Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Từ Miến Điện đến Bắc Triều Tiên, các chế độ độc tài "dỗ ngọt" Tây phương

Tuần báo Le Courrier International trên trang châu Á đăng lại hai bài phân tích của đồng nghiệp Miến Điện The Irrawaddy, tờ báo đối lập phát hành tại Thái Lan và đồng nghiệp Hàn Quốc Chosun Ilbo tuy sự kiện khác nhau nhưng có cùng một kết luận.

The Irrawaddy nhắc lại sự kiện thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong vòng công du châu Á đã đến Miến Điện và đã được gặp tướng Than Shwe và lãnh đạo đối lập đang bị quản thúc Aung San Suu Kyi. Chính quyền Miến Điện còn làm một cử chỉ nữa là trả tự do cho  John Yettaw mới vừa bị kết án 7 năm tù, và cũng là người tạo cơ hội cho chính quyền quân sự kéo dài thời gian cô lập giải Nobel hòa bình 91.

Khi các chế độ độc tài chìa bàn tay thân thiện

Theo giới thạo tin, thì những cử chỉ làm đẹp lòng thượng nghị sĩ Mỹ chỉ nhằm mục đích xoa dịu Tây phương vào lúc tổng thống Obama sắp công bố chánh sách mới đối với Miến Điện. Trên thực tế thì tập đoàn quân sự tin tưởng vào sự ủng hộ của Trung Quốc nên Hoa Kỳ chỉ là hàng thứ yếu trong bảng xếp hạng quyền lợi của Miến Điện.

Tuy vậy, Than Shwe biết rõ tuy Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện nhưng cùng lúc  yểm trợ chính trị cho các sắc tộc đấu tranh ở vùng biên giới. Bắc Kinh lo ngại xung đột vũ trang sẽ đẩy hàng trăm ngàn người Miến Điện chống chế độ chạy sang Trung Quốc lánh nạn.

Do vậy, là một cao thủ cờ vua, tướng Than Shwe có lẽ muốn bắn tín hiệu với Trung Quốc là ông ta có thể "khởi động một bước hòa dịu với Mỹ". Tuy nhiên, một nhà báo Miến Điện lão thành mĩa mai rằng : tình hình chế độ lệ thuộc vào Trung Quốc về quân sự, kinh tế ,thương mại, chưa kể đến ống dẫn khí đốt xuyên Miến Điện đến Vân Nam, đã quá chặt chẻ như cô gái 20 tuổi đã trót mang thai. Cô ta rất khó mà bỏ rơi tác giả để chạy theo người khác.

Trước khi Miến Điện trả tự do cho công dân Mỹ John Yettaw, thì tại BắcTriều Tiên cũng diễn ra một sự kiện tương tự. Kim Jong Il tiếp cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và thả hai nữ phóng viên. Sau đó, chế độ này tiếp lãnh đạo tập đoàn Hyundai Hàn quốc và trả tự do cho một nhân viên làm việc tại đặc khu kinh tế Kaesong.

Báo Chosun phân tích là các tin vui này rơi xuống vào lúc Kim Jong Il không che dấu ước nguyện muốn hòa với Mỹ để cứu lấy chế độ. Ông ta muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế là chế độ đã thay đổi, chìa bàn tay thân thiện với Hoa Kỳ và thông báo tín hiệu một trang sử bang giao mới.

Chiến thuật của Iran

Tại Iran, chính quyền hồi giáo cũng có cùng chiến thuật, truy tố một nữ sinh viên Pháp về tội gián điệp để trả thù Paris. Các chế độ độc tài có cùng một thủ đoạn : bắt giam những người có tinh thần tự do để sĩ nhục các nền dân chủ.

Một nữ sinh viên Pháp Clotilde Reiss đón sinh nhật 24 tuổi trong tù với tội danh gián điệp. Tuần báo Pháp le Nouvel Observateur dành ba trang tìm hiểu về "gián điệp kỳ thú này". Tội của cô là mẹ mất sớm, và qua người vú nuôi là người Iran cô yêu tiếng Ba Tư và muốn tìm hiểu thêm về nến văn hóa này. Cho nên cô không do dự khi có cơ hội sang quê hương của người mẹ thứ hai vừa học thêm vừa làm giảng sư tiếng Pháp.

