Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Chuyện “hot” ở xứ Việt

Nhã Nam

“...có tờ báo mạng đã mạnh dạn bầu "nhân vật của năm 2011" cho các anh hiệp sĩ đường phố, có nơi thì tổ chức cho các anh Lục Vân Tiên hiện đại lên sân khấu, lên truyền hình. Thật là tiện lợi, vì đa số các hiệp sĩ này không cần phải đào tạo...”

"Hot" tiếng Anh, là "nóng" của tiếng Việt, đơn giản như vậy. Nhưng ở xứ Việt mình thì lại không đơn giản như thế, mở báo hàng ngày hoặc lên mạng mở các trang tin điện tử ra xem thì thấy chuyện xứ mình quá phức tạp. Ở xứ người, nhất là những xứ như Bắc Âu, chỉ cần một gã say rượu đập phá tài sản cá nhân là đã thành tin nóng thì ở xứ ta, tin ấy không phóng viên nào màng đến, vì xứ mình say rượu mà không gây lộn, không đập phá mới thành vấn đề(!). Thử lên mạng, mở Google tra cụm từ "tin hot" có ngay 36.700.000 kết quả, trong 0,07 giây.

Tin "hot" về an ninh trật tự ở xứ ta là phải dính dáng đến giết người bằng cách nào ghê rợn nhất, chẳng hạn tẩm xăng đốt chồng, chẳng hạn hiếp dâm rồi đâm vài chục nhát hoặc cướp tiệm vàng rồi nhân thể giết vài người mới làm báo chí xúc động. Ăn trộm chó bị chặt cụt bàn tay ư? Chuyện nhỏ. Ăn trộm chó bị đập chết, bị đốt cả xe lẫn xác mới thành tin "sốc". Nữ sinh nghèo học giỏi ư? Chuyện vặt. Nữ sinh phải xúm vào đánh bạn, phải lột quần áo, quay thành phim, tung lên mạng mới mau nổi tiếng. Đi biểu tình bị công an khiêng như khiêng súc vật, rồi bị đạp vào mặt ư? Đi xe không đội mũ bảo hiểm bị công an bắn thủng đùi, bị đạp ngã, bị đánh gãy cổ chết ư? Xoàng. Phải rút gậy đánh nhau với công an hoặc phải tát lốp bốp vào mặt công an mới là bản lĩnh... Những chuyện tương tự như vậy kể cả ngày không hết.

Những chuyện kể cả ngày không hết về văn hóa, nghệ thuật cũng thế. Một nghệ sĩ nhạc giao hưởng thính phòng lừng danh của nước ngoài sang xứ ta trình diễn ư? Kiếm mòn con mắt không thấy một mẩu tin nhỏ. Nhường chỗ cho tin đó phải là chuyện các loại ca sĩ hở vú, hở ngực, cởi áo, cởi quần... nói chung là "lộ hàng" mới là tin sốt dẻo. Người mẫu phải lên giường với bầu sô, diễn viên, ca sĩ phải đút lót đạo diễn ư? Chuyện thường ngày thôi. Diễn viên phải tung clip tình dục, người mẫu phải cởi truồng rồi phát biểu ngớ ngẩn với báo chí là hợp thời. Nói chuyện diễn viên mà không dính dáng đến đại gia cũng là chưa đủ, phải có dàn siêu xe, nào là Limousine, Maybach, Lamborghini, Bentley vài chục tỷ; rồi du thuyền, rồi trực thăng vài triệu đô... Thế là "hot". "Hot boy, hot girl" xứ Việt giờ cứ loạn cả lên với chuyện khoe thân, khoe của.

Bất chấp xứ Việt đang có nguy cơ phá sản về kinh tế, bất chấp hàng triệu công nhân, nông dân sống phập phù với mức thu nhập chết đói. Chuyện đại gia luôn là mãnh lực thu hút dư luận, từ đại gia chơi những ván cờ 5 tỷ, đại gia nhậu nhẹt tắm sông cùng mỹ nữ cho đến đại gia vung tiền mua biệt thự tặng gái, bọn tiểu gia choai choai phá của trong sàn nhảy discotech hàng đêm bỗng biến thành chuyện vặt. Dường như bình luận việc kẻ khác đốt tiền cũng gây khoái cảm cho kẻ không tiền và họ tạm thời quên thân phận nghèo túng của mình.

Cuối năm, Tết sắp đến. Hàng triệu kẻ xa quê đang méo mặt để dành tiền quà, tiền vé xe về quê, còn biết bao người nghèo sống giữa phố cũng lo sốt vó để kiếm tiền xài cho vài ngày tết. Rồi sau Tết lại tiếp tục thắt lưng buộc bụng, kéo cày trả nợ. Cuối năm, bọn đạo tặc cũng hoành hành mạnh hơn, ngang nhiên hơn, trắng trợn hơn; các chú công an càng bận rộn "hỏi thăm" người buôn bán, "làm luật" người lương thiện thời giờ đâu mà bắt cướp, dân mất của trình báo thì cứ trình, nhưng nếu biết điều hứa hậu tạ các chú thì may ra mới kiếm lại được. Còn không, cứ chép miệng "của đi thay người" cho đỡ tiếc.

Bởi thế, có tờ báo mạng đã mạnh dạn bầu "nhân vật của năm 2011" cho các anh hiệp sĩ đường phố, có nơi thì tổ chức cho các anh Lục Vân Tiên hiện đại lên sân khấu, lên truyền hình. Thật là tiện lợi, vì đa số các hiệp sĩ này không cần phải đào tạo, không cần lương bổng, họ có tử vong hay thương tật thì cũng chỉ cần trao bằng truy điệu, rồi kêu gọi quần chúng hỗ trợ. Đã là hiệp sĩ có lẽ chẳng ai thèm đòi hỏi ghi nhận công trạng hay thù lao làm gì. Điều mà bộ máy tuyên truyền cần làm là tuyên dương tối đa, nhằm khích lệ nhiều thường dân biến thành hiệp sĩ. Suy ra, lợi cả đôi đàng.

Nhân nhắc đến các hiệp sĩ đường phố xả thân cho xã hội lại nhớ đến các hiệp sĩ trên biển, họ cũng được tuyên dương là "sói biển", vì chỉ có họ dám liều thân nơi ngư trường biển Việt. Bao lần bị bọn Trung Quốc bắt cóc đòi tiền chuộc, rồi cướp bóc, đâm chìm ghe... Họ vẫn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Các sói biển cũng chẳng cần ai ghi nhận công lao, mái ấm gia đình nơi có những người vợ, người mẹ, nơi những ánh mắt trẻ thơ đang mong chờ là sức mạnh trong họ.

