ngày căng thẳng, tuy nhiên vì thiếu thông tin chính xác từ phía Chính phủ mà quý vị đành phải kiên nhẫn chịu đựng không phát huy được hết cái quyền cao quý do người dân giao phó. Tôi chỉ là một kiều bào từ hải ngoại, băn khoăn bứt rứt trước tình thế mà phải lên tiếng gióng tiếng chuông cảnh báo mà thôi.
Xin kính chào quý vị,
Kỹ sư Lê Quốc Trinh
Kỹ sư tư vấn Canada