Khi biểu tình chống bầu cử gian lận xảy ra cô tham gia, ghi lại hình ảnh qua điện thoại di động và gởi mail cho bạn bè một cahcs công khai. Giabns điệp nguy hiểm gì mà trong các điện thư cô thông báo chương trình nghĩ hè và chào bạn bè bằng lời « bisou » tức hôn má theo truyền thống Tây Âu.

Cô gái trẻ này, theo tuần báo cánh tả Pháp đã bị phe hồi giáo cực đoan trù dập để trả thù nước Pháp đánh giá cuộc bầu cử Iran không được công khai.

Bên cạnh Clotilde Reiss, chính quyền Iran còn bắt nhiều phụ nữ khác người Iran như một thông điệp cảnh cáo Tây Phương lẫn những nhà dân chủ trong nước.

Bài xã luận của tuần báo L’Express  tóm ý được chiến thuật của các chế độ độc tài qua tựa "Con tin, cả một niềm tuyệt vọng". Tác giả nhận định rằng chỉ trong vòng có vài ngày người ta thấy một cựu tổng thống Mỹ đến Bình Nhưỡng làm vài động tác nghiêng mình để đổi lấy tự do cho hai nữ phóng viên, một thượng nghị sĩ Mỹ đến Miến Điện để chuộc tự do cho một công dân ngưỡng mộ lãnh đạo đối lập.

Dùng con tin làm món hàng đổi chác 

Con tin là phương tiện hiệu quả nhất để các chính quyền bị thế giới khinh khi làm món hàng đổi chác và sĩ nhục các nền dân chủ. Bắt người đưa ra tòa, rồi buộc họ nhận đủ mọi thứ tội. Sau đó chính các nước dân chủ phải cám ơn "lòng nhân đạo" của các tên bất lương, hay thái độ "khoan hồng" của những tên bạo chúa.

Các chế độ này chỉ cần đàn áp  một vài đối tượng công dân, tạo xúc động trong công luận. Thế là công luận taị các nước dân chủ buộc nhà nước của họ phải can thiệp. Giới lãnh đạo phải nghe theo nếu không sẽ bị mất điểm mất phiếu.  Con tin trở thành nhược điểm của các chế dộ dân chủ. Tác giả kết luận : Kẻ thù của chúng ta biết điều đó. Còn chúng ta thì sao ?                              

Tiếp tục quan tâm đến nạn nhân các chế độ độc đoán tại Á châu, tuần báo cánh tả Le Nouvelle Observateur dành  4 trang để nhắc lại cuộc tranh đấu của bà Aung San Suu Kyi mà tuần báo này gọi là « người phụ nữ can đảm ». Ngay từ lúc mới hứa hôn, bà và vị hôn phu, một giáo sư người Anh đã có linh tính là một lúc nào đó hai người phải hy sinh hạnh phúc riêng tư khi quyền lợi đất nước của bà đòi hỏi.

Cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1988 đã đưa người phụ nữ trẻ tuổi chân yếu tay mềm vào cơn lốc chính trị với gần 18 năm tù đày và quản thúc trong thời gian 22 năm qua tính từ khi bà trở về nước thăm mẹ bị bệnh nặng.

Trung Quốc và vụ đàn áp luật sư Hứa Chí Vĩnh 

Nói đến Miến Điện, không thể không điểm qua thời sự Trung Quốc. Le Nouvel Observateur, dưới chân dung của luật sư Hứa Chí Vĩnh, nhà báo Olivier Wang phân tích hai sự kiện đang diễn ra tại Trung Quốc. Một mặt, chính quyền điều tra hay trừng phạt một loạt cán bộ cao cấp tham ô, mặt khác trấn áp giới luật sư bảo vệ nhân quyền và bênh vực dân oan.