Những hiệp sĩ đường phố và sói biển chưa bao giờ và cũng chẳng muốn làm một thứ "hot boy" cho dư luận, vì họ biết cái mà họ đánh đổi là mạng sống. Thứ ấy không có tiền bạc hoặc danh tiếng phù du nào có thể thay thế được.

Nhã Nam

Bàn cờ các quan chức

Nhã Nam

“...Thế là đã rõ, tài chơi cờ của hai quan chức trên không nghe nói đến, nhưng tài luồn lách, tài lo lót bôi trơn của cả hai đều vào hạng cao thủ, còn tài che chắn, bảo vệ bạn đồng thuyền nơi các ông từng công cán cũng được bảo mật thật kín kẽ...”

Cờ tướng vốn là một thú chơi tao nhã từ xưa tại Việt Nam, hình ảnh các cụ ông trầm tư bên bàn cờ với chén trà luôn gợi lên phong thái vừa thông tuệ vừa cổ kính. Gần đây cờ tướng còn được xem như một môn thể thao nơi mà các kỳ thủ tranh tài cao thấp. Nhưng những ván cờ của các ông "quan" tại Sóc Trăng mà tiền thắng thua lên đến bạc tỉ và có sự ra tay "đòi nợ dùm" của giới giang hồ xã hội đen thì có lẽ là chuyện chưa từng xảy ra.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị thì: "Tối 26-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng về tội danh đánh bạc đối với ông Nguyễn Thanh Lèo - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân - giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3, liên quan vụ hai ông đánh cờ bạc tỉ... Khai với cơ quan điều tra, ông Lèo cho biết đã thua ông Tân lên đến 22 tỉ đồng nhưng chỉ trả được 5 tỉ. Nhiều lần bị đòi nợ nhưng không thể xoay xở, ông này bị một tay “xã hội đen” đến nhà xiết nợ, dọa giết chết cả nhà. Vì cùng đường nên ông phải tố cáo với công an".

22 tỉ đồng Việt Nam là hơn một triệu đô la Mỹ, số tiền quá lớn với đại đa số người dân, khi mà một công nhân bình thường chỉ kiếm nổi xấp xỉ hai triệu đồng cho một tháng lương thì số tiền ấy gấp hơn mười ngàn lần. Điều đáng nói là hai ông quan chức này chỉ là cấp quan nhỏ, nhưng nhà cửa, cơ sở làm ăn của hai ông chẳng hề nhỏ. Ông Lèo có biệt thự lớn, có ô tô đắt tiền thì ông Tân cũng làm chủ nhiều quán cà phê lẫn nhà hàng to và chưa biết của chìm của nổi của hai quan này còn những gì khác.

Tất nhiên, theo ngạch chính thức thì lương của hai ông không đủ để uống cà phê buổi sáng, huống chi còn hàng trăm, hàng ngàn khoản chi dùng cho gia đình và bản thân. Danh xưng "đại gia" mà báo chí và thường dân đặt cho hai quan chức này hẳn phát xuất từ cách sống và cách chi tiền. Theo báo Tiền Phong thì: "Ô tô ông Tân đi giá mấy tỷ đồng, điện thoại di động cũng hơn trăm triệu đồng. Ông Tân chỉ học xong lớp 9 hệ bổ túc, năm 1992, lái xe ở Sở Thương mại Du lịch tỉnh Sóc Trăng...  Rời ghế lái xe, ông Tân về giữ chức quản đốc Nhà máy bia Sài Gòn - Sóc Trăng. Sau một vụ rối ren tài chính, ông nghỉ việc rồi nhờ thân quen mà vào biên chế của Trường Kỹ thuật nghiệp vụ GT-VT khu vực ĐBSCL, nay là Trường trung cấp nghề khu vực ĐBSCL, trụ sở chính tại Cần Thơ. Ngay lập tức, ông được bổ nhiệm làm Phó phân hiệu chi nhánh Sóc Trăng, lại quậy tưng bừng và nhờ giỏi lách mà được bổ nhiệm GĐ Trung tâm Đào tạo Sát hạch lái xe cơ giới loại 3, đóng tại tỉnh Sóc Trăng".Từ một tài xế ít học bỏ vô lăng đã lên ngay chức quản đốc nhà máy, rồi "lập tức" tiến đến chức giám đốc một trung tâm; dù có ngây thơ đến mấy, ai cũng có thể biết ông quan này thăng tiến không phải bằng tài năng hay thành tích phục vụ nhân dân.

Còn "thành tích" của ông Lèo, cũng theo báo Tiền Phong: "Những năm 1990, ông Lèo là cán bộ của Phòng GT-VT huyện Thạnh Trị, rồi được lãnh đạo của Cty GT-VT thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng nhận về làm trưởng một ban của Cty. Sau đó, ông Lèo lên Phó ban điều hành GT-VT thị xã Sóc Trăng, được bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Sóc Trăng. Năm 1999, ông Lèo về giữ chức Bí thư Đảng ủy phường 6, dự kiến quy hoạch vào Thị ủy thị xã Sóc Trăng để tiến tới giữ chức vụ chủ chốt trong UBND thị xã. Nhưng ông không được tín nhiệm, hai nhiệm kỳ liên tiếp (2000-2005 và 2005-2010) đưa ra bầu đều rớt. Năm 2005, ông Lèo được đề bạt chức phó chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng nhưng vẫn không xong. Không đi lên được con đường chính quyền, ông Lèo lách sang đường ban ngành và được điều về Phòng kế hoạch vận tải thuộc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng. Làm Trưởng phòng ít lâu, được ngồi vào ghế PGĐ Sở này".

Khi phóng viên đi tìm hiểu thêm cho rõ ngọn ngành con đường tiến thân của hai ông quan thì nơi này chỉ sang nơi khác và đều lắc đầu quầy quậy từ chối cung cấp thông tin. Thế là đã rõ, tài chơi cờ của hai quan chức trên không nghe nói đến, nhưng tài luồn lách, tài lo lót bôi trơn của cả hai đều vào hạng cao thủ, còn tài che chắn, bảo vệ bạn đồng thuyền nơi các ông từng công cán cũng được bảo mật thật kín kẽ. Một bộ máy được lập ra để phục vụ dân chúng mà gồm toàn những "công bộc" như loại người này thì người dân chẳng thể trông mong được gì; báo chí thì đã bị ngăn cản và liệu công chúng còn có thể trông mong vào sự công minh của pháp luật trong các vụ như thế này nữa không? Câu trả lời tưởng không khó lắm (!)

Nhã Nam

Truyền thuyết xứ lừa

Nhã Nam
“...Các cơ quan truyền thông Triều Tiên nói các hiện tượng lạ tiếp tục xuất hiện sau khi Chủ tịch Kim mất. Dòng chữ "Paektu, ngọn núi thiêng của cách mạng. Kim Jong-il" mà nhà lãnh đạo Triều Tiên từng viết trên một phiến đá phát sáng suốt một ngày...”

Dù Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) nhà độc tài bí ẩn xứ Triều Tiên mạng vong đã được một tuần, nhưng dư luận vẫn chưa ngớt đăng những bài báo liên quan đến Kim và gia đình y. Đặc biệt là những bài báo dọn đường dư luận cho một Kim mới, kẻ kế thừa quyền lực của cha mình, Kim Chính Ân (Kim Jong Un). Báo chí Việt Nam như để hòa vào bản tụng ca của phe cộng sản đã đăng những bài viết tuyên truyền lộ liễu như thế.

Báo Tiền Phong ngày 22/12 đăng bài báo có tựa đề: "Đại tướng Kim Jong Un: ba tuổi bắn súng, tám tuổi lái xe". Toàn bài báo đều ca ngợi khả năng siêu phàm của Kim Jong Un với những chi tiết mà ngay cả học sinh tiểu học cũng không thể tin được: "Khi mới ba tuổi, đại tướng Kim Jong-un đã biết bắn súng. Năm chín tuổi, đại tướng Kim đã có thể bắn trúng mục tiêu di động. Cũng từ năm ba tuổi, đại tướng Kim đã học lái xe. Năm chưa tròn tám tuổi, đại tướng Kim lái chiếc xe tải chở hàng cỡ lớn, vượt qua đoạn đường khúc khuỷu với vận tốc bình quân 120 km/h và tới đích an toàn. Khi mới sáu tuổi, Kim Jong-Un đã cưỡi ngựa thành thục và đua ngựa thắng những vận động viên chuyên nghiệp. Có thể nói không môn nào Kim Jong-un không giỏi. Đại tướng Kim cũng rất giỏi bóng rổ, những kỹ năng của ông khi còn là cậu bé 10 tuổi khiến nhiều VĐV bóng rổ chuyên nghiệp phải ngả mũ kính phục".

Dường như những lời trên chưa đủ sức thuyết phục, người viết còn thêm những đoạn về tướng số và tài năng: "Tài liệu mật còn nói, một nhà nhân tướng học nổi tiếng của nước ngoài khi gặp ông Kim Jong-un từng nói: “Đời tôi chưa gặp ai như thế này. Từ đầu tới chân toát lên phong thái của bậc đại tướng. Người này rồi sẽ là thống soái của cả một quốc gia”. "Ông Kim Jong-Un còn được mô tả là năm mới 16 tuổi đã viết bài luận xuất sắc (hiện chưa rõ dài bao nhiêu trang) về chiến công và chiến thuật quân sự của ông nội Kim Nhật Thành – người sáng lập ra Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên".

Để làm ra vẻ khách quan, bài báo viết là "từ những tài liệu mật của Triều Tiên", nhưng không thấy nêu nguồn, cuối bài báo lại có hàng chữ Theo 24h/Xinhua.
Xinhua vốn là hãng truyền thông của Trung Quốc, vậy cái gọi là "tài liệu mật" này chỉ có thể phát xuất từ các cơ quan tuyên truyền của Bắc Hàn, được Trung Quốc đăng tải và báo Việt Nam cứ thế mà đăng. Còn bản tin 24h của Việt Nam vốn là một bản tin điện tử lá cải chuyên đăng những tin cướp, giết, hiếp và chuyện hậu trường giới biểu diễn. Như thế, báo Tiền Phong cũng chỉ đáng xếp hạng như những tờ lá cải khác.


Bản tin điện tử vnexpress cũng không chịu thua kém Tiền Phong khi đăng bài bốc thơm: Hiện tượng 'kỳ bí' của thiên nhiên khi Kim Jong il qua đời. Theo bài báo được đăng trong mục Khoa Học đó thì: "KCNA, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, và một số cơ quan truyền thông khác cho biết, bầu trời phía trên ngọn núi thiêng Paektu chuyển sang màu đỏ chỉ vài phút trước khi Chủ tịch Kim từ trần. Người dân Triều Tiên tin rằng ông Kim chào đời trên núi Paektu.
Vào buổi sáng hôm 17/12 - ngày mất của ông Kim - băng trên núi lửa Hồ Chon gần núi Paektu nứt toác kèm theo tiếng nổ lớn "đến kinh động cả đất trời", BBC dẫn lại tin của tryền thông nhà nước Triều Tiên. Một trận bão tuyết, có từ hôm ông Kim qua đời, đã bất ngờ tạnh vào sáng hôm sau, và vầng ánh sáng trên núi thiêng Paektu hiện ra.
Các cơ quan truyền thông Triều Tiên nói các hiện tượng lạ tiếp tục xuất hiện sau khi Chủ tịch Kim mất. Dòng chữ "Paektu, ngọn núi thiêng của cách mạng. Kim Jong-il" mà nhà lãnh đạo Triều Tiên từng viết trên một phiến đá phát sáng suốt một ngày.
Tại thành phố Hamhung, một con sếu lượn quanh tượng cố chủ tịch Kim Nhật Thành, cha của ông Kim, ba vòng trước khi đậu trên một cành cây vào ngày 20/12. Con chim gục đầu, tỏ vẻ đau buồn trước khi bay về phía thủ đô Bình Nhưỡng.
"Dường như ngay cả một con sếu cũng bày tỏ sự thương tiếc sự ra đi đột ngột của Chủ tịch Kim Jong-il, người được sinh ra trên thiên đường", KCNA dẫn lời một số quan chức Triều Tiên.
Cũng vnexpress còn có bài: 'Người kế tục vĩ đại' của Triều Tiên qua lời bạn học'. Bài báo có đoạn: "Hiện có nhiều nguồn tin tức khác nhau cho biết Kim Jong-un yêu thích chơi bóng rổ và chơi bóng rổ còn giỏi hơn vận động viên chuyên nghiệp. Năm 16 tuổi, Kim Jong-un cũng từng viết một áng hùng văn ca ngợi tài chỉ huy của lãnh tụ Kim Nhật Thành trong thời chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên".
Thật đáng ngạc nhiên là trong thời đại của Internet, của khoa học thực chứng như hiện nay mà những chuyện phản khoa học kiểu như những bản tin trên vẫn xuất hiện một cách bình thường. Phải chăng báo chí tin rằng người đọc khờ khạo đến nỗi mãi tin vào các truyền thuyết hoang đường? Phải chăng các chế độ độc tài ấy tồn tại dựa vào các truyền thuyết thần thánh hóa lãnh tụ nên phải ra sức làm mê muội đại chúng?

Nhã Nam

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Giao trứng cho ác

“...Khi công an tịch thu tiền hợp pháp của công dân, xử phạt họ và dùng báo chí để bêu riễu họ như vậy rõ ràng đã vi hiến. Nhà nước vừa thu lợi vừa được đánh, được chửi...”
 

"Tịch thu 500.000 USD và hơn 10 tỉ đồng giao dịch trái phép" đó là tựa đề bài báo Tuổi Trẻ ngày 20/12/2011. Theo bài báo tường thuật từ nguồn của công an cung cấp: "C46B (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) phát hiện ông Vũ Quốc Đạt (phó giám đốc Công ty Minh Phúc - Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đang giao dịch trái phép với Huỳnh Thanh Nhất Hiếu và Phan Anh Huệ (nhân viên chi nhánh Công ty TNHH vàng Kim Mai, Q.1, TP.HCM) tại phòng giao dịch Phan Xích Long - Ngân hàng Eximbank (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 500.000 USD và hơn 10 tỉ đồng". Bài báo còn cho biết ông Đạt và ông Hiếu còn bị phạt hành chính mỗi người 75.000.000đ.

Đây là một tin sốc với các nhiều người, nhất là các doanh nghiệp đang cần thanh toán bằng ngoại tệ. Dù không phải là lần đầu tiên những giao dịch ngoại tệ với số lượng lớn như thế đã bị bắt và tịch thu. Còn nhớ vào tháng 3 năm nay, tại Hà Nội đã có một vụ bắt giữ gần 400.000USD và 8,5 tỉ đồng cũng tại một chi nhánh của ngân hàng Eximbank. Vụ này được báo Thanh Niên với tựa đề "Phá vụ mua bán trái phép 400.000 USD" thuật lại như sau (trích): "Tại hiện trường, công an phát hiện và bắt quả tang Dương Thị Thùy Trang và Nguyễn Thị Thu Huyền đang giao cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân số tiền 390.500 USD và nhận lại từ hai người mua gần 8,5 tỉ đồng.
 
Theo cơ quan điều tra, Trang và Huyền là nhân viên của Công ty TNHH đầu tư thương mại Khương và Lê do Lê Thanh Hương làm giám đốc. Tuấn và Quân là nhân viên cửa hàng vàng Thành Trung (110 Nguyễn Du, Hà Nội). Thời điểm bị bắt các đối tượng không xuất trình được giấy phép mua bán ngoại tệ. Cũng theo cơ quan điều tra, số tiền 390.500 USD là tiền gửi tiết kiệm của Lê Thanh Hương tại Eximbank Hà Nội. Hương đã ủy quyền cho Trang và Huyền rút số tiền trên và bán cho Nguyễn Ngọc Tuấn và Đào Mạnh Quân với giá 21.580 đồng/USD.

Quá trình điều tra bước đầu, các đối tượng trên đã khai nhận số tiền gần 8,5 tỉ đồng được Quân nhận từ bà Phạm Thị Hồng Oanh (vợ chủ cửa hàng vàng Thành Trung) để gửi ngân hàng. Cơ quan điều tra cũng làm rõ số tiền 390.500 USD gửi tiết kiệm của Hương tại Eximbank Hà Nội, có nguồn gốc từ việc bán căn hộ chung cư số 1804, Topaz 2, Saigon Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM".

Cả hai vụ trên có nhiều điểm giống nhau: tiền (nội tệ và ngoại tệ) hợp pháp của công dân được nhà nước bảo hộ, ("Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, vốn và tài sản khác ... Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân - Điều 58 Hiến Pháp hiện hành") họ giao dịch qua hệ thống ngân hàng nhà nước Eximbank, bị bắt giữ và nêu tên tuổi, hình ảnh lên báo chí như những tên tội phạm. Cứ cho là giao dịch này đã vi phạm Quy định quản lý ngoại hối, nhưng đó chỉ là một vi phạm hành chính. Khi công an tịch thu tiền hợp pháp của công dân, xử phạt họ và dùng báo chí để bêu riễu họ như vậy rõ ràng đã vi hiến. Nhà nước vừa thu lợi vừa được đánh, được chửi - Nhân dân vừa mất của, vừa mang tiếng.
Thực tế ở Việt Nam ai cũng biết, số lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về cho thân nhân trong nước nhiều năm nay lên đến con số gần 10 tỷ USD, bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp cần giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ với số lượng lớn hàng ngày. Họ sẽ mua, bán số ngoại tệ đó ở đâu, trong khi tại Việt Nam tồn tại cả hệ thống mua bán chính thức và chợ đen. Việc giao dịch ngoại tệ ngoài hệ thống bị cấm có thể hiểu và chấp nhận. Song tỷ giá mua từ hệ thống chính thức luôn thấp hơn nhiều và khi bán giá vừa cao hơn vừa nhiêu khê rắc rối. Như thế, dân chúng phải chấp nhận thiệt thòi khi giao dịch ngoại tệ, một số người đành chấp nhận rủi ro cao khi giao dịch ngoại tệ ngoài chợ đen để đỡ rắc rối. Lẽ ra chỉ nên dựa theo Luật để phạt, không nên tịch thu và "răn đe" như thế.

Theo nhiều số liệu chính thức được công bố thì trong năm nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thời điểm chỉ còn tương đương số tiền cần cho 2 tháng để nhập hàng, nhà nước đang "khát ngoại tệ" một cách khủng khiếp. Có phải vì quá khát ngoại tệ, nhà nước đã dùng những biện pháp "bá đạo" như trên đối với người dân? Còn một điều khá rõ nữa từ hai vụ trên: Ngân hàng Eximbank (và có thể nhiều ngân hàng nhà nước khác) sẵn sàng "bán đứng" khách hàng của mình khi họ giao dịch với số ngoại tệ lớn vì với hàng triệu giao dịch ngoại tệ qua ngân hàng mỗi ngày, công an làm sao có thể bắt quả tang nhân dân đang phạm luật, nếu không phải từ những "cặp mắt rình mò" của chính ngân hàng mà họ đã tin tưởng?

Quả là giao trứng cho ác.

Nhã Nam

http://ethongluan.org/trangnha/1089-giao-trung-cho-ac.html

Hai cái chết của hai con người trái ngược: hiền nhân và bạo chúa

“...Rồi đây, nhân loại sẽ vẫn nhớ đến Vaclav Havel như một anh hùng của Tiệp Khắc vì công trạng của ông mang lại cho nhân dân đất nước của ông và cho loài người...”
Nhã Nam

Liên tiếp hai ngày cuối năm 2011 (17/12 và 18/12), thế giới chứng kiến hai cái chết của hai nhân vật chính trị nổi tiếng, đó là cựu tổng thống Vaclav Havel của Tiệp Khắc và Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) đương kim lãnh tụ Bắc Hàn. Theo dõi truyền thông quốc tế và các diễn đàn trên mạng của người Việt, ta thấy hai thái cực cảm xúc khi đón nhận tin tức về hai cái chết này.

Sự ra đi của cựu tổng thống Vaclav Havel mang lại nỗi tiếc thương cho thế giới vì sự nghiệp kỳ vĩ của ông. Những lời chia buồn từ khắp nơi trên thế giới đã gửi về Cộng hòa Czech sau khi tổng thống đầu tiên của nước này thời hậu cộng sản, ông Vaclav Havel qua đời.

Sinh ngày 05/10/1936 tại Praha, trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến II, sự nghiệp học hành của ông gặp trắc trở vì lý lịch. Havel tự học và trở thành nhà văn, nhà viết kịch.

Mọi người nhớ đến ông như là một trí thức lớn đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ và quyền con người. Là một nhà soạn kịch, các vở kịch của ông có nội dung châm biếm cuộc sống dưới chế độ cộng sản, tuy nhiên các tác phẩm của ông đã bị cấm dàn dựng sau khi tham gia vào phong trào "Mùa Xuân Praha 1968" và Liên Xô đưa quân đội vào đàn áp. Ông đã bị bắt giam nhiều lần, bị cấm viết và soạn kịch công khai sau năm 1968. Ông Havel đã dấn thân đấu tranh dân chủ, soạn thảo cương lĩnh nhân quyền và hành động cho tới khi phong trào "Hiến chương 77" đòi dân chủ do ông khởi xướng thành công và Havel trở thành lãnh tụ dẫn dắt cuộc "Cách mạng Nhung". Ông trở thành người nổi tiếng khắp thế giới.

Là một nhà tư tưởng thấm nhuần đạo đức chính trị và nhân đạo, ông để lại nhiều trước tác. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của Vaclav Havel là “Power of the Powerless”, viết năm 1978 và đã được Bác sỹ Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề “Quyền lực của không quyền lực”. Đây là tác phẩm kết tinh tư tưởng của Havel. Tác phẩm này đã ảnh hưởng đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, định hướng lại lý thuyết chính trị về chế độ cộng sản, và góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự.
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối năm 1989, ông được nội các liên hiệp lâm thời bầu làm tổng thống Czech và Slovakia. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ. Có những đánh giá cho rằng ông là một công dân dấn thân đấu tranh, hơn là một nhà chính trị. Trên sân khấu chính trị một nước Châu Âu, ông Havel không phải là tả hay hữu mà là một nhà nhân bản. Và nhà ly khai đứng đầu một nhóm trí thức đã đột nhiên trở thành người đại diện của cả một dân tộc.
Ông từ chức vào năm 1992 sau khi những người dân tộc chủ nghĩa Slovakia đã thành công trong việc vận động tách Slovakia ra khỏi Cộng hòa Czech. Sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech vào tháng Giêng năm 1993 và phục vụ cho đến khi ông từ chức vào năm 2003 khi tình trạng sức khỏe xấu đi.
Rời chính trường năm 2003, ông Havel, một người hút thuốc lá nặng, và bị bệnh phồ̉i thời ở tù cộng sản đã yếu dần nhưng vẫn có uy tín lớn ở châu Âu. Ông được Nobel Hòa bình và đã đề cử giải này cho bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện. Sau khi rời chính trường, vẫn trở lại với nghệ thuật kịch và điện ảnh cho tới lúc qua đời. Trước khi mất, ông còn có cuộc tiếp đón nhà lãnh đạo tâm linh Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Praha vào tuần trước.


Ngày 10/12/2011, ông Vaclav Havel tiếp đón
Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Praha

Sự kiện ông qua đới đã gây nên nỗi xúc động trên thế giới, những lời ca ngợi ông Havel từ mọi nơi, dĩ nhiên là ngoại trừ những quốc gia còn chế độ toàn trị.

Những nhà lãnh đạo của các cường quốc đều dành cho ông những lời trang trọng và yêu mến. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói "Cộng hòa Czech đã mất đi một trong những người con yêu nước vĩ đại nhất, nước Pháp đã mất một người bạn, và châu Âu đã mất một trong những người khôn ngoan nhất”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu: “Sự nghiệp đấu tranh vì tự do và dân chủ của ông cũng đáng nhớ như tính nhân đạo cao cả của ông,” bà mô tả ông Havel là ‘một người châu Âu vĩ đại’.

Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt nhận xét "Vaclav Havel là một trong những người châu Âu vĩ đại nhất thời nay". Từ bên kia đại dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận xét "Havel đã giúp khơi thủy triều lịch sử dẫn đến một châu Âu dân chủ".
Hôm thứ Hai 19/12 lúc 18 giờ tất cả nhà thờ ở toàn Cộng Hòa Czech đều đổ chuông, quan tài của ông Havel được đưa từ quê nhà của ông đến thủ đô nhà thờ St Anna tại Praha. Một tang lễ quốc gia sẽ được tổ chức vào thứ Sáu 23/12.

Cộng hòa Czech sẽ để tang trong một tuần và hàng trăm ngọn nến đã được thắp lên ở Quảng trường Wenceslas – nợi từng là trung tâm của cuộc ‘Cách mạng Nhung’ đã lật đổ chế độ cộng sản của quốc gia này.

Còn tại vùng Đông bắc Á, lãnh tụ của nhà nước cộng sản Bắc Hàn, Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) cũng đã tử vong vào ngày 17/12. Nhưng hai ngày sau, ngày 19/12/2011 nhà cầm quyền nước này mới chính thức công bố cho dư luận trong nước và quốc tế trong một bản tin truyền hình đẫm nước mắt tang tóc.

Kim Chính Nhật, nhà lãnh đạo Bắc Hàn được xem như một kẻ độc tài bí ẩn và kỳ quái nhất hành tinh. Năm 1994, sau khi cha ông ta là Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) qua đời, Kim Chính Nhật  được thừa kế vị trí quyền lực từ người cha và từ đỉnh cao quyền lực ấy ông đã củng cố bức màn sắt u tối cho nhân dân cũng như tận hưởng tất cả các sở thích bệnh hoạn nhất mà một kẻ độc tài có thể nghĩ ra.

Cũng như nhiều lãnh đạo của các quốc gia cộng sản, cuộc đời Kim Chính Nhật luôn được phủ một lớp hào quang của huyền thoại. Bộ máy tuyên truyền đã vẽ ra những đức tính và khả năng ngoại hạng của lãnh tụ bất chấp thực tế khác hẳn. Những danh xưng đẹp đẽ nhất như "lãnh tụ kính yêu", "cha già dân tộc", “tinh hoa đất nước”, “Ngôi sao Bắc đẩu của Thếkỷ21”… rồi những khả năng siêu phàm như của thần thánh trong tất cả mọi lĩnh vực đều được sử dụng và bơm thổi vô tội vạ hầu làm ma mị suy nghĩ quần chúng. Thế giới kinh ngạc, chuyển cho nhau xem những đoạn video clips cảnh người dân khóc lóc thảm thiết và tự hỏi tại sao lại có những cảnh tượng phi lý đó.

Có một thực tế hiển nhiên là trong suốt giai đoạn cha con Kim Il-sung, Kim Chính Nhật trị vì đã có nhiều lần dân chúng chết đói hàng loạt, những đoàn người bất chấp chết chóc, tù đày, tra tấn kéo nhau vượt biên để mong thoát khỏi cái ách dã man của một bọn cầm quyền vô lương tâm. Những câu chuyện của các tổ chức từ thiện, những nhà ngoại giao, những người đã đào thoát kể lại đủ làm cho mọi người phải sửng sốt về những sự thật trong “thiên đường cộng sản” ấy. Mọi thứ dường như vượt qua khỏi sức tưởng tượng của con người. Nhiều tài liệu đã kể về cách sống cực kỳ xa hoa, những sở thích quái dị, những hành động bệnh hoạn của Kim Chính Nhật, song tất cả những tài liệu, tất cả những chứng nhân vẫn chưa diễn tả đầy đủ con người có hơn 50 danh hiệu đẹp đẽ để xưng tụng là Kim. Kim Chính Nhật vẫn là một bí ẩn và hẳn bí ẩn ấy sẽ theo y xuống mộ?

Một Kim vừa chết đi và một Kim mới sẽ lại trị vì một đất nước khốn khổ, một dân tộc bất hạnh. Như ngày xưa Kim Il-sung đã  truyền ngôi cho Kim Chính Nhật. Con trai thứ 3 của y, KIm Chính Ân (Kim Jong Un) một kẻ béo phì chưa đến 30 tuổi đã nhảy vọt lên chức đại tướng và chuẩn bị tiếp nhận quyền lực của cha mình. Có lẽ còn quá sớm để dự đoán tương lai Bắc Hàn, nhưng dựa vào những sự kiện và dữ kiện hiện tại, không ai hy vọng đời sống người dân Bắc Hàn sẽ tươi sáng hơn. Cái chết của Kim Chính Nhật đã khiến đất nước Bắc Hàn rơi vào bóng tối của bi thương, của nghi kị, bộ máy cai trị đang dồn mọi nỗ lực để kiểm soát đời sống nhân dân chặt chẽ hơn. Tất cả các người nước ngoài bị xua đuổi ra khỏi thủ đô Bình Nhưỡng, cấm mọi sự tụ tập từ 4 người trở lên (ngoại trừ để khóc thương lãnh tụ trong sự tổ chức). Các nước Nam Hàn, Mỹ, Nhật, Pháp cũng cảnh giác cao độ, những lò vũ khí nguyên tử chưa ai biết sẽ được giữ an toàn ra sao. Ngay cả Trung Quốc vốn là “anh cả đỏ” của Bắc Hàn cũng tỏ ra lo lắng. Thị trường Châu Á và Châu Âu tụt điểm vì lo âu cho những bất ổn của bán đảo Triều Tiên.
Quan sát dư luận, có thể thấy một khối lượng khổng lồ các bài viết và tường thuật ở khắp nơi trên thế giới, từ các hãng thông tấn quan trọng hàng đầu cho đến những weblog nhỏ bé. Hầu hết đều hoan hỉ vì kẻ độc tài Kim Chính Nhật đã chết (tất nhiên trừ những nước cộng sản toàn trị). Danh xưng dành cho Kim chỉ còn là “kẻ độc tài”, “tên bạo chúa”. Kim Chính Nhật đã chết trong một năm đầy “vận hạn” với những tên độc tài và các chế độ toàn trị, từ Ben Ali phải tháo chạy khỏi Tunisia, Mubarak bị lật đổ bởi dân chúng Ai Cập, Gaddafi bị giết tại Lybia, Osama Bin Laden bị giết, chế độ hà khắc của al-Assad tại Syria, của Putin tại Nga bị lung lay…

Rồi đây, nhân loại sẽ vẫn nhớ đến Vaclav Havel như một anh hùng của Tiệp Khắc vì công trạng của ông mang lại cho nhân dân đất nước của ông và cho loài người. Trái lại, Kim Chính Nhật chỉ mang lại những ký ức khủng khiếp vì đã đầy đọa quê hương, dân tộc mình dưới đáy của sự khổ đau.


Những ngày cuối cùng của năm 2011 đầy sự kiện đang dần qua, năm mới 2012 đang dần đến. Dẫu còn đó nhiều bất ổn, song nhân loại có quyền hy vọng vào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón.

Nhã Nam

http://ethongluan.org/component/content/article/1091-hai-cai-chet-trai-nguoc-hien-nhan-va-bao-chua.html

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Láng giềng gần: Choang –Việt?

Nhã Nam

“...Khúc Hậu Đình Hoa vốn là khúc ca hoan lạc gắn liền với nàng kỹ nữ không biết cái hận mất nước mà chỉ lo vui say với địch thù. Ví như thế quả cũng không sai trong bối cảnh Việt Nam bị khinh rẻ ra mặt như thế...”
 


MC Diễm Quỳnh đình đám sang Tàu vui vẻ


Suốt 2 giờ đồng hồ, từ lúc 20h đến 22h tối 14.12, chương trình “Cầu truyền hình trực tiếp giao lưu Việt - Trung: Láng giềng gần” đã được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh, truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện tại hai điểm cầu là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và trường quay của Đài Phát thanh, truyền hình Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc).
 
Đây là một sự kiện lớn của ngành truyền hình Việt Nam, vì là lần đầu tiên có cầu truyền hình trực tiếp giữa Việt Nam - Trung Quốc, chi phí bỏ ra chắc chắn không nhỏ và phía Việt Nam đã "trân trọng" trực tiếp truyền hình trên cả ba kênh trung ương: VTV1, VTV4 và VTV6; phiá Trung Quốc thì chỉ phát trên kênh của Quảng Tây. Cô người đẹp MC Diễm Quỳnh, nổi tiếng cả nước đã cất công sang Nam Ninh và "rất duyên dáng" trong bộ trang phục Trung Quốc để giới thiệu các món ăn của Quảng Tây...
 
Nhiều tiết mục hết sức công phu đã được dàn dựng...

 

Thế nhưng, lạ một điều là hầu hết báo chí Việt Nam chỉ đưa như một tin ngắn rập khuôn với vài hàng đại loại như “Cầu truyền hình trực tiếp giao lưu Việt - Trung: Láng giềng gần” mang đến nhiều câu chuyện ý nghĩa về mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng có truyền thống văn hóa lâu đời Việt Nam - Trung Quốc, “trong không khí thắm đượm tình đoàn kết”.v.v.. vậy thôi.
 
Còn các cư dân mạng, chẳng hạn trên Facebook, không khí có rộn ràng hơn, nhưng cũng không bao nhiêu, lý do là hầu hết đều không thèm xem, họ bật qua kênh khác sau khi “xùy” một tiếng khinh bỉ, hoặc cùng lắm là kiềm hãm một câu chửi thề. Có vẻ họ thừa biết đây là món quà “cung hỉ” dọn đường cho chuyến thăm của nhân vật số 2 Trung Quốc, Tập Cận Bình – người kế vị tương lại của Hồ Cẩm Đào. Nhưng lý do chính để các facebookers giận dữ là chương trình mang tiếng là Việt – Trung song phía Trung Quốc chỉ đưa một đối tác cấp tỉnh (miền núi) là Quảng Tây để giao lưu, sao không là Bắc Kinh cho xứng tầm quốc gia, mà lại là Nam Ninh, thủ phủ của dân tộc Choang?! Nhà thơ Đỗ Trung Quân bảo dân tộc Choang ở Trung Quốc cũng chính là dân tộc Tày ở Việt Nam. Nói đến dân tộc Tày, ai cũng biết đó là sắc tộc thiểu số, mà đại diện cho họ là cựu Tổng Bí Thư họ Nông cùng các bà Nông Thị Xuân, Nông Thị Trưng… “cháu ngoan bác Hồ”.
 
Cũng trên Facebook của nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông bảo văn hóa Trung Hoa thật sự lớn, nền điện ảnh của họ có các đạo diễn thật sự giỏi, nhưng nông thôn Trung Quốc thì cũng xơ xác như nông thôn Việt Nam thôi. Nên ông chống, là chống cái thái độ ngạo mạn “đại Hán” của bọn “Ôn Như Lì” (một cách gọi Ôn Gia Bảo của các facebookers) với Việt Nam. Việc Việt Nam cử cô MC Diễm Quỳnh đình đám sang Tàu vui vẻ, ngả ngớn thì Đỗ Trung Quân độ lượng: Đừng trách em í, em không làm thì VTV nó đuổi việc bỏ mẹ, đói nhăn răng. Còn nếu em vui vẻ thật thì cũng chỉ là loại “Thương nữ bất tri vong quốc hận - cách giang do xướng Hậu Đình Hoa …” mà thôi.Khúc Hậu Đình Hoa vốn là khúc ca hoan lạc gắn liền với nàng kỹ nữ không biết cái hận mất nước mà chỉ lo vui say với địch thù. Ví như thế quả cũng không sai trong bối cảnh Việt Nam bị khinh rẻ ra mặt như thế.
 
Bởi vậy, một nhà báo liền ứng tác:

 
“Truyền hình mở tiệc phương xa
Diễm Quỳnh xi lố xí la tiếng Tàu
Quốc gia thể diện ở đâu
à ngồi cùng chiếu chư hầu, phiên bang
Nghe tin lão Tập sắp sang
Truyền hình Việt-Quảng dát vàng thảm đen
Ngoài kia biển động mấy phen
Trong này vẫn hát, vẫn khen, vẫn bình...”
 


...tình thì rất tình hình...

Một ông nhà báo khác nối thêm:

“...tình thì rất tình hình
hoang mang thì quá nhiều lần hoang mang

chỉ là lão Tập mò sang

mà sơn phết mất chữ vàng đã bong

còn đây xương lính biển Đông

còn kia máu thắm nhuốm hồng biên cương

Hà Nội cũng ngang với Choang

Mai kia thành tỉnh...Quảng Nam, ngộ cười...”

 Xem ra, những lời cay đắng ấy không chỉ dành cho VTV hay cho Trung Quốc (!)

Nhã Nam


Rừng đã chết

"Rừng đã cháy và rừng đã héo
Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi..."
Có lẽ chưa bao giờ lời bài hát của Trịnh Công Sơn lại ứng vào hoàn cảnh Việt Nam như hiện tại. Những từ "rừng vàng, biển bạc" mà sách địa lý Việt Nam luôn dạy học sinh nay chỉ còn là chuyện cổ tích. Đọc trên báo chí mấy ngày qua, có một vụ cuốn hút nhiều dư luận, theo đó: vào ngày 7-12 một chiếc xe chở gỗ bị lật tại dốc Phù Huột, thuộc bản Tông, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An làm 10 người thiệt mạng, 7 người bị thương.

Nhưng sự việc không phải chỉ là một tai nạn thảm khốc, theo các báo Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng thuật lại thì người ta phát giác, trong số những người bị thương có các cán bộ kiểm lâm đi chung với xe chở gỗ lậu. Sau đó người ta còn phát giác xe chở gỗ lậu trên còn được "bọc lót" bằng một chiếc xe Ford màu đen đi sau và một chiếc xe Toyota Vios màu trắng bạc đi trước dẫn đường. Thế nhưng, khi xe gỗ lâm nạn, chiếc xe Toyota Vios quay lại và chiếc xe Ford chỉ cứu 2 kiểm lâm viên và chủ gỗ Hoàng Văn Chiến. Họ đã bỏ mặc phía sau 15 người thương vong và vờ như mình không biết, không thấy gì cả. Đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giam 4 cán bộ kiểm lâm, trong đó có Trịnh Thanh Long, Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Khi bị điều tra, ông "cấp trên" lập tức chối: "Họ muốn hạ thấp uy tín, vu oan cho tôi nên mới nói vậy. Tôi khẳng định xe gỗ ấy là của lâm tặc cấu kết với cán bộ kiểm lâm để vận chuyển trái phép, trong đó có nhân viên của tôi, còn tôi thì không hề hay biết gì !?”...

Như vậy, chỉ vì một xe chở gỗ lậu, lỡ bị tai nạn giao thông người ta mới phát hiện hàng loạt vấn đề: từ đường xá xuống cấp, đường dây cấu kết tham nhũng, người được giao bảo vệ rừng lại cũng là lâm tặc, điều đáng nói hơn cả là các cán bộ chỉ lo cứu nhau và nhẫn tâm bỏ mặc những người bị nạn nằm giữa đường rừng, trong đêm tối ... Rừng Việt Nam không héo tàn mới lạ. Giả sử không có vụ lật xe, ai biết được những chuyện thế này?

Trở lại chuyện xe gỗ lậu bị lật, một trạm trưởng kiểm lâm tên là Đào Công Thắng, người đi cùng xe chở gỗvà bị thương khi xe lật, và kiểm lâm viên Nguyễn Kim Hùng đã viết tường trình rằng họ được cấp trên (Trịnh Thanh Long) chỉ đạo đi theo xe để áp tải gỗ cho ông ta. Như vậy, theo lời khai của cán bộ kiểm lâm này, ít nhất có 6 cán bộ, nhân viên kiểm lâm có liên quan, trong đó khi số gỗ lậu được bốc lên chiếc xe bị nạn có mặt 5 cán bộ, nhân viên kiểm lâm. Cũng qua bản tường trình, người ta có thể thấy việc các cán bộ kiểm lâm cấu kết với nhau để khai thác rừng làm của riêng diễn ra khá nhẹ nhàng, tự nhiên. Đêm tối, giữa đường rừng hoang vắng, người có nhiệm vụ giữ rừng lại chính là kẻ phá rừng...  đúng là, có mà trời biết. Nhưng nếu theo dõi kỹ báo chí (cả báo chí truyền thống lẫn báo chí công dân) ta có thể thấy dễ dàng, sự nhũng lạm này xảy tại rất nhiều nơi, trong nhiều năm nay, đến nỗi chính nhà cầm quyền cũng phải gọi "tham nhũng là quốc nạn". Như vậy, trong một xã hội mà kẻ giữ quyền lực đã lợi dụng tối đa quyền của mình để tư lợi, bất chấp pháp luật cũng phản ánh nhiều ở những lãnh vực khác. Từ cấp thượng tầng nơi thủ đô cho đến giữa rừng hoang vắng như thời buổi hiện tại, chỉ có thể gọi đó là sự băng hoại quyền lực, là tham nhũng, là đua nhau xâu xé tài nguyên quốc gia cho tư túi.

Tài nguyên rừng ở Việt Nam hiển nhiên là quan trọng hàng đầu, (Theo điều tra của Phóng Viên Tuổi Trẻ, xe gỗ chở1 2 cột nhà (mỗi cột dài 5m), 18 xà và sáu bộ phản. Tất cả đều là gỗ trai (gỗ quý hiếm, nhóm 1, cấm khai thác)không chỉ là từ các sản phẩm, sản vật mà nó mang lại cho quốc gia, những cánh rừng từ đầu nguồn ngăn lũ, giữ nguồn nước và cân bằng sinh thái cho đến là mái nhà cho hàng chục sắc dân sinh sống, lưu giữ văn hóa đặc thù... còn có lợi ích lâu dài và to lớn hơn nữa. Hơn 30 năm nay, những cánh rừng bạt ngàn từ Bắc chí Nam đã bị tàn phá trơ trụi, những khu rừng quốc gia rỗng ruột (bên trong là trang trại của các quan chức dùng để làm giàu, săn bắn tiêu khiển) đã khiến thú rừng bị tận diệt, văn hóa sắc tộc mai một (nỗi căm hận người Kinh thêm sâu sắc), và bão lũ càn quét đồng bằng hàng năm... là những ví dụ tiêu biểu. Những lời cảnh báo từ việc giết rừng Việt Nam như bấy lâu nay, liệu có được quan tâm đúng mức?

Ảnh: chiếc xe chở gỗ bị nạn (Bưu Điện Việt Nam)

Cũng theo báo chí tường thuật, trên chiếc xe gỗ đó có 14 người phu khuân vác nằm ngủ trên đống gỗ, họ dùng bạt xe trùm kín thân mình vì đêm đó rất lạnh. Khi xe tuột dốc họ không thể nhảy ra ngoài vì vướng bạt và 10 người đã bị gỗ đè chết. Các cán bộ kiểm lâm thoát chết vì ngồi trong cabin, người nghèo đi "bốc" gỗ mướn chết thảm còn vì cán bộ chỉ cứu nhau, họ bị chết oan vì không ai cứu, h ọđã không được đối xử như những con người.

Có thể nói, sự kiện tai nạn thảm khốc của chiếc xe gỗ lậu bị lật là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính vẫn là sự băng hoại đạo đức của hệ thống quyền lực. Họ không hề đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu mà chỉ lo vơ vét đầy túi, họ không quan tâm đến đường sá giao thông, họ không quan tâm đến tài nguyên rừng bị cạn kiệt, không xem xét kiểm tra cán bộ thấu đáo, không cần biết ai chịu hậu quả vì phá rừng, không quan tâm đến số phận người nghèo... Khi bị bắt, họ chỉ đổ lỗi cho nhau để chối tội.

Rừng đã chết.

Lạc Việt

Thư yêu cầu trợ giúp cho Điếu Cày

Sài Gòn ngày 9 tháng 12 năm 2011

Thư yêu cầu trợ giúp

      
Kính gửi: Các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam

              Đồng kính gửi các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế.

 
Tôi tên Dương Thị Tân, hiện cư ngụ tại số 57/31 đường Phạm Ngọc Thạch
Phường 6, Quận 3, TP.Sài Gòn

Tôi viết thư này gửi đến quý vị mong nhận được sự trợ giúp khẩn cấp cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) người bị cơ quan an ninh điều tra TP.HCM bắt và đưa đi biệt tích kể từ ngày 20/10/2010 theo thông báo số 927/TB/ANĐT ngày 21/10/2010 của ANĐT – CÔNG AN TP.HCM là để điều tra về tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam (điều 88 bộ Luật Hình sự). Nhưng kể từ đó cho đến nay đã gần 14 tháng, nhưng gia đình tôi vẫn không được biết chính xác ông Nguyễn Văn Hải, là cha của các con tôi bị giam giữ ở đâu, sức khỏe ra sao, còn sống hay đã chết... Rất nhiều lần tôi gửi đơn thư yêu cầu đến cơ quan an ninh điều tra để mong biết được thông tin của ông Hải nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “Không được thăm gặp vì đang trong quá trình điều tra”.

Đã 14 tháng trôi qua người thân của chúng tôi vẫn bặt vô âm tín, mọi cố gắng của gia đình cũng như của luật sư đều bị cản trở mặc dù trong một lần tiếp xúc, chính cán bộ an ninh điều tra của công an tên là Phạm Văn Tấn đã khẳng định với tôi: “thời hạn tạm giam đã qua rồi”. Thưa các vị, không một điều nào trong hiến pháp cũng như trong bộ luật Tố Tụng Hình Sự ở Việt Nam cho phép công an có quyền giam giữ một công dân mà không cần xét xử, hoặc trong thời hạn tạm giam để điều tra không cho phép tiếp cận luật sư và cấm việc thăm nuôi gặp mặt của thân nhân họ. Công an Việt Nam đã vi phạm chính luật pháp của chính phủ cũng như vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền 10/12/1948 mà Việt Nam đã ký.

Thưa quý vị, hiện nay gia đình chúng tôi đang trong tình trạng tuyệt vọng vì lo lắng cho sự an nguy của thân nhân mình. Vậy nay tôi viết thư này, nhân ngày Quốc tế về Nhân quyền 10/12 và mong ước nhận được sự trợ giúp khẩn cấp từ phía quý vị, để những người Việt Nam dám đấu tranh vì quyền con người không bị lãng quên.

Nay kính thư

Sài Gòn 09/12/2011
Dương Thị Tân