Đối với sự kiện thứ nhất, nhà phân tích Pháp gốc Hoa cho đây là một thủ đoạn chính trị nội bộ. Bắt một thị trưởng kiêm trùm mafia Trùng Khánh hay xử tử cựu chủ tịch tập đoàn quản trị 30 phi trường trong đó có phi cảng quốc tế Bắc kinh thật ra là chiến dịch thanh trừng nội bộ. Hồ Cẩm Đào chặt tay chặt chân các đối thủ tiềm tàng để chuẩn bị đại hội đảng 2012 chứ mục đích thực không phải bài trừ tham ô gì cả. Tay chân của họ Hồ lo sợ quyền lực rơi vào phe khác.

Đấu đá trên thượng tầng lãnh đạo còn được thể hiện qua hành động trấn áp xã hội công dân tạo ra hiện tượng thứ hai là trù dập các luật sư có tinh thần độc lập.

Hứa Chí Vĩnh, giáo sư Luật 36 tuổi và hiệp hội tư vấn luật Công Minh của ông bị chiếu cố vì dám bênh vực nạn nhân thấp cổ bé miệng kiện tụng các tập đoàn doanh nghiệp sản xuất sửa nhiểm độc dưới sự bao che của cán bộ cao cấp trong nhiều năm dài . Công Minh còn dám hậu thuẩn nạn nhân Tây tạng , Tân cương bị chế độ đàn áp.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Trung Quốc tấn công giới luật gia sau khi trù dập giới đấu tranh cho dân chủ như giáo sư Lý Hiểu Ba, nhà báo Hồ Giai ? Le Nouvel Observateur phân tích là chính quyền này lo sợ xảy ra một phong trào đấu tranh theo mô hình Công đoàn Đoàn Kết tại Ba lan làm đảng cộng sản mất hết quyền lực.

Họ bị tê liệt khi nghĩ đến kịch bản phong trào dân oan tìm được người phát ngôn, tức là qua giới luật sư bảo vệ. 2009 là năm Đảng kỷ niệm 60 năm ngày lên nắm  quyền. Mà theo tử vi Trung hoa thì 60 năm là một chu kỳ. Bằng mọi giá đảng phải vượt qua chốt thời gian biểu tượng này.

Nhưng một vấn đề khác được đặt ra là khi nhà nước bằng mọi giá làm nãn lòng người dân muốn dựa vào pháp luật để giải quyết tranh chấp trong xã hội thì làm cách nào xây dựng một nhà nước pháp trị như đã hứa ? Thêm vào đó khi nạn nhân của tệ nạn lạm quyền không thể nào dựa vào pháp luật hoặc tổ chức thành hiệp hội để tranh đấu ôn hòa thì làm cách nào tránh khỏi bùng nổ bạo lực ?

Liên quan đến một bộ phận cộng đồng Việt Nam tại Pháp, bài phóng sự Sainte-Livrade trên dòng Mekong của báo Ý Diaro được đăng lại trên  Courrier international. Bài báo dài là một bức tranh buồn thảm về cuộc sống của 1600 con người gốc Việt và con cháu của họ trong sáu mươi năm qua, tại một ngôi làng mà thưc tế là một trại lính bỏ hoang. Họ được chính quyền thuộc địa Pháp đưa về đây sau khi Điện Biên phủ thất thủ.

Sau bao thăng trầm, những người còn sống vẫn gọi nơi chốn hoang sơ này nằm giữa Toulouse và Bordeaux, là tiểu Saigon.

Trong khi đó hai cô bé Việt khác là Jade 5 tuổi và Joy 1 tuổi tươi mát, hạnh phúc đứng cạnh cha mẹ nuôi trên trang bìa rực rở của tuần báo Paris Match. Chắc quý thính giả cũng đoán biết đó là hai đứa con nuôi của cặp vợ chống ca sĩ nổi tiếng Johnny Hallyday và Laeticia.

Cuối cùng, Tuần báo Le Journal du Dimanche báo động về khả năng dịch cúm A/H1N1. Dịch bệnh lây lan với "vận tốc thật nhanh" tại nhiều quần đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

RFI Việt ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét